Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Hành trình nuôi em với sự can đảm và tử tế

Thùy Linh : Thứ sáu 09/02/2024, 15:54 (GMT+7)

Chúng ta thường nghĩ tiền lẻ không làm được điều gì đó lớn lao. Nhưng với nhóm thiện nguyện niềm tin, họ lại có niềm tin là nếu mỗi người tham gia dự án Sức mạnh 2000 với việc tặng 2000 đồng mỗi ngày thì với 100.000 người tham gia, mỗi năm sẽ có 292 điểm trường được xây dựng cho các em nhỏ.

 

Tiền lẻ của bạn có thể góp sức xây thêm hàng nghìn điểm trường để thắp sáng ước mơ học tập nơi vùng sâu núi cao, chấm dứt tình trạng phải dạy và học trong căn nhà sập xệ, dột nát.

Niềm tin đó đã được hiện thực hoá trong những năm qua với 4 hạng mục công trình là: dự án xây dựng điểm trường, xây nhà hạnh phúc, nhà nội trú và xây cầu hạnh phúc.  

“GÓP GIÓ THÀNH BÃO” – ĐƯA EM TỚI TRƯỜNG

Sự hùng vĩ của núi rừng, mây trời luôn thu hút tầm mắt của người lớn. Còn với các em nhỏ vùng cao, những núi lô nhô và đường bé xíu quanh co – là thử thách mỗi ngày khi tìm đến con chữ.

Với niềm tin tưởng chừng viển vông: xoá điểm trường tạm từ những đồng tiền lẻ, Dự án Sức mạnh 2000 đã “góp gió thành bão” – làm nên những điều không tưởng dành tặng các em nhỏ như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hiền – Phó Chủ nhiệm Dự án Sức mạnh 2000: "Trước khi cái tên Sức mạnh 2000 được cộng đồng biết tới thì từ năm 2012 nhóm Niềm tin đã sử dụng cái tên Ánh sáng núi rừng với slogan: Mỗi năm thêm một điểm trường cho trẻ em vùng cao. Trong năm 2012 – 2019 đã xây dựng được 25 điểm trường chủ yếu tại Điện Biên.

Riêng năm 2019 thêm được 15 điểm trường. Đến năm 2020, nhóm đổi tên thành dự án Sức mạnh 2000 để làm rõ hơn ý tưởng góp tiền lẻ mỗi ngày xây nghìn trường mới. Tức là mỗi ngày mọi người sẽ bỏ ra 2000 đồng vào ví Momo. Từ năm 2020 đến bây giờ mỗi năm Sức mạnh 2000 xây dựng trên 100 công trình.

Tới thời điểm hiện tại, có 31 tỉnh khó khăn từ Bắc vào Nam với tổng số công trình từ 2020 đến 2024 là 461 công trình đã và đang được xây dựng, cộng thêm 2 công trình ở Kenya và Ấn Độ là 463 công trình".

Các em nhỏ Điện Biên chơi đùa trong điểm trường mới do dự án “Sức mạnh 2000” xây tặng - Ảnh dangcongsan

Các em nhỏ Điện Biên chơi đùa trong điểm trường mới do dự án “Sức mạnh 2000” xây tặng - Ảnh dangcongsan

Đồng hành từ năm 2020, trực tiếp đi khảo sát, thi công và khánh thành các điểm trường; Công ty Ba Đình care đã cùng Dự án Sức mạnh 2000 xây dựng 7 điểm trường cho các em học sinh tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên.

Anh Nguyễn Thanh Tú - Phó chủ tịch Câu lạc bộ bóng rổ Ba Đình – Công ty Cổ phần Ba Đình Care bộc bạch, nếu không đi thực tế không thể hiểu hết những khó khăn thiếu thốn ở vùng cao. Có đi mới thấy việc xây trường, xây cầu cho các em cần thiết tới nhường nào: "Ngoài việc xây trường cho các con chỉ là một mảng mình có thể đóng góp, thì mình sẽ lan toả thông điệp tích cực là ngoài công việc riêng thì mình bớt chút thời gian nếu có, ai có kinh tế thì bỏ kinh tế để cho đồng bào của mình, cộng đồng của mình ở nơi còn đang gặp khó khăn vất vả. Khi chúng tôi đi thực tế như thế là động lực để xây dựng được nhiều trường cho các con trong tương lai".

Xây dựng điểm trường để đông về các em bớt buốt co ro, hè sang vách lớp đỡ cong vênh.

Xây nhà hạnh phúc tặng các em học sinh mồ côi để có thêm hi vọng về ngôi nhà ấm áp, chở che.

Xây nhà nội trú giúp các em được nuôi ăn và đi học đầy đủ, quay trở lại con đường đến với cái chữ, giảm tục tảo hôn và lao động sớm.

Xây cầu hạnh phúc mang thêm hi vọng về chiếc cầu đi học mỗi ngày an toàn.

4 hạng mục của Dự án được triển khai bởi những người trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết. Làm tới khi nào xoá hết được trường tạm, lớp tạm, tới khi nào các trẻ em vùng cao đều được đến trường an toàn.

Ấy cũng là điều đã chạm được vào trái tim của bạn Phương Thảo – thành viên dự án từ năm 2020 tới nay: "Cho đến thời điểm hiện tại điều lớn hơn cả là số em nhỏ được chúng tôi giúp đỡ ngày càng tăng lên. Khi mà những con số trường tạm ở Việt Nam mình đi đến những điểm trường cuối cùng thì chúng tôi nhìn thấy nhiều khu nội trú tại các trường học cần chúng tôi xây dựng, những ngôi nhà hạnh phúc cho trẻ em dân tộc mồ côi, những cây cầu phục vụ cho việc đi học hàng ngày.

Đó chính là động lực lớn nhất để tôi tiếp tục đồng hành cùng dự án"

Tình nguyện viên của dự án “Sức mạnh 2000” bên một nhà nội trú tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk - Ảnh dangcongsan

Tình nguyện viên của dự án “Sức mạnh 2000” bên một nhà nội trú tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk - Ảnh dangcongsan

31 tỉnh thành từ Bắc vào Nam với 461 công trình đã và đang xây dựng. Năm nay, dự án sẽ đẩy mạnh hơn công trình Phòng tin học cho em để giúp các em được học tập công nghệ và tiếng anh tại các điểm trường trung tâm.

Những đóng góp khiêm tốn đã tạo nên điều phi thường. Không chỉ các em, mà ngay cả những thầy cô giáo cắm bản cũng không giấu nổi niềm vui khi nói về những điều mà Sức mạnh 2000 đã mang tới cho các em:

"Dự án sức mạnh 2000 đã hỗ trợ cho nhà trường 5 phòng học, thời gian tới tiếp tục hỗ trợ thêm 3 phòng học nữa. Học sinh yêu mái trường và tỷ lệ chuyên cần tốt hơn nhiều so với thời kỳ trước".

"Nhà có 5 chị em, bố mẹ mất sớm, em nhỏ nhất khi bố mẹ mất thì em mới hơn 1 tuổi. Hè năm 2023 dự án xây cho các em “Ngôi nhà hạnh phúc” và khánh thành tháng 11.2023. Nhờ có dự án thì cuộc sống các em tương đối ổn định, cũng như về cơ sở vật chất"

"Đến giờ phút này, huyện K’bang được ưu ái và quan tâm xây dựng 16 phòng ở nội trú cho các em và 5 ngôi nhà hạnh phúc. Tuy tôi là một người kết nối, những việc đó không lớn nhưng mình đã làm được một việc giúp cho các em được đến trường, được an tâm học tập, được nâng cao trình độ và góp phần xây dựng quê hương K’Bang ngày càng văn minh giàu đẹp"

HÀNH TRÌNH NUÔI EM VỚI SỰ CAN ĐẢM VÀ TỬ TẾ

Có thể thấy, nhờ sức mạnh của 2000 đồng mỗi ngày, nhóm thiện nguyện Niềm tin đã xây hàng nghìn ngôi trường mới cho các em nhỏ vùng khó khăn. Và dù chỉ 2.000 đồng nhỏ bé cũng có thể tạo ra thay đổi lớn lao cho hàng nghìn em nhỏ.

Dự án Sức mạnh từ 2000 đồng – tiền lẻ xây trường là một trong rất nhiều các dự án trong Hệ sinh thái Nuôi em của nhóm Thiện nguyện này.

Đến nay hệ sinh thái đã có tới 14 dự án gồm: Nuôi em, sức mạnh từ 2000, nước uống sạch, được dạy, đi ra từ bản, được học, tủ sách vùng cao, phòng tin học cho em, đồ chơi cũ, bếp đun tự sinh nước nóng, áo ấm đồng phục, bếp gas công nghiệp, học bổng nuôi em 500, mỗi học sinh trồng 2 cây xanh.

Em Hồ Thị My (áo trắng), dân tộc Bờ ru Vân Kiều, trường Tiểu học Tà Long, thôn Pa Hy, xã Tả Long, huyện miền núi Đăkrông, tỉnh Quảng Trị với “Ngôi nhà hạnh phúc” được dự án “Sức mạnh 2000” xây tặng cho em - Ảnh dangcongsan

Em Hồ Thị My (áo trắng), dân tộc Bờ ru Vân Kiều, trường Tiểu học Tà Long, thôn Pa Hy, xã Tả Long, huyện miền núi Đăkrông, tỉnh Quảng Trị với “Ngôi nhà hạnh phúc” được dự án “Sức mạnh 2000” xây tặng cho em - Ảnh dangcongsan

Đặc biệt, các dự án này đều bám sát với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Bản thân những người đứng đầu dự án có 2 câu hỏi đặt ra trước khi bắt tay thực hiện bất cứ dự án nào. Đó là "Nếu mình không làm thì có ai làm không?", và "Nếu mình không làm thì có điều gì xấu xảy ra không?".

Với những thứ tưởng chừng như “viểng vông” và “thiếu thực tế”, nhóm đã giúp rất nhiều em nhỏ vùng cao có cơ hội tiếp xúc với giáo dục công bằng và lan toả tinh thần can đảm – tử tế tới nhiều người.

Chúng ta sẽ cùng nghe chia sẻ của nhóm về những dự án đang và sẽ làm để chắp cánh cho các em nhỏ qua những chia sẻ của chị Trần Thị Thu Hương – Phó chủ nhiệm Dự án Nuôi em.

Hàng triệu người cộng lại, thì sẽ có hàng trăm, hàng nghìn công trình cộng đồng được tạo nên để đồng hành cùng các em nhỏ... Từ đâu mà những bạn trẻ trong nhóm thiện nguyện Niềm tin có được động lực làm những điều lớn lao như vậy?

Chúng ta sẽ cùng trò chuyện với chị Trần Thị Thu Hương – Phó chủ nhiệm Dự án Nuôi em để hiểu thêm về hành trình nuôi em với sự can đảm và tử tế. Xin chào Hương!

Chị Trần Thị Thu Hương: Xin chào BTV Thuỳ Linh và các thính giả đang nghe đài. Tôi là Trần Thị Thu Hương – hiện đang là Phó chủ nhiệm Dự án Nuôi em. Rất may mắn được đồng hành cũng như có buổi trò chuyện hôm nay với mọi người.

BTV Thuỳ Linh: Từ năm 2014 tới nay, hệ sinh thái Nuôi em có thể nói là đã và đang trở thành một dự án thiện nguyện có khả năng khơi mở sức mạnh khổng lồ của cộng đồng, đồng thời là dự án có quy mô triển khai lớn nhất cho tới nay. Nếu để nói về sự can đảm và tử tế, chị sẽ muốn kể câu chuyện nào nhất trong hành trình này của nhóm?

Chị Trần Thị Thu Hương: Ban đầu chúng tôi không nghĩ là mình sẽ làm một điều mang sức ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội như hiện tại. Chúng tôi luôn nói với nhau rằng: những điều chúng tôi đang làm là những điều vô cùng viểng vông và chúng tôi làm với niềm tin những điều đó đúng đắn.

Rất may mắn, sau một khoảng thời gian mà bản thân mình nghĩ là viểng vông thì chúng tôi được đáp lại bằng sự tin tưởng của cộng đồng, xã hội.

Thu Hương gắn bó với hoạt động thiện nguyện hướng về học sinh vùng cao. Ảnh: NVCC

Thu Hương gắn bó với hoạt động thiện nguyện hướng về học sinh vùng cao. Ảnh: NVCC

Khi dẫn các anh chị nuôi lên vùng cao gặp các bạn nhỏ mà các anh chị nuôi; được nhìn thấy khoảnh khắc đó thì chúng tôi thấy điều mình đang làm là gắn kết các mối quan hệ rất đáng yêu tuyệt vời trong cộng đồng, từ những người có mong muốn làm điều tử tế tới những đối tượng mong nhận sự hỗ trợ.

Thầy cô chia sẻ rằng khi dự án hỗ trợ thì các em thích đi học hơn chỉ bởi vì lý do đơn giản là ăn ngon hơn ở nhà. Từ đấy cái chuyên cần tăng cao.

Cũng từ những điều nhỏ nhoi đó chúng tôi tin rằng một ngày nào đó các em sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Bởi vì dù sao con đường thay đổi tương lai của các em là giáo dục.

Chúng tôi tin là con đường chúng tôi đang đi được mọi người tin tưởng đồng hành thì tôi nghĩ sự can đảm của chúng tôi đã có thành quả, được cộng đồng yêu thương và lan toả dự án.

BTV Thuỳ Linh: Được biết, dự án đã xây dựng được nền tảng vận hành cho 60,000 anh chị nuôi trên cả nước, nhận nuôi 95,000 trẻ em vùng cao. Không những vậy, dự án còn đang triển khai Nuôi em vượt ra khỏi biên giới Việt Nam là Nuôi em Kenya và Campuchia. Điều gì đã thôi thúc nhóm thực hiện ý tưởng này?

Chị Trần Thị Thu Hương: Lúc đầu chúng tôi không nghĩ mình sẽ vượt qua biên giới. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng trẻ em trên thế giới nói chung đều đáng được hưởng và nhận những điều tốt đẹp nhất và được hỗ trợ tốt nhất trong câu chuyện liên quan đến giáo dục để các em có thể có môi trường tốt hơn để phát triển con người và thay đổi tương lai.

Sau đấy qua tìm hiểu và được giới thiệu, chúng tôi thấy rằng các bạn ở Campuchia là các bạn học sinh rất đặc biệt. Đó là 100% đều là người Việt Nam nhưng từ thời chiến tranh đã lưu lạc và sinh sống ở bên đó và bây giờ chúng ta có cộng đồng người Việt ở bên đó và các bạn học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn. Thế nên chúng tôi quyết định làm dự án Nuôi em Việt tại Campuchia.

Sau đấy nữa chúng tôi được sự lan toả từ các bạn trẻ khi đang làm việc ở nước ngoài, các bạn cũng làm hoạt động cộng đồng.

Chúng tôi nghĩ rằng tại sao cứ phải để thế giới nhìn về Việt Nam là đất nước nhỏ bé, rất nghèo đói, không ai nghĩ Việt Nam có thể làm các dự án hỗ trợ các bạn nhỏ ở nước ngoài như nước xa xôi như Châu Phi là Kenya.

Chúng tôi mong muốn làm và cho thế giới thấy là Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng chúng tôi có thể làm nhiều điều hơn những gì mọi người có thể tưởng tượng và nghĩ đến.

Chúng tôi cũng muốn mang hình ảnh Việt Nam thật đẹp tới bạn bè quốc tế để họ nhìn thấy con người Việt Nam vô cùng tử tế và tiếp xúc gần gũi hơn. Và có điều rất thực tế là chúng tôi mong muốn bạn bè quốc tế nhìn được Việt Nam không chỉ hỗ trợ cộng đồng trong nước mà còn cả ở nước ngoài.

Thu Hương dẫn trẻ em vùng cao đi chơi khi xuống Hà Nội - Ảnh NVCC

Thu Hương dẫn trẻ em vùng cao đi chơi khi xuống Hà Nội - Ảnh NVCC

BTV Thuỳ Linh: Khép lại một năm đầy ý nghĩa của nhóm dành tới các em nhỏ và sự ghi nhận từ cộng đồng, chị có thông điệp gì muốn chia sẻ để lan toả sự can đảm và tử tế đó tới thính giả của VOV giao thông?

Chị Trần Thị Thu Hương: Với cá nhân tôi chỉ mong muốn là mọi người không cần nghĩ rằng cứ có tiền mới làm được điều tốt đẹp cho cộng đồng xã hội hay giúp đỡ người yếu thế. Khi chúng ta có mong muốn làm điều tử tế thì chúng ta có thể bắt đầu từ điều đơn giản nhất không cần đến tiền.

Ví dụ với Nuôi em chúng tôi có Dự án 0 đồng như Tủ sách cũ, Đồ chơi cũ, hay Dự án phòng tin học chúng tôi kết nối những người có mong muốn tạo những phòng tin cho các bạn học sinh đến với trường có nhu cầu để hỗ trợ các em tiếp cận với môn học mới và mang lại nhiều kiến thức.

Tôi rất hi vọng có thể lan toả một điều vô cùng ý nghĩa là nếu như chúng ta muốn làm điều gì đó tử tế cho xã hội và cộng đồng thì chúng ta hãy bắt đầu ngay dù những điều đơn giản nhất. Từ những việc chúng ta sống có văn hoá có đạo đức thì đấy cũng là đóng góp lớn cho xã hội. Hi vọng sang năm mới 2024 chúng ta sẽ làm được nhiều điều tốt hơn cho gia đình, cho cộng đồng và cho xã hội.

BTV Thuỳ Linh: Xin cảm ơn Hương đã dành thời gian trò chuyện với thính giả của VOV Giao thông trong tối giao thừa. Có lẽ khi nghe những chia sẻ này, quý vị sẽ cảm thấy sức mạnh của con người thật phi thường phải không ạ?

Khi chúng ta có động lực để quyết tâm, ta sẽ làm được những điều khiến mọi người phải khâm phục. Và đặc biệt, khi ta có tấm lòng trắc ẩn, ta sẽ thấy thật nhiều những điều phi thường được vẽ nên. Và thế là sự tử tế lại nuôi dưỡng những mầm mống của sự tử tế tiếp theo./.

 

 

Thùy Linh /vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Phân luồng giao thông phục vụ Quốc tang

Hà Nội: Phân luồng giao thông phục vụ Quốc tang

Trong các ngày 25 và 26/7/2024, trên địa bàn TP.Hà Nội diễn ra các hoạt động phục vụ Lễ Quốc tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Công an thành phố Hà Nội phân luồng giao thông và tổ chức hướng đi cho các loại phương tiện.

Sau 18h hôm nay, nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sau 18h hôm nay, nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng nay (25/7), Lễ viếng chính thức đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu tổ chức đồng thời ở Hà Nội, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Mạnh tay xử lý các vi phạm tại dự án QL21B đoạn qua Thị trấn Vân Đình (Hà Nội)

Mạnh tay xử lý các vi phạm tại dự án QL21B đoạn qua Thị trấn Vân Đình (Hà Nội)

Người dân Thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội phản ánh về tình trạng bụi bặm, đường xá ngổn ngang do công trình cải tạo, chỉnh trang lại vỉa hè, hệ thống thoát nước và chiếu sáng trên QL21B đoạn qua thị trấn Vân Đình đang triển khai thi công, ảnh hưởng đến đi lại và đời sống.

Đường nội khốn khổ cạnh tranh với đường nhập lậu

Đường nội khốn khổ cạnh tranh với đường nhập lậu

Năm 2023, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam vào khoảng 600 nghìn tấn, bằng 63% lượng đường của các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cờ vỉa

Cờ vỉa

Với cánh mày râu, có một món ăn tinh thần vẫn tồn tại lâu nay trong cuộc sống, đó là thú chơi cờ tướng vỉa hè. Nếu bộ hàng ngang qua những vỉa hè trên phố, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh từng nhóm người tụ tập xung quanh bàn cờ tướng kèm theo những âm thanh nhộn nhịp cả một góc phố.

Làm đường dành cho người đi bộ nhưng lại cho đỗ ô tô?

Làm đường dành cho người đi bộ nhưng lại cho đỗ ô tô?

Tại Hà Nội, nhiều tuyến đường đã được đầu tư từ lâu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thế nhưng các tuyến đường này vẫn chưa cho thấy hiệu quả hoạt động của nó. Đơn cử như tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, phần đường đáng ra được dành riêng cho người đi bộ, thì nay đã trở thành bãi đỗ xe…

Phân vai cụ thể để quản lý, bảo trì đường bộ

Phân vai cụ thể để quản lý, bảo trì đường bộ

Sau giai đoạn ủy thác ban đầu, việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương quản lý quốc lộ là một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, không chỉ giúp giảm tải gánh nặng cho trung ương mà còn phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương trong việc quản lý và bảo trì quốc lộ.