Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Ai cũng cần học cách vượt sướng

Minh Thuỳ - Trúc Thuỷ: Chủ nhật 11/02/2024, 20:09 (GMT+7)

Mỗi người chúng ta hẳn đều không xa lạ gì với cụm từ “tấm gương vượt khó”, những câu chuyện kể về những cá nhâ, tập thể với nghị lực phi thường vượt qua mọi nghịch cảnh để vươn đến thành công và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Những câu chuyện rung động ấy vẫn luôn khiến lòng người thán phục, ngưỡng mộ xen lẫn niềm trân trọng và biết ơn những cá nhân, tập thể đã lan toả năng lượng tích cực, đã tiếp cho ta thêm ý chí và sức mạnh mà bước tiếp chặng đường chông gai của bản thân.

Thế nhưng, ngày nay, khi xã hội phát triển ngày càng hiện đại, con người đang dần hướng tới một cuộc sống có phần đủ đầy và ấm no hơn, chúng ta sẽ hoạch định cho mình hướng đi nào và cách đối xử ra sao với cuộc sống?

Và rồi, trong cuộc sống xuất hiện khái niệm “vượt sướng”. Mới nghe thì có vẻ rất “nghịch tai”, thế nhưng nếu nhìn thực tế, nó lại chẳng nghịch chút nào. Liệu bạn sẽ chấp nhận an phận mà tận hưởng thành quả đã có hay sẽ mạnh mẽ chọn cách tiếp tục vươn lên để thoát ra khỏi “vùng an toàn” mà khẳng định bản thân?

Và trong hành trình đó, bạn sẽ làm gì để thúc đẩy bản thân, củng cố tinh thần và vững bước tiến đến mục tiêu mình đã chọn?

“Em nghĩ mỗi người sinh ra đều có một trường năng lượng khác nhau và một số phận khác nhau. Em rất nhiều lần cho mình một khoảng thời gian để suy nghĩ, gọi là tự chữa lành, cả về tinh thần nữa. Quan trọng là cách nhìn và cách tiếp cận của mình sẽ đạt được mục đích một cách trọn vẹn hơn cả về thành tựu và về cảm xúc của mình”.

“Theo bản thân em đầu tiên là sẽ vượt lên những thách thức, cám dỗ ngoài xã hội mà không đánh mất bản thân mình, đó cũng gọi là một cách "vượt sướng". Quan trọng là cách sống của bản thân mình như thế nào để tạo ra được bản lĩnh và cuộc sống bình yên cho mình hơn, chứ không phải chỉ có vật chất mới gọi là vượt sướng”.

“Mỗi lần gặp bế tắc, em đều nghĩ đến một câu nói để tự mình tìm cách thoát ra khỏi bế tắc, đó là "Nếu muốn mình sẽ tìm cách, nếu không muốn mình sẽ tìm lý do". Mỗi lần mình khó khăn lại nghĩ, tại sao ai cũng làm được mà mình không làm được. Người ta hơn nhau ở một chữ "ngại" thôi, khi mình muốn làm điều gì, hãy làm hết sức bằng khả năng của mình, nếu chúng ta dám đương đầu, dám dấn thân chọn những mục tiêu sẽ làm thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được”.

Nữ bác sĩ trẻ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh 2 lần nhận giải Thanh niên sống đẹp

Nữ bác sĩ trẻ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh 2 lần nhận giải Thanh niên sống đẹp

Cuộc sống luôn là sự lựa chọn như thế! “Vượt khó” hay “vượt sướng” chỉ là cách để chúng ta băng qua những “giao lộ, ngã rẽ” của cuộc sống, có thể là thất bại, có thể là thành công, để mỗi người tiến về phía trước nắm giữ tương lai và niềm hạnh phúc.

Và đó cũng là cách mà cô gái sinh năm 1995 - Đỗ Phạm Nguyệt Thanh – Nữ thiếu úy, bác sĩ của Quân y viện 175 không ngừng học tập, trau dồi và hoàn thiện bản thân, để thực hiện khát khao cống hiến vì cộng đồng, để luôn tự hào về nghề y mình đã chọn.

Được vinh danh là "Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM" năm 2020, hai lần nhận giải “Thanh niên sống đẹp” năm 2021 và 2023, cô được mọi người gọi thân thương là “Vầng trăng dịu của Quân y viện 175” từ những đóng góp trong tuyến đầu chống dịch Covid-19 và những công trình nghiên cứu khoa học, những dự án vì cộng đồng.

Nhưng với Nguyệt Thanh, bấy nhiêu là chưa đủ. Cô chia sẻ, từ thuở nhỏ cô đã được dạy bảo lòng dũng cảm, hi sinh, cảm thông và biết ơn từ người bố từng là bộ đội và người mẹ làm công việc “trồng người”. Tự hào về công việc và những điều hay, lẽ phải mà bố mẹ dạy bảo, thế nên thay vì chọn con đường dễ đi, cô đã quyết tâm chọn ngành y – một ngành học và công việc rất vất vả.

Và ý chí ấy càng mạnh mẽ hơn vào thời điểm Nguyệt Thanh vừa tốt nghiệp trở thành bác sĩ trẻ, là lúc dịch Covid-19 ập đến. Dù đã cố hết sức cứu nhiều hơn những bệnh nhân, vận động hỗ trợ những suất quà cho những hoàn cảnh khó khăn, thế mà có lúc cô cũng “bật khóc” vì không thể làm gì trước những mất mát, đau thương quá lớn vì đại dịch.

Từ “nỗi đau day dứt” ấy, cô càng tự nhủ tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, những chuyến giao lưu y khoa trong nước và quốc tế để giúp bản thân có nhiều hơn vốn sống; được học hỏi, tiếp nhận nhiều kiến thức quý giá để nâng cao chuyên môn trong điều trị bệnh.

Bởi theo Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, “chuyến tàu của tuổi trẻ” là cơ hội để trải nghiệm, thử thách và hoàn thiện bản thân, để nhận ra ý nghĩa và giá trị đích thực của chính mình trên con đường đã chọn:  “Cơ hội sẽ đến rất nhanh, nếu bạn không bắt kịp thì cơ hội sẽ qua mất. Bản thân mình nghĩ luôn thử, vì không ai đánh thuế ước mơ cả. Có thể sai và có thể làm lại.

Bản thân em cũng từng vấp ngã, tuy nhiên sau vấp ngã thì bản thân đã học hỏi được gì, rút kinh nghiệm gì để trong tương lai mình làm tốt hơn. Cứ thử vượt qua vòng an toàn của bản thân, mới biết được giới hạn của bản thân ở đâu. Mình nghĩ, các bạn trẻ bây giờ rất là giỏi, ngành nghề nào thì cũng có thể đóng góp, dù ít hay nhiều cũng rất có ích cho xã hội.

Mỗi người chúng ta vì xã hội sẽ tốt hơn, mình vẫn rất thích câu “Việt Nam tử tế”. Đó là điều làm cho xã hội tràn ngập tình yêu thương”.

Trương Chấn Sang tại Lễ vinh danh Thanh niên sống đẹp năm 2023

Trương Chấn Sang tại Lễ vinh danh Thanh niên sống đẹp năm 2023

Chàng trai Trương Chấn Sang (27 tuổi) bước lên từ cuộc sống khó khăn, mất mát trở thành chủ nhiệm Câu lạc bộ “Tiếng Anh vì cộng đồng” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Dương, từng bước đến gần hơn với thế hệ trẻ với danh hiệu “Thanh niên sống đẹp 2023”.

Chàng trai luôn đặt mục tiêu phấn đấu, nỗ lực vượt qua nghịch cảnh và sau đó tiếp tục thực hiện tâm nguyện đưa ước mơ đến trường cho những học sinh nghèo; truyền cảm hứng, chia sẻ và lan tỏa giá trị sống tích cực thông qua hành trình “Định vị bản thân” đến với thanh thiếu niên trên khắp các tỉnh thành.

“Mỗi người đều có lựa chọn và cách sống cho riêng mình. Cách sống của mình thì luôn luôn muốn giúp đỡ người khác trở nên tốt đẹp hơn. Chứ mình không nghĩ là khi đã đạt được điều gì thì sẽ dừng lại và tận hưởng.

Mình quan niệm rằng, đầu tiên là làm cho bản thân mình hạnh phúc trước, sáu đó sẽ khiến mọi người xung quanh được hạnh phúc, mình cộng hưởng hai điều đó lại thì khi đó mình đã tìm ra được giá trị cuộc sống của mình rồi.

Năm 2024 thì mình có ước mơ đó là khoan giếng nước cho các điểm trường ở vùng cao cho các bé có nước sinh hoạt. Cố gắng cùng chung tay giúp các bé có điều kiện tốt hơn để yên tâm học tập”, Trương Chấn Sang nói.

Trương Chấn Sang tặng quà hỗ trợ học sinh nghèo

Trương Chấn Sang tặng quà hỗ trợ học sinh nghèo

Trương Chấn Sang tiếp sức cùng các bạn học sinh đến trường

Trương Chấn Sang tiếp sức cùng các bạn học sinh đến trường

Là tấm gương “vượt khó” thành công, Trương Chấn Sang hiểu rõ những ước mong về cuộc sống đầy đủ vật chất, gặt hái được thành công và danh vọng trên con đường sự nghiệp, là cái đích để con người vươn tới. Thế nhưng, anh quan niệm rằng, thành công không phải là đích đến mà là “đòn bẩy” cho con người có thêm nghị lực, niềm tin để tiếp tục sống và phấn đấu.

“Theo em thì, đa số khi vượt qua được khó khăn rồi thì sẽ không để tâm nhiều lắm, đôi khi khó khăn bất chợt quay trở lại thì mình sẽ không trở tay kịp. Cho nên, em nghĩ vượt khó thì ai cũng sẽ vượt qua được thôi, quan trọng khi vượt qua khó khăn rồi thì thái độ của mình như thế nào? Sống tiếp phần còn lại sẽ quan trọng hơn”.

“Nghèo vượt khó đã khổ, giàu vượt sướng còn gian nan hơn”. Bởi lẽ, khi chúng ta quen dần với điều kiện vật chất đầy đủ, được sự bảo bọc, che chở trong tình yêu thương của gia đình, muốn gì được nấy, thường sẽ có xu hướng giữ cho mình trong vùng an toàn - Nơi mà con người cảm thấy thoải mái, không cần phải đối mặt với bất kỳ thử thách nào.

Điều đó vô hình khiến bản thân trở nên thụ động và dễ vấp ngã khi gặp phải áp lực, khó khăn trong cuộc sống. Sẽ có bao nhiêu thế hệ GenZ can đảm bước ra khỏi vùng an toàn ấy? Phải chăng, đây là cách nhìn nhận thường gặp của thế hệ trước khi lo lắng về thế hệ GenZ ngày nay.

Nguyễn Đỗ Trúc Phương giúp đỡ gia đình ông cụ bán vé số tại Phú Yên với số tiền 100 triệu đồng

Nguyễn Đỗ Trúc Phương giúp đỡ gia đình ông cụ bán vé số tại Phú Yên với số tiền 100 triệu đồng

Không thể phủ nhận những điều tích cực mà một hoàn cảnh sống giàu có mang lại. Thế nhưng, nhiều bạn trẻ sinh ra trong gia đình giàu có vẫn từng giờ, từng phút khao khát được chứng tỏ giá trị bản thân, luôn muốn vươn lên để được xã hội tôn trọng bằng chính năng lực của mình chứ không phải cái bóng của gia đình. Và Nguyễn Đỗ Trúc Phương - “Nàng tiểu thư cành vàng lá ngọc” là cô gái trẻ như thế!

Sau nhiều năm du học trở về TPHCM, thay vì tập trung phát triển sự nghiệp quản lý khách sạn của gia đình, “nàng tiểu thư” Trúc Phương đã chọn cho mình “ngã rẻ” đầy thử thách. Được mọi người biết đến trên mạng xã hội với cách gọi thân thiết là “người bạn của người nghèo” trong những năm đại dịch Covid-19 đến nay, nhưng mấy ai biết rằng, để thực hiện ước mơ làm thiện nguyện ấp ủ từ thuở nhỏ mỗi khi thấy những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, Trúc Phương đã nỗ lực rất nhiều để nhận được sự ủng hộ từ đấng sinh thành luôn đặt cho cô tình yêu thương và sự bảo bọc.

Cô tâm sự: “Hồi đầu bố mẹ cũng cản, có thể ủng hộ làm thiện nguyện nhưng làm số ít thôi, nhưng nếu dành toàn bộ thời gian cho điều đó thì ba mẹ không đồng ý. Thứ nhất là sức khỏe, thứ hai là công việc bố mẹ giao cho nhiều rồi. Nếu bỏ bê như vậy thì sau này sẽ không thành công như người ta. Tại thời điểm đó, Phương cũng đã 25, 26 tuổi rồi, không còn trẻ nữa.

Thì Phương cũng có bày tỏ tấm lòng về đam mê này. Thuyết phục: "đây là niềm đam của con. Con gặp người ta, nếu con không giúp họ bây giờ thì con không biết con còn cơ hội để giúp họ sang ngày hôm sau hay không, nếu như mình chờ đợi. Cho nên tiền hôm nay con không kiếm thì ngày mai con có thể kiếm". Nên là bố mẹ cũng thương cho Phương và ủng hộ cho làm”.

Nguyễn Đỗ Trúc Phương (bìa phải ảnh) trao số tiền quyên góp 80 triệu đồng xây nhà đón Tết cho một gia đình khó khăn tại huyện Đăk Pơ, thành phố Peiku, tỉnh Gia Lai

Nguyễn Đỗ Trúc Phương (bìa phải ảnh) trao số tiền quyên góp 80 triệu đồng xây nhà đón Tết cho một gia đình khó khăn tại huyện Đăk Pơ, thành phố Peiku, tỉnh Gia Lai

Với Trúc Phương làm thiện nguyện phải nghiêm túc, trách nhiệm nên luôn tận tay trao số tiền quyên góp đến những mảnh đời khốn khó. Sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng là nguồn động viên lớn lao giúp cô gái xinh đẹp và giàu lòng nhân ái vững tin hơn trên con đường thực hiện đam mê; truyền đi “ngọn lửa” yêu thương, sống vì cộng đồng; hơn hết là cách để các bạn trẻ dũng cảm đón đầu thử thách.

“Phương học ra được rất nhiều bài học, không chỉ riêng gì người thành công, từ những người khó khăn mình cũng rút ra được rất nhiều tình thương, đồng cảm. Qua những trải nghiệm của chính bản thân mình và cuộc sống mà Phương đang có hiện tại, Phương quan niệm, thứ nhất là không ỷ lại vào gia đình, vì chúng ta có thể tự lực cánh sinh và tự bản thân có thể theo đuổi niềm đam mê của chính mình”.

Thật khó để một người thoát ra khỏi lớp vỏ bọc an toàn, an nhàn, đầy sung sướng của bản thân để đương đầu với khó khăn, thách thức. Cách sống tích cực và không ỷ lại vào gia đình của nàng tiểu thư Nguyễn Đỗ Trúc Phương là câu chuyện cho nhiều bạn trẻ suy ngẫm và có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Nói như vậy không có nghĩa là bắt bạn trẻ phải lao vào trong khó khăn, thiếu thốn để tìm thấy bài học cuộc sống mới gọi là “vượt sướng”. Cũng có thể đơn giản hơn, “vượt sướng” là chỉ cần đủ bản lĩnh để bảo vệ bản thân trước các mối quan hệ gia đình, trường học và xã hội.

Dành thời gian nhiều hơn cho các hoạt động tình nguyện, vận động thể thao và theo đuổi đam mê ca hát là cách mà bạn Phạm Gia Bảo - sinh viên năm tư, trường đại học Giao thông vận tải TPHCM rèn luyện cho mình kỹ năng, kinh nghiệm sống, khả năng giao tiếp và sự thấu hiểu, cảm thông hơn trong các mối quan hệ:

“Tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa sẽ tạo cho mình hướng ngoại nhiều hơn; có thể cởi mở, lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn. Và có những kỹ năng xây dựng, tạo dựng các mối quan hệ tốt hơn trong xã hội. Cũng như khi gặp những điều khó khăn, mình cũng có thể dễ dàng vượt qua hơn và hướng tới những điều tích cực hơn”.

Với Phạm Gia Bảo, “vượt sướng” là hành trình dấn thân, không sợ hãi. Trong đó, gia đình là một phần quan trọng để nuôi dưỡng nhân cách, là trường học đầu tiên giúp bạn có được những bài học kinh nghiệm vô giá để tự thân bước vào đời. Còn xã hội là môi trường trải nghiệm và tiếp xúc.

Chỉ có không sợ hãi vấp ngã mà đứng dậy, bản thân mới học được cách tự chữa lành cho bản thân khi gặp tổn thương, thất bại; nhận ra cách ứng xử hài hòa với bạn bè, thầy cô và hòa nhập tích cực vào cộng đồng. Bởi với Bảo, mọi sự gặp gỡ đều là trải nghiệm quý báu: “Vì gặp nhau đã là một cái duyên. Nên là bạn có lầm lỗi, mình cũng không để trong lòng, mình cứ thoải mái, bao dung vị tha thì lúc đấy mình cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn. Nếu mình đã chơi với nhau thì nên chấp nhận khuyết điểm của bạn. Đồng thời mình cũng góp ý nhẹ nhàng những điểm yếu đó để bạn hoàn thiện tốt hơn, để có mối quan hệ lâu dài với bạn”.

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An

Không ai dám chắc rằng, “vượt sướng” như thế nào là đúng, nhưng có thể khẳng định một điều rằng “Ta không được lựa chọn nơi mình sinh ra nhưng được lựa chọn cách mình sẽ sống”, như câu chuyện mà các chàng trai, cô giái trẻ trong chương trình đã lựa chọn cho mình cách sống đẹp và ý nghĩa.

Trong những ngày xuân này, để giúp các bạn hiểu hơn về một thế hệ “vượt sướng”, mời quý vị và các bạn đến với cuộc trò chuyện của PV VOV Giao thông cùng chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An.

 

PV: Theo anh, anh nhìn nhận về xu hướng sống của giới trẻ hiện nay ra sao?

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An: Thứ nhất, chúng ta cần phải đề cập đến thế hệ gen Z được sinh ra, sống trong thời đại kỷ nguyên số, tiếp xúc rất nhanh đến thế giới ảo; trong khi đó, việc thấu hiểu và bảo vệ bản thân trước những luồng thông tin ào ạt này thì chưa được quan tâm đúng mức.

Các bạn trẻ phải đối mặt nhiều hơn với những thủ đoạn lửa đảo, các luồng thông tin xấu, độc, khiến cho niềm tin và thế giới quan bị méo mó. Thứ hai, những bạn sinh ra trong gia đình cơ bản có điều kiện, việc kiếm tiền không còn là nhu cầu thiết yếu, mà chuyển sang đi làm vì đam mê, vì sở thích. Các gia đình chưa giáo dục đủ cho trẻ về tự nhận thức bản thân, cũng như hướng nghiệp một cách bài bản.

Từ đó, dẫn đến việc các bạn trẻ đối mặt với bài toán chọn sai ngành sai nghề, dễ bỏ buộc khi có khó khăn trong công việc.

Khi xã hội phát triển, thì sự lựa chọn sẽ đa đạng hơn, tuy nhiên các bạn sẽ dễ vướng vào chiếc bẫy tư duy “đại dương có rất nhiều cá” - nghĩa là không có cơ hội này thì sẽ có cơ hội khác, không có người này sẽ có người kia, vô tình cho việc trân trọng những điều mình đang có sẽ giảm đi rất nhiều.

PV: Thưa anh, nguyên nhân vì sao giới trẻ ngày nay thiếu khả năng tự bảo vệ bản thân trước xã hội, thiếu động lực vươn lên và dễ dàng bỏ cuộc khi vấp ngã?

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An: Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải xết về những yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong. Trước tiên, bất cứ gia đình nào cũng mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho con mình, nhưng cho con 1 môi trường tốt để phát triển không có nghĩa là thay con quyết định hoặc là cố định 1 con đường trải đầy hoa hồng cho tương lai của con.

Tạo điều kiện tốt cho con cũng không có nghĩa gạt bỏ tất cả rủi ro trên đường, để rồi khi con lỡ vấp ngã thì cái khoảnh khắc đó sẽ khiến trẻ vụn vỡ đi rất nhiều. Cũng cần nói đến những luồng quan điểm mang màu sắc tiêu cực xuất hiện trên mạng như “nếu chọn đúng 1 công việc theo đam mê thì đó không còn là đi làm mà chỉ là vui chọi để kiếm sống” - Cách suy nghĩ này sẽ cài đặt tư duy cho người trẻ là mỗi khi không vui thì đó không phải là công việc phù hợp với mình, từ đó khiến các bạn dễ bỏ cuộc, dễ cảm thấy hoang mang trong cuộc đời.

PV: Người ta thường nói: “Nghèo thì vượt khó, giàu thì vượt sướng”. Theo anh quan điểm “vượt sướng” hiện nay là như thế nào?

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An: Cái “sướng” mà mọi người hay nhắc đến là “cái sướng” đến từ điều kiện vật chất như là đủ ăn, đủ mặc, trong khi đó còn có những mặt về đời sống tinh thần thì chưa chắc!

Sướng hay khổ còn là do cảm nhận của từng người, căn cứ vào từng giá trị sống rất khác nhau. Hiểu đơn giản “vượt sướng” chính là vượt qua sự ỷ lại của bản thân, khi nhận ra những nguồn lực xung quanh luôn sẵn sàng có mặt giải quyết khó khăn cho mình.

Thay vì cố gắng tìm cách vượt qua trở ngại thì trẻ sẽ ngay lập tức nghĩ tới thoái lui, từ chối hoặc liên tục yêu cầu sự giúp đỡ. Không phải lúc nào người xung quanh cũng làm được điều này, nên khi khó khăn thật sự ập tới, thì họ sẽ không đối diện hoặc chấp nhận rằng đã thất bại, càng dễ trở nên suy sụp hơn. Gia đình sẽ là nơi tiên trong việc giáo dục cho trẻ về ý thức tự lập, cho con phát triển khả năng phản biện, tư duy sáng tạo để làm nền tảng cốt lõi cho sự phát triển sau này.

Phụ huynh cũng cần ý thức về việc không gửi gắm ước mơ dang dở của mình để cho con thực hiện. Cũng như, đặt cho con tâm thế mang ơn tiêu tực theo công thức là bố mẹ đã làm tất cả cho con và con cần phải làm theo bố mẹ thì mới là có hiếu.

PV: Vậy thì, làm thế nào để giới trẻ can đảm và tự chữa lành bản thân trên con đường "vượt sướng", cũng như tìm thấy mục đích sống và con đường bước đến hạnh phúc trong năm mới?

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An: Mỗi bạn trẻ sẽ tự trang bị bộ lọc cá nhân để tự bảo vệ chính mình. Đầu tiên, các bạn phải có tâm thế đúng đắn khi đối diện với những thử thách trong công việc hoặc trong học tập.

Ví dụ, gần đến kỳ thi thì một trong những phản ứng tự nhiên của bản thân sẽ cảm thấy căng thẳng, áp lực hoặc nếu như bạn nào đã đi làm vào dịp cao điểm sẽ có nhiều việc hơn. Do đó nếu các bạn đối diện với những trạng thái cơ thể mệt mỏi, tâm hồn kiệt sức thì chúng ta cần phải nghĩ đến câu chuyện sắp xếp thời gian nghỉ ngơi như ngủ đủ giấc, tham gia vào các hoạt động theo sở thích để lấy lại năng lượng, thay vì nghĩ sẽ bỏ cuộc.

Giống như khi bước vào 1 mối quan hệ, chắc chắn sẽ có mâu thuẫn, quan trọng là cùng nhau tìm cách giải quyết, đưa ra giới hạn an toàn và chia sẻ giới hạn cho người kia. Khi cảm thấy có quá nhiều gánh nặng trên vai mà người xung quanh không thể giúp đỡ kịp thời, hãy nhớ rằng là sẽ có những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyên nghiệp.

Người trẻ cũng có thể tập thói quen viết nhật ký, để xem các bạn phản ứng thế nào về mặt cảm xúc; từ đó, các bạn sẽ có thêm những dữ kiện về chính mình, từng bước vững chắc trên con đường thấu hiểu bản thân.

Chúng tôi rất mong là nguồn năng lượng tích cực trong dịp đầu năm mới sẽ là động lực thúc đẩy các bạn trên con đường hoàn thiện bản thân, vượt qua khó khăn, hoặc là vượt qua sự sung sướng thì cái đích cuối cùng vẫn là tìm thấy được sự hạnh phúc, hài lòng bên trong của mỗi người.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của anh

Trong thời hiện đại với nhiều đổi mới vượt bậc thúc đẩy con người tiến lên phía trước nhưng cũng đầy rủi ro, biến động về kinh tế, thảm họa và dịch bệnh. Vì vậy, mỗi người không chỉ phải rèn luyện tinh thần “vượt khó” mà còn cần phải nỗ lực “vượt sướng”, để không chới với khi những trở ngại, khó khăn bất ngờ ập đến. Góc chia sẻ từ chuyên gia Hoàng Anh Tú với nhan đề “Ai cũng cần học cách vượt sướng” và chọn lối đi hạnh phúc cho riêng mình trong những lát cắt muôn màu của cuộc sống: 

Sướng mà không biết đường mà sướng? Sao mua dây buộc mình? Hẳn sẽ có nhiều người nghe chương trình hôm nay mà nói vậy về những người trẻ vượt sướng kia. Hoặc cũng sẽ có người chép miệng mà rằng: Ừ thì trẻ người non dạ, sướng quen nên muốn nếm vị khổ thôi mà. Là bởi ai trong chúng ta cũng vậy, luôn nghĩ về đích đến cuộc đời là sự đủ đầy về vật chất.

Nên những người xem Tiktok quá 180 phút đều tin rằng khi họ kiếm đủ chừng này tỷ, họ sẽ về hưu bất luận họ đang bao nhiêu tuổi. Chúng ta mơ về một chữ An bằng việc Nhàn. Nói về chữ Thành bằng việc Đạt. Sướng là có đủ tài chính để về quê trồng rau nuôi cá, không phải đua tranh với đời, không phải bon chen thành phố. Nên những người đang sống sướng mà đi làm chuyện khổ cực dễ bị coi là ngốc dại, là lập dị, là chơi trội. Như những kẻ viết thư tay gửi bưu điện. Như những người vẫn nấu cơm bằng bếp. Như những bạn trẻ mà chúng ta vừa nghe.

Nhưng thước đo của cuộc đời không phải chỉ để đo sự rộng dài của thời gian, độ dày mỏng của ví tiền, sự cao thấp của gia cảnh hay vị trí xã hội đâu. Mà còn đo cả sự nông sâu của chúng ta trong trái tim những người chúng ta gặp. Mà còn đo sự đậm nhạt của mỗi việc chúng ta làm. Mà còn đo bằng trái tim của chúng ta với sự thiết tha ta dành cho chính cuộc đời này, với những người thân của ta nữa. Nên cái sướng mà chúng ta hướng tới nếu chỉ là sự đủ đầy vật chất thì phí phạm cuộc đời của chúng ta quá, thì nhạt nhoà cuộc đời ta quá.

Với những bạn trẻ chúng ta vừa chứng kiến họ vượt sướng kia, quẳng thân vào đời, tận hiến thanh xuân để thấm sâu hơn vào cuộc đời, tô đậm trái tim mình hơn nữa thì đó là một lựa chọn. Một lựa chọn không có đúng- sai. Mà là một lựa chọn Xứng Đáng hay Không Xứng Đáng. Theo cách nghĩ của mỗi người mà thôi. Nhưng tôi chắc chắn rằng họ đã sống một cuộc đời đáng sống.

Vượt sướng chính là lựa chọn để sống một cuộc đời đáng sống như vậy. Vượt ra khỏi những vùng an toàn của bản thân. Hay chỉ đơn giản, vượt qua những lẽ thường của cuộc đời, những thứ “làm vậy là đủ rồi”. Vượt qua những lợi lộc cho bản thân, những thước đo hạn hẹp.

Dù có thể thiệt thân, mua dây buộc mình, “vô nghĩa” trong cái hẹp hòi cố hữu của bản thân. Vượt sướng là cho đi mà không bận tâm có được hồi đáp, để cuộc đời sử dụng mình được nhiều hơn mà không bận lòng nghĩ rằng mình bị lợi dụng.

Ai cũng cần học vượt sướng là vậy. Không cần là thứ gì to tát như các tỷ phú kia bỏ ra 90% tài sản của mình cho từ thiện hay bỏ hạnh phúc của bản thân để hiến dâng cho cuộc đời. Mà chỉ đơn giản là góp thêm mình vào sự tử tế trong đời, trở thành một phần trong sự tử tế đó. Ai trong chúng ta cũng mang trong mình sự tử tế sẵn có. Là ta có sử dụng nó không, có mang nó ra để đóng góp cho cuộc đời này hay không mà thôi.

Bởi nhiều người chọn cách chỉ tử tế với những ai tử tế với mình nên mãi mãi sự tử tế trong ta không được sử dụng hoặc được sử dụng hạn chế vậy. Bởi sự tử tế càng dùng càng nở, càng mở, càng đầy.

Ai cũng cần học vượt sướng. Là vượt ra khỏi thế giới tiện nghi chúng ta đang sống. Để được sống trọn vẹn đầy đủ 5 giác quan của mình. Để mắt không chỉ nhìn, mắt còn thấy, còn thấu. Để mũi không chỉ để ngửi, để thở mũi còn để hít hà thật sâu.

Để vị giác là cảm nhận được vị mặn của mồ hôi rơi xuống, vị của tình người. Để xúc giác không chỉ sờ nắm mà còn là những cái ôm thật chặt, chạm thật sâu. Để đừng chỉ nghe bằng tai, hãy nghe bằng tim mình. Vượt sướng là sử dụng hết cỡ 5 giác quan của mình là như thế.

Học vượt sướng cũng cần cả sự can đảm nữa. Là can đảm để chọn ngã rẽ vì thế giới ở dưới bàn chân mình chứ không phải ở tay người chỉ trỏ, ở trong tầm mắt hay tệ hơn, ở ngón tay lướt màn hình điện thoại. Cần lắm sự can đảm để dám đặt lòng tin vào sự xứng đáng thay vì chỉ tin vào thứ mắt thấy tai nghe. Vượt sướng cần lòng can đảm của bạn.

Can đảm để vượt qua cả sự hiểu biết về bản chất cuộc đời để lựa chọn bản chất của bản thân mình. Vì hiểu biết về bản chất cuộc đời này là rất nhiều những bất công, đôi khi lòng tốt chưa chắc đã nhận về điều tốt nhưng ta vẫn lựa chọn làm điều tốt vì bản chất của ta là người tốt. Vậy nên mới nói: Vượt sướng khó lắm! Vượt sướng cũng cần lòng can đảm vậy!

Để tôi kể bạn nghe những điều bạn sẽ nhận được sau khi vượt sướng thành công nhé! Là bạn sẽ có một cuộc đời đáng sống. Là bạn đã sử dụng được trọn vẹn cuộc đời mình, nhiều hơn những gì cha mẹ đã cho bạn khi sinh bạn ra. Là bạn để lại trong những người bạn gặp không phải một cái tên, một chức danh, một khuôn mặt đâu. Nó còn nhiều hơn thế.

Tôi nhớ Oprah Winfrey đã từng nói đại ý thế này: Mọi người có thể chẳng nhớ được tên bạn, địa vị của bạn. Nhưng họ sẽ mãi nhớ cảm xúc mà bạn đã tạo ra trong họ. Là cái cách chúng ta để lại cảm xúc gì với những người ta gặp vậy. Ngọn lửa trong bạn sẽ sưởi ấm những ai gặp bạn, thắp sáng con đường cho rất nhiều người và trở thành một phần đời giá trị của nhiều người. Đó chính là thành quả của vượt sướng.

Rồi. Bạn vẫn cho rằng chưa đủ thuyết phục ư? Bạn vẫn muốn nằm mãi trong chiếc chăn ấm áp của mình. Bạn chỉ chịu rời khỏi chiếc chăn đó khi cuộc đời bắt bạn phải rời ư? Ngoài kia quả thực vẫn còn hàng tỷ người như bạn. Bạn không sai đâu. Bạn hoàn toàn giống như hàng tỷ người thôi. Giống đến như đúc cùng một khuôn. Không sao cả. Thật đấy! Bởi mỗi chúng ta đều được quyền lựa chọn cách sống cuộc đời của mình thế nào mà. Cho đến khi chúng ta bị cuộc đời quăng quật chúng ta đi, làm móp méo cuộc đời ta. Hoặc tệ hơn, chúng ta đếm rễ ở mông mình, phủ bụi đời mình. Rồi cũng hết một đời vậy!

Hôm nay, mùng Hai Tết. Thật cảm ơn cuộc đời đã cho chúng ta một Năm Mới để chúng ta chọn lựa làm Mới một năm nữa của cuộc đời mình. Để ta không còn cũ như ta của Hai ngàn Hai trăm Hai mươi Ba năm về trước. Để nếu bạn phải vượt khó mà vươn lên hay vượt sướng để trở thành một con người như ta muốn trở thành thì hôm nay chính là một cơ hội mới vậy.

Hãy thật mới. Bằng sự can đảm và tử tế mà bạn đang có. Bạn có. Hãy sử dụng nó đi! Hãy dùng nó đi! Được không?

Sau một năm đặt nhiều dấu ấn và bước ngoặc quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội mới cho năm 2024 tiến tới và cũng đầy thách thức mới chờ đợi trong bức tranh của hậu đại dịch COVID-19. Thế nhưng, năm mới sẽ là dấu mốc cho những khởi đầu mới.

Có lẽ, đây là thời điểm “vàng” để mỗi chúng ta nhìn lại và bắt đầu lựa chọn những hướng đi khác biệt nhằm khẳng định giá trị của bản thân và chạm đến “giao lộ hạnh phúc” trong tâm hồn./.

Minh Thuỳ - Trúc Thuỷ/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cách để vẫn đạp xe đi làm mùa bụi mịn, mưa phùn

Cách để vẫn đạp xe đi làm mùa bụi mịn, mưa phùn

“Những người mộng mơ”, hay “những người dùng thời gian một cách xa xỉ”, đó là lời tự bạch của những người có thói quen đạp xe đi làm, đạp xe đến trường – Một cộng đồng có khoảng 13 nghìn thành viên trên Facebook.

Đề xuất bỏ ngạch công chức, đánh giá bằng vị trí việc làm: Cần nghiên cứu thận trọng

Đề xuất bỏ ngạch công chức, đánh giá bằng vị trí việc làm: Cần nghiên cứu thận trọng

Theo dự thảo sửa đổi Luật cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đề xuất cơ chế quản lý cán bộ, công chức sẽ được đổi mới theo vị trí việc làm, lấy đó là cơ sở để tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức.

Cần sớm có mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp

Cần sớm có mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp

Phương tiện đưa đón học sinh ngày càng trở thành loại hình vận tải hành khách thiết yếu, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Số lượng các xe đưa đón học sinh cũng tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng công tác quản lý còn khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

VOV Giao thông giành giải nhất 'Báo chí tuyên truyền về ATGT năm 2024'

VOV Giao thông giành giải nhất "Báo chí tuyên truyền về ATGT năm 2024"

 Loạt phóng sự "Để quy định về thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em đi vào cuộc sống" của nhóm phóng viên VOV Giao thông đoạt giải nhất ở thể loại báo nói.

Ngõ Cầu Gỗ, nơi lưu giữ nét Tràng An

Ngõ Cầu Gỗ, nơi lưu giữ nét Tràng An

Ngõ Cầu Gỗ - là một con ngõ ngắn nằm giữa phố Cầu Gỗ, nối với phố Gia Ngư. Vốn trước kia nằm trong cùng một phố chợ Hàng Bè quen thuộc của người Hà Nội - phố cổ. Trước đây chợ Hàng Bè nằm "chiếm" hoàn toàn hoặc một phần lòng đường của các con phố Hàng Bè, Gia Ngư, Ngõ Cầu Gỗ...

TP.HCM: Bức xúc với nạn đổ trộm rác trên đường Chu Văn An

TP.HCM: Bức xúc với nạn đổ trộm rác trên đường Chu Văn An

Thời gian qua, đường dây nóng Kênh VOV Giao thông liên tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về tuyến đường Chu Văn An, đoạn từ Học viện Cán bộ TP.HCM đến ngã 5 Bình Hòa, liên tục bị đổ trộm rác thải, xà bần dù chính quyền đã căng dây cảnh báo xử phạt.

Sức ép chưa tới, doanh nghiệp Việt chưa thực sự sẵn sàng chuyển đổi xanh

Sức ép chưa tới, doanh nghiệp Việt chưa thực sự sẵn sàng chuyển đổi xanh

Theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, số doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo phát thải trong năm 2024 lên hơn 2.100 doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho chuyển đổi xanh.