Sẽ xén dải phân cách, mở đường tạm để “hạ nhiệt” đường Nguyễn Xiển
Quách Đồng - 25/11/2022 | 8:51 (GTM + 7)
Sau 3 tuần thực hiện rào chắn tại đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để thi công dự án thoát nước Yên Xá, hàng ngày người tham gia giao thông qua khu vực náy rất khó khăn. Có những thời điểm, tình trạng ùn tắc kéo dài từ sáng đến tối.
Anh Hoàng Văn Thái, ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, trên đường Nguyễn Xiển bình thường cũng xảy ra ùn tắc, nhưng chưa bao giờ tình trạng ùn tắc kéo dài và thường xuyên như hiện nay. Có những thời điểm đi từ đường Nguyễn Trãi rẽ sang Nguyễn Xiển, nhưng mất gần 1 giờ đồng hồ vẫn chưa qua được điểm rào chắn:
"Từ hôm quây tôn, tắc từ sáng đến 9h tối, từ hôm đấy đến hôm nay luôn, không lúc nào không tắc. Em mong muốn làm sao các cơ quan chức năng giải quyết xem, tất nhiên làm công trình nhà nước rồi, nhưng cũng phải làm thế nào cho đỡ ách tắc giao thông, làm cho tham gia giao thông nó thuận tiện."
Sẽ xén dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển, đồng thời phân luồng cấm xe khách đi vào giờ cao điểm để hạn chế ùn tắc.
Thường xuyên phải lưu thông qua khu vực này, chị Bùi Thị Kim Hoa (ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng không khỏi ngán ngẩm mỗi lần phải đi qua khu vực rào chắn. Dù biết công trình thiết yếu của Thành phố, việc rào chắn thi công là không tránh khỏi, song tình trạng ùn tắc kéo dài và thường xuyên khiến việc đi lại của chị rất vất vả.
Chị Bùi Kim Hoa cũng phần nào giảm áp lực khi biết rào chắn sắp được thu hẹp: "Từ Nguyễn Xiển lên đây tắc rất dài và rất lâu và có thể tắc từ 8h sáng đến 8h tối, thành ra làm thế nào thi công bên đó nó phải tiến triển lên, chứ không ngày nào cũng tắc, mà tắc thì tắc cả ngày luôn."
Một số người tham gia giao thông cũng bày tỏ sự đồng cảm khi Thành phố triển khai thi công công trình trọng điểm, song cũng mong muốn sớm thu hẹp rào chắn để giảm áp lực giao thông qua khu vực:
"Cũng mong cơ quan chức năng làm thế nào cho hợp lý. Tất nhiên xây dựng thì cũng làm tốt cho Thủ đô thôi, nhưng cũng làm sao để việc đi lại không bị ảnh hưởng nhiều."
"Bình thường tôi đi giờ cao điểm mất khoảng 20 phút, nhưng từ hôm dựng lô cốt này lên chắc phải mất 45 phút mới đi qua được đoạn đường này. Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm thu hẹp hàng rào hoặc có biện pháp giảm tthiểu ùn tắc tại khu vực này."
Thông tin từ đại diện Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp - chủ đầu tư cho biết, đơn vị đang gấp rút thi công các hạng mục thuộc các giếng 13/2.3 đến 13/2.7 trên đường Nguyễn Xiển. Dự kiến, ngày 29/11, đơn vị sẽ thu hẹp một phần rào chắn thêm 3m, giúp giảm ùn tắc tại khu vực đang thi công.
Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, bên cạnh việc thu hẹp rào chắn, đơn vị cũng vừa có văn bản báo cáo UBND Thành phố về việc xén dải phân cách giữa giữa đường Nguyễn Xiển rộng 5-6m, cách lòng đường hiện trạng 0,5m theo chiều từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến ngã tư đường Nguyễn Xiển – đại lộ Chu Văn An làm đường tạm phục vụ công tác phân luồng giao thông. Làn đường tạm chỉ cho phép ô tô con, xe máy lưu thông, đầu lối vào có lắp đặt gông hạn chế chiều cao, hạn chế xe tải lưu thông để đảm bảo an toàn cho kết cấu của đường Vành đai 3 trên cao.
"Với đề xuất xén dải phân cách, tạo đường tạm, cộng với các phương án tổ chức phân luồng từ xa, như cấm các loại phương tiện xe khách, xe hợp đồng từ 29 chỗ trở lên, xe tải lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Xiển vào giờ cao điểm cũng sẽ giảm được áp lực giao thông trên tuyến, đặc biệt là vào giờ cao điểm", ông Bảo nói.
Kênh VOV Giao thông từng phản ánh đường dây rác lậu tuồn vào TP. Hồ Chí Minh để kiếm hời từ “gói” ngân sách khổng lồ mà thành phố chi xử lý rác vào tháng 5/2022. Giờ đây, phóng viên lại phát hiện đường dây “rác lậu” lại tái diễn, bằng mọi giá biến rác Long An thành rác TP. Hồ Chí Minh .
Nhiều đường phố trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội), người tham gia giao thông phải dò dẫm di chuyển khi đèn chiếu sáng đã có nhưng không hoạt động. Người dân đi lại nhờ đèn chiếu sáng của phương tiện và ánh đèn lờ mờ từ các hộ dân sống ven đường.
Trong tương lai gần và xa, khi các nhà đầu tư lựa chọn địa điểm, ngoài các tiêu chí phổ biến như quỹ đất, ưu đãi về thuế thì tiêu chí còn lại năng lực logistics của địa phương ra sao.