Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Có một Hà Nội dịu dàng ở ngõ Yên Phụ

Thùy Linh - Ngọc Tiến: Thứ bảy 26/04/2025, 11:39 (GMT+7)

Khi tháng Tư về, nắng đổ vàng trên những mái ngói cũ, khắp các con ngõ Hà Nội bỗng rực rỡ bởi sắc đỏ của cờ Tổ quốc. Trong không gian vừa thân quen vừa trang nghiêm ấy, nhiều bạn trẻ tìm đến để ghi lại những khoảnh khắc lặng lẽ mà thiêng liêng.

Qua ống kính, họ không chỉ chụp lại hình ảnh, mà còn gom góp cảm xúc, lưu giữ vẻ đẹp bình dị của Hà Nội trong mùa lễ hội mang đậm dấu ấn lịch sử dân tộc. 

BÊN DÒNG THỜI GIAN

Có những con ngõ nhỏ tưởng chừng như bình thường giữa lòng Hà Nội tấp nập, nhưng lại mang trong mình một sức hút kỳ lạ – như thể thời gian đã khẽ khàng dừng lại ở đó. Ngõ 150 Yên Phụ những ngày cuối tháng Tư đang sống trong một nhịp thở khác: sâu lắng, trầm mặc và đầy tự hào.

Tháng Tư năm nay, ngõ 150 Yên Phụ bỗng trở thành điểm hẹn của những trái tim trẻ, những bạn trẻ mang theo máy ảnh, áo dài, khăn rằn – đến đây không chỉ để chụp một bức ảnh đẹp mà để cảm nhận, để lắng nghe Hà Nội kể lại một câu chuyện xưa bằng hình ảnh, bằng nắng, bằng gió, và bằng cả sự im lặng như chia sẻ của bạn Chí Thanh sinh sống ở Phù La, Hà Đông:

"Thật ra mình cũng là một người tiếp cận rất nhiều với mạng xã hội cho nên biết tới ngõ 150 Yên Phụ không chỉ mình mà nhiều bạn trẻ biết tới. Nhân dịp lễ kỷ niệm 50 ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thì mình cũng mong muốn có những hình ảnh, thước phim để lưu giữ kỉ niệm và thể hiện lòng yêu nước của một người trẻ. Ở đây có rất nhiều cờ hoa để chụp hình và quay video".

Bạn Chí Thanh (sinh sống ở Phù La, Hà Đông) chia sẻ đến ngõ Yên Phụ không chỉ để chụp một bức ảnh đẹp mà để cảm nhận, để lắng nghe Hà Nội kể lại một câu chuyện xưa bằng hình ảnh, bằng nắng, bằng gió, và bằng cả sự im lặng

Bạn Chí Thanh (sinh sống ở Phù La, Hà Đông) chia sẻ đến ngõ Yên Phụ không chỉ để chụp một bức ảnh đẹp mà để cảm nhận, để lắng nghe Hà Nội kể lại một câu chuyện xưa bằng hình ảnh, bằng nắng, bằng gió, và bằng cả sự im lặng

Con ngõ nhỏ, chỉ rộng chừng hai chiếc xe máy tránh nhau, dài chưa đầy trăm mét, nhưng mỗi bước chân đặt xuống đều như dẫm lên một lớp thời gian đã phủ bụi. Những bức tường vàng, loang lổ rêu phong, chẳng cần được trau chuốt vẫn đẹp đến nao lòng. Cửa sổ gỗ đã bạc màu sơn, nhiều cánh còn khép hờ, như đang thì thầm với người qua đường một điều gì đó từ những năm tháng xa xưa.

Ánh nắng chiều nghiêng xuống mái ngói cũ, rọi qua hàng dây điện chằng chịt như những dòng ký ức đan xen, tạo nên một không gian vừa thân quen, vừa linh thiêng.

