Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Gian nan hành trình đầu tư bãi đỗ xe Gian nan hành trình đầu tư bãi đỗ xe
Nhóm PV   •   10:15 12/05/2023

Hà Nội đang ở giai đoạn ba của kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự đô thị trong năm 2023, nhằm chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, “đòi lại” nguyên trạng vỉa hè, lòng đường khỏi các hành vi kinh doanh, buôn bán, đặc biệt là trông giữ phương tiện sai quy định.

Không ít ý kiến của người dân và cả các chuyên gia bày tỏ sự bi quan về hiệu quả của chiến dịch này, với lý do: Dẹp hết bãi xe trái phép thì lấy đâu ra chỗ mà đỗ, trong khi bãi đỗ xe theo quy hoạch thì chẳng thấy đâu!”.

Vậy rốt cuộc, những bãi đỗ xe thực thụ mà Hà Nội cần đang ở đâu? Tại sao một thành phố với gần 8 triệu phương tiện lại trở nên quá phụ thuộc vào các bãi đỗ xe “lậu”? Ai dám đi đầu tư bãi đỗ xe theo quy hoạch vào lúc này? Và những nhà đầu tư, họ gặp trở lực nào trong hành trình đầy gian nan ấy. Phía sau những khóc khuất, liệu Hà Nội có thực sự muốn làm bãi đỗ xe?

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, việc dẹp bỏ các bãi đỗ xe “lậu” nói riêng và các bãi đỗ xe tạm thời nói chung chính là một trong những lời giải bền vững, làm bùng nổ nền dịch vụ trông giữ xe hợp pháp cho thành phố này. Chính quyền đô thị cần kiên định với mục tiêu giành lại bằng được không gian công cộng khỏi bị lấn chiếm bởi các hoạt động trông xe trái phép.

Sinh sống tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, ngay sát bãi đỗ xe cao tầng thông minh Nguyễn Công Hoan, nhưng anh N.T.T lại chọn gửi ô tô cá nhân tại một bãi xe tự phát trong sân một cơ quan nhà nước.

Theo anh T., dù biết gửi trong bãi xe hợp pháp sẽ yên tâm hơn về an ninh, phòng chống cháy nổ, nhưng anh phải cân nhắc kỹ vì chịu chi phí gấp đôi, lại mất thêm thời gian khi đánh xe ra vào giàn thép: “Nếu người ta hướng dẫn đi vào khu vực đỗ xe mới lấy tiền thì có. Mình thấy ở đâu cũng thế thôi, nhất là khu vực Hà Nội này phát sinh nhiều điểm đỗ xe tự phát thì không tránh khỏi. Nhưng mà nếu để khuyên người khác thì để an toàn, tôi vẫn khuyên mọi người nên vào khu vực có giấy phép, có phòng chống cháy nổ”.

Trường hợp giống như anh N.T.T. không phải là hiếm. Theo lời một nhân viên tại bãi xe thông minh Nguyễn Công Hoan, họ phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ một bãi trông xe bất hợp pháp trên vỉa hè phố Ngọc Khánh một thời gian dài (đến năm 2022 mới bị dẹp), và một bãi xe trong trụ sở một Tổng cục gần đó.

Người nhân viên này nói: “Công ty tôi hóa đơn xuất ra là 3 triệu đồng/xe/tháng. Bãi đỗ xe ở ngoài họ thu giá thấp. Người dân thì cứ thấy chỗ nào rẻ hơn thì họ gửi thôi. Nếu vào đây thì nhiều người họ lùi không được tốt, giàn thép không rộng như ngoài vỉa hè kia, vào đây họ cảm thấy hơi khó khăn”.

“Chúng tôi bị cạnh tranh thiếu lành mạnh”, đó là lời tâm sự đầy trăn trở của ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. Tham gia thị trường bãi đỗ xe thông minh tại Thủ đô từ rất sớm, khoảng 8 năm nay, Công ty Điểm đỗ Hà Nội đã vận hành hai giàn thép đỗ xe cao tầng tại phố Nguyễn Công Hoan (quận Ba Đình) và đường Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm).

Mặc dù vậy, tỉ lệ lấp đầy của chúng chỉ đạt khoảng 70%, mức vừa đủ để duy trì hoạt động. Ông Vinh nói, “muốn đạt hiệu quả, tỉ lệ ấy phải là 90%”: “Giàn thép đỗ xe cao tầng nếu tính hiệu quả 1 diện tích đất như vậy để chứa nhiều xe thì ai cũng thấy hiệu quả. Tuy nhiên vốn đầu tư lớn, các bãi xe lậu xung quanh dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Ví dụ 2 giàn thép thực hiện theo giá trong quy định 44 của UBND TP, giá từ 2-3 triệu/xe/tháng. Các bãi xe lậu có thể là trụ sở của các cơ quan, các khu đất chờ dự án. Họ không phải trả tiền thuê đất, không phải có người tổ chức trông giữ mà chỉ tận dụng bảo vệ của cơ quan và khu đất dự án đó, đâm ra họ cứ nhận xe và trông với giá rất rẻ".

Chung cảnh ngộ là bãi đỗ xe ngầm dưới công viên Mễ Trì Hạ tại quận Nam Từ Liêm. Trước thời điểm 2022, khi bãi xe này chưa bị tạm đình chỉ hoạt động, Chị H.T.H., cư trú trong khu vực, cũng không lựa chọn gửi xe hơi tại đây. Nguyên do bởi có tới 3 bãi xe tự phát mọc lên bao vây bãi xe ngầm Mễ Trì Hạ, lựa chọn đa dạng và giá gửi xe lại thấp hơn gấp 3 lần.

“Mình đi ô tô mình hiểu nỗi khổ của người đi tìm chỗ đỗ xe. Mình rất mong muốn có chỗ đỗ xe hợp lý, bất kể chỗ nào cho người đi ô tô tiện đỗ xe. Đương nhiên, phải phù hợp với từng khu, không thể sân chơi cho trẻ nhỏ mà mang ra làm chỗ đỗ xe được”, chị H.T.H nói.

Chia sẻ với VOV Giao thông vào năm 2021, đại diện đơn vị vận hành bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì Hạ cho biết, công suất tối đa của bãi xe có thể chứa 700 xe tại 3 tầng hầm, tuy nhiên, tỉ lệ lấp đầy chỉ đạt trên 30%.

Với tổng mức đầu tư 215 tỷ đồng, được thuê đất trong 50 năm, nhà đầu tư này kỳ vọng, dự án sẽ đạt hiệu quả kinh tế khi tỉ lệ lấp đầy đạt trên 90%, với mức giá trông giữ xe tăng lên theo từng năm, dao động từ 2,5 triệu đồng-4 triệu đồng/xe/tháng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư này vẫn bị cạnh tranh gắt gao từ các bãi đỗ xe tự phát:

“Ở ngay đường Phạm Hùng, chỗ hành lang vỉa hè có hàng trăm xe đỗ thì ở đấy cũng là bãi tự phát. Hay những ô đất dự án chưa làm, người ta tận dụng chỗ đấy làm bãi đỗ xe. Ý thức người dân mình giờ vẫn chưa muốn đưa xuống hầm, vì muốn tiện lợi, họ muốn đỗ cái là xuống được ngay quán ăn, nên họ thích đỗ vỉa hè, lòng đường. Đó là thực trạng chung của thành phố rồi”.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang nhận định, tình thế tiến thoái lưỡng nan của các bãi đỗ xe đã thành hình theo quy hoạch bắt nguồn từ chính sự buông lỏng quản lý không gian công cộng, không xử lý triệt để các bãi đỗ xe tự phát mọc lên như nấm trên vỉa hè, dưới lòng đường.

Điều kiện tiên quyết để tạo sự lành mạnh, công bằng cho môi trường đầu tư bãi đỗ xe ở Hà Nội là chính quyền đô thị cần kiên quyết xử lý hiện tượng lấn chiếm lòng, lề đường, nói không với sự thỏa hiệp một cách tạm bợ cùng những bãi đỗ xe “lậu”.

Theo ông Quang, không chỉ ảnh hưởng chính sách giao thông tĩnh, sự trỗi dậy của các bãi xe trên vỉa hè, dưới lòng đường đang đi ngược lại chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải công cộng của chính thành phố này:

“Những người sử dụng ô tô được tạo điều kiện đỗ tự do, đỗ xe thuận lợi thì không dại gì người ta từ bỏ phương tiện cá nhân để tham gia giao thông công cộng. Thành phố cần quản lý chặt việc đỗ xe trên hè, dưới lòng đường, khi đó mới khuyến khích được tư nhân đầu tư bãi xe này. Vì khi đỗ xe ở hè phố thuận lợi hơn thì không ai dại gì để xe vào bãi ngầm, bãi cao tầng cả”.

Một dự án hiện đại trị giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng bị vô hiệu hóa bởi một nhóm lợi ích chỉ cần đầu tư một lọ sơn 10 nghìn đồng, kẻ vạch hè phố rồi vẫy xe thu tiền. Đó là hiện trạng nhức nhối, một vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ trương khuyến khích đầu tư bãi đỗ xe của Hà Nội.

Nhưng đó mới chỉ là một trong nhiều khó khăn, thách thức mà các nhà đầu tư phải đối mặt.

Để tìm hiểu những góc khuất phía sau các dự án đầu tư bãi đỗ xe, nhóm phóng viên đã thực hiện khảo sát với ba loại dự án khác nhau: Những dự án chưa thành hình, những dự án đang triển khai, và những dự án đã hoàn thành.

Một thống kê rất đáng chú ý của UBND TP.Hà Nội cho thấy, đến tháng 7/2022, thành phố có 96 dự án bãi đỗ xe. Trong đó chỉ 18 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động; 12 dự án thu hồi, chấm dứt đầu tư; còn lại là đang thực hiện hoặc chưa triển khai thủ tục đầu tư.

Chia sẻ với VOV Giao thông, ông Đào Việt Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư & kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận, chủ đầu tư dự án bãi đỗ xe, điểm trung chuyển hàng hóa tại ô đất A11/P2, Đại lộ Chu Văn An, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội bày tỏ nhiều trăn trở.

Bãi đỗ xe của công ty Vạn Thuận đã hoàn thiện đầu tư được khoảng 90%, nhưng để vận hành có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội lại rất vướng mắc.

Theo ông Hùng, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt bãi đỗ xe này nhằm mục đích trung chuyển hàng hóa và đỗ xe tĩnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, Sở GTVT Hà Nội, và sau này là UBND quận Hoàng Mai chỉ chấp thuận chức năng bãi đỗ xe tĩnh, cấm hoạt động đón, trả khách hoặc xếp dỡ hàng hóa, đóng gói sang tải và bảo quản hàng hóa tại nơi trông giữ xe.

Theo ông Đào Việt Hùng, công ty Vạn Thuận đã đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể để thực hiện chức năng theo đúng chủ trương đã phê duyệt cho dự án. Trong quá trình chờ đợi, doanh nghiệp này như “ngồi trên đống lửa”, bởi bãi xe rộng 2,5 héc-ta, nằm bên ngoài vành đai 3, nếu chỉ có chức năng bãi xe tĩnh thuần túy, sẽ phá sản phương án tài chính, khi hàng ngày chỉ thu hút được chừng 40 xe đến gửi.

“Về mục tiêu dự án làm bãi đỗ xe trung chuyển hàng hóa thì hiện tại còn nhiều bất cập trong câu từ, trong quy định của Nhà nước. Do vậy, nhu cầu xe tải nhỏ đỗ để trung chuyển hàng hóa đi các tình phía Bắc rất lớn nhưng chưa được khai thác.

Có rất nhiều nguyên nhân, căn cứ vào các văn bản, quy định để xét chiếu, công ty vẫn thực hiện được, nhưng một số cơ quan quản lý chưa thống nhất về vấn đề đó để giao nhiệm vụ cho chúng tôi. Hàng năm, công ty phải trả 4,5 tỷ-5 tỷ đồng tiền thuế đất, mà không biết công ty sẽ tồn tại đến bao giờ. Để hoàn thiện được một thủ tục này thì vô cùng khó”, ông Đào Việt Hùng nói.

Với mong muốn góp một tiếng nói mang tính xây dựng với thành phố Hà Nội, ông Đào Việt Hùng cho rằng, ở góc độ nhà đầu tư, trong quá trình thực hiện các thủ tục, có rất nhiều “nỗi đau”. Mà điển hình nhất là thủ tục đấu thầu. Đó cũng là lý do khoảng 7 năm trở lại đây, hầu như không có bãi đỗ xe quy mô trên 1 héc-ta nào do tư nhân đầu tư được hoàn thành, khai thác trọn vẹn ở Hà Nội.

“Nản chí nhất là thủ tục đầu tiên, khi doanh nghiệp đi tìm được quy hoạch, đi kiểm tra vị trí, doanh nghiệp kết hợp với địa phương để trình bày một phương án. Một là quận/huyện, hai là Sở Kế hoạch đầu tư sẽ báo cáo phương án, chiến lược đầu tư của dự án. Sau đó, căn cứ đề xuất, TP.Hà Nội sẽ giao địa phương tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư.

Nhưng khi đấu thầu, những doanh nghiệp làm thật thì vô cùng ít, còn những doanh nghiệp nhảy vào để khuấy nó lên, kiếm lợi nhuận, có đơn vị người ta có thể đưa vào để coi đó như một món hàng thương mại thì cũng rất nhiều. Hoặc người ta chỉ để đó thôi, đây là không chỉ làm khó cho nhà đầu tư mà còn khó cho cả nhà nước nữa, vì căn cứ vào đó, người ta sẽ không tìm được nhà đầu tư thực thụ”, ông Đào Việt Hùng chia sẻ.

Hoàn thành dự án và đi vào hoạt động, các nhà đầu tư vẫn chịu sự cạnh tranh thiếu lành mạnh từ các bãi đỗ xe tự phát. Ngoài ra, thu hồi vốn chậm bởi vốn đầu tư ban đầu cho các bãi xe ngầm, thông minh rất lớn.

Hoàn thành dự án và đi vào hoạt động, các nhà đầu tư vẫn chịu sự cạnh tranh thiếu lành mạnh từ các bãi đỗ xe tự phát. Ngoài ra, thu hồi vốn chậm bởi vốn đầu tư ban đầu cho các bãi xe ngầm, thông minh rất lớn.

Đồng quan điểm, đại diện đơn vị vận hành bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì Hạ, một dự án hiếm hoi xây 3 hầm ngầm đã hoàn thành, cũng chia sẻ băn khoăn về quy định mới liên quan đấu thầu đất công. Bởi sau khi nhà đầu tư đã bỏ công sức ra để trình phương án quy hoạch khả thi, thì lại gặp nỗi sợ “quân xanh, quân đỏ” khi đấu thầu.

Vị đại diện này nói thêm: “Khó khăn nhất bây giờ, Luật Đất đai mới quy định, tất cả phải mang ra đấu thầu. Đơn giản là khi nhà đầu tư đã làm hết các thủ tục rồi, thì lúc đấy lại mang đất ra đấu thầu, thì lúc đấy giải quyết như thế nào cho nhà đầu tư?”

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện một số dự án bãi đỗ xe ở Hà Nội bị vướng mắc kéo dài tới cả chục năm, doanh nghiệp đã nhập thiết bị, máy móc về rồi nhưng chưa được thực hiện. Những dự án bãi đỗ xe cao tầng, thông minh bị “treo” và bất đắc dĩ trở thành các bãi đỗ xe cấp phép tạm thời trên chính đất dự án.

Nguyên nhân một phần do thủ tục giao đất bị vướng khi hệ thống văn bản pháp luật có nhiều thay đổi chỉ trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là Luật quy hoạch, Luật quy hoạch đô thị, Luật xây dựng.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, nhận định:“Các thủ tục, quỹ đất để đầu tư ở khu vực nào, cơ chế chính sách mà thành phố hỗ trợ cho doanh nghiệp cần cụ thể hơn nữa, thực ra mới chỉ hỗ trợ về vốn, lãi vay, tiền thuê đất. Nhưng nếu để quá trình triển khai dự án thì thường diễn ra lâu, không được như mong muốn.

Ví dụ dự án được thành phố hỗ trợ đầu tư 10-20 năm nhưng dự án mất mấy năm rồi, nếu làm dự án nhanh cũng phải 2-3 năm, còn chậm thì 5 - 7 - 10 năm. Nhiều khi văn bản giấy tờ vẫn còn vướng mắc nhiều thứ nữa, thành phố cũng nên nghiên cứu để các doanh nghiệp tham gia đầu tư, mặn mà đầu tư các bãi đỗ xe phục vụ cho Hà Nội”.

Ông Phan Trường Thành, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận, vấn đề giao đất, đấu thầu đất đang là một trong những vướng mắc lớn với các dự án đầu tư bãi đỗ xe. Nội dung này, cũng như các bước, thủ tục theo quy định của pháp luật, cần sự chung tay tháo gỡ, hướng dẫn chi tiết giữa các đơn vị chuyên môn của thành phố với các nhà đầu tư.

“Theo luật bây giờ cứ đất công là phải đấu thầu, nhưng khi dự án triển khai lại xử lý chuyển tiếp, xen kẹt, đấy là bài toàn rất khó. Tôi được biết, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện là chỗ khó để tháo gỡ cho nhà đầu tư, do vậy có tình trạng nghe ngóng. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng, thời gian cho thuê đất 10-20 năm là chưa đáp ứng yêu cầu.

Sau này trong quá trình thực hiện, các nhà đầu tư cần mạnh dạn kiến nghị, đề xuất rõ ràng. Anh thấy khó ở bước nào phải nói, chứ không phải thấy khó là thôi không làm nữa. Mà khi đã báo cáo đầy đủ rồi thì trách nhiệm của Hà Nội, bất cứ sở ngành nào cũng phải tìm cách tháo gỡ, chứ không thể để dự án cứ chôn chân mãi như vậy được”, ông Phan Trường Thành cho biết.

Quy định được tạo ra là để phục vụ nhu cầu của con người. Và vì vậy, những khó khăn về văn bản quy phạm pháp luật đều có thể được chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn đời sống.

Không phải ngẫu nhiên, hầu hết các nhà đầu tư mà VOV Giao thông tiếp cận đều cho rằng, điều họ mong muốn nhất ở chính quyền đô thị là sự ủng hộ, đồng hành của bộ máy quản lý, thực thi chính sách. Bởi yếu tố con người luôn đóng vai trò trung tâm, chủ chốt để quyết định dự án nhanh hay chậm, thành hay bại.

Trước những khó khăn, vướng mắc và cả những “nỗi đau” của các nhà đầu tư trong lĩnh vực giao thông tĩnh, họ đang mong mỏi điều gì ở các nhà làm chính sách, các nhà quản lý đô thị? Yếu tố nào là “nút thắt” trong việc tạo được môi trường đầu tư hấp dẫn với các dự án bãi đỗ xe, vốn được xem là “chây ì, phá sản” suốt 20 năm qua?

Trong quá trình tiếp cận các nhà đầu tư bãi đỗ xe, nhóm phóng viên gặp rất nhiều rào cản, đặc biệt là vấn đề tâm lý của họ. Có người từ chối thẳng thừng, vì đã rời khỏi ngành, lại vướng vào ầm ĩ kiện tụng. Có người ngại động chạm, từ chối trả lời phỏng vấn. Cũng có người nhận lời nhưng chia sẻ khá rụt rè.

Trạng thái này không khó lý giải, bởi nếu đi sâu vào phân tích sẽ làm lộ khá nhiều điểm hạn chế, cần cải thiện của hệ thống các ban, ngành chức năng và địa phương.

Dù vậy, vẫn có những nhà đầu tư thực sự tâm huyết và mong muốn đóng góp ý kiến mang tính xây dựng với Hà Nội.

Một nhà chuyên môn giấu tên trong lĩnh vực đầu tư bãi đỗ xe bày tỏ trăn trở, những điểm được quy hoạch, giao cho các doanh nghiệp đầu tư bãi đỗ xe phần lớn đều chưa được “đẹp” cả về vị trí lẫn tính pháp lý. Vì vậy, thành phố cần ưu tiên các ô đất “sạch”, vị trí đắc địa để lựa chọn làm bãi đỗ xe:

“Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án liên quan khu vực, khu đất không thuận lợi như đất xen kẹt, đất mương hóa như Phan Kế Bính, thì việc đầu tư bình thường đã tương đối khó khăn, nhưng với những dự án như này thì các quy định, thành phố cũng đang phải bổ sung, hoàn thiện.

Một phần nữa, chi phí đầu tư rất lớn so với những khu đất thuận lợi hơn. Hiệu quả chắc chắn không bằng. Đánh giá việc đầu tư thế nào thì cần các cơ chế rõ ràng, phù hợp hơn bây giờ thì mới triển khai được”.

Nhà đầu tư này cũng khẳng định, đầu tư dự án bãi đỗ xe là lĩnh vực đặc thù, cần cơ chế đặc thù để đẩy nhanh quá trình thực hiện thủ tục và nghĩa vụ với nhà nước, tránh hiện tượng dự án có thời hạn 30 năm thì mất tới 10 năm vẫn chưa xong được thủ tục đầu tư: “Các thủ tục đầu tư, đặc biệt liên quan đất đai và nhà đầu tư, trong đó nhà đầu tư dự án phải tuân theo quy định 3 luật là Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai.

Nếu không có cơ chế riêng thì rất khó triển khai. Ngay bước đầu xác định nhà đầu tư đã khó khăn rồi, chưa kể là các thủ tục đầu tư. Theo tôi, mức giá cũng nên áp dụng riêng với những bãi đỗ xe ứng dụng công nghệ để sớm thu hồi vốn, thì mới thu hút được các nhà đầu tư”.

Trong khi đó, đại diện đơn vị vận hành bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì Hạ cũng cho biết, rất chật vật với bài toán kinh tế của dự án, phải cân đối thời gian thu hồi vốn sau khi đã chi 215 tỷ đồng nhưng công suất 3 hầm gửi xe chưa vượt quá non nửa.

Vị này khẳng định, các dịch vụ kinh doanh trong diện tích dự án (từng bị cơ quan chức năng “tuýt còi”) là chẳng đặng đừng. Về lâu dài, doanh nghiệp này vẫn mong muốn tạo nguồn thu bền vững, an toàn từ hoạt động trông giữ phương tiện, với điều kiện các cơ chế khuyến khích phải thực sự hiệu quả.

Cùng nỗi băn khoăn, ông Đào Việt Hùng, chủ đầu tư bãi đỗ xe, điểm trung chuyển hàng hóa tại ô đất A11/P2, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (hay còn gọi là bãi đỗ xe Vạn Thuận) cũng nêu quan điểm: Mấu chốt là thành phố lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực và tâm huyết.

Nhưng ngay từ khâu đấu thầu, đã có rất nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh khi nhiều đơn vị không có ý định đầu tư nghiêm túc cũng tham gia, làm lệch lạc môi trường đầu tư. Một khi đã tìm được nhà đầu tư phù hợp, đủ năng lực, các thủ tục sau đấu thầu, sau giải phóng mặt bằng đều không phải khó khăn quá lớn.

Ông Đào Việt Hùng nêu những khó khăn mà các chủ đầu tư thực thụ thường gặp phải trong quá trình triển khai dự án bãi đỗ xe: “Vướng mắc cái đầu tiên là các bãi đỗ xe chính thống thường mắc về hạ tầng chưa thống nhất, đường ra vào bị vướng.

Thứ hai là khi quy hoạch các bãi đỗ xe, các bến xe, người ta cho các tiêu chí, mục tiêu về kinh doanh rất hạn hẹp, làm hạn chế mất các đối tượng vào khai thác dịch vụ. Do vậy, doanh nghiệp rất khó khăn trong khoản thu nhập”.

Minh bạch, nghiêm minh trong thực thi pháp luật, đó cũng là mong mỏi của ông Đào Việt Hùng khi đề cập đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh từ các bãi đỗ xe tạm, bãi xe trái phép.

Theo ông Hùng, song song với việc dẹp bỏ các bãi xe cạnh tranh trái pháp luật, Hà Nội cần ưu tiên lựa chọn, đồng hành với những nhà đầu tư tâm huyết, đủ năng lực thực hiện dự án: “Khi chúng ta đã lựa chọn được những nhà đầu tư thực sự, chúng ta cần bảo hộ họ, giúp đỡ họ và tạo cho người ta sân chơi bình đẳng để họ thực hiện đúng.

Khi đó sẽ được rất nhiều thứ, giải quyết rất nhiều khâu trong đời sống xã hội, chúng ta sẽ trở thành hiệu ứng tốt trong mọi mặt xã hội, không riêng gì đầu tư giao thông tĩnh”

Hoan nghênh những ưu đãi mà Hà Nội đang áp dụng để khuyến khích đầu tư bãi đỗ xe, ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội cũng có cùng nhận định, và ủng hộ hướng đi mà thành phố đang tiếp cận là dẹp bỏ các bãi đỗ xe trái phép lấn chiếm lòng, lề đường, khu vực công cộng, qua đó tạo sức hút cho các bãi đỗ xe hợp pháp đã được xây dựng hiện đại.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Vinh: “Đối với văn bản mới nhất của UBND TP. Hà Nội thì đó cũng là khuyến khích cho các nhà đầu tư. Về góc độ quản lý thì hiện nay còn nhiều đơn vị cạnh tranh không lành mạnh, ví dụ tôi có thể đầu tư bãi đỗ xe cao tầng ở khu đất nào đấy, nhưng bên cạnh đấy lại có khu đất chờ dự án, khuân viên của cơ quan đoàn thể nào khác.

Chủ trương không cho phép họ trông xe, thế nhưng buổi tối, đêm hay thiếu sự kiểm tra của lực lượng chức năng thì họ cứ tổ chức để trông giữ xe, cái đó là cạnh tranh không lành mạnh và là rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư thực hiện các bãi đỗ xe cao tầng”.

Phân tích thế bế tắc của hệ thống giao thông tĩnh tại Hà Nội, Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức cho rằng, dù rất lùng bùng, rắc rối, đặc biệt vướng vấn đề pháp lý, nhưng nếu quyết tâm và kiên trì vẽ ra sơ đồ một cách logic, từng vấn đề sẽ được bóc tách và giải quyết được. Chính quyền thành phố cần nhìn nhận thẳng thắn và không né tránh. Cần thiết, có thể làm thí điểm những dự án ưu tiên, các ban ngành đồng loạt vào cuộc, đồng hành với doanh nghiệp để sớm giải quyết được nhu cầu bức thiết của xã hội.

“Cái hành chính công ở chúng ta cần cải tiến, khoa học hơn nữa. Làm gì mà không làm được, tôi nghĩ cương quyết là làm được. Chúng ta nhiều người giỏi lắm, nhưng phải tập hợp lại. Nếu một đơn vị đến Sở TN-MT mà không giải quyết, ông phải trả lời, nêu lý do tại bộ phận ấy.

Cần phải có đầu mối, chứ cứ chung chung, cha chung không ai khóc, chả biết gặp ai để giải quyết, lúc gặp ông A, gặp ông B, người ta chán. Những nhà đầu tư họ không những làm việc này còn làm việc khác với thành phố được, đi với nhau dài dài. Có nhà đầu tư rất tâm huyết, họ rất muốn đóng góp”, Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức phân tích.

Có thể nói, tình trạng thiếu vắng các bãi đỗ xe được đầu tư bài bản theo quy hoạch có nguyên nhân từ việc lợi ích của nhà đầu tư chưa được đảm bảo, họ phải hoạt động trong một môi trường muôn trùng khó khăn, vừa lạc lối trong các văn bản quy phạm pháp luật, vừa bế tắc trong “rừng” quy trình, thủ tục từ các sở ngành, địa phương.

Vậy đáp lại những mong mỏi, “lời gan ruột” của các nhà đầu tư, thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ có những động thái nào để cải thiện tình hình? Đồ án quy hoạch mới có điểm gì tiến bộ, đột phá?

Liệu Hà Nội có triển khai kịp các mục tiêu về giao thông tĩnh, qua đó giảm phụ thuộc vào các bãi trông giữ xe tạm thời?

VOV Giao thông sẽ tiếp tục làm rõ những nội dung này trong chuyên mục Hành trình phóng viên tiếp theo.