Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Hà Nội sống và yêu: Văn hóa vỉa hè

Thùy Linh - Ngọc Tiến: Chủ nhật 21/07/2024, 17:26 (GMT+7)

Có lẽ ở Hà Nội, vỉa hè – bên cạnh vai trò là không gian vật lý với chức năng giao thông ban đầu, còn nổi bật với chức năng của một “không gian kinh tế” và “không gian văn hoá” của người Hà Nội.

Chỉ cần bước chân ra hè phố bạn sẽ thấy cuộc sống muôn màu của Thủ đô. Trải qua biến thiên thời gian, cuộc sống bên vỉa hè của người Hà Nội thay đổi ra sao? 

BÊN DÒNG THỜI GIAN 

Vỉa hè là một bộ phận cấu thành nên hệ thống giao thông. Song đó là một bộ phận đặc biệt. Nói theo ngôn ngữ của các nhà quy hoạch, đó là “vùng đệm” giữa con đường và các công trình kiến trúc. Cái tư cách “vùng đệm” ấy là nơi diễn ra nhịp sống phố phường, và sản sinh ra văn hóa vỉa hè.

Với người Hà Nội, cái đặc trưng này còn được nhấn mạnh hơn. Không biết tự bao giờ, người Hà Nội đã quen với việc “lấy ngoại thất làm nội thất”. Với thói quen ăn quà, với tập tính của một xã hội tiểu nông còn rơi rớt, hàng rong, rồi quán xá vỉa hè trở thành một phần hiển nhiên của Hà Nội. Thời bao cấp, trong ký ức của bà Nga sinh sống tại phố Hàng Điếu, vỉa hè Hà Nội thoáng và rộng hơn bây giờ:

"Vỉa hè Hà Nội từ năm 83 mà cô bán đến năm 90 thì đường phố vắng vẻ không đông đúc như bây giờ. Không có nhiều ô tô cũng không có nhiều xe máy. Với cả cái chính là vẫn có vỉa hè rộng, không có nhiều người để bán, chỉ có một số nhà, có nhà trước cửa họ dọn ra để bán thôi. 

Còn những người bán hàng rong vỉa hè như rau cỏ, rau cỏ cũng còn ít cơ bởi ngày đấy còn có mậu dịch. Các hàng ăn thì càng ít, chỉ có phở mậu dịch thôi, họ vẫn còn đứng xếp hàng buổi sáng đi mua. Bắt đầu xoá bỏ bao cấp năm 90 trở về đây, lượng dân số ở các tỉnh về Hà Nội nhiều hơn".

Empty

Quả thật xem các tư liệu hình ảnh xưa, hoạt động kinh doanh thời bao cấp hay thời mới đổi mới chưa bị lạm dụng quá nhiều, việc đi lại trên vỉa hè còn tương đối thong dong. Vỉa hè Hà Nội bây giờ được biến hóa với nhiều chất liệu, vật liệu tốt hơn nhưng lại biến tướng thành chỗ để xe máy, xe đạp hay bị chiếm dụng để làm nơi bày hàng. Do vậy, sự ưu tiên cho người đi bộ không có mấy:

"Ngày xưa đường phố không có hàng quán cửa hàng cửa hiệu như bây giờ, không có để nhiều xe đạp xe máy, ngày xưa đường nó thoáng hơn. Chỗ chơi trẻ con giờ không có như ngày xưa".

"Bây giờ thì cứ san sát hàng quán, cứ 3 đến 5 nhà có một hàng; ngày trước đi cả một ngã tư mới có 1 – 2 hàng đâm ra nó chật chội. Mà lắm lúc tránh tất cả xe máy hàng quán bán đầy vỉa hè không có chỗ nào đi mà có lúc đi xuống cả lòng đường".

"Hà Nội chúng ta có một cái sản phẩm xa xỉ. cái vỉa hè lát bằng đá quý nhưng mà để đỗ ô tô thì ngay bản chất đã thể hiện cái bất hợp lý".

"Bây giờ phố cổ nhiều xe máy, nhiều ô tô, bây giờ nhà nào ít nhất cũng 1-2 cái oto để chật cả phố".

Empty

Và nếu ví không gian vỉa hè là một vở diễn thì khi vai phụ lấn át vai chính, bất cập ắt nảy sinh. Những con phố ken đặc bàn ăn, bàn uống khiến người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Hiếm có thành phố nào, mà tồn tại những thuật ngữ kỳ lạ như Hà Nội. Đồng hành với “bún mắng, cháo chửi”, là “phở chạy, bún bưng, cà phê đuổi”. Cả những công chức, những trai thanh gái lịch ăn mặc rất hợp thời cũng có phần trong những “hoạt cảnh” đường phố ấy.

Nói đi cũng phải nói lại, có những thị dân bám vào cái vỉa hè đấy để mưu sinh. Cũng thật khó để trách họ bởi đằng sau họ còn có cả một gia đình đang cần nuôi sống:

"Chị ở quê ra đây ở trọ. Ở quê ra ở trọ đi bán một ngày cũng chỉ được 150-170".

"Ngày được 100,200 bình quân 1 tháng được 4-5 triệu thôi. Nói chung về quê trang trải cũng đỡ hơn. Ở quê không có việc làm nên đi chợ như thế này vẫn là hơn ở quê. Nhưng vất vả khổ. Mỗi một ngày trọ là hết 20 nghìn. Một tháng hết 600 nghìn".

"Mình ngồi mình phải có ý thức. Ý thức gọn vào để lối vỉa hè cho người ta đi, mình ngồi thế này cũng trái quy định rồi thế nhưng mà đại loại mình vẫn phải gọn gàng ngăn nắp".

Empty

Nói như thế không có nghĩa không gian vỉa hè được phép “phô diễn” các hoạt cảnh một cách tuỳ tiện. Bởi vỉa hè cũng không phải là sở hữu riêng, mà nó vẫn là nơi ưu tiên cho khách bộ hành. Nói như nhà văn Nguyễn Trương Quý, cần phải có tư duy văn hoá trong cách nhìn nhận đúng không gian vỉa hè ở Hà Nội:

"Tôi nghĩ rằng cái này đòi hỏi cái tư duy thực sự là phải rất là rạch ròi về mặt sử dụng. Vỉa hè là của chung của công cộng, chứ không phải riêng của cái hộ gia đình kinh doanh đó. Cũng như vỉa hè phải thực sự bộ mặt, mặt tiền của thành phố.

Chứ nó không phải là cái nơi như cái nhà kho như chúng ta tư duy vỉa hè như một không gian sinh tồn. Đấy là cái thứ mà tôi cảm giác là áp lực của kinh tế nó tự do cũng như là sự không được nghiêm minh lắm của thi hành luật pháp, làm cho bức tranh vỉa hè bị biến dạng".

Hà Nội là một đô thị có tuổi. Nhưng cư dân lại là những thị dân còn “trẻ”. “Trẻ” tính theo số thời gian thẩm thấu văn minh đô thị. Văn minh đô thị sẽ khó lòng thực hiện được, nếu chính người Hà Nội không “văn minh hóa” văn hóa vỉa hè; hoặc chí ít, thay đổi một số thói quen.

Tôi cũng ngờ rằng, hơn bảy mươi năm trước, nếu cũng phải dạt xuống đi bộ dưới lòng đường một cách đầy nguy hiểm; nếu phải chứng kiến hoạt cảnh “phở chạy, bún bưng, cà phê đuổi”, hẳn Thạch Lam đã viết “Hà Nội băm sáu phố phường” theo một cách rất khác với những gì ta thưởng ngoạn…

Một góc hồ Dâm Đàm (hồ Tây) ngày nay (Ảnh: Trung Hiển)

Một góc hồ Dâm Đàm (hồ Tây) ngày nay (Ảnh: Trung Hiển)

SỐNG Ở HÀ NỘI

Thật khó biết chính xác Hồ Tây có từ bao giờ nhưng khi Hai Bà Trưng đánh quân Đông Hán đã có hồ. Xưa diện tích lúc hồ đầy nước rộng  trên 500ha và lúc mực nước  thấp nhất chỉ hơn 200ha. Ngày nay  đi qua Hồ Tây, dù mùa khô hay mùa mưa lúc nào cũng thấy hồ sóng sánh nước. Nhưng nguồn nước cấp cho Hồ Tây từ đâu?

Xưa hồ có ba nguồn cung cấp là  nước mưa và hai con sông là Thiên Phù và Tô Lịch. Sông Thiên Phù nằm ở phía tây Kinh thành là  chi lưu của sông Hồng. Cửa sông bắt đầu ở Nhật Tân chảy qua làng Xuân La, đến chợ Bưởi thì nhập vào Tô Lịch.

