Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Làng đốt than giữa đồng bằng

Mộng Toàn - Thanh Phê: Thứ ba 25/10/2022, 14:13 (GMT+7)

Nghề hầm than từ lâu trở thành nghề truyền thống của rất nhiều gia đình ở xã Tân Thành, Đại Thành, thành phố Ngã Bảy và xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Dẫu nghề cơ cực và ít nhiều tác động tới môi trường nhưng bao đời nay họ vẫn bám nghề để mưu sinh, mong ngày mai tươi sáng.

 

Nghề hầm than truyền thống đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân không kế sinh nhai ở địa phương. Ảnh: Thanh niên

Nghề hầm than truyền thống đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân không kế sinh nhai ở địa phương. Ảnh: Thanh niên

Trở lại xóm làm nghề hầm than ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang trong những ngày cuối tháng 10, đón chúng tôi là cơn mưa nặng hạt, phải mất gần 1 tiếng mới ngớt. Dù là dân trong tỉnh, nhưng cũng phải ghé hỏi đường mấy lần vì đường xá giờ thay đổi hẳn so với trước.

Theo lời người dân địa phương, từ thành phố Ngã Bảy, chúng tôi đi theo đường tỉnh 927C, con đường hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2020 để đến xã Phú Tân, nối Quốc lộ 1 của thành phố Ngã Bảy đến Quốc lộ Nam Sông Hậu, huyện Châu Thành, có chiều dài 15,5km; quy mô đường cấp IV đồng bằng.

Chạy khoảng 10 phút, xã Phú Tân hiện ra trước mắt, xa xa là những căn nhà lá đen kịt vì ám khói, bụi than. Mùi củi đun hòa quyện với mùi củi hầm tạo ra một mùi rất đặc trưng. Người mới đến thì lạ lẫm, nhưng với bà con làm nghề đó là một phần của cuộc sống không thể tách rời.

Được chính quyền xã giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Văn Nhành, chủ lò than lâu đời ở xã Phú Tân. Tranh thủ vừa coi công nhân làm, vừa chia sẻ với chúng tôi, ông Nhành bộc bạch, dẫu nghề làm than vất vả và không được khuyến khích phát triển vì có tác động nhất định đến môi trường và sức khỏe, nhưng nhiều người ở đây vẫn quyết tâm bám nghề vì đó là ‘miếng cơm manh áo’ của họ suốt nhiều thập kỷ qua.

"Nghề này làm lâu đời cuộc sống có bao nhiêu mà, đâu làm nghề khác được. Lúc trước chú làm vườn, giờ cũng bỏ. Xưa chủ yếu làm nhà, ít mướn lắm, lúc đầu, sau này mới mướn", ông Nhành nói.

Theo người làm nghề, xóm lò than này tồn tại trên dưới 50 năm. Trước đây, điều kiện đi lại hoàn cảnh khó khăn, việc học chữ nghĩa cũng xếp sau chuyện cơm, áo, gạo tiền nên phần nhiều bà con theo nghề cha truyền con nối này. Ở xóm này, nhà nào có đất thì xây lò, ai không ruộng vườn thì làm mướn cho các chủ lò để kiếm kế sinh nhai. Dần dà, nhà này làm, nhà kia cũng làm rồi phát triển thành cả xóm nghề lúc nào không hay.

Ở khu vực làm việc của lò than, trước mắt chúng tôi là những khuôn mặt đen nhẻm, bàn tay lấm lem vì bụi than, tất bật, vất vả nhưng lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười. Chứng kiến bà con làm việc ở xóm lò than, chúng tôi mới cảm nhận được nỗi cơ cực của nghề. Phải mất cả tháng mới ra lò một mẻ than.

Đầu tiên là tìm mua củi chất để hầm. Trước đây, chủ lò tận dụng một số loại cây có sẵn trong vườn như nhãn, bạch đàn, song, nguyên liệu ngày càng khan hiếm, người làm than phải xuống miệt Cà Mau mua củi đước. Củi sau đó được cắt thành từng đoạn dài khoảng nửa mét, lột sạch vỏ để nhanh chóng hấp thụ sức nóng. Tiếp theo là công đoạn xếp củi vào lò, phải đảm bảo chất đúng quy cách theo từng nấc nằm chồng lên nhau. Khâu tốn nhiều thời gian nhất là chụm lửa lò liên tục từ 15 - 20 ngày. Than chín thì bế lò, phải đợi tiếp thêm 7 - 10 ngày nữa cho than nguội mới có thể xuất bán.

Những thợ lò có kinh nghiệm chỉ cần nhìn màu và ngửi mùi khói là biết đã tới lúc “bế” lò hay chưa. Nếu thấy khói lên thành sợi, không màu, có mùi “thơm như khoai lang nướng” chủ lò phải mau mau kêu người tới phụ dùng gạch và bùn non pha cát bít miệng lò và bốn ống khói xung quanh lại. Lò được bế trong khoảng hai tuần mới nguội hẳn, và lúc này người chủ mới có thể khui miệng hầm bốc than đi giao cho mối.

Ông Hồ Văn Nhành, nói: "Củi 1 thước, cưa làm 2 vô lò mình chụm, bây giờ ăn thua mình hà, mình coi chất khói biết nó chín, chín hết, không cho nó chín hết còn 1 lớp cũng được, chín thơm than, khói thơm là biết hết. Lò mình chụm 20 ngà,y nó chín mình bế lại, 10 ngày nữa mình lấy ra than nó nguội, đúng tháng, chụm 20 ngày hà, không có gì cực, chụm giờ mình mướn người ta nên khỏe lắm, chụm 1 lò tới bế 3 triệu, tùy lò mình, ở đây khu làm than hết, đa số trẻ làm nhiều, chú lớn để con cái nó làm, nhìn theo dõi riết quen biết hết hà".

Trải qua nhiều công đoạn mới hoàn thành 1 mẻ than. Ảnh: Thanh niên

Trải qua nhiều công đoạn mới hoàn thành 1 mẻ than. Ảnh: Thanh niên

Đối với người trong nghề “ngán” nhất là lúc chui vào lò lấy than chín ra. Trong vòm lò hầm bưng bít ngột ngạt, phải hít thở khói bụi bay mịt mù. Người không quen là không chịu nổi, ho sặc sụa. Tuy cực và ảnh hưởng đến sức khỏe nữa, nhưng bà con nói vui rằng, “đã trót theo nghề này thì chấp nhận thôi, chứ biết làm nghề gì khác bây giờ…”. Như hiểu lòng người, than dù đen không phụ công người làm nghề, từ những lò than này, họ đã nuôi con cái ăn học thành tài, cuộc sống phất lên nhờ than.

Ông Hồ Văn Nhành, chia sẻ: "Lò 1 tháng ra 1 lần, lâu lắm, tùy theo 15-20 tấn cũng có, lò lời 10 mấy đến 20 triệu có, giờ lời meo lắm, không có lời nhiều đâu. Bây giờ nhờ nhiều cái nên đỡ một chút, nghề làm than khỏe, bây giờ mình mướn nhân công không, mình chỉ coi tới lui thôi, chứ đâu có làm gì đâu".

Thoạt nhìn bên ngoài, lò hầm than có hình bầu tròn như cái bánh bao khổng lồ, đường kính chỗ rộng nhất khoảng 7,5 - 8m, cao chừng 3,5m. Đặc biệt, lò xây không dùng tới xi măng hay sắt thép, mà chỉ cần bùn non trộn với cát để kết dính những viên gạch lại với nhau. Trông đơn giản vậy nhưng xây lò là cả một nghệ thuật, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, chứ nếu non tay thì bị “sập hầm” như chơi”. Bởi xây không khéo, lò bị nứt, lửa bén vô thiêu rụi củi hầm ra tro chứ không thành than.

Nghề nào cũng vậy, dù khó khăn nặng nhọc nhưng với lòng yêu nghề nên những người dân quê tôi vẫn bám lấy cái nghề, cũng là cái nghiệp, nuôi lớn biết bao thế hệ. Ở đây có nhiều hộ gia đình làm ăn khấm khá, từ một lò than giờ đã phát triển lên 5 - 7 miệng lò.

Công nhân làm nghề phần lớn là những người cùng xóm, nên cũng nương nhau trong làm việc. Công việc ra than chín là của chị em phụ nữ, khuân vác xuống ghe cho thương lái là của cánh đàn ông. Trung bình một ngày, một lao động làm việc ở lò than có thể kiếm khoảng 200.000-400.000 đồng/ngày, tùy việc nặng nhẹ. Than đen đúa không chỉ nằm vẫn quanh ở trong nước mà đã lên tàu xuất ngoại, mang lại thu nhập ổn định cho người làm nghề.

"Ghe lại cân chở đi thành phố, than giờ giá 11.000 đồng/kg, lúc này than có giá, lúc trước, có 8-9 ngàn, lúc này 11 ngàn, bây giờ than đi Đài Loan nhiều, thành ra than có giá nè, đi tùm lum, mình cũng không biết hết nữa. Con chú làm nè, vòng đây nhóc, ở đây lò than đa số. Vườn người ta bỏ, làm lò than đa số, lò giờ sống khỏe hơn vườn, vườn làm không có lời, thua rồi", ông Nhành cho biết thêm.

Và với người dân làng nghề, câu ca dao đã nằm lòng từ thuở bé:

“Chim quyên xuống đất ăn trùn.

Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than.

Đốt than thì phải sàng than.

Làm sao đừng để lấm gan anh hùng”

Ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: "Đời sống cũng như công nhân, bị gì mấy người hết tuổi hoặc còn nhỏ, có bệnh hoạn thì đi làm công ty không được. Do đó đi làm lò than ăn sản phẩm, một ghe củi, một ghe than lên xuống 7-8 người hùn lại được 2 triệu thì chia ra, người 200-300 một ngày hay 1 buổi. 1 ấp chừng 50-100 nhà, mấy người không có lò than thì làm thuê lại mấy người này, chứ khống có hết ấp". 

Công đoạn ra than chín là của lao động nữ. Ảnh: Báo Cần Thơ

Công đoạn ra than chín là của lao động nữ. Ảnh: Báo Cần Thơ

Số liệu thống kê năm 2020 cho thấy, toàn tỉnh Hậu Giang có gần 870 lò hầm than củi của hơn 400 hộ dân, trong đó huyện Châu Thành, kế đó là thành phố Ngã Bảy. Theo ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Tân, huyện Châu Thành, lúc thịnh hành, xóm có hơn 600 lò than hoạt động hết công suất. Gần đây, số lượng lò có xu hướng giảm nhưng vẫn còn nhiều.

Ông Nguyễn Phương Nam cho biết: "Làm than có từ xưa tới giờ ông bà để lại, than ở dưới giờ cũng khói bụi quá đi không khí nầy kia người ta cũng ngại ngùng xây dựng nhà cửa, hít thở này kia, sợ bệnh nên người ta cũng chạy phần đó".

Gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang và các chuyên gia Trường ĐH Cần Thơ đã xây dựng đề án tầm soát khói bụi ở xóm lò than. Rời xóm lò than, những chiếc ghe chở củi, chở than vẫn ra vào tấp nập ở mé sông. Hình ảnh đó khiến chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì nghề hầm than vẫn còn nhộn nhịp, nghĩa là bà con vẫn còn kế sinh nhai. Lo vì đằng sau những đồng tiền phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt ấy là tiềm ẩn biết bao rủi ro về bệnh tật, sức khỏe và môi trường.

Dẫu nặng nhọc và ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng hàng chục năm qua, nhiều bà con ở xã Phú Tân vẫn bám giữ nghề hầm than để lo miếng cơm manh áo. Nghề hầm than đen mặt, sáng lòng!

 

 

Mộng Toàn - Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch 15 – 21/4, mặc dù giá hàng hoá biến động rất mạnh nhưng các mức tăng, giảm trái chiều khiến chỉ số MXV-Index chỉ nhích nhẹ 0,05% so với tuần trước đó, lên mức 2.329 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng đỉnh trong 7 tháng qua.

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.