Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Khương An - Diễm Thúy: Thứ năm 18/04/2024, 17:29 (GMT+7)

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Cùng đến với bài viết “Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh” để cảm hoài về ngôi chợ trăm năm với nhiều thân phận “bao đời bán buôn, đêm thương vọng chợ” đã trôi dạt, tản mác về nơi nào. 

Cầu Ông Lãnh ngày nay

Cầu Ông Lãnh ngày nay

Trong ký ức của nhiều thế hệ người Sài Gòn, Chợ Cầu Ông Lãnh nằm trên đường Bến Chương Dương, ven kênh Bến Nghé (quận nhất), từng là khu vực sầm uất và náo nhiệt nhất thành phố. Bởi đây là nơi giới thương hồ dong ghe thuyền ngược xuôi từ khắp miền châu thổ Nam kỳ đến Sài Gòn giao thương, buôn bán tấp nập.

Tiếng máy đạp nước giòn giã, thuyền ghe san sát đậu quá nửa con kênh, chở đầy hàng hóa, cây trái phong phú, sát bờ là dãy các sạp chợ, tạo thành cảnh “trên bến dưới thuyền” nhộn nhịp nhất Sài Gòn.

Theo nhiều tư liệu lý giải về tên cầu Ông Lãnh, ban đầu đây là cây cầu gỗ bắc qua một con rạch nhỏ do ông lãnh binh ở gần đó cho xây dựng để tiện việc giao thông và phòng thủ chống quân Pháp tấn công vào Gia Định. Có người cho rằng ông lãnh binh được nhắc đến ở đây là lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, một tướng triều Nguyễn, trấn thủ đồn Cây Mai - Thủ Thiêm. Nhân dân kính trọng gọi là cầu Ông Lãnh chứ không gọi thẳng tên ông.

Tên cầu sau trở thành tên của cả một khu vực và đặt cho ngôi chợ gần cầu. Đến năm 1929, người Pháp xây dựng lại cây cầu bằng xi măng dài 120m bắc ngang rạch Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư. Do vị trí cách sông Sài Gòn không xa và nằm ven kênh Bến Nghé thuộc hệ thống giao thương thủy nổi quan trọng nhất Nam kỳ, Chợ Cầu Ông Lãnh đã trở thành nơi giao thương, trao đổi hàng hóa lớn nhất Sài Gòn thời đấy.

Bà Huỳnh Ba, nay đã ngoài 60 tuổi, từng sống ở ven kênh Bến Nghé, hồi tưởng về khu vực cầu Ông Lãnh vào những năm cuối thế kỷ 20: "Cầu Ông Lãnh hồi đó đơn sơ nhỏ, xuống cấp rồi nên đâu cho xe lớn đi; chỉ cho xe máy, xe đạp với người đi bộ qua thôi. Đồng thời ngay chỗ vựa mía ở dốc cầu đó có một chiếc đò, nếu người ta không thích đi bộ thì người ta qua bên quận 4 bằng đò.

Trên dốc cầu người ta bày bán đầy như chợ tự phát luôn. Trên cầu thì chợ không lớn nhưng ở dưới là Cầu Ông Lãnh thì lớn lắm. Nó chia làm 3 phần, một phần là vựa bán cá, xích trong nữa là mắm, đồ khô, xích lên nữa chuối, trái cây… Có thể nói chợ Cầu Ông Lãnh là chợ lớn nhất của Sài Gòn".

Khu vực cầu Ông Lãnh năm 1955 (ảnh tư liệu, nguồn internet)

Khu vực cầu Ông Lãnh năm 1955 (ảnh tư liệu, nguồn internet)

Chẳng biết chợ Cầu Ông Lãnh hình thành chính xác vào lúc nào nhưng vào năm 1875, nó đã tồn tại trên bản đồ Sài Gòn xưa. Cùng với chợ Cầu Muối hợp thành, khu chợ phức hợp này đóng vai trò là đầu mối tiêu thụ nông sản cho 36 chợ lớn nhỏ của Sài Gòn.

Nó gắn liền với sự phát triển của nền nông nghiệp và văn minh miệt vườn của cả khu vực miền nam. Suốt chiều dài lịch sử ấy, chợ Cầu Ông Lãnh hoạt động không lúc nào ngơi nghỉ, nối từ đời nầy sang đời khác với những thăng trầm của bao thế hệ truyền lại một cuộc mưu sinh…

Ông Thanh Huy đã gần 60 tuổi, là người dân khu vực chợ cầu Ông Lãnh xưa, nhớ lại: "Vui lắm, chợ buôn bán 24/24 mà. Tầm 9h-10h đêm hàng nó lên rồi đến 2-3h sáng mới nhóm chợ, đông vui nhất là khoảng giờ này. Hàng lên bông cải, mía, nho, dưa hấu cá …đủ thứ như chợ đầu mối vậy đó. Có xe tải lên, thuyền cập bến từ miền tây lên, nói chung là phương tiện nào rẻ thì người dân đi phương tiện dó".

Hỏi các bậc cao niên từng sống nơi này, điều họ nhớ về chợ Cầu Ông Lãnh, ngoài những thuyền ghe neo đậu bên sông, còn là những chiếc xe đẩy, xe ba gác chất đầy trái cây, rau củ; là cái oằn lưng của gánh hàng rong, là làn da đen nhẻm dãi dầu mưa nắng của bà con lao động…

Trong những mảnh ký ức vụn ấy, dưới ánh đèn vàng, còn mùi tanh nồng của vựa hải sản, hàng cá đủ loại, là những bó mía chất hàng dài ngay dốc cầu Ông Lãnh xưa; hay những sạp hàng chất đầy rau củ, trái cây đa sắc xếp thành dãy hai bên đường…

Nơi đấy, nhiều người đang miệt mài với công việc của mình, vừa làm vừa cười nói nên bầu không khí chợ rất vui. Kẻ thì cân, đếm cho vào giỏ, người thì khiêng cho lên xe đẩy… Ở đó cũng có biết bao phận đời lưu dân mưu sinh bằng nghề bốc vác, xích lô, buôn thúng bán bưng… 

Cảnh sinh hoạt của người dân ở khu vực chợ Cầu Ông Lãnh (ảnh tư liệu, nguồn internet)

Cảnh sinh hoạt của người dân ở khu vực chợ Cầu Ông Lãnh (ảnh tư liệu, nguồn internet)

Trong lịch sử hoạt động của chợ Cầu Ông Lãnh, có nhiều vụ hỏa hoạn đã xảy ra. Và lớn nhất là vụ hỏa hoạn đầu năm 1971, chính quyền phải dùng đến trực thăng để chữa cháy. Vụ cháy này đã thiêu rụi phần lớn diện tích khu chợ đầu mối lớn của Sài Gòn, đẩy nhiều tiểu thương vào cảnh mất mát, khốn cùng. Sau đó chính quyền cho xây lại chợ, được người dân gọi là “Chợ Cháy” và tiếp tục hoạt động, phát triển trở lại đến gần 30 năm sau.

Do đó mà người dân nơi này còn được định danh là “dân ba chợ” (chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối, chợ Cháy). Đến tháng 4/1999, chợ Cầu Ông Lãnh lại bị cháy lớn lần nữa, nhiều sạp hàng trái cây bị thiêu rụi hoàn toàn. Cũng trong khoảng thời gian này, thành phố đã có chủ trương di dời các chợ đầu mối ra ngoại thành.

Khi khu chợ này bị giải tỏa, không chỉ các chủ vựa, bà con tiểu thương ngậm ngùi chia tay chốn cũ đã gắn bó với nhiều thế hệ; mà còn là nỗi khốn đốn của những người lao động trước giờ sống bám vào chợ “ăn bữa nay lo bữa mai”. Họ là mấy trăm xã viên hợp tác xã bốc xếp, đẩy xe, chuyển hàng trong chợ và cả ngàn người gọt củ, lặt rau, đóng hàng… bị thất nghiệp, phải loay hoay tìm công việc khác để mưu sinh.

Ông Thanh Huy, một thời mưu sinh tại chợ Cầu Ông Lãnh, bày tỏ: "Tiếc sao không tiếc, có chợ đó dân mới dễ sống. Nó bề bộn nhưng rất là vui, dễ kiếm tiền. Hồi xưa chú chạy xe ba gác máy ngay dốc cầu Ông Lãnh mà. Nói chung là nhộn nhịp lắm, dễ sống, dễ kiếm tiền. Lúc giải tỏa thì mỗi người mỗi nơi, cũng buôn bán này nọ, rồi không được thì đi làm. Giờ chú chuyển qua nghề lái xe công ty rồi".

Ben dong thoi gian - Hinh 4 Cau Ong Lanh ngay nay

Cùng với công trình cầu Ông Lãnh được xây mới vào năm 2003, dự án đại lộ Đông Tây chạy xuyên tâm thành phố và cải tạo kênh Bến Nghé được hoàn thành vào năm 2011, đường Bến Chương Dương chính thức được đổi tên là đại lộ Võ Văn Kiệt, khu vực này có diện mạo mới hoàn toàn khác với trước kia.

Ngôi chợ chúa đã biến mất, con đường vỡ òa ra giữa sông nước trời mây. Không gian rộng mở, thênh thang ấy thay thế khoảng trời trăm năm đầy náo nhiệt của một khu chợ nhiều nghĩa sinh nhai... 

Việc di dời chợ chợ đầu mối ra ngoại thành là hợp lý cho việc mở rộng giao thương và giao thông, cũng như cải tạo cảnh quan, bộ mặt đô thị cho trung tâm thành phố. Chỉ là… với những cố nhân có dịp ghé thăm chốn cũ lại miên man trở về miền ký ức xưa.

Đó là một dư vị lạ lùng mà ngôi chợ “vang bóng một thời” đã để lại cho những nhân chứng sống thời ấy.

Vị trí chợ Cầu Ông Lãnh ven kênh Bến Nghé ngày xưa nay không còn dấu vết

Vị trí chợ Cầu Ông Lãnh ven kênh Bến Nghé ngày xưa nay không còn dấu vết

Từ trên cầu Ông Lãnh nhìn xuống dòng kênh Bến Nghé, hàng cây xanh bóng mát lượn ven bờ kè, lấp lánh cảnh sông nước soi bóng nền trời trong xanh thoáng đãng. Gió chầm chậm sau lưng phóng khoáng thổi bay những bồn bã cuộc sống rồi chìm vào dòng kênh quên lãng.

Những hình dung về một quá khứ tất bật, bươn chải, những người sống bằng đủ thứ nghề chợt rơi rớt khắp phố. Rồi đây, chuyện đời chợ Cầu Ông Lãnh chỉ còn được nghe các cụ kể lại cho con cháu nghe, bắt đầu bằng hai chữ “ngày xưa” …

SỐNG Ở SÀI GÒN: Những gầm cầu nhếch nhác giữa đô thị phồn hoa

Trong những năm qua, TPHCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để tu bổ và xây dựng mới các công trình cầu trên địa bàn nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các quận, huyện trong thành phố, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của cư dân phố thị.

Thế nhưng, bên cạnh những tiện ích về giao thông thì gầm cầu đã và đang trở thành một trong những “điểm nóng” về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của TP. 

Song o SG 1

Sài Gòn – TPHCM hiện có hàng trăm công trình cầu. Những chiếc cầu được xây dựng trên khắp các tuyến đường, ngõ phố, kết nối đôi bờ… giúp cho người dân đi lại thuận tiện hơn và trở thành niềm tự hào của cư dân phố thị bởi những kiến trúc đẹp, quy mô.

Tuy nhiên, những năm gần đây, hàng chục ngàn mét vuông đất ở các gầm cầu bị người dân chiếm dụng cho mục đích cá nhân. Nhiều người “tận dụng” khoảng không gian dưới gầm cầu để buôn bán hàng rong, bãi tập kết rác, bãi đỗ xe tự phát...

Đáng chú ý, khi về đêm, gầm cầu trở thành “nhà vệ sinh” lộ thiên, “nơi ở” của những người vô gia cư, những thành phần bất hảo…. Đơn cử như khu vực gầm cầu Kênh Tẻ (quận 7 nối quận 4), gầm cầu Phú Mỹ (Đào Trí, quận 7), gầm cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 5 nối quận 8); gầm cầu Thủ Thiêm (Quận Bình Thạnh nối TP Thủ Đức)....

Song o SG 2

Có thể thấy, gánh nặng mưu sinh, “cơm áo gạo tiền” khiến cho những người lao động nghèo, lao động ngoại tỉnh bất chấp những quy định cấm, những hiểm nguy “bám trụ” dạ cầu để “buôn gánh, bán bưng” hay những phận đời lang thang cơ nhỡ “bất đắc dĩ” phải chọn gầm cầu làm nơi trú ngụ. Thêm vào đó là sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân... khiến cho gầm cầu trở nên nhếch nhác, ô nhiễm.

Song dù là vì lý do gì, những hành động sai phạm ấy cũng lại để lại hậu quả khôn lường. Việc dạ cầu bị xâm chiếm không chỉ làm giảm đi yếu tố "văn hóa", tính thẩm mỹ của các công trình cầu, làm mất mỹ quan đô thị, mà hơn hết nó còn làm mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ....

Cầu là một phần trong đời sống cư dân Sài Gòn, là hình ảnh của một đô thị văn minh hiện đại nhưng hình ảnh văn minh hiện đại ấy không chỉ cần mặt trên cầu sạch đẹp, gầm cầu cũng cần được quy hoạch giữ gìn. Chỉ mong chính quyền thành phố đừng “lãng quên” những gầm cầu không thể thiếu trong một đô thị mà kênh rạch đã mang tính đặc trưng như Sài Gòn - TPHCM.

Song o SG 3

Thiết nghĩ, đã đến lúc thành phố, cần khôi phục lại “công năng” vốn có của dạ cầu. Các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội cần có một giải pháp, dang tay nâng đỡ cứu giúp một bộ phận yếu thế bám trụ ở gầm cầu mưu sinh để họ có thể chuyển đổi nghề nghiệp, nơi buôn bán hay có một nơi ở tốt hơn... trả lại mỹ quan, an ninh cho khu vực gầm cầu.

Song song đó, thành phố có thể cải tạo khu vực gầm cầu thành không gian văn hóa, tận dụng làm mảng xanh cho đô thị hoặc sử dụng vào mục đích khác tiện ích cho người dân. Hơn hết, vẫn là ý thức của người dân.

Đô thị biến đổi theo nhịp sống hiện đại, các cư dân đô thị, nhất là những cư dân sống cạnh các công trình cầu cũng cần phải xây dựng thói quen bảo vệ, giữ gìn không gian dạ cầu, không xâm hại làm ảnh hưởng đến kết cấu của các công trình cầu. Đó cũng là cách để cư dân đô thị nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng TP.HCM trở thành một thành phố giàu văn hóa, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.   

TIN YÊU

Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức phát động triển khai thực hiện chương trình hành động xây dựng 'Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024 - 2030' trên địa bàn TP. Ảnh: Khoa học phổ thông

Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức phát động triển khai thực hiện chương trình hành động xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024 - 2030" trên địa bàn TP. Ảnh: Khoa học phổ thông

# Mới đây, UBND TP đã ban hành Kế hoạch Xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO giai đoạn 2024 - 2030”. Kế hoạch nhằm mục tiêu thực hiện hiệu quả các nội dung đã cam kết với UNESCO trong hồ sơ đăng ký thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.

Tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng thành phố học tập và xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030 mọi công dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

# UBND TP vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Festival Hoa lan TPHCM giai đoạn 2024 - 2030. Kế hoạch nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan Thành phố trong dịp lễ kỷ niệm “Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5”, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thành phố nói chung (du lịch, dịch vụ, thương mại, khoa học công nghệ) và ngành nông nghiệp nói riêng.

Bên cạnh đó, kế hoạch hướng đến việc tôn vinh thương hiệu hoa lan và các sản phẩm hoa kiểng là sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp TPHCM và các tỉnh, thành.. Festival Hoa lan TPHCM sẽ được tổ chức trong dịp kỷ niệm “Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5”  tại Công viên Tao Đàn (Đường Trương Định, Quận 1, TPHCM).

# Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM cho biết, đã trình đề xuất tổ chức bắn pháo hoa tại 16 điểm dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay. Theo đó, thời gian bắn pháo hoa từ 21h - 21h15 ngày 30/4/2024. 16 điểm bắn pháo hoa gồm 1 điểm bắn tầm cao (Khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn, TP Thủ Đức)  và 15 điểm bắn tầm thấp; trong đó có 10 điểm dọc tuyến sông Sài Gòn và 6 điểm khác rải rác ở các địa phương. Kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Khương An - Diễm Thúy/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cách để vẫn đạp xe đi làm mùa bụi mịn, mưa phùn

Cách để vẫn đạp xe đi làm mùa bụi mịn, mưa phùn

“Những người mộng mơ”, hay “những người dùng thời gian một cách xa xỉ”, đó là lời tự bạch của những người có thói quen đạp xe đi làm, đạp xe đến trường – Một cộng đồng có khoảng 13 nghìn thành viên trên Facebook.

Đề xuất bỏ ngạch công chức, đánh giá bằng vị trí việc làm: Cần nghiên cứu thận trọng

Đề xuất bỏ ngạch công chức, đánh giá bằng vị trí việc làm: Cần nghiên cứu thận trọng

Theo dự thảo sửa đổi Luật cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đề xuất cơ chế quản lý cán bộ, công chức sẽ được đổi mới theo vị trí việc làm, lấy đó là cơ sở để tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức.

Cần sớm có mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp

Cần sớm có mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp

Phương tiện đưa đón học sinh ngày càng trở thành loại hình vận tải hành khách thiết yếu, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Số lượng các xe đưa đón học sinh cũng tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng công tác quản lý còn khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

VOV Giao thông giành giải nhất 'Báo chí tuyên truyền về ATGT năm 2024'

VOV Giao thông giành giải nhất "Báo chí tuyên truyền về ATGT năm 2024"

 Loạt phóng sự "Để quy định về thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em đi vào cuộc sống" của nhóm phóng viên VOV Giao thông đoạt giải nhất ở thể loại báo nói.

Ngõ Cầu Gỗ, nơi lưu giữ nét Tràng An

Ngõ Cầu Gỗ, nơi lưu giữ nét Tràng An

Ngõ Cầu Gỗ - là một con ngõ ngắn nằm giữa phố Cầu Gỗ, nối với phố Gia Ngư. Vốn trước kia nằm trong cùng một phố chợ Hàng Bè quen thuộc của người Hà Nội - phố cổ. Trước đây chợ Hàng Bè nằm "chiếm" hoàn toàn hoặc một phần lòng đường của các con phố Hàng Bè, Gia Ngư, Ngõ Cầu Gỗ...

TP.HCM: Bức xúc với nạn đổ trộm rác trên đường Chu Văn An

TP.HCM: Bức xúc với nạn đổ trộm rác trên đường Chu Văn An

Thời gian qua, đường dây nóng Kênh VOV Giao thông liên tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về tuyến đường Chu Văn An, đoạn từ Học viện Cán bộ TP.HCM đến ngã 5 Bình Hòa, liên tục bị đổ trộm rác thải, xà bần dù chính quyền đã căng dây cảnh báo xử phạt.

Sức ép chưa tới, doanh nghiệp Việt chưa thực sự sẵn sàng chuyển đổi xanh

Sức ép chưa tới, doanh nghiệp Việt chưa thực sự sẵn sàng chuyển đổi xanh

Theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, số doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo phát thải trong năm 2024 lên hơn 2.100 doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho chuyển đổi xanh.