Sông Tô Lịch cũng là chi lưu của sông Hồng bắt nguồn từ phố Chợ Gạo ngày nay chảy qua Hàng Đường ra Hàng Rươi đến phố Hàng Lược thì quặt lên Phan Đình Phùng sau đó qua làng Thụy Khuê, Hồ Khẩu, Võng Thị, Yên Thái gặp Thiên Phù ở chợ Bưởi tạo thành ngã ba sông gọi là Giang Tân.

Từ ngã ba sông này, Tô Lịch chảy qua Nghĩa Đô, Cầu Giấy rồi  xuôi về phái Nam kinh thành. Tô Lịch có cống nối với Hồ Tây ở làng Hồ Khẩu. Nờ có nước Hồ Tây nên nghề làm giấy dó ở làng Yên Thái, nghề chuội tơ ở làng Nhật Tân hai nghề cần nhiều nước mới tồn tại được. Năm 1876, học giả Trương Vĩnh Ký từ Sài Gòn ra Bắc, trong cuốn “Một chuyến đi Bắc Kỳ” ông đã mô tả nước Hồ Tây “lấp lánh dưới ánh mặt trời và trong vắt như kính”.

Một góc hồ Tây (Ảnh: Lê Việt Khánh)

Một góc hồ Tây (Ảnh: Lê Việt Khánh)

Vì Thiên Phù cao hơn Tô Lịch nên mùa mưa, dòng chảy  mạnh hơn Tô Lịch vì thế  nước ở Tô Lịch dâng cao qua cống Hồ Khẩu đổ vào Hồ Tây và chảy  ra cửa Chợ Gạo. Vào mùa khô, sông Thiên Phù cao hơn Tô Lịch nên dòng chảy yếu hơn, lúc này nước từ sông Hồng vào Tô Lịch và từ Tô Lịch lại chảy vào Hồ Tây nên quanh năm hồ  đầy nước.

Cao Biền, viên tướng của nhà Đường làm Tiết độ sứ ở An Nam thế kỷ thứ 10 vốn am hiểu phong thủy gọi Tô Lịch là  nghịch thủy  đã  trấn yểm, Đầu thế kỷ 18, cửa Nhật Tân bị phù sa bồi lấp khiến  Thiên Phù thành con sông chết.

Từ đây nguồn cung nước cho Hồ Tây chỉ có nước mưa và  nước sông Tô Lịch. Cuối thế kỷ 19, Tô Lịch từng là long mạch của kinh thành Thăng Long bị Pháp lấp để  xây phố nên chỉ còn  đoạn từ Nghĩa Đô xuôi  về phía  Nam. Và  từ cuối thế kỷ 19,  Hồ Tây chỉ còn nguồn cung là nước mưa.

Tuy nhiên lại có thêm nguồn nước thải trong phố đổ vào hồ. Vì thế ngay cả trong mùa mưa, nước  hồ vẫn cạn, từ làng đến mép nước có đoạn dài trăm mét. Dân các làng quanh hồ đã trồng rau, cây và làm nghĩa địa chôn người chết.

Năm 1925, Nhà máy nhiệt điện Yên Phụ khánh thành. Ngày đêm  nhà  máy điện xả ra lượng nước rất lớn vào hồ Trúc Bạch, từ Trúc Bạch nước qua cống trên đường Thanh Niên sang Hồ Tây đã làm nước hồ dâng lên. Lại thêm nước sinh hoạt ở phía Bắc thành phố nên vào mùa mưa, nước hồ dâng cao nên những gia  đình có mộ đã cất bốc đưa đi nơi khác. Chỉ còn mộ của bà chúa  thơ Nôm Hồ Xuân Hương  vẫn chìm dưới  đáy hồ, cho đến nay vẫn  chưa xác định được mộ nằm ở khu vực nào.

Năm 1998, quy hoạch Hồ Tây được chính phủ phê duyệt, và thành phố Hà Nội  bắt đầu giải tỏa mặt bằng xây kè đá  quanh hồ. Dự án hoàn thành năm 2010 nên diện tích hồ cố định là 460ha. Do nguồn nước thải đổ ra quá nhiều vì thế ngày nay hồ lúc nào cũng đầy nước.

 

Thùy Linh - Ngọc Tiến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn