Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Vì sao giá xăng dầu chưa thể điều chỉnh linh hoạt theo thị trường?

Hoàng Hà: Thứ ba 06/09/2022, 05:00 (GMT+7)

Kỳ điều chỉnh giá xăng dầu lần này được lùi lại 4 ngày, do rơi vào ngày nghỉ lễ. Tình trạng bán nhỏ giọt hoặc hiện tượng hết hàng, găm hàng đã diễn ra tại nhiều địa phương, gây khó khăn cho nhu cầu đi lại, vận tải của người dân và bức xúc dư luận.

Đó cũng là câu chuyện lặp đi lặp lại trước mỗi lần mà giá xăng dầu được dự báo sẽ tăng. Vậy cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ như hiện nay có còn phù hợp không, hay nên điều chỉnh linh hoạt, tránh tình trạng găm hàng?

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long xung quanh nội dung này:

PV: Thưa ông, việc điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày vì sao chưa thể thay đổi?

Ông Ngô Trí Long: Trước kia theo Nghị định 84 chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu là 30 ngày, sau đó theo Nghị định 83 rút xuống 15 ngày và hiện nay theo Nghị định 95 (sửa đổi NĐ 83) là 10 ngày.

Tại sao thời gian điều chỉnh cách xa so với diễn biến giá thế giới, là vì thị trường xăng dầu VN hiện nay còn có những doanh nghiệp thống lĩnh, buộc nhà nước phải quy định giá, không để cho doanh nghiệp tự định giá.

Nếu doanh nghiệp tự định giá sẽ lợi dụng vị trí thống lĩnh của mình gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Trong bối cảnh hiện nay của VN khó có khả năng điều hành theo từng ngày. Với tần suất điều chỉnh 10 ngày vừa qua, do có ngày nghỉ lễ nên theo nguyên tắc phải lùi lại ngày điều chỉnh.

Các doanh nghiệp đề nghị sẽ điều chỉnh ngay tại thời điểm đúng 10 ngày, do giá xăng dầu thế giới luôn luôn biến động thất thường, mà thời gian qua có thời kỳ giá xăng dầu giảm, nhưng cũng có lúc giá tăng rất mạnh.

Vì thế nếu không kịp điều chỉnh theo sát với biến động của giá thế giới thì sẽ gây ra hiện tượng giá trong nước thấp hơn giá thế giới, gây ra thua lỗ cho các doanh nghiệp.

Ảnh: Báo Lao động

Ảnh: Báo Lao động

PV: Hiện nay các cơ quan chức năng đã có chế tài xử phạt hành vi găm hàng, thế nhưng vì sao tình trạng này vẫn diễn ra trước mỗi kỳ điều chỉnh tăng?

Ông Ngô Trí Long: Hiện tượng các doanh nghiệp găm hàng đã được Bộ Công thương chú ý và đã có động thái thanh kiểm tra, giám sát, nhưng khó có khả năng thực hiện được toàn diện. Vì thế còn có những cửa hàng này cửa hàng kia, vin vào lý do này lý do khác để găm hàng.

Với cách ứng xử, làm ăn của doanh nghiệp không biết chia sẻ lợi ích với người dân vào lúc khó khăn thì cần phải có chế tài xử phạt thật nghiêm.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu cơ quan chức năng nhanh nhạy, đáp ứng được các yêu cầu việc điều chỉnh giá trong nước sát với giá thế giới thì sẽ tránh được hiện tượng găm hàng.

Đối với với hoạt động kinh doanh xăng dầu mặc dù đã nâng mức xử phạt nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe, theo tôi phải nâng mức xử phạt lên gấp đôi, thậm chí gấp ba mới đủ khả năng răn đe. Đồng thời phải có những biện pháp về mặt tổ chức như thu hồi giấy phép hoặc cấm vĩnh viễn đối với doanh nghiệp găm hàng.

PV: Có ý kiến cho rằng trước mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng dầu không nên dự báo trước, bởi dễ gây xáo trộn và nhiễu loạn thị trường, ý kiến của ông thế nào?

Ông Ngô Trí Long: Quan điểm như vậy là tư duy cũ, có nghĩa là bí mật về giá, trong điều kiện thông tin hiện nay bùng nổ, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều biết hết mọi chuyện.

Cho nên tôi nghĩ giá nên công khai, minh bạch, vì giá thế giới diễn biến từng ngày và chúng ta đều theo dõi được. Chính vì vậy cơ quan chức năng điều hành giá cả làm sao phải thật linh hoạt, uyển chuyển, phù hợp với giá thế giới; đồng thời có chế tài xử phạt thật nghiêm.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Hoàng Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn