Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Bệnh viện quá tải trở lại, cần sớm gỡ nút thắt thiếu thuốc, vật tư y tế

Chu Đức - Sở Nguyên - 28/08/2022 | 6:30 (GTM + 7)

Những ngày này, các bệnh viện công trên địa bàn Hà Nội, bệnh nhân dồn về rất đông. Nguyên nhân một phần do dịch bệnh cúm, các bệnh theo mùa nổi lên, một phần khác, sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, người dân yên tâm quay trở lại bệnh viện thăm khám và điều trị, trong bối cảnh y tế cơ sở chưa thể đáp ứng.

Quá tải bệnh viện cũng gây áp lực lớn lên tình trạng sẵn sàng về vật tư, thuốc men. Người dân phải tự đi mua kim tiêm, bông băng, một số thuốc hiếm phải chờ khiến tăng thời gian và chi phí của người dân.

Thông tin từ bệnh viện hữu nghị Việt Đức, một bệnh viện hạng đặc biệt ở Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng bệnh nhân tới khám điều trị tăng đột biến. Cụ thể là tăng gấp rưỡi, hơn 168 nghìn bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2021. Số ca phẫu thuật rất lớn khoảng 35 nghìn ca, tăng hơn 6.000 ca, chụp xquang, cộng hưởng từ tăng gấp đôi…

Nguyên nhân một phần do cơ sở y tế tuyến dưới quá tải, trang thiết bị vật tư thuốc men nhiều nơi thiếu nên bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến dồn về các bệnh viện tuyến Trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc bệnh viện Việt Đức chia sẻ: “Bình thường giờ hành chính làm 8 tiếng, còn có các chế độ trực ngoài giờ, trực đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết.

Thế nhưng Bệnh viện đã bố trí nhân lực làm thêm ngoài giờ, triển khai các phòng khám ban đầu từ 6h sáng, thậm chí là nhân viên y tế phải có mặt tại bệnh viện từ 5h, 5 rưỡi sáng để chuẩn bị trang thiết bị máy móc, và làm đến khi nào hết bệnh nhân thì thôi, làm xuyên trưa và thay nhau.

Thông thường, theo quy định Nhà nước thì 16h30 là kết thúc giờ làm, nhưng các phòng khám làm tới 18h. Những phòng khám đông quá thì ở lại đến khi nào hết bệnh nhân thì thôi. Một số phòng khám thì kết thúc tận 19h-21h”.

Những ngày này tại các bệnh viện công trên địa bàn Hà Nội, bệnh nhân dồn về rất đông (Ảnh: VnExpress)

Những ngày này tại các bệnh viện công trên địa bàn Hà Nội, bệnh nhân dồn về rất đông (Ảnh: VnExpress)

 

Bên cạnh lo ngại với sức khỏe, tâm lý của đội ngũ nhân viên y tế phải làm việc quá tải thời gian dài, một bác sĩ làm việc tại khoa Cấp cứu tại một bệnh viện ở Hà Nội cũng đề cập một khó khăn với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Họ phải mòn mỏi chờ thuốc, vật tư để điều trị, phẫu thuật, có những trường hợp, bệnh viện phải chuyển bệnh nhân sang cơ sở khác có đủ vật tư tiêu hao để đảm bảo việc điều trị cho bệnh nhân được kịp thời.

"Trong quá trình làm việc, với trang thiết bị, vật tư tiêu hao còn thiếu. Nếu người nhà bệnh nhân hợp tác, mọi chuyện sẽ suôn sẻ.

Nếu người nhà không hợp tác, trong lúc cấp cứu bảo họ đi mua cái nọ, cái kia do quá trình đấu thầu của bệnh viện chưa hoàn thiện, chưa mua được thì có thể gây tình trạng bức xúc cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh nói.

Chia sẻ tại một hội nghị do Chính phủ tổ chức, TS Nguyễn Huy Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định, vướng mắc về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế có nhiều nội dung đang vượt quá thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và BHXH Việt Nam.

Vì vậy, đã xuất hiện tình trạng nhiều nơi ngần ngại, e sợ mua sắm vì có thể vi phạm dẫn đến xử lý hình sự như một loạt các vụ khởi tố vừa qua liên quan tới vụ án Việt Á.

TS Nguyễn Huy Quang cho biết thêm: “Rõ ràng đối với thuốc, chúng ta có phân nhóm, nhưng với vật tư tiêu hao, vật tư y tế chúng ta không có phân nhóm rõ ràng. Chúng ta phải có phân nhóm, từ phân nhóm như vậy đặt ra tiêu chí đấu thầu.

Với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ cũng tính đến việc phải áp dụng thời điểm bán, đấu thầu trang thiết bị y tế là thời điểm phê duyệt giá trúng thầu. Và chúng ta sẽ làm cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức đấu thầu, sẽ đáp ứng được yêu cầu đặt ra, bệnh viện sẽ yên tâm và các công ty trúng thầu sẽ yên tâm".

Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phâi mòn mỏi chờ thuốc, vật tư để điều trị, phẫu thuật (Ảnh: Lao Động)

Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phâi mòn mỏi chờ thuốc, vật tư để điều trị, phẫu thuật (Ảnh: Lao Động)

 

 

PGS.TS. Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII đóng góp ý kiến, cho rằng sự phức tạp trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế rất đa dạng, nhưng chắc chắn gỡ khó được, nếu thực sự muốn.

“Chúng ta có hệ thống đại sứ các nước, qua đó có thể nắm được giá các mặt hàng thuốc. Có thể doanh nghiệp luôn đưa giá cao vì lợi nhuận của họ là mục tiêu cuối cùng, nhưng thông qua Bộ Ngoại giao, có thể thẩm định được giá của các công ty nước ngoài. Khi những Bộ này cùng vào cuộc thì tôi tin là chúng ta sẽ tìm được giá thích hợp nhất. Về phía Bộ Y tế cần đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng, ví dụ thuốc này thì cần những tiêu chuẩn gì. Trên cơ sở này để đấu thầu”.

Theo bà Bùi Thị An, chậm trễ mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư ngày nào là người bệnh khốn đốn ngày ấy. Bộ Y tế đã có đoàn về tận các bệnh viện lớn làm việc để nắm rõ vướng mắc ở đâu, cần hoàn thiện dự thảo, sửa đổi các quy định chưa phù hợp để gỡ vướng ngay cho bác sĩ, người bệnh. Bên cạnh đó, trách nhiệm người đứng đầu cần được thể hiện hơn lúc nào hết

"Theo tôi cũng cần phải quy trách nhiệm người đứng đầu. Nếu người đứng đầu bị gắn trách nhiệm thì người đứng đầu sẽ chọn ra ê kíp những người làm việc có tư cách, trình độ.

Về phía Chính phủ, phải coi đây là giai đoạn cần chỉ đạo quyết liệt như là chỉ đạo cho một chiến dịch để cho các cơ sở có thuốc điều trị cho người dân.

Chính phủ đồng hành cùng ngành y tế, đồng thời cũng quản lý ngành y tế để tránh sai phạm, nhằm đáp ứng đủ thuốc cho người dân và cũng bảo vệ được cán bộ làm trong ngành y tế", bà Bùi Thị An nói.

Bệnh nhân phải chờ đợi lâu hơn, tốn kém hơn, mất cơ hội tiếp cận với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe kịp thời (Ảnh: Lao Động)

Bệnh nhân phải chờ đợi lâu hơn, tốn kém hơn, mất cơ hội tiếp cận với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe kịp thời (Ảnh: Lao Động)

Khủng hoảng hay cuộc cải cách ngành y?

Ngành y tế đang thực sự lâm vào một cuộc khủng hoảng diện rộng. Nhiều lãnh đạo y tế khắp các địa phương vướng vòng lao lý. Hoạt động đấu thầu, mua sắm “đóng băng”. Nhiều bệnh viện lớn xin dừng mô hình tự chủ. Làn sóng nhân viên nghỉ việc, rời hệ thống y tế công chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tất cả những điều này đặt gánh nặng lên vai người bệnh. Họ phải chờ đợi lâu hơn, tốn kém hơn, mất cơ hội tiếp cận với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe kịp thời.

Giờ đây, khi vào bệnh viện, một số người nhà bệnh nhân phải đi mua kim tiêm, kim chỉ khâu, dây truyền, bông gạc… những vật tư tiêu hao vốn thuộc danh mục BHYT chi trả. Đa số phải mua với số lượng lớn hơn số lượng thực tế cần, dẫn tới lãng phí không cần thiết.

Bệnh viện thiếu vật tư, bác sĩ lắc đầu ngao ngán vì chậm đấu thầu, mua sắm, nhưng ngay cổng bệnh viện thì các hiệu thuốc lại luôn sẵn hàng. Quỹ BHYT có sẵn nhưng không thể chi, mọi chi phí đều đổ dồn về túi người dân, những người đã đóng BHYT nhưng không được hưởng đầy đủ chế độ an sinh do chính họ đóng góp.

Để tháo gỡ “cơn khát” thuốc men, vật tư, trang thiết bị, ngành y tế đang có những động thái mạnh mẽ để thu hút sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành khác cùng vào cuộc.

Từ câu chuyện được cho là cường điệu hóa “bệnh viện cực chẳng đã phải dùng loại dao kém chất lượng phẫu thuật, rạch 3 lần mới qua da người bệnh”, đến những thực tế chỉ các bác sĩ mới nắm rõ như “phải dùng loại chỉ khâu rẻ tiền, khó buộc nút, loại sonde hút có ống hút rất cứng, hút rất khó, gây đau, ảnh hưởng tới người bệnh”.

Trong tình trạng quá tải bệnh viện như hiện nay, người bệnh không thể chờ hệ thống thực thi công vụ “nghiên cứu, bàn thảo” quá lâu. Họ cần thuốc, vật tư để điều trị! (Ảnh: TTXVN)

Trong tình trạng quá tải bệnh viện như hiện nay, người bệnh không thể chờ hệ thống thực thi công vụ “nghiên cứu, bàn thảo” quá lâu. Họ cần thuốc, vật tư để điều trị! (Ảnh: TTXVN)

Khác với thuốc, vật tư y tế không có phân nhóm rõ ràng, chất lượng tốt-xấu lại đều xếp chung một nhóm, do các tiêu chí xếp loại dựa trên công bố về chỉ tiêu kỹ thuật của nhà sản xuất.

Do đó, quy định “bệnh viện phải tham khảo giá trúng thầu 12 tháng trước làm căn cứ mở thầu mới”, “giá trúng thầu không được cao hơn giá kế hoạch và phải rẻ nhất trong số các nhà thầu tham gia” được cho là cứng ngắc, thiếu linh hoạt dẫn đến tình trạng: Bệnh viện muốn nhưng không thể mua vật tư tốt thực sự theo cảm nhận của bác sĩ; người bệnh phải sử dụng vật tư y tế chất lượng kém tại những cơ sở điều trị chất lượng cao.

Dự thảo Nghị quyết mới của Chính phủ do Bộ Y tế soạn được cho là sẽ gỡ được một số khó khăn trước mắt, đặc biệt về việc áp dụng giá ra sao cho thích hợp, cần tính tới lạm phát, thiên tai dịch bệnh, gia tăng chi phí logistic và cả lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nhưng biên độ linh động trong chính sách như thế nào cần tính kỹ để vừa làm các bệnh viện, doanh nghiệp trúng thầu yên tâm, vừa đảm bảo hạn chế trường hợp đi đêm, thỏa thuận “hoa hồng”, nâng khống giá tràn lan, vượt nhiều lần giá gốc như thời gian qua.

Có một sự thật cần thừa nhận, “hoa hồng” là một nội dung được cho là “luật bất thành văn” từ xưa đến nay không chỉ trong các dự án mua sắm của ngành y. Cuộc khủng hoảng lần này có thể là một cơ hội hiếm có để Chính phủ, ngành y và các bộ ngành khác mạnh dạn tiến hành cải cách, công khai, minh bạch hóa những “điểm mờ”, những “vùng lợi ích”.

Cuộc cải tổ nào cũng không tránh khỏi khó khăn, cuộc đấu tranh chống sai phạm, tiêu cực nào cũng không tránh khỏi bi thương. Tân Bộ trưởng Bộ Y tế vừa nhận nhiệm vụ đã phải đứng trước một bài toán xử lý khủng hoảng chưa từng thấy của ngành, đòi hỏi vừa cứng rắn với sai phạm, vừa xử lý uyển chuyển các tồn đọng.

Cuộc khủng hoảng liệu có trở thành một cuộc cải cách hay không, tùy vào góc nhìn tiêu cực hay tích cực dành cho ngành y tế, và tùy thuộc vào sự dũng cảm của những người có trách nhiệm.

Đứng trước họ không chỉ là một “ngọn núi” về thủ tục, về lợi ích nhóm, mà còn là bài-toán-phải-giải-được trong thời gian sớm nhất để bảo vệ quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Trong tình trạng quá tải bệnh viện như hiện nay, người bệnh không thể chờ hệ thống thực thi công vụ “nghiên cứu, bàn thảo” quá lâu.

Họ cần thuốc, vật tư để điều trị!

Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //