Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Huyền thoại Lãnh Mỹ A

Mỹ Phụng: Thứ hai 12/12/2022, 20:45 (GMT+7)

Được mệnh danh "nữ hoàng của các loại tơ tằm", Lãnh Mỹ A đã từng đi vào lịch sử Việt Nam với tư cách là một sản phẩm đại diện cho trí tuệ, tài năng và sự khéo léo, cần cù của người dân châu thổ Cửu Long.

Lãnh Mỹ A được phơi trên đồng cỏ dưới cái nắng buổi sáng. Ảnh: Thanh niên

Lãnh Mỹ A được phơi trên đồng cỏ dưới cái nắng buổi sáng. Ảnh: Thanh niên

"Núi nào cao bằng núi ông Két

Lụa nào đẹp bằng lụa Tân Châu".

Thị xã Tân Châu nằm ở thượng nguồn sông Tiền, cách trung tâm tỉnh An Giang hơn 70km. Tuy xa về đường đi, nhưng Tân Châu vẫn được nhiều nơi biết đến là “đệ nhất xứ lụa” của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Niềm tự hào của xứ lụa Tân Châu chính là loại vải nức tiếng xa gần mang tên Lãnh Mỹ A. Loại lụa này được dệt từ chất tơ hảo hạng và được nhuộm bằng mủ trái mặc nưa, được đánh giá là những kết tinh tinh túy của thiên nhiên.

Nhờ quy trình dệt, nhuộm phức tạp lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, Lãnh Mỹ A đến nay vẫn là giữ được chất lượng.

Anh Lê Trung Hiếu – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư An Giang và cũng là người con của vùng đất Tân Châu chia sẻ, để làm ra được một cây lụa lãnh, những người thợ thủ công xứ Tân Châu phải vất vả dày công tự tay trồng nuôi dâu tằm, dệt và nhuộm.

Lãnh Mỹ A đẹp có bề mặt trơn mướt và đen bóng, sáng dần theo thời gian. Khi mặc, chúng ta có thể cảm nhận được sự tinh tế của lụa và mùi thơm đặc trưng của trái mặc nưa.

"Công đoạn để trồng dâu nuôi tằm cũng rất là khó khăn. Chúng ta trồng dâu nuôi tằm lấy kén rồi dệt ra từng sợi tơ. Ngày xưa dệt bằng khung tơ. Bây giờ ở một số nhà truyền thống vẫn còn lưu giữ hình ảnh đó. Người ta xem quá trình làm là người chủ sản phẩm phải đặt hết tâm trí họ vào sản phẩm. Từ dệt ra tấm tơ đến một khúc vải là cả một quá trình rất công phu. Có một loại trái gọ là trái mặc nưa dùng để nhuôm vải. Phải đem ra nhuộm, phơi nắng nhiều lần, nắng tốt thì vải nó mới chắc và bền được", anh Hiếu nói.

Một công đoạn để tạo ra tấm lụa lãnh Mỹ A. Ảnh: Nhân dân

Một công đoạn để tạo ra tấm lụa lãnh Mỹ A. Ảnh: Nhân dân

Thông thường, mỗi khổ vải 90m bao gồm 12.550 sợi dọc. Lãnh Mỹ A được dệt theo phương pháp dệt satin 8 (phương pháp dệt khó nhất trong dệt tơ tằm). Người thợ phải có đôi mắt tinh tường đôi tay thật khéo léo để dệt nên cây lụa đều, đẹp như được làm từ một sợi tơ duy nhất. Sau đó sẽ được cho vào luộc để ra hết chất keo tằm rồi mới mang đi nhuộm.

Tân Châu là nơi duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại cây mặc nưa. Nhựa của mặc nưa có màu xanh, để lâu sẽ chuyển thành màu đen, chính là màu đen huyền hoặc đặc trưng của Lãnh Mỹ A. Những tấm lãnh phải được nhuộm từ khi mặt trời chưa ló dạng để kịp phơi dưới ánh nắng tinh mơ. Lãnh được giặt xả xen kẽ dưới sông rồi lại phơi, lại nhuộm hơn 100 lần ròng rã. Cứ như vậy phải nhuộm ít nhất 6 “da”. Mỗi lần "đập" vải (cho vỡ thớ sợi, dễ bám màu) tính là một "da".

Anh Nguyễn Hữu Trí, một nghệ nhân của cơ sở sản xuất Lãnh Mỹ A ở Tân Châu chia sẻ: "Nhuộm từ 10-12 ngày thì mình đập xả để đập da nhứt. Sau da nhứt thì mình tiếp tục xả rồi bắt đầu nhuộm y nguyên cái quy trình lập lại ban đầu khoảng 9-10 ngày là mình nhuộm da nhì. Sau da nhì thì mình sẽ nhuộm da ba. Cũng y cái quy trình đó nhưng cái thời gian nó ngắn lại. Thì tới cái da 6 người ta gọi là đập da màu. Sau khi đập cai da đó xong là hoàn thiện".

Trung bình 500m Lãnh Mỹ A phải mất đến 4 tháng mới hoàn thành. Những lúc mưa dầm, nhuộm hoài không xong thì phải kéo dài hơn 4 tháng. Người ta bảo, giá trị một món đồ đôi khi không nằm ở vật chất mà ở sự kỳ công của người làm ra nó, quả không sai. Bởi quá trình công phu, tỉ mĩ như vậy nên sản phẩm thu được cũng là một tuyệt tác. Xấp vải bóng loáng, đen tuyền, mềm mịn, khi sở vào có cảm giác mát lạnh, mượt mà đến rung động lòng người.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Long (hay còn được gọi là ông Tám Lăng) – người luôn tâm huyết níu giữ nghề dệt Lãnh Mỹ A, luôn xem Lãnh Mỹ A là niềm tự hào của cuộc đời mình chia sẻ: "Mặc nưa quyết định cái màu nó đẹp. Lãnh Mỹ A có cái là tơ tằm hợp với mặc nưa. Nếu đem trái mặc nưa nhuộm với vải nào khác là không đẹp. Mà nhuộm với tơ tằm thì rất đẹp. Mình vô mặc nưa cho đầy đủ rồi thì mặc càng ngày càng đẹp. Giặt nhiều nước mặc lâu càng đẹp nhiều. Nó cứ bóng, không phai màu hay nhăn nhíu gì hết".  

Nghệ nhân Nguyễn Văn Long (hay còn được gọi là ông Tám Lăng) – người luôn tâm huyết níu giữ nghề dệt Lãnh Mỹ A. Ảnh: Thanh niên

Nghệ nhân Nguyễn Văn Long (hay còn được gọi là ông Tám Lăng) – người luôn tâm huyết níu giữ nghề dệt Lãnh Mỹ A. Ảnh: Thanh niên

Những năm 1950 - 1960, Lãnh Mỹ A không chỉ nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh mà còn được xuất cả sang Campuchia, Lào... Lãnh Mỹ A “nịnh mắt” người mặc, người nhìn, khi khoác tấm lãnh Mỹ A lên người sẽ cảm nhận được rõ hơn sự mịn màng của thớ lụa, say mê của hương thơm dịu dàng, quyến rũ. Đặc biệt thứ tơ lụa hảo hạng này giúp người mặc mát rượi vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, chất liệu lụa dai bền không hút nước, mặc càng lâu càng đen bóng, quý phái…

Lãnh Mỹ A mang hiệu ứng của da, của giấy và của lụa trên từng mét vải nên nó còn được gọi với cái tên thân thiết – lụa sơn mài. Với những ưu điểm này, thời xưa, bộ quần áo may bằng lãnh Mỹ A là niềm mơ ước của bao thiếu nữ, quý bà, đó cũng là một món quà xa xỉ.

"Hồi xưa mẹ có dùng, kêu bằng Lãnh Mỹ A đen, đẹp lắm luôn. Nó bóng lộng, đen mun luôn, vải thì nó mát lạnh. Hồi xưa một xấp một quần mà mua mấy chục ngàn là cũng mắc lắm".

"Cả ông già bà cả, cả thanh niên và phụ nữ đều khoác lên mình đồ ba đen Lãnh Mỹ A, Tân Châu. Ai mà khoác lên mình bộ đồ đó rồi thì thấy nó sang trọng. Thấy rất rõ".

Chiếc khăn làm bằng lãnh Mỹ A được nhấn nhá bằng những hoa văn vẽ tay tỉ mẩn. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Chiếc khăn làm bằng lãnh Mỹ A được nhấn nhá bằng những hoa văn vẽ tay tỉ mẩn. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Thời hoàng kim của Lãnh Mỹ A dần dần lùi vào quá khứ. Vào những năm 1970, trước sự lấn át của ni lông trên thị trường, nghề dệt lãnh ở Tân Châu gặp nhiều khó khăn để duy trì. "Xứ tầm tang" cả làng chỉ còn lác đác vài hộ giữ nghề. Sau đó chỉ có một gia đình ông Tám Lăng làm công việc này.

Thế nhưng giờ đây, khi chỉ còn duy nhất gia đình ông Tám Lăng duy trì nghề truyền thống thì lãnh Mỹ A cũng đang có nguy cơ thất truyền. Bởi một nguyên nhân khác nữa là mấy năm nay, mặc nưa bị đốn bỏ nhiều lại thêm mất mùa. Loại quả này là “chúa đỏng đảnh”, chỉ cho trái từ tháng 6 đến tháng 12 âm lịch và giữ được chừng 1 - 2 ngày là hết mủ, không cách nào bảo quản được.

Giờ chẳng mấy ai dành đất trồng mặc nưa vì phải mất từ 3-5 năm cây mới ra trái. Giá ngày xưa từ vài trăm đồng, nay lên vài ngàn một cân, dù với người sản xuất thì chi phí đã tăng nhiều so với trước nhưng với người trồng mặc nưa thì giá này vẫn quá rẻ, khó đảm bảo sinh kế.

Nhìn làng nghề ngày càng mai một và huyền thoại Lãnh Mỹ A ngày càng bị đi vào quên lãng, anh Lê Trung Hiếu – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư An Giang tiếc nuối khôn nguôi: "Hồi xưa, vùng đất của mình rất hoang hóa nên vùng nguyên liệu để trồng dâu nuôi tầm còn nhiều. Vì vậy, nó phổ biến ngành nghề nhiều. Bây giờ trồng dâu nó mai một rồi, để làm một sản phẩm nó mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi người ta bỏ ra rất nhiều công sức nhưng sản phẩm giá thành nó lại không cạnh tranh được. Ngày xưa sản phẩm ít nên Lãnh Mỹ A rất được ưa chuộng, nhưng bây giờ thì chỉ còn có vài gia đình giữ lại nghề truyền thống để phục vụ du lịch, chứ còn để làm thương phẩm bán ra thu lợi nhuận thì không còn".

Tuy đã qua rồi thời vàng son nhưng Lãnh Mỹ A giờ đây vẫn giữ được giá trị và sự cuốn hút riêng. Không ít người vẫn tìm đến Tân Châu để đặt mua những thước lụa trứ danh về may quần áo để cảm nhận tuyệt tác vải lụa huyền thoại, một phần muốn lưu giữ và lan tỏa những giá trị độc đáo của một làng nghề có nguy cơ bị mai một.

Đặc biệt, cách đây vài năm có một số nhà thiết kế nổi tiếng đã tìm đến làng lụa Tân Châu để tiếp cận với Lãnh Mỹ A vang tiếng. Kết quả là chất liệu này đã được trình diễn ứng dụng trong nhiều bộ sưu tập thời trang. Đặc biệt nhất là bộ sưu tập "The Dreamers - Những kẻ mộng mơ đi dệt huyền thoại" bao gồm hơn 100 mẫu được sản xuất từ Lãnh Mỹ A, được tạo ra bởi các nhà thiết kế trẻ với tầm nhìn quảng bá chất liệu lụa lãnh trong tương lai.

Show diễn làm lóe lên niềm hy vọng, rồi đây, tương lai không xa, loại vải “quốc bảo” này sẽ sống lại thời huy hoàng và đi xa hơn nữa. Để một ngày, những chàng trai, cô gái Tân Châu lại được ngân nga câu ca trên những bến đò với đầy niềm tự hào về loại vải trứ danh xứ lụa:

"Bên nàng mặc lãnh Mỹ A

Đưa đò sang chợ tưởng xa hóa gần".

Mỹ Phụng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có hơn 6.000 người chết từ những vụ tai nạn giao thông liên quan tới tài xế ngủ gật. Nguyên nhân do thiếu ngủ chiếm tới 30% trên tổng số các vụ tai nạn giao thông trong một năm.

Truy đuổi trên đường

Truy đuổi trên đường

Việc quy định cụ thể hoạt động truy đuổi để ngăn chặn một số hành vi vi phạm TTATGT không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, mà còn trở thành lực cản trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, an toàn xã hội.

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Không khó để bắt gặp đủ các hàng quán bán đồ ăn sáng ở Hà Nội ngày nay. Lật giở về quá khứ, thói quen ăn sáng của người Hà Nội phải chăng là lê la quán xá hay đã biến thiên theo thời gian?

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Thiếu cơ chế chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia khiến nhiều ý kiến đang băn khoăn về tính hiệu quả của việc xây dựng chính phủ số.

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Tại các khu – cụm công nghiệp, việc triển khai các mô hình “Cụm liên kết an toàn PCCC” như những cái “bắt tay” của các doanh nghiệp, để cùng chung sức đẩy lùi “bà hỏa”.

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các ứng dụng gọi xe như Grab, số lượng taxi truyền thống ở Singapore đang ngày một ít đi. Điều này gây ra không ít khó khăn với những người không có thói quen sử dụng ứng dụng, nhất là người cao tuổi.

Nâng cao chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch

Nâng cao chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch

Ngày 20/4, tại TP.HCM, Bệnh viện FV đã tổ chức buổi hội nghị Tim Mạch thường niên lần 2 với chủ đề “Điều trị Bệnh Tim Mạch: Hiện tại và tương lai” với nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế tham dự nhằm chia sẻ những tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán, điều trị.