Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Chuyện về nữ biệt động Huỳnh Thị Kim Quyên

Hồng Lê - Lâm Như: Thứ năm 13/10/2022, 14:49 (GMT+7)

Chiến tranh đã đi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng, thế nhưng có những vết thương luôn nhức nhối khi trái gió trở trời. Trong căn nhà nhỏ đã cũ, ở một vùng quê yên ả, bà Huỳnh Thị Kim Quyên tay vừa gãy đàn Mandolin vừa hát về khát vọng tuổi trẻ trong những năm tháng không quên ấy.

 

Với dáng người nhỏ nhắn và dù bước sang tuổi 70 nhưng bà Huỳnh Thị Kim Quyên, ngụ tại ấp 8, xã An Xuyên, TP.Cà Mau có vẻ ngoài trẻ hơn số tuổi mình có. Ít ai biết được rằng bà từng là một nữ thanh niên xung phong, nữ biệt động nổi tiếng gan dạ.

Bà Huỳnh Thị Kim Quyên, bí danh là Thanh Liễu, sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Từ rất sớm, bà đã tham gia vào đội vũ (múa hát tuyên truyền, cổ vũ cách mạng) của ấp mang tên cha bà – Huỳnh Ngọc Điệp. Năm 1952, khi vừa lên 8 tuổi người cha đáng kính của bà đã anh dũng hy sinh.

Bà Huỳnh Thị Kim Quyên xúc động kể với chúng tôi về những ngày khó quên ấy: "Ở huyện Giá Rai đó, nó bắn ba cô gãy dò, ba cô mới đứng lại. Mình căm thù nên mình không sợ chết, bao nhiêu trận ở tù giặc đánh tàn nhẫn, thương tích nhưng cô không sợ chết".

Có lẽ, chính món nợ nước thù nhà ấy khiến cho cô gái nhỏ có nghị lực và bản lĩnh hơn người. Tuy còn nhỏ, nhưng lúc ấy bà cùng má chèo ghe đi buôn bán than củi, biết đan lưới, đan đáy, thêu thùa. Những ngày má và người anh thứ Hai bị giặc bắt, cô gái nhỏ phải cáng đáng nuôi ba người em. Giặc biết gia đình bà làm cách mạng nên lùng bắt, cả nhà bà cùng nhau trốn xuống ấp Cái Chồn, huyện Ngọc Hiển, nay là huyện Năm Căn.

Lúc ấy, bà Huỳnh Thị Kim Quyên được các chú giao cho công tác hợp pháp: Làm giao liên bí mật đi thư từ, nắm tình hình, tin tức của địch báo cáo cho căn cứ và làm trưởng đội vũ ấp Cái Chồn bất hợp pháp.

Năm Đồng Khởi, bà Quyên được phân công làm Ấp đội trưởng. Năm 1963, bà được cử đi học lớp Trinh sát an ninh của tỉnh mở, hoàn thành khóa học bà nhận nhiệm vụ là Phó Công an xã Tân Ân. Năm 1965, bà làm Trinh sát Công an huyện Duyên Hải.

Tháng 7/1966, bà Huỳnh Thị Kim Quyên về công tác Quân báo tại thị xã Cà Mau. Ngày 28/8/1966, bà cùng đơn vị đánh trận đầu diệt địch lấy súng ở Trường học Nguyễn Hiền Năng, nay là trường Văn Lang, phường 4, TP.HCM, vì nơi đây địch lấy làm địa điểm Dân vệ đóng quân. Bà được Ban Chỉ huy giao nhiệm vụ thực địa nên nhiều lần vào thị xã tìm hiểu tình hình.

Tối 27/8/1966, bà đi điều nghiên trận địa, từ rạch Đập Làng, Tân Đức, Cà Mau phải đi ngang đồn Cầu Số 1. Bà Quyên nhớ lại: "Trận này có 13 người tham gia, trong đó có chú Tư Nhu - Phó Ban Quân báo thị xã Cà Mau chỉ huy, anh Tư Hoà quê Duyên Hải, anh Măng Non và 10 chiến sĩ đơn vị thị xã. Dẫn quân vào an toàn, bà trở về đơn vị để chuẩn bị cho ngày mai".

Sáng 28/8/1966, đơn vị nằm phục kích sẵn từ đêm qua. Trên chiếc xuồng ba lá, từ Đập Làng - Tân Đức, bà chở mớ mướp, mớ rau và mang theo một khúc vải, theo đường kinh xáng Phụng Hiệp ra chợ. Khi ngang đồn Cái Nhúc, trời chưa sáng hẳn nên bọn lính đồn không cho đi. Bà phải đậu xuồng lại chờ đến hừng sáng. Khi đến tiệm may, bà gọi thợ đo may một cái áo, xong thì bà giả đò đi vệ sinh sau nhà.

Bà Quyên nhớ lại: "Trước khi đi là có hẹn rồi, tình hình êm, tiểu đoàn không đóng này nọ thì ra. Ủa, súng của mấy anh đâu rồi, nó nói Việt Cộng lấy hết rồi, sao anh để lấy hết súng vậy, không cho nó lấy nó giết tụi anh rồi sao".

Trận đầu, bà đã đóng góp vào chiến thắng chung diệt được tên ác ôn, thu 12 cây súng carbin và riêng bà được nhận bằng khen. Khi thấy bà Quyên trở về an toàn, chú Tư Nhu hát đùa:“Gái xưa đi chợ ăn hàng. Gái nay đi chợ ăn gan quân thù”. Ngày 23/12/1966, do một tên mật thám chỉ điểm, giặc bắt bà tại thị xã Cà Mau. Dù giặc dùng mọi cực hình khảo tra nhưng bà kiên gan không hé một lời, cuối cùng trắng án nên chúng buộc phải thả bà ra.

Bà Huỳnh Thị Kim Quyên nói: "Cuối năm 66, tụi nó đem cô đi bắn, nó bịt mắt mình lại đi bắn, lần đầu tiên mình tính nó bắn thiệt…trước khi vào đơn vị mình phải hiểu là vô trong đó phải có chết chóc, đánh đập, tù đày, mình phải chấp nhận nếu mình sợ mình đâu dám đi".

Để thuận lợi cho hoạt động, bà Quyên được lãnh đạo cho vào ở hẳn trong nội thành với vỏ bọc là nữ sinh trường Nguyễn Hiền Năng. Từ đó, bà được chuyển sang Đội Biệt động ngay từ ngày đầu thành lập. Bà đã lập được nhiều chiến công, đem vinh quang về cho đơn vị.

Ngày 16/1/1968, lại một lần nữa bà bị giặc bắt khi tên phản bội Huỳnh Văn Hiền ra chiêu hồi khai báo. Huỳnh Văn Hiền khai rằng năm 1962, bà đi học lớp xạ kích của tỉnh, năm 1963 đi học trinh sát an ninh tỉnh, nhưng hắn không ngờ bà đã thay họ Nguyễn, đổi tuổi là sinh năm 1952 trong thẻ học sinh không khớp với lời khai của hắn. Vì mới 11 tuổi làm sao học xạ kích và trinh sát được. Khi ấy bà giả tính trẻ con cũng rất tài tình. Trắng án, bà lại “hợp pháp” ra tù.

Và trận đánh mà suốt đời nữ biệt động Huỳnh Thị Kim Quyên không thể nào quên là trận đánh năm 1969. Đơn vị Biệt động có ý định diệt các xe địch từ nơi xuất phát tại ngã ba Chùa Phật Tổ, nhưng do tình hình bất lợi nên Ban chỉ huy thống nhất chuyển đánh Kho đạn gần Chùa Phật Mẫu.

Ngày 15/10/1969, bà Huỳnh Thị Kim Quyên và bà Nguyễn Thị Lòng cùng vào trận đánh. Từ Chùa Giác Thiền Tự, bà Quyên đi đến bàn bi-da Tô Thanh nhận trái từ ông Dương Cao Thượng, phường 4. Trái 1 kg được bọc giấy, để trong giỏ nhưng bên dưới chừa lỗ trống đủ điều khiển khi đặt trái. Bà đi trong Hẻm Dệt thẳng qua Kho đạn nằm xéo Chùa Phật Mẫu.

Trước cửa nhà tên thiếu tá có 2 cây chùm duột, bà vào nhà xin mấy tên lính ít đọt chùm duột để làm thuốc trị bệnh thổ tả. Bà đem để giỏ xuống sát thùng đạn, khi hái lá xong chỉ việc lách nhẹ đít giỏ là trái nổ ở lại, còn cái giỏ rỗng ruột bà đem đi. Được một quãng, bà bỏ luôn cái giỏ và nắm lá chùm duột.

Lúc ấy chiếc xe quân cảnh rượt theo bà Quyên xét giấy, bà đưa thẻ học sinh Trường Nguyễn Hiền Năng, 17 tuổi. Hai tên quân cảnh nắm 2 tay bà thảy lên xe chạy thẳng về Kho đạn. Chúng nói với nhau, “Thế nào Việt cộng cũng vô giải thoát cho con nhỏ này, nếu 12 giờ này Việt cộng vô thì bắn con nhỏ này bỏ”. Đúng 12 giờ đêm, bộ đội pháo kích vào Cà Mau. Chúng thả bà xuống, bà bị giải qua Khám Lớn, nằm bất tỉnh mấy ngày liền, đến khi tỉnh lại chúng đưa qua cảnh sát đặc biệt để thẩm vấn. Những ngày nơi đây, chúng buộc tù nhân phải hát quốc ca tố Cộng, nhưng bà tuyệt nhiên không hát.

Bà Quyên nói thêm: "Nó tố cáo lên mà cô không nói gì hết, thằng trưởng với thàng phó giám thị nó nói con ơi con ở trong này mà không hát giống như bẻ cây chống trời. Khi được thả ra, tự do rồi nhưng chạy vô từ giã mấy anh mấy chú em về mai mốt em vô nữa".

Không lấy được lời khai, chúng giải bà trở lại Khám Lớn, nửa tháng sau chúng đưa qua xét hỏi, bà chối phăng không nhận điều gì. Nhiều lần xét hỏi nhưng không thu được kết quả, cuối cùng chúng phải thả bà sau 3 tháng giam cầm.

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Huỳnh Thị Kim Quyên trở về cuộc sống đời thường với thương tật 4/4 và được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Hiện, bà đang là Chi hội trưởng Chi hội Tù chính trị ấp 8, xã An Xuyên, TP Cà Mau và hội viên Hội Cựu Thanh niên xung phong.

Hồng Lê - Lâm Như/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
CSGT không công khai “kế hoạch, chuyên đề”, người dân vẫn có quyền giám sát

CSGT không công khai “kế hoạch, chuyên đề”, người dân vẫn có quyền giám sát

"Quyền giám sát các lực lượng thực thi pháp luật là quyền của người dân. Việc giám sát theo kế hoạch chuyên ngành là câu chuyện giám sát trong các báo cáo. Còn trong hoạt động thường ngày, với mỗi sự kiện chúng ta đều có thể giám sát theo quy định".

Lùng bùng chuyện quản lý lộ trình xe khách

Lùng bùng chuyện quản lý lộ trình xe khách

Trong khi lộ trình tuyến cố định được giao cho Sở GTVT hai đầu tuyến chấp thuận, trên cơ sở khảo sát, đề xuất của doanh nghiệp vận tải, thì việc thay đổi lộ trình tuyến lại phải chờ quyết định của Bộ GTVT, khiến hiệu quả khai thác bị ảnh hưởng.

Chưa thanh toán, cắt điện: Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mất an toàn

Chưa thanh toán, cắt điện: Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mất an toàn

Tối 12/4, nhiều tài xế phản ánh đến đường dây nóng của VOV Giao thông về việc một số nút giao lớn trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây tối om, khiến tầm nhìn bị sụt giảm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia lưu thông trên tuyến này.

Nuôi con gì? Ăn con gì?

Nuôi con gì? Ăn con gì?

Với người Việt, việc ăn thịt chó mèo hay nuôi chó mèo để giết thịt là chuyện hết sức bình thường từ xưa tới nay, và có thể nói rằng với lịch sử ẩm thực của người Việt, thịt chó mèo như một phần nét văn hóa ẩm thực… Nhưng rồi thói quen nào cũng sẽ thay đổi cùng với thời gian và nhận thức.

Hà Nội sống và yêu: Quang gánh cuộc đời

Hà Nội sống và yêu: Quang gánh cuộc đời

Những đôi quang gánh tô điểm cho cái hồn phố thị, thu hút sự chú ý của khách du lịch bao năm qua. Không thể đếm nỗi những vất vả, những câu chuyện đằng sau đôi quang gánh của các bà các chị trên khắp các con phố Hà Nội.

Hàng trăm tấm đan mương thoát nước trên QL 1 và đường Võ Nguyên Giáp tiếp tục bị đập phá

Hàng trăm tấm đan mương thoát nước trên QL 1 và đường Võ Nguyên Giáp tiếp tục bị đập phá

Sau khi được lắp đặt lại, hàng trăm tấm loạt tấm đan bê tông mương thoát nước trên tuyến QL 1 và đường Võ Nguyên Giáp, đoạn qua TP. Thủ Đức (TP.HCM) lại tiếp tục bị phá hoại, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến trật tự và mỹ quan đô thị.

Nét đặc trưng trong trang phục nông dân Nam Bộ

Nét đặc trưng trong trang phục nông dân Nam Bộ

Nhắc đến người nông dân Nam Bộ xưa, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những bà con chân chất, thật thà với bộ bà ba và chiếc khăn rằn. Bộ trang phục ấy đã trở thành hình ảnh “đóng đinh” với nét đẹp duyên dáng, mộc mạc như chính con người nơi đây.