Tiếng dép lẹp xẹp của cụ già đi ngang, tiếng trẻ con gọi nhau trong ngõ, tiếng một chiếc xe đạp cà tàng lướt qua – tất cả góp nhặt thành một bản giao hưởng nhẹ nhàng mà sâu lắng về Hà Nội xưa, về một đất nước đã đi qua chiến tranh để đến ngày hòa bình.

Là người dân sinh sống ngay cạnh con ngõ, chị Nguyễn Bích cũng tâm sự từ ngày con ngõ “thay da dổi thịt” đã trở nên nổi tiếng hơn trong mỗi dịp lễ lớn của đất nước:

"Con ngõ 150 Yên Phụ đã treo cờ cách đây 3-4 năm rồi, thường các bạn sẽ đến chụp rất đông vào các dịp lễ như 30/4 hay mùng 2/9. Ngày bình thường có đến nhưng sẽ ít hơn, tập trung vào những ngày lễ vì ngõ này treo rất nhiều cờ hoa rất đẹp.

Các bạn ấy cũng có hỏi con ngõ này treo cờ lâu chưa, ai trang trí rất đẹp. Như nhà mình ngay cạnh ngõ thì nguyên bức tường của nhà mình thì mình để mọi người treo cờ, ngắn các biểu tượng, rồi gắn bản đồ đất nước Việt Nam thì hoàn toàn là tường nhà mình thành ra làm cho nhà mình cũng đẹp hơn nữa".

Các bạn trẻ đến đây không chỉ để 'check-in' – mà là để chạm tay vào một mảnh của lịch sử

Các bạn trẻ đến đây không chỉ để "check-in" – mà là để chạm tay vào một mảnh của lịch sử

Các bạn trẻ đến đây không chỉ để "check-in" – mà là để chạm tay vào một mảnh của lịch sử. Những bức ảnh được chụp ra không chỉ đẹp bởi ánh sáng hay góc máy, mà còn bởi sự hiện diện của lòng biết ơn.

Có người khoác lên mình chiếc áo dài trắng tinh khôi như lời tri ân thế hệ trước, có người im lặng bên tường cũ, chỉ để lắng nghe Hà Nội thì thầm về những năm tháng không quên.

Từng là đại sứ du lịch Hoa hậu Hoàn Vũ 2023, Trần Thanh Thanh – cô gái có niềm đam mê với tà áo dài cũng xúc động khi đến với ngõ Yên Phụ

Từng là đại sứ du lịch Hoa hậu Hoàn Vũ 2023, Trần Thanh Thanh – cô gái có niềm đam mê với tà áo dài cũng xúc động khi đến với ngõ Yên Phụ

Từng là đại sứ du lịch Hoa hậu Hoàn Vũ 2023, Trần Thanh Thanh – cô gái có niềm đam mê với tà áo dài cũng xúc động khi đến với con ngõ này:

"Có lẽ là màu đỏ của cờ đỏ sao vàng. Đó là điều em ấn tượng nhất khi đến đây. Ngõ diện tích khá nhỏ tuy nhiên mọi người rất háo hức khi đến. Làm cho cảm xúc của mình dâng trào hơn khi chào mừng ngày đại lễ. Bản thân Thanh nghĩ rằng tất cả mọi người khi nhắc đến Hà Nội sẽ đều tự hào da diết.

Tự hào nhất và để ý nhất là từ những con ngõ nhỏ mình đều có thể khai thác nó để làm sao những góc nhỏ đó ý nghĩa hơn và rạng rỡ hơn, đặc biệt là lan toả với bạn bè quốc tế. Khi đến đây mọi người chụp ảnh rất rất đẹp và mọi người thể hiện tinh thần yêu nước rõ ràng qua các bức ảnh, video post lên mạng xã hội".

Và có lẽ, chính trong sự giản dị đến tinh tế ấy, con ngõ 150 Yên Phụ đã làm nên một điều thật đặc biệt: trở thành chiếc cầu nối vô hình giữa hiện tại và quá khứ. Mỗi bước chân bạn trẻ bước qua là một lời tri ân, mỗi khung hình được chụp lại là một minh chứng rằng lịch sử không hề bị lãng quên – nó chỉ đang sống lại, một cách dịu dàng, trong ánh mắt của thế hệ hôm nay:

"Một từ là Tự hào chị ạ. Hoà chung không khí này mình cảm thấy lòng yêu nước của mình ngập tràn luôn chị ơi".

