Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Hà Nội sống và yêu: Hương vị hè

Thùy Linh - Ngọc Tiến: Thứ bảy 15/06/2024, 15:03 (GMT+7)

Mỗi mùa của Hà Nội đều có đặc trưng riêng. Tôi chợt nghĩ, không biết hương vị của mỗi mùa sẽ như thế nào? Và nếu nhắc tới “hương vị hè Hà Nội” các bạn sẽ nghĩ tới điều gì đầu tiên?

BÊN DÒNG THỜI GIAN

Hà Nội đang vào hè… Các bạn có bao giờ tự hỏi Mùa hè Hà Nội có hương vị gì? Tôi sẽ hỏi những người đang đi dạo trên con phố Tràng Tiền ngày hôm nay để cùng tìm hiểu xem.

"Hồi chúng tôi còn là sinh viên đại học thì hay cùng nhau đạp xe lên đây mua kem. Giờ cũng đã là 20 năm kể từ khi ra trường rồi nhưng mà cứ đến mùa hè là chúng tôi lại rủ nhau lên đây ôn lại kỷ niệm và thưởng thức kem Tràng Tiền".

"Em từ miền trong ra Hà Nội đi học, trước đấy thì em nghe mọi người đều bảo là một khi đã ra Hà Nội thì phải ăn thử kem Tràng Tiền, chưa ăn kem Tràng Tiền thì là chưa đặt chân đến Hà Nội".

"Dù bây giờ cũng có rất nhiều loại đồ ăn vặt mà giới trẻ có thể thưởng thức nhưng em nghĩ khó món nào qua được kem Tràng Tiền. Hà Nội cũng đang bước sang mùa hè nên em cũng thấy đây là món không thể bỏ qua".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tên gọi kem Tràng Tiền vẫn giữ nguyên từ ngày đầu tiên sản xuất cho tới tận hôm nay. Nằm bên khung cảnh tuyệt đẹp của phố phường hiện đại, gian hàng kem Tràng Tiền trở thành địa chỉ ghé thăm của rất nhiều những tâm hồn yêu kem.

Họ tới đây không chỉ mua cho mình một món quà vặt giải khát, mà còn để tìm lại những kỷ niệm đã gắn bó từ rất lâu. Từ đông qua xuân rồi sang hè, đối với anh Lê Dũng, kem Tràng Tiền đã gắn liền với tuổi thơ ngồi sau yên xe bố:

"Gia đình mình làm nghề nhiếp ảnh nên hồi nhỏ hay được bố dẫn theo để đi chụp ảnh phố phường Hà Nội. Ngồi sau xe bố và đi khắp các phố phường Hà Nội chụp ảnh, mùa hè thì trời nắng nóng lắm nên thi thoảng sau mỗi buổi chụp ảnh thì hai bố con lại đi mua kem ăn.

Chắc do hồi đấy còn nhỏ nên thấy kem ngon lắm, ăn hết 1 que thì đòi bố mua thêm que nữa. Dù bố thì hay dọa là ăn nhiều viêm họng hay là bảo để dành bụng về ăn cơm mẹ nấu nhưng vẫn không sợ, vẫn thấy thòm thèm, có lẽ tới tận bây giờ mình vẫn thấy kem Tràng Tiền là loại kem ngon nhất mình từng ăn".

Với mỗi người dân Hà Nội, kem Tràng Tiền gắn liền với ký ức bằng vị cốm, đậu xanh, dừa,... Song chắc chắn là hương vị nào của kem Tràng Tiền cũng đều khiến chúng ta ấn tượng, bởi vị ngon riêng biệt so với những loại kem khác.

Vị cốm dẻo thơm, vị dừa ngọt thanh và vị đậu xanh thơm bùi… Cầm trên tay que kem yêu thích, nhà báo Tuyết Nhung không khỏi bồi hồi nhớ về những ký ức thời học sinh xen lẫn mùi vị của kem Tràng Tiền:

"Ngày còn nhỏ thì tôi còn nhớ là có kem cốm này, kem đậu xanh, kem sữa dừa thì cũng hương vị kem nó cũng như xưa, đặc biệt là đến mùa cốm là có kem cốm mà cũng rất là hay. Màu nó xanh xanh rồi. Kem màu hồng hồng - kem va ni, kem màu trắng - kem sữa thế có lúc là kem cafe nữa màu nâu nâu.

Và kể cả mùa đông, mùa xuân, mùa hè, mùa thu mọi người đều đều thích ăn kem Tràng Tiền, kể cả mùa đông. Nhớ ngày còn trẻ, ăn căm chăng? Tiền chẳng thấy lạnh gì cả. Mọi người trông thấy bảo sợ ghê răng ấy, nhưng mà đối với tuổi trẻ thì rất là vui, cảm thấy nó giống như một một cái sự thử thách ẩm thực nho nhỏ ấy.

Thế mà lớn lên là sinh viên đại học thì học xa Hà Nội, mỗi lần mà được về Hà Nội hoặc là mình ở Hà Nội có các bạn ở tỉnh khác muốn về thăm Hà Nội và đi cùng với mình thì sinh viên thì cũng nghèo thôi không có gì. Phở có khi không chiêu đãi được nhưng một vài que kem Tràng tiền thì ở trong tầm tay thế".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đi qua bao năm tháng, kem Tràng Tiền đã trở thành biểu tượng gắn liền với ký ức của những người con hướng về Hà Nội. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người Hà Nội mới có câu: "Phi thực kem Tràng Tiền bất thành người Hà Nội".

Ngồi thưởng thức kem và ngắm nhìn các hình ảnh gắn liền với bao thăng trầm của thủ đô là cảm xúc khó diễn tả. Bên cạnh nét hoài cổ, sự đổi mới pha chút hiện đại cũng làm kem Tràng Tiền hấp dẫn hơn, đó cũng chính là cảm nhận của nhà báo Tuyết Nhung:

"Thực ra thì kem Tràng Tiền nổi tiếng bởi vì nó có cái hương vị riêng, nhưng giá cả nó bình dân, cái đấy là thu hút người ta hơn cả. Thế nhưng kem Tràng tiền thì nó vẫn là có tính chất bình dân, không phải thật là vô cùng xuất sắc.

Nhưng mà người ta nói cái hương vị của ẩm thực, cái ngon của nó còn ở là ký ức nữa, còn ở những câu chuyện nữa, còn ở lời đồn thổi còn là những cái truyền ngôn, cho nên là Kem Tràng tiền là một dạng sản phẩm như thế".

Giờ đây, kem Tràng Tiền cũng đã có nhiều sự thay đổi về mẫu mã các sản phẩm để phù hợp với xu hướng thị trường. Duy chỉ có một thứ không thay đổi là “văn hóa kem đứng”, những thực khách yêu thích kem Tràng Tiền phải đứng xếp hàng dài mới tới lượt được vào mua. Cuối tuần cùng nhóm bạn thân lên phố trải nghiệm vị kem mới ra mắt, bạn Phương Thảo hào hứng chờ tới lượt mua kem của mình chia sẻ:

"Cuối tuần nên mình rủ nhóm bạn lên phố đi bộ chơi rồi ra Tràng Tiền mua kem ăn, lần nào tới đây thì cũng thấy rất đông người xếp hàng mua kem, mọi người phải xếp 2 - 3 hàng thì mới nhanh tới lượt mua của mình ấy.

Mình thấy là dù nổi tiếng lâu năm nhưng kem Tràng Tiền vẫn giữ được chất lượng, các vị kem truyền thống thì vẫn được sản xuất bày bán, vẫn rất đông người mua. Giờ thì cũng bổ sung thêm các vị kem mới và giới trẻ như tụi mình thì cũng rất thích và tò mò muốn được thưởng thức".

Hương vị mùa hè sẽ có được khi đến con phố Tràng Tiền bởi mùi thơm của kem dẫn lối và hương vị của ký ức trong mỗi người Hà Nội. Những que kem Tràng Tiền như xua tan đi cái nóng của mùa hè chốn phố thị và làm mát cho tâm hồn mỗi người.

Cho đến những ngày tưởng chừng ngột ngạt kèm theo lất phất mưa bay, người Hà Nội vẫn muốn tìm đến nơi góc phố này để được đứng thưởng thức những chiếc kem thơm ngon. Bất cứ ai dù đi xa về gần vẫn luôn thương nhớ từng mùi vị của kem Tràng Tiền…

Ảnh minh họa: VnEconomy

Ảnh minh họa: VnEconomy

SỐNG Ở HÀ NỘI

Thời Pháp thuộc, ngoài những quy định luật lệ về hành chính thì từng lĩnh vực cũng có những quy định rất chặt chẽ. Báo chí thời Pháp thuộc cũng như vậy. Bạn có tò mò muốn biết báo chí thời Pháp thuộc ở Hà Nội thế nào?

Báo chí chữ Quốc ngữ ở Hà Nội xuất hiện muộn hơn so với ở Sài Gòn. Tờ đầu tiên xuất bản ở Hà Nội năm 1905  là Đại Việt tân báo nhưng cho đến nay không tìm thấy báo lưu. Tờ  thứ hai là tuần báo Đại Nam (còn gọi là Đăng cổ tùng báo) có chữ Quốc ngữ lẫn chữ Hán nhưng Đại Nam chỉ tồn tại gần 3 năm. Ngày 14-11-1907, chính quyền Pháp cấm  phong trào Đông Kinh nghĩa thục đồng thời cũng đóng cửa tờ báo này.

Cuối thế kỷ 19 chính quyền Pháp mở các trường tiểu học Pháp-Việt, lại mở các trường Hậu Bổ bắt học chữ  Pháp và Quốc ngữ nên số người Hà Nội biết chữ Quốc ngữ tăng lên nên họ tính toán xuất bản báo chữ Quốc ngữ. Ngày 15-5-1913 số đầu tiên của tuần báo Đông Dương tạp chí dầy 16 trang khổ 27x21,5cm được phát hành.

Tuy nhiên Đông Dương tạp chí do chính phủ Pháp tài trợ nên trở thành công cụ của chính quyền. Sau đó Hà Nội xuất hiện thêm một vài tờ Quốc ngữ nữa nhưng cũng phục vụ mục đích chính trị của chính quyền.

Đầu năm 1920, họ  cho tư nhân, hội nhóm được xuất bản báo thì Hà Nội có thêm 17 tờ trong đó có 5 tờ nhật báo. Số đầu báo tăng dần, tính đến tháng 6-1936, Hà Nội  có 84 tờ báo và tạp chí mới mở rộng ra nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội như: chính trị, công thương, văn học nghệ thuật, tôn giáo…lại có báo riêng cho phụ nữ, thanh niên…

Ảnh: Nghiên cứu lịch sử

Ảnh: Nghiên cứu lịch sử

Nhận rõ vai trò của báo chí với xã hội nên họ quản lý báo chữ Quốc ngữ rất khắt khe. Đúng là trong giai đoạn đầu xâm lược Việt Nam, Pháp cho tư nhân ở Sài Gòn được tự do ra báo không phải xin phép nhưng từ năm 1898, Bộ Thuộc địa Pháp đã ra lệnh, cá nhân, tổ chức ở Nam Kỳ, các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, muốn xuất bản báo chữ Quốc ngữ  phải xin phép. Nhất là khi xuất hiện các tờ báo có hơi hướng cách mạng thì họ càng xiết chặt tự do báo chí. 

Muốn ra báo phải xin phép nhà chức trách. Có giấy phép mới được xuất bản. Lý lịch của chủ nhiệm, chủ bút và biên tập viên phải  thông qua Sở mật thám Liên bang Đông Dương. Họ ban hành nghị định cấm  tuyệt đối không được chống lại chính quốc, không được kích động  dân chúng. Thậm chí nhưng tin xe nhà binh  gây tai nạn họ cũng cấm không cho đăng. Nếu báo, tạp chí nào vi phạm, nặng thì đóng cửa, nhẹ thì cấm vài ba số hoặc trừng phạt bằng cách hạn chế bán giấy in báo.

Họ dùng công cụ kiểm duyệt nội dung.  Trước khi in phải đưa kiểm duyệt, nếu cơ quan kiểm duyệt bỏ bài thì  các báo tuyệt đối không được đăng phải lấp vào bằng nội dung khác. Hiện trong Thư viện quốc gia báo còn lưu giữ  nhiều tờ có khoảng trống.

Thời kỳ đó, người đọc biết khoảng trống đó là cơ quan kiểm duyệt bắt bỏ bài và tòa soạn không kịp thay bài khác vì đã đến  giờ nhà in phải chạy máy. Tuy nhiên có báo phản ứng bằng cách cứ dể trống. Để chống lại tình trạng này, cơ quan kiểm duyệt ra qui định nếu để trống nhiều số họ  sẽ cấm báo đó xuất bản.

Với người bán báo rong, không phải cứ lấy báo từ nhà  in rồi chạy ra phố rao bán. Muốn bán báo rong phải có đơn kèm ảnh gửi đốc lý thành phố. Nếu được đồng ý họ sẽ cấp cho thẻ có dán ảnh đóng dấu giáp lai lên ảnh mới được phép hành nghề.

Báo chí thời Pháp thuộc ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng bị quản lý rất khắt khe, không có chuyện tự do như một  số người nghĩ. 

Ảnh: Thời báo ngân hàng

Ảnh: Thời báo ngân hàng

TIN YÊU

- UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024. Ngoài lễ khai mạc và Chương trình nghệ thuật “Thu Hà Nội” diễn ra từ 19h30 đến 22h ngày 13-9 tại sân khấu khu vực vườn hoa đền Bà Kiệu, sẽ có khoảng 150 gian hàng tham gia Festival chia thành các khu vực theo thiết kế và dàn dựng dọc phố Đinh Tiên Hoàng, phố Lê Thạch và khu vực nhà Bát Giác.

- Hà Nội vừa công nhận 3 danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội” đối với các nghề: Sản xuất sản phẩm từ cốm phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực và đúc đồng Ngũ Xã, phường Trúc Bạch thuộc quận Ba Đình; Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.

- Trúc được trồng từ cuối năm 2023. Hàng nghìn cây trúc đã bắt đầu sinh trưởng, phát triển khá tốt, tạo được điểm nhấn ven hồ Trúc Bạch, Hà Nội. Rừng trúc đang thu hút được nhiều người dân, khách du lịch trong nước và quốc tế tham quan, chụp ảnh, đưa hình ảnh cây Trúc, cây Tre Việt Nam vươn ra thế giới.

- Vừa qua, Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ XI năm 2024 với chủ đề 'Hà Nội - Miền di sản' đã khai mạc tại Phố sách Hà Nội (phố 19 tháng 12, quận Hoàn Kiếm), trưng bày 68 tác phẩm xuất sắc của 45 tác giả. Trưng bày sẽ diễn ra đến hết ngày 21/6 tới.

Thùy Linh - Ngọc Tiến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn