Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng, cần tập trung thay đổi quan niệm

Minh Hiếu: Thứ tư 14/05/2025, 06:17 (GMT+7)

Theo Báo cáo quốc gia đầu tiên về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024 công bố mới đây, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta ngày càng nghiêm trọng.

Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh từ năm 2021 đến năm 2024 tăng từ 109,5 bé trai lên thành 110,7 bé trai trên 100 bé gái, liên tục vượt xa mức tự nhiên, tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc, trong đó cao nhất là Bắc Ninh, đạt 119,6 bé trai trên 100 bé gái. Bên cạnh đó, trong bối cảnh mức sinh giảm mạnh (hiện chỉ còn 1,91 con/phụ nữ), nhiều gia đình đã tìm cách lựa chọn giới tính thai nhi khi chỉ muốn sinh một con.

Phải chăng những nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính chưa hiệu quả? Giải pháp nào cần được tập trung, khu vực nào, nhóm đối tượng nào cần được chú trọng? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với TS. BS Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) về nội dung này.

PV: Bà có đánh giá thế nào về tình trạng mất cân bằng giới tính thông qua số liệu từ Báo cáo quốc gia đầu tiên về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024?

TS. BS Hoàng Tú Anh: Tôi không ngạc nhiên về những con số này. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của chúng ta đã kéo dài hơn mười năm nay và gần như không có sự thay đổi. Những tỉnh có mức mất cân bằng giới tính cao là những tỉnh miền Bắc, nơi những quan niệm truyền thống, định kiến giới rất phổ biến.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tập quán từ câu chuyện con trai được ngồi ăn chiếu trên, con gái ngồi ăn chiếu dưới, ai được về với cha mẹ ngày Tết,… Tết năm nào các báo cũng chia những câu chuyện Tết này về nhà nội hay nhà ngoại, có những người phụ nữ lấy chồng mười, hai mươi năm mà không bao giờ được về nhà ăn Tết, thì bản thân họ sẽ rất e ngại trong việc sinh con gái.

Rồi chuyện thờ cúng, ai là người sẽ được thờ cha mẹ? Nếu như cha mẹ mất thì con gái có được đưa về nhà để thờ cùng với nhà chồng hay không? Rồi câu chuyện nối dõi, pháp luật không quy định bắt buộc con phải mang họ theo cha, con có thể mang họ theo cha hoặc mẹ. Nhưng nếu bây giờ làm khảo sát thì tôi tin là rất nhiều người không biết quy định pháp luật đó. Cho nên mọi người nghĩ rằng, nếu một gia đình không sinh được con trai thì người ta không duy trì được tiếp dòng họ.

Nhiều gia đình muốn duy trì truyền thống này thì câu chuyện kinh tế không phải là vấn đề. Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, những mô hình kinh tế tư nhân, kinh tế gia đình đang trở nên phổ biến hơn, người dân không bị tác động nhiều bởi quy định của các cơ quan nhà nước.

Chính sách của nhà nước đã tập trung nâng cao vấn đề bình đẳng giới, hỗ trợ kinh tế cho các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình sinh con gái một bề. Tuy nhiên, tôi nghĩ là vẫn chưa đủ. Bây giờ mình tuyên truyền về việc nam nữ bình đẳng sẽ không đủ, mà mình phải nhìn vào lý do thực sự mà người ta vẫn muốn có con trai.

Thứ hai là tác động của những người có kinh tế tốt, những người có tiếng nói trong xã hội. Ngay gần đây, cộng đồng mạng đang nói nhiều về chia sẻ của ông giám đốc Bảo Tín Minh Châu, người rất có ảnh hưởng, nhưng có quan niệm cực kỳ định kiến về vai trò của người phụ nữ. Trong khi xã hội còn quá nhiều định kiến như vậy thì việc chúng ta mong đợi sự thay đổi sẽ là rất khó, và cần có nhiều chính sách hiệu quả hơn thì mới có thể thay đổi được.

Ảnh minh họa: Báo Biên phòng

Ảnh minh họa: Báo Biên phòng

PV: Vậy chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào?

TS. BS Hoàng Tú Anh: Bây giờ mình nói về bình đẳng giới thì không chỉ nói bình đẳng giới chung chung nữa, mà phải nói về phong tục, tập quán, những thứ gắn với gia đình người Việt. Tôi nghĩ truyền thông phải cực kỳ cụ thể theo từng vấn đề và từng khu vực. Vừa rồi mình mới chia sẻ chung thôi, còn mỗi khu vực có thể có những yếu tố riêng nữa, và thông điệp truyền thông phải gắn với những yếu tố như vậy.

Về hệ thống dịch vụ y tế, không thể giám sát được cán bộ y tế có nói cho các cặp vợ chồng giới tính khi mang thai hay không. Tôi nói chuyện với rất nhiều cán bộ y tế thì họ bảo rằng, bây giờ họ không nói cũng khó, không nói thì người ta đi tìm người khác và người khác lại nói theo một cách nào đấy.

Và những dịch vụ liên quan lựa chọn giới tính khi sinh thì vô cùng phổ biến mà nhà nước không có bất kỳ tác động nào với những dịch vụ này. Người rất có ảnh hưởng như một diễn viên, chị tuyên bố rõ ràng về việc chị sinh đôi bằng việc chủ động lựa chọn giới tính. Không có bất kỳ một phản hồi nào từ cơ quan nhà nước cũng như làm việc với các đối tượng này. Rất nhiều người sẽ coi đó là những gia đình “mẫu” và họ sẽ làm theo.

Như vậy, tác động truyền thông phải lên những nhóm đấy, những nhóm mình tạm gọi là “tinh tú” của xã hội, chứ không phải những nhóm mà mọi người nghĩ là kinh tế thấp, văn hóa thấp thì mới có thực hành không tốt. Nếu những người này có quan điểm lệch lạc thì Chính phủ, truyền thông phải có những phản hồi rất mạnh mẽ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, mình cần thêm những nghiên cứu, mình đưa ra những chính sách càng phù hợp, càng cụ thể với bối cảnh địa phương thì nó sẽ càng hiệu quả hơn. Những người có thực hành tốt, đặc biệt là những người có tác động xã hội thì mình phải khích lệ.

Những công nghệ hỗ trợ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn rất cần thiết, rất nhân văn, nhưng nếu bị lợi dụng cho việc lựa chọn giới tính thì nhà nước phải siết chặt. Tôi nghĩ phải rà soát tất cả dịch vụ như thế.

PV: Xin cảm ơn bà!

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn