Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Hà Nội sống và yêu: Ghé thăm làng hương Quảng Phú Cầu

Thùy Linh - Ngọc Tiến: Thứ bảy 19/04/2025, 13:17 (GMT+7)

Nhắc đến làng nghề truyền thống của Hà Nội, không thể không kể đến làng hương Quảng Phú Cầu – nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa nghìn đời.

Với sắc đỏ rực rỡ và hương thơm trầm mặc lan tỏa, làng hương không chỉ là nơi mưu sinh của bao thế hệ mà còn là điểm đến độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Hãy cùng VOV Giao thông ghé thăm Quảng Phú Cầu – nơi mỗi bó hương là một câu chuyện, mỗi làn khói là một nét đẹp văn hóa Việt.

BÊN DÒNG THỜI GIAN

"Cô đang bổ vầu, mỗi một ngày cô làm 8 tiếng… Công đoạn này chỉ người già làm thôi.. Còn thanh niên, phụ nữ khoẻ thì người ta đi chạy máy..."

Một ngày mới bắt đầu, khi nắng còn chưa kịp chiếu rọi khắp thôn làng, thì những âm thanh lao động đã vang lên rộn ràng khắp các ngõ nhỏ của làng Quảng Phú Cầu – nơi được mệnh danh là “ngôi làng của hương sắc”.

Dọc con đường làng, những bó hương đỏ rực như những bông hoa bung nở trong nắng. Bên hiên nhà, tiếng chẻ tre lách cách, tiếng vót tăm đều tay, tiếng máy xay rì rầm như bản giao hưởng của một làng nghề đang miệt mài sống và gìn giữ truyền thống:

"Ngày trước là tăm vuông, tăm vuông mới chạy bằng tay, tăm tròn là chạy bằng máy. Họ chẻ vàu bằng tay xong họ đi phơi khô. Phơi khô rồi chạy máy để ra que tăm này… Ra que tăm này rồi đi chà để cho nó nhẵn, rồi đến bọn mình nhặt đây.. đây là thành phẩm cuối cùng".

Ảnh: VOV

Ảnh: VOV

Chị Nguyễn Thị Hiền – một người thợ đã gắn bó với nghề nhiều năm, vẫn miệt mài từng động tác: rũ tăm, phân loại, bó lại, rồi nhuộm chân hương rực rỡ sắc màu. Những bó hương sau đó được mang ra bãi trống, xòe ra như những đóa hoa khổng lồ, phơi mình dưới nắng.

Một công việc tưởng như đơn giản nhưng lại là cả một hành trình kỳ công. Từ khúc tre, khúc vầu thô mộc, qua bàn tay cần mẫn và tấm lòng giữ nghề của người dân Quảng Phú Cầu, từng que tăm, từng chân hương ra đời – mang theo cả hương sắc, cả tình người.

Thời điểm bận rộn nhất của làng là vào cuối năm như chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Tiến Thi:

"Từ tháng 10, tháng 11, tháng 12 Âm lịch là mọi người se để bán Tết, phụ thuộc thời tiết nắng nóng để phơi. Tức là ngày xưa thì phải dậy sớm lắm, phải dậy từ 4-5h sáng để giá cho đế 7h sáng hôm sau mới se…Còn bây giờ cứ 7h làm làm, chiều tối thì 6h nghỉ, tiết kiệm được thời gian vì làm máy móc rất nhanh".

Thời đại thay đổi, công nghệ vào làng. Nhưng tình yêu nghề và sự tỉ mẩn trong từng công đoạn vẫn nguyên vẹn. Người Quảng Phú Cầu không chỉ giữ nghề cho mình, mà còn lan tỏa văn hóa làng nghề đến cả thế giới.

Ảnh: VOV

Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Đình Đảm – Trưởng thôn Làng Cầu Bầu cho biết: nơi đây không chỉ là làng nghề mà còn là điểm đến du lịch độc đáo, thu hút cả khách trong nước và quốc tế:

"Điểm đặc biệt chính thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, trong đó có đến 80% là khách quốc tế thì chân hương là đầy đủ màu sắc xanh, đỏ, tím vàng , chế ra thành nhiều màu và xếp thành nhiều hình, lá cờ đỏ Việt Nam, hình ông sao, lá cờ đỏ sao vàng.. có thể xếp theo yêu cầu của một số khách".

Không chỉ đến để ngắm nhìn, du khách còn được trải nghiệm thực tế – tự tay làm chân hương, nhuộm màu, phơi tăm… Những việc tưởng chừng đơn giản lại trở thành trải nghiệm khó quên trong lòng người phương xa.

Những hình ảnh rực rỡ của làng hương Quảng Phú Cầu không chỉ “làm say lòng” du khách, mà còn xuất hiện trên nhiều trang báo quốc tế, truyền cảm hứng cho biết bao nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ và những người yêu văn hóa Việt. Một ngôi làng nhỏ, một nghề truyền thống… nhưng chứa đựng cả một kho tàng văn hóa, tình người, và hồn dân tộc:

"Khi đến đây thì du khách rất thích trải nghiệm làm ra chân hương hoặc người ta nhuộm hương, phơi tăm. Mặc dù đây là những việc đơn giản thôi nhưng du khách nước ngoài rất thích. Làng hương Quảng Phú Cầu đã thu hút được 80% khách nước ngoài".

Và nếu bạn muốn một lần được đắm mình trong “hương sắc Việt Nam”, hãy ghé thăm làng Quảng Phú Cầu. Để cảm nhận, để yêu, và để thấy rằng – trong từng nén hương bay – có cả hồn quê đang tỏa ngát...

Một bức ảnh chụp địa danh Ô Cầu Dền những năm đầu thế kỷ 19 (Ảnh: TL)

Một bức ảnh chụp địa danh Ô Cầu Dền những năm đầu thế kỷ 19 (Ảnh: TL)

SỐNG Ở HÀ NỘI

Hà Nội hiện có 526 đơn vị hành chính cấp xã phường thị trấn. Thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp  xã phường, dự kiến Hà Nội sẽ rút lại còn 263 phường xã. Trong lịch sử hơn 1000 năm, Thăng Long-Hà Nội đã nhiều lần thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Chuyện tách nhập xã, phường trong lịch sử sẽ được kể qua nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.

Thời Lý, Trần kinh đô Thăng Long được chia thành 61 phường. Đến nhà Hậu Lê, triều đình đặt thêm cấp huyện, cấp này là gạch nối giữa  phủ và  phường. Ở Thăng Long  có phủ Trung Đô, dưới là huyện: Quảng Đức và Vĩnh Xương, mỗi huyện có 18 phường.

Năm 1469, Lê Thánh Tông đổi Trung Đô thành phủ Phụng Thiên nhưng vẫn giữ nguyên hai huyện và  số phường. Tại sao nhà Hậu Lê lại giảm số phường? Lý do là thời  Hậu Lê, triều đình bổ chức quan về  cấp phường xã, giảm số phường là giảm số quan đồng thời  tiết kiệm  ngân khố.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lập ra nhà  Nguyễn lấy niên hiệu là Gia Long, chuyển kinh đô vào Huế, ban đầu vẫn giữ nguyên 36 phường như thời Lê nhưng sau đó vua  Gia Long đổi tên Vĩnh Xương thành  huyện Thọ Xương và Quảng Đức thành huyện Vĩnh Thuận. Chía hai huyện này thành 249 xã, thôn,  phường. Giữa cấp xã, phường, thôn và huyện vua Gia Long đặt thêm cấp trung gian gọi là tổng.

Việc vua Gia Long lập thêm phường, xã, thôn song chức xã trưởng, phường trưởng, trưởng thôn do  dân bầu. Họ  không có lương, chỉ được  phụ cấp và phụ cấp này không phải của triều đình, nó được trích một  phần từ  các khoản thu trong  dân mà  phường, xã được phép nên càng nhiều xã, phường, thôn thì quản lý dân càng chặt.

Năm 1831, vua Minh Mạng  thực hiện cái cách hành chính trên cả  nước, xóa bỏ Bắc thành, lập tỉnh Hà Nội gồm  4 phủ, 15 huyện. Phủ Hoài Đức vẫn gồm 2  huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận nhưng Thọ Xương rút xuống  còn 116 phường, thôn, xã,   huyện Vĩnh Thuận còn 40.

Như vậy 93 tên xã, phường, thôn ở phủ Hoài Đức đã bị xóa bỏ. Vua Minh Mạng tiếp nối cách làm của vua Gia Long, các chức vụ xã, phường, thôn  do dân bầu và không có lương. Giải thích về  giảm  số cấp hành chính vua Minh Mạng cho rằng nhiều dẫn đến manh mún và lệnh trên xuống mất nhiều thời gian đến các xã phường.

Tính từ triều vua Gia Long đến triều vua Thành Thái (1889-1907), có 73 tên xã, phường của Hà Nội trùng với 15 húy của các chúa vua  Nguyễn và người thân; 4 xã trùng với từ tôn kinh là Thiên và Nguyễn nên phải đổi. Nhưng khi đổi triều đình chỉ đổi từ húy, ví dụ Minh là húy của vua Minh Mạng thì phường Minh Kinh đổi thành Chính Kinh

Cuối thế kỷ 19, khi thực dân Pháp chiếm tỉnh Hà Nội, ngày 19-7-1888, họ lấy  huyện Thọ Xương và  một phần Vĩnh Thuận lập thành phố Hà Nội thuộc Pháp. Lúc này cấp hành chính không còn phường, thôn, xã nữa mà họ chia Hà Nội thành 8 hộ, dưới hộ là phố, đứng đầu phố là trưởng phố có vai trò giúp cho tòa đốc lý thu thuế. 

Sau ngày Thủ đô giải phóng, tháng 9-1955, nội thành Hà Nội chia làm 4 quận với  36 khu phố. Sau đó lại nhiều lần đổi tên địa dư, địa danh, thay  danh từ phường bằng khối rồi tiểu khu. Năm 1982 lại đổi tiểu khu thành phường. Năm 2022, theo nghị quyết của Quốc Hội, Hà Nội đã sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính trong lịch sử không phải tùy hứng, tùy theo quan điểm của thể chế, song mục đích lớn nhất là để thuận tiện trong quản lý và tạo điều kiện để các địa phương phát triển.

Ảnh: Công lý

Ảnh: Công lý

TIN YÊU

- Bộ VHTT&DL vừa cho ý kiến thống nhất việc phục chế tượng thờ thần Văn Xương đế quân tại di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Sau khi nghiên cứu, Bộ thống nhất việc phục chế tượng thờ thần Văn Xương đế quân tại di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, quận Ba Đình theo mẫu tượng thần Văn Xương đế quân đang thờ tại đền Ngọc Sơn, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

- Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định công nhận điểm đến Thụy Lâm thuộc xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh là điểm du lịch. Thụy Lâm là vùng đất giàu giá trị văn hóa với nhiều di tích, lễ hội và làng nghề truyền thống. Nổi bật nhất là đền Sái, di tích lịch sử cấp quốc gia, gắn liền với truyền thuyết Đức Huyền Thiên giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa.

- Hòa chung không khí cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 139 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 – 01/5/2025); hướng tới kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2025) và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc tại nhiều địa điểm.

Chương trình khai mạc vào ngày 18-4 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ). Nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật sẽ diễn ra tại nhiều địa điểm ở khu vực Phố cổ Hà Nội đến 1-6.

- Festival Phở 2025 với chủ đề 'Tinh hoa phở Việt – Di sản trong kỷ nguyên số' diễn ra trong 3 ngày, từ 18 đến 20-4-2025 tại Hoàng thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội). Trong lễ hội, ngoài việc giới thiệu tinh hoa phở ba miền, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm ứng dụng AI để tìm kiếm món phở mình yêu thích.

- Những ngày này, dạo một vòng mạng xã hội, không khó để bắt gặp hàng loạt hình ảnh và video rực rỡ sắc đỏ, ngập tràn không khí hào hùng nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Nhiều con phố, con ngõ ở Hà Nội đang trở thành nơi check in khiến giới trẻ nô nức kéo đến.

Thùy Linh - Ngọc Tiến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn