Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Bà Bảy Hồng – Nữ anh hùng phủ xanh vùng đất “chết”

Mỹ Phụng: Thứ ba 11/10/2022, 14:42 (GMT+7)

Cách đây vài chục năm, Đồng Tháp Mười được mệnh danh là “vùng đất chết”. Nhưng từ bàn tay khai phá của con người, giờ đây vùng đất này đã trở thành vựa lúa lớn của ĐBSCL và cả nước. Trong số những đôi bàn tay diệu kỳ ấy không thể không nhắc đến bà Bảy Hồng.

Bà Võ Thị Hồng là người phụ nữ đầu tiên của khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động khi mới 36 tuổi. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Bà Võ Thị Hồng là người phụ nữ đầu tiên của khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động khi mới 36 tuổi. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Nếu ai có dịp đến thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, hỏi thăm nhà của bà Bảy Hồng thì hầu như bà con ở đây ai cũng biết. Cái tiếng “Bà Hồng lái máy cày” hay “Anh hùng chân phèn Bảy Hồng” là cách gọi thân thương mà mọi người dùng để khen ngợi bà, một người rất giỏi trong nghề khai hoang trồng lúa.

Bà Bảy Hồng tên khai sinh là Võ Thị Hồng, sinh năm 1950, là con gái thứ sáu trong một gia đình nông dân nên được gọi là Bảy Hồng, theo cách gọi của người Nam Bộ. Còn danh xưng nữ anh hùng có được bởi bà là người phụ nữ đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đợt đầu tiên vào năm 1986 khi mới 36 tuổi. Bà có thành tích đặc biệt trong công cuộc khai hoang chinh phục Đồng Tháp Mười để trồng lúa. Bà Bảy cũng là người đầu tiên ở Đồng Tháp Mười mạnh dạn áp dụng thành công kỹ thuật trồng lúa 1 vụ lên 2 vụ, rồi 3 vụ trên vùng Đồng Tháp Mười nhiễm phèn nặng.

Nhắc lại những ngày đầu khai hoang mở đất Đồng Tháp Mười, bao nhiêu ký ức ùa về trong tâm trí, bà bảy Hồng hồi tưởng về quá khứ thấm đẫm mồ hôi: "Hồi xưa mình ở đó thì đất nó hoang là nhiều, rồi mình mới khai hoang. Mình đốt đồng rồi mình mới cày đất. Hồi đó lúc mới khai hoang nước nó phèn đỏ luôn á. Sau đó nhà nước mới khai hoang phục hóa đồng tháp mười, đào kênh xẻ rảnh cho nó thông, mới làm lúa 2 vụ được".

Đồng Tháp Mười là vùng đất hoang hóa lâu đời thuộc 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, có diện tích rộng gần 700.000 ha, là vùng đất từng mệnh danh là "rốn phèn, rốn lũ" là "vùng đất chết". Công cuộc khai khẩn vùng đất hoang hóa này đã có từ rất xa xưa, quá trình thay da đổi thịt là một chuỗi dài lịch sử và kết quả đạt được như ngày hôm nay là một điều kỳ diệu.

Với đôi tay nhỏ bé chai sạn của một thôn nữ và bàn chân nhỏ nhắn nhuộm màu phèn, bà Bảy Hồng đứng ra khai hoang, phục hóa hơn 35ha đất từ cỏ dại, năn, lác, sậy, vốn là rừng hoang đầy rẫy bom mìn thành đất sản xuất nông nghiệp và bà cũng là người giao lại ngần ấy diện tích đất được khai hoang cho tập đoàn để chia lại cho nông dân không có ruộng. Bà chỉ giữ lại 1,3ha đất cho mình để canh tác.

Mấy ai biết được rằng để hồi sinh từng tấc ruộng để sản xuất, người phụ nữ cần lao này phải trải qua biết bao những cực khổ, gian truân: "Hồi đó đất cày trên gò mần lúa 1 vụ, mà lúa nước ròng là hồi đó đỉa dữ lắm, cày qua 1 vũng là có ít nhất 2 3 con đỉa nó đeo mình, đỉa lớn có, đỉa nhỏ có. Có con nó to bằng ngón cẳng cái mình luôn chứ đừng nói ngón tay cái. Trâu lội ruộng, nó đeo con trâu thấy tội nghiệp luôn, nó đeo nó cắn một hồi no nóc tròn quay luôn". 

Bà Bảy Hồng (trái) theo dõi nhân công thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Báo Long An

Bà Bảy Hồng (trái) theo dõi nhân công thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Báo Long An

Phụ nữ ngày xưa đa phần theo khuynh hướng học làm nội trợ rồi thành gia lập thất. Thế nhưng, bà bảy Hồng từ nhỏ đã có niềm đam mê riêng và cố gắng theo đuổi giấc mơ của mình. Lúc nhỏ, bà Bảy Hồng từng làm giao liên bơi xuồng ba lá trong vùng Đồng Tháp Mười để đưa thư từ, tài liệu phục vụ quân Giải phóng đánh Mỹ. Lớn lên, bà đam mê khoa học kỹ thuật và luôn tìm tòi học hỏi để áp dụng vào trong sản xuất. Đồng Tháp Mười ở những ngày đầu thay da đổi thịt, bà bảy Hồng là người phụ nữ duy nhất biết lái máy cày để cày ruộng trồng lúa: 

"Hồi đó mê khoa học kỹ thuật dữ lắm, hong biết sao nữ mà mê khoa học kỹ thuật. Đi đồng mà bắt cái radio nghe trên đài nói về cái vấn đề khoa học kỹ thuật làm lúa như thế nào. Hồi đó có cái đam mê mình mới làm mình mới phấn đấu lên được, mình mới khai hoang phục hóa mình mới làm được nhiều đất như vậy, hồi đó nếu mà không có đam mê đó chắc cũng hong có làm được nhiều như vậy", bà Hồng nhớ lại.

Có biết bao kỷ niệm về những này đầu khai hoang mở đất được người nữ anh hùng cất giữ cẩn thận trong tiềm thức. Mỗi khi lục lại bà vẫn thấy cuộc sống đôi khi thật vi diệu. Nhớ lại lúc trước khi giải phóng đất nước, vừa sản xuất, vừa chạy giặt, vất vả trăm bề nhưng lại là những mảnh ghép ký ức không thể quên.

Bà Bảy Hồng nhớ lại: "Hồi đó đi khai hoang cái tới thu hoạch lúa, Bảy nhớ là Bảy hồi xưa không biết sao mà mạnh dữ. Hồi đó đạp trâu rồi quay qua đạp máy cày nhanh dữ lắm. Hồi đó, nhớ trong vùng bất hợp, pháo kích nó đánh rồi mình chạy, có nguyên cái rờ mọt lúa đầy trên máy mà quýnh quá rinh cái rờ mọt bỏ xuống để chạy cho nhanh. Mà tới rồi êm cái quay lại để rờ mọt trở lên thì mọi người phải xúm lại để lên mới được. Vậy mà không biết sao lúc đó Bảy mạnh dữ, để xuống một mình. Kỷ niệm đó là Bảy nhớ suốt đời không quên".

Cố gắng nào rồi cũng thành quả ngọt. Tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1986, cô gái nông dân Võ Thị Hồng ở Long An được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động khiến nhiều người thán phục. Đặc biệt, khi đó, bà còn là 1 trong 3 đại diện được mời lên báo cáo thành tích nông nghiệp trước đại hội.

Nghĩ lại khoảnh khắc ấy, bà Bảy vẫn luôn thấy tự hào: "Năm đó đọc cái báo cáo của nông nghiệp ở đồng bằng Nam bộ là có một mình Bảy báo cáo. Còn cô ba Thi thì bên lương thực. Hồi đó có chú Hòa chú được phong Anh hùng lao động, chú ở TPHCM, chú xuống gặp chú ôm, chú mừng, chú nói "con gái ơi, con gái giỏi quá vậy con gái", nhớ kỷ niệm đó hoài, chú bắt tay mà chú mừng".

Mấy chục năm lăn lộn với xứ phèn nên bà nắm rất rõ đặc tính của cây lúa ở vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Lê Minh/Báo ảnh Việt Nam

Mấy chục năm lăn lộn với xứ phèn nên bà nắm rất rõ đặc tính của cây lúa ở vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Lê Minh/Báo ảnh Việt Nam

So với Đồng Tháp Mười cách đây gần nửa thế kỷ thì ngày nay Đồng Tháp Mười đã thay da đổi thịt và khoác lên người chiếc áo tinh tươm. Để có chiếc áo ấy thì phải kể đến công lao từ đôi bàn tay để khâu vá những đường kim mũi chỉ đầu tiên của bà người nữ anh hùng chân phèn bảy Hồng. Hiện giờ khoa học kỹ thuật tiến bộ, sản xuất lúa cũng tân tiến theo.

Đối chiếu bức tranh của Đồng Tháp Mười xưa và nay, bà bảy Hồng vẽ lại từng chi tiết sinh động: "Hồi xưa với bây giờ là bây giờ nó khác 100%. Hồi xưa là mình đi bộ, đi cày trâu, cắt lúa cắt bằng tay, kéo trâu vô rồi mình mới đạp ra rơm còn bây giờ là cơ giới hóa máy hết. Máy cắt rải lúa cũng rải bằng máy chứ mình không có làm gì hết. Hồi đó, Bảy rải lúa là Bảy phải bưng thúng Bảy rải. Còn bây giờ không có đâu,. Sáng ngày mình chuyển gióng ra rồi máy nó pho chút xíu là xong từ trên tới dưới. Bây giờ, bơm nước bằng điện, hồi đó bơm máy xăng rồi tới máy dầu là mừng gần chết. Còn đi phun thuốc hồi đó đi bộ không, bây giờ leo lên honda là pho từ đầu trên tới đầu dưới".

Cái thời cơm không đủ no, áo không đủ ấm đã qua, kỳ tích khai hoang, phục hóa, làm lúa tăng vụ trên vùng đất túi phèn của Đồng Tháp Mười cũng dần lui về quá khứ. Cho đến bây giờ, khi Đồng Tháp Mười Long An trở thành vựa lúa lớn nhất của tỉnh, nhiều người vẫn nhớ đến bà Võ Thị Hồng - người phụ nữ có công khai khẩn vùng đất hoang vu khi xưa. Nghĩ về bà, người ta vẫn hay nghĩ đến câu thơ:

"Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm".

Mỹ Phụng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Nhiều tháng qua do ảnh hưởng của gió mùa nên thời tết khu vực miền Trung luôn trong tình trạng mưa kéo dài triền miên, khiến cho công tác thi công nền đường tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiến độ bị đe dọa.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Hạn mặn là vấn đề được dự báo trước, thế nhưng các địa phương vẫn loay hoay trong công tác ứng phó, chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho dân sinh. Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải có một kế hoạch lớn, dài hạn để thích ứng với tình trạng hạn hán hàng năm, không để người dân thiếu nước.

Ấm lòng “hầm” chứa nước giữa mùa hạn

Ấm lòng “hầm” chứa nước giữa mùa hạn

Ấp Gò Xoài, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang có hơn 400 hộ dân; 2/3 bà con không có nước sạch để dùng. "Hầm" chứa nước mới đào chứa được khoảng 45m3 nước, nhưng cứ cuối ngày là hết, may sao có các đoàn từ thiện từ TPHCM, Long An... về liên tục trong 2 tuần qua.