Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Mở cánh cửa cho người khuyết tật từ quyền tiếp cận giao thông Mở cánh cửa cho người khuyết tật từ quyền tiếp cận giao thông

Mở cánh cửa cho người khuyết tật từ quyền tiếp cận giao thông

Hải Hà   •   1:47 18/04/2023

Hạ tầng giao thông thân thiện là cánh cửa đầu tiên để người khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng, đi học và mưu sinh. Cải thiện hạ tầng giao thông theo hướng thân thiện, đáp ứng nhu cầu tiếp cận của người khuyết tật mở ra nhiều cơ hội để họ khẳng định, nâng cao giá trị của bản thân…

Những bất cập về hạ tầng giao thông, những khoảng trống trong thực thi chính sách đã khiến một bộ phận không nhỏ người khuyết tật gặp khó khăn trong hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm cơ hội mưu sinh và khẳng định bản thân.

Bạn Lương Tuấn Cường, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội bày tỏ: “Người khiếm thị bọn em thì không cần nhiều đâu, chỉ cần mỗi thứ chuẩn chỉnh đi một chút. Bản đồ chuẩn một chút, phần mềm xe buýt chuẩn đi một chút, thái độ nhân viên chuẩn đi một chút thì lúc đó người khiếm thị bọn em có thể tiếp cận với các công trình giao thông công cộng".

Lối đi cho người khuyết tật bị xe máy, vật liệu xây dựng lấn chiếm

Lối đi cho người khuyết tật bị xe máy, vật liệu xây dựng lấn chiếm

Để cải thiện hạ tầng giao thông cho người khuyết tật dễ dàng tiếp cận, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, trước hết cần thay đổi tư duy của những người làm quản lý, quy hoạch, thiết kế hạ tầng giao thông theo hướng tôn trọng quyền bình đẳng tiếp cận của người khuyết tật. Chính quyền các địa phương, các nhà đầu tư khi xây dựng các công trình giao thông, công trình xây dựng cần chủ động thực hiện nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn về giao thông tiếp cận cho người khuyết tật.

Ông Minh cho biết thêm, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đang phối hợp với các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu theo hướng tích hợp các nội dung về an toàn giao thông vào trong các quy hoạch, không gian đi bộ để hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao thông.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức cho rằng, một trong những giải pháp trước mắt là làm thế nào nắm bắt nhu cầu của người khuyết tật, do vậy, cần tiến hành khảo sát, đánh giá số lượng NKT ở thành phố, vùng nông thôn nhằm xác định nhu cầu đi lại hàng ngày, những thuận lợi, khó khăn của họ khi sử dụng hạ tầng giao thông hiện nay.

“Trên cơ sở đó đề xuất các chiến lược tổng thể, các giải pháp cần ưu tiên, đặc biệt là các giải pháp hạ tầng và đưa vào trong các quy định, nghiên cứu khả thi, tiền khả thi”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Đinh Đăng Hải, cán bộ dự án Thành phố sống tốt của tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam cho rằng, để tránh tình trạng các công trình hạ tầng giao thông tiếp cận mang tính hình thức, không sử dụng được, bắt buộc các nhà quy hoạch, thiết kế phải tuân thủ các quy chuẩn. Trong khâu quy hoạch, thiết kế và xây dựng cần sự tham gia, đóng góp ý kiến của chính các đối tượng thụ hưởng là những người khuyết tật. Bên cạnh đó, tăng cường chất lượng của công tác giám sát thực thi đối với việc quản lý đầu tư xây dựng công trình đảm bảo giao thông tiếp cận đặc biệt quan trọng.

Từ kinh nghiệm thực tế quá trình tư vấn, giám sát và kêu gọi nguồn lực cải thiện hạ tầng giao thông tiếp cận tại một số địa phương, ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) nhấn mạnh vai trò của hoạt động giám sát.

Nếu địa phương xây dựng được cơ chế giám sát với sự tham gia của Hội người khuyết tật, thực hiện giám sát thi công ngay từ những khâu đầu sẽ tăng cường hiệu quả sử dụng của các công trình tiếp cận của người khuyết tật. Ngoài ra, cũng cần tăng nặng chế tài xử phạt đối với những trường hợp không tuân thủ, ông Cử cho biết thêm.

Nhìn thẳng vào thực tế hạ tầng giao thông đối với ngừoi khuyết tật hiện nay, KTS Nguyễn Tiêu Quốc Đạt - Phó Giám đốc, thành viên sáng lập Think Playgrounds cho rằng, rất cần một cái thái độ nghiêm túc, thực thi quy chuẩn hoặc những Thông tư hướng dẫn để hỗ trợ cho người khuyết tật.

Ngoài ra, cũng cần những sáng kiến cấp cộng đồng, cấp phường rồi từ cấp quận.Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá về hệ thống giao thông tiếp cận. Thông qua Bộ tiêu chí này, các địa phương sẽ biết mình đang ở đâu trong bảng xếp hạng về hệ thống giao thông tiếp cận, nắm được những bất cập trong khâu chính sách, hạ tầng hoặc phương tiện để từ đó có những định hướng đầu tư nguồn lực cải thiện lỗ hổng hiện có.

Hiện nay, Viện Chiến lược và Chính sách phát triển GTVT đang là đơn vị được Bộ GTVT giao xây dựng Bộ Tiêu chí này.

Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Bộ GTVT đề xuất cần sớm ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá về hạ tầng giao thông tiếp cận để các địa phương chủ động đo lường và đầu tư định hướng đối với hệ thống hạ tầng, phương tiện. Bộ tiêu chí này cũng đang nằm trong Kế hoạch xây dựng trong giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT.

“Chúng tôi rất mong Bộ tiêu chí cũng đóng góp cho cộng đồng các địa phương trong việc tăng cường hệ thống giao thông tiếp cận và hướng tới một hệ thống giao thông không rào cản”, ông Chung kỳ vọng.

Một số chuyên gia đề xuất, cần đẩy mạnh ứng dụng chia sẻ thông tin, dữ liệu và công nghệ số ví dụ như các bản đồ số, bản đồ âm thanh và các ứng dụng điện thoại giúp người khuyết tật dễ dàng tiếp cận các thông tin về các chính sách pháp luật ưu tiên cho người khuyết tật, các thông tin về điểm, tuyến xe bus…

Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền, lợi ích của người khuyết tật trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy quyền và sự hòa nhập của người khuyết tật.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu mà Việt Nam đã đưa ra, từ chủ trương đến chính sách và đi vào cuộc sống, cần đồng bộ và đảm bảo nhất quán, để chính sách được thực thi hiệu quả và để người dân được thụ hưởng, nhất là nhóm yếu thế như người khuyết tật.

Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền, lợi ích của người khuyết tật trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử. Bản thân người khuyết tật cũng khát khao được hòa nhập với cộng đồng, tìm kiếm thêm các cơ hội mưu sinh và khẳng định bản thân. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, các chính sách cần đồng bộ và đảm bảo nhất quán, quá trình thực thi hiệu quả và tôn trọng những giá trị, sự đóng góp của người khuyết tật.

Khi những con đường giao thông hàng ngày trở nên thân thiện, dễ tiếp cận với người khuyết tật, là lúc họ có thể dễ dàng mưu sinh và “chạm” đến những ước mơ của mình