"Một phần vì em làm nghề nhiếp ảnh em được đi nhiều nơi tiếp xúc nhiều người nên để có ngày hoà bình như bây giờ thì ông cha ta đã rất cố gắng và khi được hoài niệm lại thì em thấy khá bồi hồi".

"Chia sẻ mình là người con sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thì mình yêu và rất trân trọng những nét đẹp dù nhỏ nhất của Hà Nội. Giống như 150 Yên Phụ hay phố đi bộ hay những con đường cổ ở 36 phố phường. Tất cả nơi đó lưu giữ được nét đẹp của Hà Nội xưa và từ có cái xưa mới có cái nay và từ đó mình trân trọng nhiều hơn".

Ảnh: Alongwalker

Ảnh: Alongwalker

SỐNG Ở HÀ NỘI

Giữa lòng Hà Nội cổ kính, Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là biểu tượng thơ mộng mà còn là nơi lưu giữ truyền thuyết “trả gươm” thiêng liêng, phản ánh chiều sâu lịch sử và tâm hồn dân tộc Việt. Tên Hoàn Kiếm ra đời thế nào? 

Hồ Hoàn Kiếm xưa là phía bắc của hồ Lục Thủy, còn gọi Tả Vọng. Tên Hoàn Kiếm xuất xứ từ truyền thuyết  Lê Lợi trả gươm báu cho thần Kim Qui sau khi đánh thắng giặc Minh.

Truyền thuyết  này  có lẽ khởi nguồn từ sách “Lam Kinh thực lục” do Lê Lợi viết hoặc ông sai ai đó chấp bút năm 1431. Câu chuyện ban đầu khá đơn giản, nội  dung chỉ là Lê Lợi nhận được gươm thần cùng với quả ấn trời cho ở Lam Sơn, nhờ đó đánh tan giặc Minh. Trong “Lam Kinh thực lục” không có  dòng nào liên quan đến hồ Lục Thủy ở Thăng Long.

Cuối thế kỷ 18, tức là sau hơn 400 năm,  một nhà Nho đã tạo tác thành câu chuyện Lê Thái Tổ  trả gươm ở hồ Tả Vọng. Nhà Nho này gọi hồ Tả Vọng là  hồ Trả Gươm. Không có tài liệu nào về  nhà Nho này, tên  gì, ở  đâu.

Trong bài thơ chữ Hán “Hồ Gươm ánh lên sao đẩu” của hương cống Đoàn Nguyễn Tuấn có câu “Bao năm cờ Việt dẹp Đông Đô/Rồng đến Lam Sơn, kiếm tại hồ/Lưỡi báu sáng chìm gươm ba thước…”. Đoàn Nguyễn Tuấn là quan triều Tây Sơn là anh vợ của Nguyễn Du, ông  làm bài thơ này khi ra Thăng Long cuối thế kỷ 18.

Nghĩa là câu chuyện Lê Thái Tổ trả gươm ở hồ Tả Vọng đã lan truyền trong xã hội. Và trong quá trình  dân chúng truyền tai nhau, một số chi tiết  được thêm vào hoặc bớt đi. Chữ Trả có vẻ lạnh lùng, sòng phẳng  nên ai đó đã  đổi  thành chữ Hoàn, nghe tình cảm, ân nghĩa hơn vì thế  Hồ Trả Gươm được gọi là  Hồ Hoàn Gươm.

Ảnh: Alongwalker

Ảnh: Alongwalker

Trong “Đại Nam nhất thống chí”, bộ chính sử của triều Nguyễn hoàn thành vào giữa thế kỷ 19 có chuyện Lê Thái Tổ trả gươm. Nội dung như sau: “Hồ ở ngoài đông nam thành tỉnh Hà Nội. Tương truyền: Lê Thái Tổ đi thuyền chơi hồ, có con rùa nổi lên, nhà vua cầm kiếm chỉ vào rùa.

Rùa liền ngậm kiếm lặn xuống. Đến năm Lê Thánh Tông băng hà, kiếm thần và ấn đều mất, sau người ta thấy đầu thanh kiếm nổi ở trong hồ, chốc lát lại biến mất, nên nhân dân đặt tên hồ là Hoàn Kiếm”. Từ Gươm và Kiếm  khác nhau về  âm nhưng đồng nghĩa.

Vì “Đại Nam nhất thống chí” gọi là Hồ Hoàn Kiếm nên các nhà Nho và dân chúng cũng gọi như vậy.  Trong bản đồ Hà Nội năm 1873 do Phạm Đình Bách vẽ ghi chú  là  Hồ Hoàn Kiếm. Đầu năm 1893, con đường quanh Lac Petit  khánh  thành, dân quanh khu vực ra bờ hồ  ngồi chơi, họ gọi là Bờ Hồ và dần dần  từ này  phổ biến cho đến ngày nay.

Ngày 17-7-1914, chính quyền Pháp điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố  Hà Nội vẫn giữ nguyên  8 hộ, và họ đánh số từ 1 đến 8 nên không có hộ nào, phố nào mang tên Hoàn Kiếm. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), chính quyền Việt Minh đã chia lại địa giới hành chính khu vực nội đô, đổi hộ thành quận và đánh số thứ tự.

Cũng trong 9 năm kháng chiến, Ban Tuyên-Nghiên-Huấn của Ty Công an Hà Nội đã xuất bản tờ báo bí mật lấy tên là “Công an Hồ Gươm”. Sau ngày tiếp quản Hà Nội 10-10-1954, địa giới  hành chính Hà Nội có sự thay  đổi.

Năm 1958, khu vực nội thành được chia thành 12 khu phố  trong đó có khu phố Hoàn Kiếm. Tháng 5-1959, số khu phố được rút gọn thành 8, khu phố  Hoàn Kiếm được giữ nguyên. Năm 1961, Quốc hội nước Việt  Nam dân chủ cộng hòa thông qua nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Nội thành có 4 khu phố (nay là quận) gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.

Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67

Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67

TIN YÊU

- Những ngày tháng 4, trên nhiều tuyến đường và địa điểm trung tâm Hà Nội, lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới, băng rôn, khẩu hiệu cũng được trang hoàng rực rỡ chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

- Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội vừa thông báo miễn phí vé tham quan tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long cho người có công với cách mạng và những cựu chiến binh nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5). Đồng thời gửi lời tri ân sâu sắc tới những người đã hy sinh, cống hiến cho nền độc lập và hòa bình hôm nay. Thời gian miễn phí vé tham quan là ngày 30/4 và 1/5/2025.

- Cũng nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức triển lãm “Con đường thống nhất” tại di tích cách mạng Nhà và Hầm D67. Triển lãm “Con đường thống nhất” sẽ giới thiệu tới công chúng 200 tài liệu, ảnh với 3 chủ đề.

- Còn Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò khai mạc trưng bày chuyên đề: “Khúc ca hòa bình” với sự tham dự của nhiều nhân chứng lịch sử.  Trưng bày gồm 3 nội dung: Tất cả cho tiền tuyến, Mở đường thống nhất, Đất nước trọn niềm vui...

- Trung tâm Văn hóa và Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày sách, báo chuyên đề “50 năm đất nước trọn niềm vui”. Trưng bày giới thiệu 300 tư liệu được tuyển chọn theo 4 nội dung chính: Sự lãnh đạo của Đảng và nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Đại thắng mùa Xuân 1975 – Khát vọng độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước; Tác phẩm văn học viết về kháng chiến chống Mỹ; Việt Nam trên hành trình hội nhập và phát triển.

Thùy Linh - Ngọc Tiến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn