Gần 2.300 tỷ đồng xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa
Lê Tùng - 03/08/2022 | 22:33 (GTM + 7)
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa, với tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là hoàn thành các hạng mục thi công dở dang, tránh lãng phí nguồn vốn Nhà nước đã đầu tư tại đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, góp phần chia sẻ lưu lượng với các trục dọc vùng Đông Nam bộ, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được triển khai thi công từ quý IV/2009 nhưng đến năm 2011 bị buộc phải dừng, giãn tiến độ (Ảnh minh họa: Công luận)
Theo quyết định của Bộ GTVT, dự án có điểm đầu tại xã Trừ Văn Thô (thuộc huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), còn điểm cuối giao với Quốc lộ N2 (thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Tổng chiều dài dự án khoảng 72,75km (không bao gồm cầu vượt và nút giao với Quốc lộ 22 đã được đầu tư) với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương đường cấp III đồng bằng, tiêu chuẩn hình học phù hợp đường cao tốc, vận tốc thiết kế đạt 100km/h.
Dự án có bề rộng nền đường là 12,25m; bề rộng mặt đường là 11,25m; lề đất 2 bên rộng 1m; giữ nguyên theo hướng tuyến hiện hữu đang thi công dở dang, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo cấp đường.
Tổng mức đầu tư sơ bộ dự án là 2.293 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 2.178 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 – 2030 rơi vào khoảng 115 tỷ đồng.
Dự kiến chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2025.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tận dụng tối đa các hạng mục đã thi công và không trùng lặp khối lượng, phù hợp với điều kiện thực tế (đặc biệt là cầu Thanh An), đảm bảo khả năng thoát nước.
Cùng với đó, tổ chức rà soát kết quả tính toán thiết kế các cầu đang thi công dở dang để đề xuất tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho phù hợp; căn cứ khối lượng theo hồ sơ thiết kế, rà soát, cập nhật định mức, đơn giá hiện hành theo quy định; rà soát chặt chẽ về khối lượng xây dựng, biện pháp thi công, nguồn cung cấp vật liệu, đơn giá, định mức xây dựng; tính toán chi phí dự phòng, trượt giá trên cơ sở chỉ số giá xây dựng, tiến độ thực hiện dự án theo quy định... làm cơ sở xây dựng tổng mức đầu tư của công trình.
Theo Bộ GTVT, Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa chính thức thi công từ Quý IV/2009, nhưng đến năm 2011, bị buộc phải dừng, giãn tiến độ. Về tổng thể, dự án mới hoàn thiện 10/83km, vẫn còn 73km nữa mới xong nền đường, nên chưa thể đưa vào khai thác.
Tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Công an đã đề xuất việc cấm tua công tơ mét để đảm bảo tình trạng kỹ thuật của phương tiện. Với thực tế hiện nay, điều này có thể thực hiện được không?
12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 đã khởi công được gần 9 tháng, tức là thời gian thi công đã gần hết 1/3 chặng đường, tuy nhiên nhiều mỏ vật liệu dù đã được giao cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù, nhưng để khai thác được lại đang vướng đền bù, gây khó khăn cho nhà thầu.
Truyền tải hiệu quả thông điệp chuyển đổi, phát triển xanh, sạch và bền vững sẽ góp phần quan trọng cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khi ô tô điện đang dần chiếm ưu thế, càng có nhiều người cân nhắc tới việc chuyển sang dùng phương tiện này. Tuy nhiên, hạ tầng trạm sạc cũng phải theo kịp số lượng người dùng. Nhưng tại Mỹ, một trong những quốc gia dẫn đần về ô tô điện, hạ tầng trạm sạc đang là nỗi thất vọng với không ít lái xe.
Dịp Lễ Quốc Khánh 2/9 vừa qua đã có thêm 2 tuyến đường bộ cao tốc là Quốc lộ 45- Diễn Châu và Diễn Châu - Nghệ An chính thức được thông xe, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc được khai thác của cả nước lên hơn 1800km.