Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Vỉa hè vẫn bị lấn chiếm giữa cao điểm xử lý vi phạm Vỉa hè vẫn bị lấn chiếm giữa cao điểm xử lý vi phạm

Vỉa hè vẫn bị lấn chiếm giữa cao điểm xử lý vi phạm

Phúc Tài   •   10:31 16/03/2023

Chiều 14/3 và sáng 15/3/2023, PV VOV Giao thông khảo sát trên địa bàn phường Ngọc Khánh, Giảng Võ (quận Ba Đình); phường Láng Hạ, Láng Thượng, Ngã Tư Sở, Thịnh Quang (quận Đống Đa) về vấn đề trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.

Nhưng kết quả thật đáng buồn, hình như việc lập lại trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ đang bị xem nhẹ.

Mặc dù đang trong giai đoạn 2 (từ 1/3 - 31/3/2023) của “chiến dịch” tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo 197 Hà Nội nhưng ở một số phường thuộc các quận này vẫn xuất hiện tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, làm nơi đỗ xe.

Có mặt tại phố Phạm Huy Thông, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội) vào chiều 14/3, các hộ kinh doanh mặt phố vẫn thản nhiên bày bàn ghế lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh và đẩy xe máy xuống dưới lòng đường gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị.

Theo quan sát của phóng viên, những người tập thể dục, đi bộ xung quanh hồ Ngọc Khánh buộc phải đi xuống lòng đường vì trên vỉa hè không chỉ xếp kín xe máy mà còn đỗ cả ô tô. Các hàng quán kinh doanh cà phê ngang nhiên bày bàn ra vỉa hè cho khách ngồi bỏ mặc người đi bộ.

Bạn Nguyễn Khánh Nam, ở quận Ba Đình bức xúc bày tỏ, ngày nào bạn cũng đi qua con phố này, nhiều lúc vào giờ cao điểm xe xếp kín đường, hàng quán bày lộn xộn khiến cho việc di chuyển vô cùng khó khăn.

Phố Phạm Huy Thông có mặt cắt đường rất nhỏ, tuy nhiên xe ô tô dừng đỗ dưới lòng đường chiếm mất một nửa lòng đường. Việc này khiến cho các phương tiện khác lưu thông qua đây rất khó khăn. Chỉ cần xử lý không cẩn thận là sẽ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông.

Theo quan sát, có thể một số người đã đặt vật cản dưới lòng đường để nhằm mục đích giữ chỗ đỗ xe ô tô.

Theo quan sát, có thể một số người đã đặt vật cản dưới lòng đường để nhằm mục đích giữ chỗ đỗ xe ô tô.

Cũng trên con phố này đoạn Đình Ngọc Khánh, các hàng trà đá cũng lấn chiếm vỉa hè bán nước. Người uống nước, cắn hướng dương sau đó vứt thẳng vỏ hạt hướng dương, tàn thuốc xuống vỉa hè. Rồi râm ran nói chuyện, chửi tục khiến cho cổng đình là chốn tôn nghiêm trở nên lộn xộn, bát nháo.

Hàng trà đá ngay sát cổng đình Ngọc Khánh.

Hàng trà đá ngay sát cổng đình Ngọc Khánh.

Tình trạng này không khó để bắt gặp tại vỉa hè phố Phạm Huy Thông.

Tình trạng này không khó để bắt gặp tại vỉa hè phố Phạm Huy Thông.

Bên ngoài đường Nguyễn Chí Thanh đoạn số 37 hàng quán kinh doanh cà phê cũng bày bàn ghế ra vỉa hè, gần như phần gạch lát định hướng dành cho người khuyết tật cũng bị lấn chiếm.

Nếu có người khuyết tật dùng xe lăn đi qua khu vực này chỉ còn cách đi xuống lòng đường, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn rất lớn.

Chưa dừng lại ở đó, tại đoạn 33 Nguyễn Chí Thanh mặc dù đã có biển báo cấm dừng và đỗ xe, nhưng các phương tiện vẫn bất chấp dừng đỗ tại khu vực này, thậm chí đỗ cả lên vỉa hè.

Cũng theo một số người dân, mặc dù lực lượng công an các phường rất quyết tâm trong việc xử lý, tuy nhiên chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng là vi phạm về trật tự đô thị lại xuất hiện.

Vỉa hè trên địa bàn phường Ngọc Khánh đã bị lấn chiếm bởi hàng quán, phương tiện đỗ bừa bãi. Đáng nói hơn các địa chỉ VOV Giao thông phản ánh gồm: 33, 37 Nguyễn Chí Thanh và phố Phạm Huy Thông chỉ cách trụ sở Công an phường Ngọc Khánh khoảng 300m đến 450m.

Qua địa bàn phường đầu tiên cho thấy sự nhức nhối về việc tái lấn chiếm vè, mặc dù trước đó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành công văn số 607/UBND-ĐT về việc tăng cường kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường.

Trong đó yêu cầu nêu rõ các địa bàn còn nhiều vi phạm. Công khai thông tin các Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường trên địa bàn tại các cuộc họp báo của UBND Thành phố hàng tháng.

Từ những chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội thể hệ sự quyết tâm trong công cuộc lập lại trật tự đô thị của Hà Nội và việc này gắn với trách nhiệm người đứng đầu từng địa phương. Thế nhưng tiếp tục đến các địa bàn phường khác việc lập lại trật tự đô thị chưa thực sự được triển khai quyết liệt.

Tại phường Giảng Võ, ngay khu vực vỉa hè trước cửa chung cư D2 Giảng Võ, một số hàng quán kinh doanh còn đẩy phương tiện ra khỏi vạch trắng trên vỉa hè để kê bàn ghế kinh doanh.

Trên đường La Thành, phía phường Giảng Võ tình trạng lấn chiếm vỉa hè còn diễn ra nghiêm trọng hơn khi nhiều cửa hàng đồ gỗ nội thất đã chiếm dụng vỉa hè làm nơi chế tác, bày bán.

Nhiều đoạn vỉa hè bị chiếm dụng thành "công xưởng" cưa, lắp ráp đồ gỗ, mùn cưa bay trắng xóa. Ngay cả ở đầu đường dẫn vào Trụ sở UBND phường Giảng Võ các hàng quán cũng ngang nhiên bày hàng hóa lấn chiếm vẻ hè. Điểm chờ xe buýt cũng bị xếp xe máy.

Điểm chờ xe buýt đã bị chiếm dụng để xe máy.

Điểm chờ xe buýt đã bị chiếm dụng để xe máy.

Công việc chế tác gỗ được thực hiện ngay trên vỉa hè.

Công việc chế tác gỗ được thực hiện ngay trên vỉa hè.

Vào thời điểm phóng viên VOV Giao thông ghi nhận là khoảng gần 16h00 chiều, nhưng tại đây có một số xe tải vẫn vào phố này để bốc xếp hàng hóa, bỏ mặc dòng phương tiện đông đúc.

Ông Phan Đông Hà (54 tuổi) ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội than phiền, vỉa hè ở phố La Thành này đã mất từ lâu rồi, việc người ta bày giường, tủ, bàn, ghế ra bán đã quá quen và người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Chưa dừng lại ở đó là vào giờ cao điểm một số cửa hàng người ta bốc xếp hàng hóa khiến cho ùn tắc giao thông.

Di chuyển tiếp đến địa bàn phường Láng Thượng, quận Đống Đa (Hà Nội), phòng viên càng ngỡ ngàng hơn khi tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe diễn ra hết sức ngang nhiên.

Mặc dù đã có biển cấm dừng và đỗ xe nhưng vẫn có rất nhiều xe ô tô dừng, đỗ ngay dưới lòng đường, trên vỉa hè. Vỉa hè rộng chừng 3m nhưng xe ô tô đỗ từ trong ra ngoài. Người đi bộ nếu không muốn đi xuống lòng đường chỉ còn cách luồn lách qua khe giữa 2 xe ô tô.

TP Hà Nội cũng đã chi hàng nghìn tỷ đồng để lát lại vỉa hè, nhưng nếu với tình trạng đỗ xe bừa bãi này việc vỉa hè bị vỡ, bị xuống cấp chỉ là sớm hay muộn.

Còn tại đường Chùa Láng, các hàng quán cũng bày sát bàn ghế ra vỉa hè để kinh doanh. Ngoài ra, tại vỉa hè đường Láng đoạn qua số 1026 cửa hàng lấn vỉa hè làm nơi sửa xe, tân trang xe cũ. Người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.

Vỉa hè càng nhếch nhác, bẩn rỉu với dầu, mỡ, rác từ việc nấu nướng.

Vỉa hè càng nhếch nhác, bẩn rỉu với dầu, mỡ, rác từ việc nấu nướng.

Ngay bên cạnh phường Láng Thượng là phường Láng Hạ, tình trạng lấn chiếm vỉa hè cũng không thuyên giảm mà còn nhức nhối hơn.

Trên tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng kéo dài đoạn qua cổng Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia. Tại đây các phương tiện cũng xếp 2 hàng trên vỉa hè, người đi bộ chỉ còn lại một khoảng rộng chừng 2 ô gạch để đi. Các bà, các mẹ khi đẩy các em bé đi dạo cũng phải len lỏi qua những cm (xentimét) còn xót lại.

Người đi bộ chỉ còn độ rộng cỡ 2 ô gạch trên vỉa hè để đi, làn gạch định hướng cho người khuyết tật, xe lăn đã bị các phương tiện đè lên.

Người đi bộ chỉ còn độ rộng cỡ 2 ô gạch trên vỉa hè để đi, làn gạch định hướng cho người khuyết tật, xe lăn đã bị các phương tiện đè lên.

Chưa dừng lại ở đó, ngay dưới lòng đường nhiều xe 16 chỗ biển vàng cũng xếp thành hàng dài tại khu vực này. Theo quan sát đây có thể là những xe đưa đón học sinh.

Bà Lưu Thị Thái, ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, vấn đề vỉa hè đã diễn ra nhức nhối, vừa qua bà cảm thấy rất vui khi thành phố Hà Nội đã quyết liệt vào cuộc. Tuy nhiên, thành phố vẫn cần sát sao hơn tại địa bàn các phường để tình trạng này không tái diễn.

Còn sang địa bàn phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, ngay tại khu vực cổng chợ Ngã Tư Sở không khó để bắt gặp những hàng sửa chữa chìa khóa lấn vỉa hè tiến sát mép đường. Vỉa hè cửa hầm đi bộ cũng là nơi các xe ô tô đỗ.

Còn trên cầu Giáp Nhất, phía phường Thịnh Quang (cầu nối từ đường Láng sang phố Giáp Nhất) xuất hiện xe ô tô ngang nhiên đỗ trên cầu.

Các phương tiện ngang nhiên đỗ trên cầu Giáp Nhất. Cùng với đó biển báo cấp họp chợ được chính quyền địa phương đặt tại đây đã bị xịt sơn nhem nhuốc.

Các phương tiện ngang nhiên đỗ trên cầu Giáp Nhất. Cùng với đó biển báo cấp họp chợ được chính quyền địa phương đặt tại đây đã bị xịt sơn nhem nhuốc.

Vỉa hè cửa hầm đi bộ nút Ngã Tư Sở được tận dụng làm nơi đỗ xe ô tô.

Vỉa hè cửa hầm đi bộ nút Ngã Tư Sở được tận dụng làm nơi đỗ xe ô tô.

Qua cuộc khảo sát tại các quận Ba Đình, Đống Đa (Hà Nội) cho thấy thực trạng vi phạm trật tự giao thông, trật tự đô thị vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng là lại tái vi phạm khiến cho người dân sinh sống tại các khu vực này bức xúc.

Đáng nói là việc chiếm hè, lòng đường vẫn ngang nhiên diễn ra ngay giữa lúc "tổng chiến dịch" xử lý lấn chiếm vỉa hè theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo 197 Hà Nội đang lên cao trào với quan điểm kiên quyết xóa bỏ việc chiếm dụng hè phố, lòng đường trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ./.