Ùn tắc giao thông “đến hẹn lại lên” mỗi dịp lễ Tết
Những ngày trước và sau mỗi dịp lễ Tết, dòng người ùn tắc giao thông kéo dài hàng giờ trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, nút giao là điều khó tránh khỏi.
Câu chuyện “đến hẹn lại lên” không chỉ khiến người dân ngao ngán, mệt mỏi mà cả cơ quan chức năng tại nhiều địa phương cũng phải căng mình tìm giải pháp.
Không chỉ ở Hà Nội, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều tài xế chia sẻ, những ngày từ 25 đến 28 tháng Chạp và từ mùng 4, mùng 5 sau Tết, nhiều tuyến quốc lộ từ TPHCM đi các tỉnh miền Đông, miền Tây như quốc lộ 1, quốc lộ 13; quốc lộ 51, 20; quốc lộ 60, 62; đường N2, quốc lộ 30 đi Cao Lãnh; cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc TPHCM – Trung Lương… thường xuyên bị ùn ứ, dù đã có lực lượng chức năng điều tiết. Thậm chí tình trạng này còn diễn ra ngay cả cao điểm ngày thường, huống chi những ngày lễ Tết đặc biệt.
"Đi cao tốc TPHCM-Trung Lương, tua về kẹt bữa hai mươi mấy tết, tua lên kẹt mùng 6, mùng 7, hồi đó giờ lại vậy rồi. Hồi 2/9 năm rồi thì tuyến cao tốc Mỹ Thuận đó, có mấy chục cây số mà 3, 4 tiếng đồng hồ chưa ra được".
"Kẹt dài khoảng 2, 3 km từ Vĩnh Long đi Tiền Giang. Chứ hiện tại bây giờ ngày lễ còn khó khăn, huống chi ngày Tết".
"Tôi thường hay đi TPHCM, thấy đôi khi giờ cao điểm, ngày cao điểm thường hay kẹt xe, nhất là xe máy hay lấn ra làn xe ô tô rất là nguy hiểm".
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm nay tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra tập trung tại các đầu mối giao thông chính và trên các trục giao thông cửa ngõ Hà Nội, TPHCM, do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, cộng thêm va chạm giao thông dẫn đến ùn tắc cục bộ.
Dự đoán tình hình trên, tại TP.HCM, các đơn vị CSGT đã tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện có mặt tại các điểm nóng để điều tiết, đồng thời áp dụng công nghệ giám sát bằng camera để nắm địa bàn đảm bảo an ninh trật tự và giao thông thông suốt, an toàn.
Thiếu tá Khâu Minh Trung – Phó đội trưởng chỉ huy và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM cho biết: “Tổ điều hành giao thông bố trí quân số trực trong những ngày lễ Tết là 100%, để quan sát camera, trực đường dây nóng của người dân có tình hình giao thông gọi đến, để nắm tình hình giao thông. Khi nhận được những thông tin, cán bộ sẽ phối hợp với đơn vị quản lý địa bàn để bố trí lực lượng điều tiết giao thông, đảm bảo cho người dân lưu thông an toàn, thông suốt”.
Còn đường về các tỉnh miền Tây, tại điểm nóng cầu Rạch Miễu trên Quốc lộ 60, đánh giá thực trạng giao thông dịp Tết Quý Mão năm nay, ông Nguyễn Văn Tón - Trưởng trạm BOT cầu Rạch Miễu cho hay, mặc dù có xảy ra ùn tắc phải tiến hành xả trạm 17 lần với tổng lượt xe hơn 5.800, nhưng so với cao điểm dịp Lễ Tết năm trước, mật độ có giảm hơn từ trên 29.000 lượt xuống khoảng 27.000 lượt xe.
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đã có kế hoạch từ trước để phối hợp túc trực điều tiết 24/24h.
“Trong dịp Lễ Tết Quý Mão này, Công an giao thông hai tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Ban An toàn giao thông trước 3 tuần Tết Nguyên đán đã lên phương án phối hợp, bố trí cán bộ tăng cường thêm để khi có hiện tượng ùn ứ là cắt xả trạm, không để ùn ứ 2 bên cầu.
Lưu lượng xe lưu thông qua cầu Rạch Miễu Tết Quý mão năm nay biến động giảm so với năm Nhâm Dần, vẫn nằm trong kế hoạch điều tiết. Tại vì năm nay chia lượng xe qua cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Quốc lộ 1 nên lượng xe giảm so với năm ngoái”.
Theo Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Đại học Việt - Đức, trước sức ép của lượng phương tiện ngày càng tăng cao như hiện nay, việc sớm nâng cấp hạ tầng đồng bộ là hết sức cấp bách.
Đặc biệt là các tuyến cao tốc trọng điểm kết nối TP.HCM với các tỉnh Miền Đông, Miền Tây nhằm kéo giảm ùn tắc, thúc đẩy phát triển giao thương cho khu vực. Theo đó, TP.HCM cần tháo gỡ cơ chế về đầu tư, nguồn vốn cho các dự án sớm được triển khai.
“Hiện nay các tuyến giao thông Quốc lộ 1 và các đường cao tốc là đã bị ùn tắc. Các tuyến cao tốc kết nối cửa ngõ TP.HCM, chúng ta làm sớm ngày nào sẽ giúp thúc đẩy mối giao thông giữa TPHCM và các tỉnh. Bây giờ câu chuyện là làm sao đẩy mạnh các tuyến đường cao tốc này thì các điều kiện về vốn, mặt bằng, quy trình giám sát và nghiệm thu - 3 điều kiện đó quyết định việc định các tuyến cao tốc có được triển khai thi công sớm và hoàn thành sớm đêm vào khai thác hay không”, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn nói
Để cấp bách tháo gỡ tình trạng ùn tắc cho các tỉnh Phía nam, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đã đề xuất phương án mở rộng cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây với số vốn hơn 14.700 tỷ đồng.
Được biết, cao tốc này từ khi đưa vào khai thác năm 2016 đến nay, lượng phương tiện liên tục tăng trung bình khoảng 10% mỗi năm. Do vậy, tuyến thường xuyên kẹt xe, nhất là các dịp lễ Tết, gây bức xúc cho người dân.
Ngoài ra, trong chuyến công tác kiểm tra dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 tại tỉnh Tiền Giang mới đây, Thủ tướng yêu cầu Ban quản lý dự án rút ngắn tiến độ thêm 3 tháng. Do đợt Tết vừa qua, cầu Mỹ Thuận hiện hữu cũng là điểm nóng ùn tắc của ngõ miền Tây. Về vấn đề này, Ông Trịnh Trường Hải, Giám đốc Điều hành dự án cầu Mỹ Thuận 2 cho biết:
“Tuyến Mỹ thuận - Cần Thơ do Ban Mỹ Thuận quản lý kế hoạch hoàn thành trong năm 2023. Cùng với cầu Mỹ thuận sẽ kết nối trục đường từ TP.HCM về Cần Thơ toàn bộ bằng tuyến cao tốc. Có nghĩa là đi từ TP.HCM là cao tốc TP.HCM-Trung Lương, đến Trung Lương- Mỹ Thuận, vừa qua cầu Mỹ Thuận 2 là kết nối cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ cũng đang kế hoạch hoàn thành trong năm 2023. Tập trung quán triệt ngày đêm thi công, cố gắng đưa cầu vào khai thác thay đổi diện mạo giao thông của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long”.
Tắc đường trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân vào mỗi dịp lễ, Tết. Nguyên nhân do lượng phương tiện vượt xa năng lực của hạ tầng giao thông.
Ngoài việc sớm đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình trọng điểm để tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng thì phương án phân luồng tổ chức giao thông hợp lý,nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông cũng góp phần giảm tỏa ách tắc.
Về vấn đề này, góc nhìn của VOV Giao thông qua bài luận: “Giải bài toán ùn tắc giao thông “đến hẹn lại lên” mỗi dịp lễ Tết”.
Chuyện kẹt xe, ùn tắc giao thông dịp lễ, tết ở các khu vực, vùng miền trong cả nước dip lễ, tết như đã thành thông lệ, đến hẹn lại lên. Không khó để lý giải thực trạng này vì rằng với một lượng lớn người và xe cộ tăng đột biến trên một cửa ngõ, trên một tuyến đường thì là điều tất yếu.
Ở đây, ngoài yếu tố cơ sở hạ tầng, đường sá chưa được mở rộng, luôn chật hẹp còn thể hiện năng lực quản trị, điều hành của lực lượng chức năng và cả ý thức chấp hành hay sự tính toán của mỗi người khi tham gia giao thông trong dịp lễ, tết chưa được hợp lý cũng là nguyên nhân.
Lực lượng chức năng mà ở đây là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông; thêm nữa là các ban quản lý, điều hành, vận hành các tuyến đường cao tốc và đường có thu phí có chung trách nhiệm.
Cho dù ngay trước trong và sau Tết, các đơn vị này đều có kế hoạch tỉ mỉ, hướng dẫn, phân luồng; kiểm tra giám sát nhưng khi vào cuộc vẫn lúng túng trong từng tình huống cụ thể.
Đơn cử như tại cầu Mỹ Thuận hay một vài tuyến cao tốc ở phía Nam trong Tết Quý Mão vừa qua, chỉ cần một xe bị sự cố quay ngang là tê liệt toàn bộ tuyến đường có khi kéo dài từ sáng đến tối. Xe cứu hộ không có hoặc có thì làn đường khẩn cấp bị lấn chiếm không sao chạy lên được để kéo xe sự cố ra khỏi hiện trường, giải tỏa ách tắc.
Đó là chưa kể, lực lượng chức năng mỏng nên ở nhiều điểm nút, điễm ngẽn không có người hướng dẫn nên giao thông lập tức trở lên hỗn loạn.
Việc không có lực lượng chức năng điều tiết cũng dẫn đến đường 2 chiều, một bên thì kẹt cứng,một bên thì thông thoáng, nhưng không ai đủ thẩm quyền để mở thêm dải phân cách mềm cho xe lưu thông tạm thời ở bên kia để giải tỏa ách tắc.
Đây là một thực tế rất cần được xem xét, giải quyết trong tình huống kẹt xe kéo dài, khẩn cấp và nghiêm trọng.
Vấn đề này cũng diễn ra tương tự ở các trạm thu phí BOT. Thủ tục xả trạm mỗi khi bị kẹt xe không thể do một mình Ban quản lý quyết định ngay được cũng khiến cho tình trạng ùn tắc kéo dài.
Về phía người tham gia giao thông, dù biết rằng đi lại trong dịp Tết là căng thẳng, kẹt xe, ùn ứ nhưng vẫn không chủ động theo dõi tình hình diễn biến giao thông để đưa ra quyết định lộ trình phù hợp với thực tế.
Trong khi các lộ trình thay thế đã được cơ quan chức năng hướng dẫn từ xa và từ sớm cách đó vài ngày qua các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí cũng như các kênh khác nhau. Hậu quả là đa số đi theo đường quen, lối cũ nên xe càng tập trung dồn về một tuyến, một cửa ngõ nên tắc đường là hiển nhiên, không tránh khỏi.
Điều đáng nói là ý thức tuân thủ luật giao thông của một bộ phận lái xe còn kém; phóng nhanh, vượt ẩu; không nhường nhịn vẫn diễn ra phổ biến. Lấn cả vào đường khẩn cấp, khiến xe cứu thương đi vào cũng vô vọng không thoát ra được.
Rồi vấn đề bảo trì, bảo dưỡng xem xét xe cộ một cách kỹ càng trước khi lưu thông trên quãng đường dài cũng bị bỏ qua; các lỗi sơ đẳng như xe hết xăng, xe chết máy giữa đường xảy ra liên tục khiến toàn tuyến lưu thông bị ách tắc vì sự chủ quan, sơ suất của người lái xe.
Rõ ràng, tham gia giao thông nếu chỉ cần thiếu ý thức, sơ sẩy, không chỉ làm ách tắc lưu thông trong dịp lễ tết, ngày thường mà còn gây nguy hại đến tính mạng bản thân và người khác; điều này rất nên tránh.
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, ngoài các giải pháp mềm, khắc phục các hạn chế đã kể ở trên thì vấn đề hướng các nguồn lực, nguồn vốn thúc đẩy nhanh tiến độ mở rộng đường sá, làm thêm cầu cống; khai mở các nút thắt, điểm nghẽn giao thông là đặc biệt cần thiết.
Đừng để cứ mỗi dịp lễ, tết bài toàn tắc đường, kẹt xe trở thành nỗi ám ảnh đến hẹn lại lên.