Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Đi mong, cơ cực đời nghề

Trúc Thi : Thứ năm 26/10/2023, 14:28 (GMT+7)

ĐBSCL có bờ biển trải dài, từ bao đời nay, người dân đã dựa vào biển để khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Bên cạnh ngư dân có điều kiện đầu tư tàu thuyền đánh bắt xa khơi thì có những người chọn bám biển mưu sinh bằng nhiều phương kế khác.

Trên các bãi bồi, bùn lầy mênh mông của vùng cửa biển, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, người xưa đã sáng tạo nên nghề đi mong, cái tên nghe có vẻ xa lạ với nhiều người.

Nhưng với bà con làm nghề hạ bạc mấy đời sống quẩn quanh cùng con nước lớn ròng thì đi mong là cái nghề đã nuôi sống những người con xứ bãi bồi ven biển từ thuở khai hoang lập ấp trên mảnh đất phương Nam. 

Với tấm gỗ được đóng đơn giản, chiếc mong giúp ngư dân dễ dàng di chuyển trên bãi bùn lún sâu ( Ảnh: Báo Nhân Dân)

Với tấm gỗ được đóng đơn giản, chiếc mong giúp ngư dân dễ dàng di chuyển trên bãi bùn lún sâu ( Ảnh: Báo Nhân Dân)

Một ngày mới của bà con ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề bắt đầu từ tờ mờ sớm. Con nước vừa rong, để lại những bãi bồi sình lầy đầy cá, tôm, nhất là loài bống sao – một đặc sản trứ danh của vùng đất này.

Để mưu trên trên những bãi bồi mà “sình lầy ngập lút gối”, người dân xứ biển Mỏ Ó đã sáng chế ra một tấm ván trượt mỏng rất nhanh và nhẹ để làm phương tiện di chuyển, người ta gọi đó là mong. Không biết ai là người đầu tiên đã sáng kiến ra cách di chuyển đặc biệt này và cũng không biết chiếc mong ra đời từ lúc nào, chỉ biết rằng, với người dân xứ biển Mỏ Ó, từ lúc 5, 6 tuổi họ đã biết đi mong mà mưu sinh theo con nước.

Và rồi cứ thế gắn cả đời mình với bùn đất lắm lem, lấy chiếc mong làm sinh kế. Nghề đi mong vì thế không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là một nét văn hóa đặc biệt của bà con xứ biển Trần Đề.

Theo các “thợ” lành nghề, chiếc mong được làm rất đơn giản, cũng không tốn nhiều tiền, chỉ cần một tấm gỗ dày cỡ 3cm, dài hơn 1m, rộng chừng 50cm là đủ. Tấm gỗ được bào cho láng để có độ trơn, lướt trên bùn nước. Sau khi xẻ gỗ, người ta dùng lửa để đốt nóng một đầu tấm gỗ, ép cong lên tạo cho mũi chiếc mong nhếch lên khỏi mặt bùn. Gần giữa có một thanh gỗ đứng làm nơi để ngư dân tỳ tay, “lái” chiếc mong theo ý muốn.

Tuy nhiên, cũng tùy theo đặc điểm bãi bồi từng nơi mà người ta có cách đóng khác nhau. Tợ như, ở Sóc Trăng, mũi chiếc mong được đóng nhếch lên thì mới trượt được trên bùn non ngập nước, vì ở đây bùn non rất mềm. Còn ở Trà Vinh, mong được đóng nhỏ hơn, đầu mong đơn giản chỉ là một tấm ván, do bùn ở đây pha đất cứng, muốn mong trượt dễ, người ta phải chờ cho bãi bồi xăm xắp nước.

Chưa có nghiên cứu nào ghi nhận thời gian cụ thể về sự có mặt của nghề đi mong, nhưng có lẽ, ít nhất nó cũng tồn tài vài trăm năm tại các vùng ven biển Miền Tây nói chung, như Cầu Ngang – Trà Vinh hay Trần Đề – Sóc Trăng trong hành trình của lưu dân miền Trung di cư vào Nam để khai hoang lập ấp, mở ra những vùng đất bãi bồi bát ngát.

Anh Tăng Hiền – một trong những người đi mong chia sẻ: "Ở đây có lẽ 30, 40 năm, đi mong thì 30 mấy năm rồi đó, 46 tuổi, đi hồi 12 tuổi đến giờ đó, hồi chưa có vợ hồi còn con nít lận người trong xóm rồi mình đi theo rồi sau này đi theo ông già này kia nọ".

Các lão ngư am từng sông nước kể, ngày xưa nghề đi mong thịnh đến nổi người ta gọi hẳn là phường đi mong. Hồi đó, cứ mỗi tháng hai con nước rằm và ba mươi, người đi mong chỉ cần ra biển hơn 10 ngày cũng dư sống cho cả tháng.

Cá tôm khi ấy đăng đăng, đê đê, người ta chỉ bắt con lớn, chừa lại con nhỏ, nào bống sao, bóng cát, bóng tượng, nào sò huyết, tôm, cua, nào cá ngát, cá kèo… bao la là thứ. Giờ thì phường hội ngày nào cũng đã thưa vắng, phần vì sản vật từ những bãi bồi cũng dần khan hiếm, phần vì thu nhập từ nghề đi mong của bà con sống bám rừng, bám biển từ mấy chục năm qua chỉ dừng lại ở mức “đắp đổi qua ngày”.

Khoảng mười mấy năm về trước, ấp Mỏ Ó có gần 200 hộ đi ván mong, còn bây giờ chỉ còn khoảng chưa đến một nửa số hộ này làm nghề. Nếu trước đây, một đêm ngư dân có thể bắt được gần chục kí cá ngon ơ, thì bây giờ con số đó chỉ chừng 3 - 4kg, thậm chí sau một đêm lặn lội khắp bãi bùn người ta cũng đành ngậm ngùi về tay trắng.

Ở đây người ta không tính thời gian bằng giờ hay bằng phút, mà tính theo con nước lớn ròng. Mỗi ngày có 2 con nước, không kể sáng hay tối, chỉ cần nước rút là người đi mong lại xuống bãi.

Người đạp “mong” phải tự cân bằng và điều chỉnh sao cho “mong” đi không bị lún bùn (Ảnh: vanhoamientay.com)

Người đạp “mong” phải tự cân bằng và điều chỉnh sao cho “mong” đi không bị lún bùn (Ảnh: vanhoamientay.com)

Khi thủy triều rút cũng là lúc nhịp sống của người dân đi mong bắt đầu chuyển động. Cánh ngư dân cứ vậy mà đạp mong lướt trên những bãi bồi bắt đầu hành trình tìm sản vật. Lúc này, những bãi lầy như trở thành một “sân chơi” rộng lớn để ngư dân trình diễn những vũ điệu đẹp mắt trên chiếc mong gỗ của mình. Theo các ngư dân, đi mong tuy nhìn dễ nhưng phải có kỹ thuật đúng thì đi mới nhanh và giữ được sức bền. Để di chuyển được dễ dàng, người ta sẽ quỳ 1 chân lên tấm ván, còn một chân dưới bùn đẩy cho ván lướt đi, hầu như toàn lực dồn về mong, nên mọi người thường gọi là “trượt mong”. Chỉ với chiếc mong đơn giản nhưng với những ngư dân đã thuần thục với nghề, mỗi người có thể di chuyển từ 70 đến 100km trên những bãi bùn rộng lớn:

"1 ngày không biết mấy trăm cây số mà nói, đi 5 tiếng đạp tới vậy hoài nè, mình đạp ra ngoài khơi á mới có tôm cua, rồi đêm hôm khuya tháng mưa á đâu có thấy bãi đâu lạc tùm lum đường hết, mưa gió quá đâu thấy đường đâu, đi riết quen còn mấy người mới thì sợ lắm".

"Đi bằng cái này thì do mình đi dưới bùn lầy á, nhờ nó thì mình không có mệt, không có nó thì mình hơi đuối đi không có được xa. Còn đi mấy chục cây số thì đi chiếc mong này, mình cứ đạp tới đạp lui vậy á nào có cá cua thì mình dừng lại, mình mới đạp nó, được 1,2 cái bỏ vô cái mong rồi đi kiếm tiếp vậy đó"

Cánh đi mong cho biết, nghề này lắm cơ cực khi bùn nhão lún ngang người, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đất. Vậy mà, vì miếng cơm, manh áo, nhiều gia đình nghèo không đất sản xuất, không có việc làm ổn định đành bấm bụng bám nghề, bám biển để mưu sinh dẫu cho nghề “hạ bạc” buồn vui theo con nước. Hết đời này sang đời khác, người đi mong ngập ngụa trong bùn lầy, quẩn quanh dưới con nước, trở về sau 1 lần đi mong người dân nơi đây biết rằng vậy là hôm nay đã đủ miếng ăn, còn ngày mai của họ ra sau thì phải chờ con nước lớn ròng.

Vất vả là vậy, cơ cực để có được đồng vào đồng ra là vậy, thế nhưng, những người theo nghề xem đó là niềm vui, là một đặc ân mà tao hóa đã mang đến cho những cư dân sống ven các bãi bồi cửa biển: "Cực thì tôi thấy cũng không có cực đâu, tại nghề theo đuổi nào giờ rồi. sợ nhất là trời mưa gió, biển giờ cũng đang hạn hẹp nguồn thiên nhiên, đi 1 đêm vậy 1 người được 100 ngoài ngàn, 70 80 chục, bèo lắm mà không đi thì không được. Giờ bỏ biển đi Bình Dương thì không được mình muốn đeo biển hoài à. Trong lương tâm của tôi không bao giờ bỏ nghề biển, sẽ đeo đến chừng nào cuối thì thôi".

Thời gian dần trôi. Những bãi bồi cửa biển vẫn còn đó, sản vật thì ít đi, những tấm ván mong lầm lũi 2 buổi sáng chiều vẫn lướt nhanh trên mặt bùn nhão chở nặng mưu sinh của người dân xứ biển. Người trượt mong ngày một ít, phường trượt mong giờ chỉ còn là thời xa vắng, nhưng nó luôn nhắc nhớ người ta về những ngày cơ cực nhưng điềm nhiên hạnh phúc. Người xứ bãi bồi cửa biển, không ai biết nghề đi mong rồi sẽ đâu, chỉ biết là con nước ngày mai hết lớn lại ròng, họ sẽ tiếp tục đi mong vì đó là nghiệp, là nghề, là sinh kế, là nét văn hóa của cộng đồng cư dân sông nước phương Nam.

Trúc Thi /vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tạm biệt nhé, liễu rủ Hồ Gươm

Tạm biệt nhé, liễu rủ Hồ Gươm

Người Hà Nội yêu cây, điều đó khỏi phải bàn, chỉ cần một gốc cây nào đó bất chợt đổ xuống, là dư luận “dậy sóng”. Ai cũng luyến tiếc, bày tỏ sự bất bình về công tác bảo vệ cây xanh của thành phố, cũng như phê phán việc một cá nhân, hay cộng đồng nào đó… góp phần làm chết cây xanh ấy.

Cần sớm có lời giải cho hàng nghìn căn tái định cư bỏ hoang

Cần sớm có lời giải cho hàng nghìn căn tái định cư bỏ hoang

Hiện nay trên địa bàn thành phố còn hàng chục nghìn căn hộ tái định cư đang bỏ hoang, trong khi đó nhà ở xã hội lại không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Để tránh đứt gãy hoạt động đăng kiểm trong giai đoạn xét xử các sai phạm

Để tránh đứt gãy hoạt động đăng kiểm trong giai đoạn xét xử các sai phạm

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, dự kiến hoạt động xét xử của các cơ quan tố tụng đối với những sai phạm trong hệ thống đăng kiểm sẽ diễn ra từ cuối tháng 5 này và cao điểm sẽ rơi vào tháng 6, tháng 7 tới.

Hà Nội sống và yêu: Chè nhãn lồng sen kiểu Hà Nội xưa

Hà Nội sống và yêu: Chè nhãn lồng sen kiểu Hà Nội xưa

Mùa sen Hà Nội đã đến. Từ sen, người Hà Nội đã biến tấu rất nhiều món ngon cho ngày hè nóng nực. Nhãn và sen không phải đặc trưng riêng có của Hà Nội, nhưng chè nhãn lồng sen thưởng thức qua tay các bà nội trợ Hà Thành lại có vị rất riêng.

Xe điện, cần trạm sạc và nhiều hơn thế

Xe điện, cần trạm sạc và nhiều hơn thế

Những năm gần đây ở nước ta quá trình chuyển đổi phương tiện giao thông từ xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang xe điện diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên vẫn còn không ít người tỏ ra chần chừ trước ý định thay đổi bởi những vướng mắc chưa được tháo gỡ, trong đó có việc hoàn thiện hạ tầng trạm sạc.

Đường Nguyễn Cảnh Dị, 10 năm vẫn chưa hết khổ

Đường Nguyễn Cảnh Dị, 10 năm vẫn chưa hết khổ

Đường Nguyễn Cảnh Dị, đoạn nối từ cầu Định Công vào khu đô thị mới Đại Kim (thuộc địa phận phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) là nỗi ám ảnh đã hơn 10 năm nay không chỉ với người dân sinh sống trong khu vực mà còn với mọi phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này.

Ký ức 'mạng nhện'

Ký ức "mạng nhện"

Việc hạ ngầm cáp điện, cáp viễn thông đã giúp cho cảnh quan phố phường trở nên thông thoáng hơn, không còn hình ảnh những búi dây cáp viễn thông trên khắp các cột điện, những đường dây điện chạy dọc ngang trên đầu như mạng nhện. Đây thực sự là một nỗ lực rất lớn của thành phố trong thời gian qua...