Xóm dân cư lo lắng, từng ngày chờ đợi một tuyến kè bảo vệ vành đai để an cư lạc nghiệp. Vậy mà, đã qua gần 2 năm, tình trạng sạt lở nơi đây vẫn chưa được xử lý triệt để, xóm dân cư gần như bị “bỏ quên”.
Theo báo cáo của UBND huyện Long Hồ, trong giai đoạn năm 2021 đến tháng 8/2024, trên địa bàn huyện đã xảy ra 50 vụ sạt lở, làm mất 3.700m bờ sông, và 12 căn nhà ở cùng với các công trình đường giao thông nông thôn bị trượt xuống sông. Công tác gia cố, khắc phục cũng đang được triển khai nhanh chóng, nhưng tốc độ giải ngân và thi công lại “chạy” không kịp với tốc độ sạt lở.
Ở đây, thị trấn Long Hồ, ấp Phú Thạnh và ấp Phú An là 3 địa phương gánh chịu nhiều tổn thất nhất vì sạt lở. Đến Khóm Phú Thạnh, thị trấn Long Hồ vào mùa nước kiệt nhưng những cây bần bị sạt lở chỉ còn phần ngọn đang trầm mình dưới sông, hình ảnh đủ cho thấy lòng sông nơi sạt lở rất sâu. Có gia đình chỉ cần bỏ hai bước chân ra khỏi cửa thì đã đến mé sông, vì sạt lở đã sát vách nhà. Bà Lê Thị Ngọc Sang kể lại, hai năm trước ngôi nhà của bà có cổng rào, có bến bãi rất rộng rãi khang trang. Nhưng đến một đêm bỗng dưng sạt lở “nuốt” hết phần đất bến bãi, “nuốt” luôn hàng rào. Bà Sang tâm tư:
“Nó vẫn cứ lở hoài như thế, ban đêm ngủ sợ lắm, sợ nó sập nhà vì lở. Lần đầu tiên nó sạt một cái ùm nghe mà hết hồn, sụp luôn hàng rào. Hiện giờ là hết sụp rồi vì đã hết đất, vườn tượt cây cối thì chết hết rồi. Rất mong địa phương sớm gia cố lại chứ để vầy hoài có ngày sụp mất tiêu cái nhà của tôi”.
Năm 2023, tại Khóm Phú Thạnh xảy ra đoạn sạt lở ảnh hưởng đến 5 hộ dân. Cái khổ nhất ở đây là xóm dân cư đều khó nhận ra nguy cơ, khi nền đất có dấu hiệu sạt lở cho tới lúc đổ sụp xảy ra chỉ trong vòng một giờ đồng hồ. Chính vì thế, gia đình cũng không thể di tản tài sản đi nơi đâu. Đến khi sạt lở xong, đường giao thông mất, người dân đi lại càng khó khăn. Đoạn sạt lở ở Khóm Phú Thạnh chỉ mới được cho thông xe máy hơn một tháng nay, thời gian qua người dân phải lội bộ. Đa phần hộ dân sống ở đây đều chỉ có một tài sản nhà gắn liền với đất, nên nếu sạt lở tiếp tục hoành hành, mất nhà, mất đất, người dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Ông Lê Văn Thông, ngụ Khóm Phú Thạnh cho biết:
“Nghe nói Trung ương cho tiền làm bờ kè ở đây nhưng tới giờ chưa thấy. Nhà tôi gần sát mé sông nên ăn ngủ không yên, lỡ nó sạt nữa thì biết làm sao. Phải có đất vườn thì dời đi nơi khác được, còn đằng này chỉ có mỗi cái nhà, trước cửa là sông, sau lưng là đất người khác, hết luôn rồi đó”.
Từ quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ và nguồn ngân sách huyện quản lý, đến nay, Long Hồ đã có 48 khu vực sạt lở được gia cố khắc phục bằng công trình kè. Nhưng đáng lưu ý, còn lại 2 khu vực sạt lở đã được UBND tỉnh công bố vào năm 2023 vẫn chưa được khắc phục, trong đó có bờ sông Cái Cao (đoạn qua Khóm Phú Thạnh, thị trấn Long Hồ) dài 610m.
Vào năm 2024, tỉnh Vĩnh Long đã lập Dự án giao cho Ban quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 làm Chủ đầu tư để thi công công trình kè gia cố chống sạt lở bờ sông Cái Cao đoạn qua thị trấn Long Hồ, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2025. Trong quá trình lập Dự án, địa phương đã nhiều lần tổ chức họp dân và nhận được sự đồng thuận cao.
Tuy nhiên, ngày 27/2/2025, địa phương nhận được công văn 1543/BNN-KH của Bộ NN&MT về việc dừng triển khai thi công dự án. Việc này đã khiến cho người dân nằm trong vùng sạt lở hụt hẫng, nỗi lo chồng chất nỗi lo.
Bà Nguyễn Thị Diệp –Trưởng Khóm Phú Thạnh, thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ cho biết: “Tuyến đường cặp sông Cái Cao sạt lở nhiều lần rồi, sau gia cố cũng bị sụt lún tiếp. Vừa qua được sự hỗ trợ của Trung ương để xuống đây làm đê bao, tới nay chưa làm, người dân phản ánh là nhiều năm đi lại khó khăn lắm, đi bộ cũng khó nữa. Do đó tha thiết mong các cấp chính quyền sửa chữa sớm cho nơi này để người dân an tâm sinh sống và sản xuất”.
Lý giải vì sao lại dừng triển khai trong khi địa phương đối mặt với nguy cơ sạt lở từng ngày, ông Võ Trung Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cho biết, do danh mục các công trình đầu tư trung hạn đến năm 2025 không có tên Dự án kè gia cố chống sạt lở bờ sông Cái Cao đoạn qua thị trấn Long Hồ. Trong khi các danh mục công trình đầu tư trung hạn được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công nên phải được trình xem xét, phê duyệt.
Do sự cố sạt lở tại thị trấn này diễn ra phức tạp nên địa phương mới kiến nghị cần xây dựng sớm công trình khác trong thời gian gần đây. Do đó, UBND huyện Long Hồ mới hoàn thiện lại hồ sơ kiến nghị tỉnh đầu tư xây dựng Dự án kè gia cố chống sạt lở bờ sông Cái Cao, còn việc sắp xếp thời gian nào mới thực hiện được là do tỉnh quyết định.
Các vụ sạt lở xảy ra thường để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Trước tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch như thế, Vĩnh Long đã cho xây dựng hàng loạt công trình bảo vệ bờ để giảm bớt thiệt hại do sạt ở bờ gây ra. Hình thức kết cấu các công trình bảo vệ bờ khá đa dạng, phong phú và đã đóng góp rất nhiều trong việc phòng, chống sạt lở.
Tuy nhiên, giữa hàng trăm công trình đã và đang triển khai đó, vẫn còn một cụm dân cư bị ảnh hưởng do sạt lở ở thị trấn Long Hồ cần hỗ trợ. Thực tế này rất mong các ban ngành xem xét và sớm bố trí nhân lực – nguồn vốn để gia cố lại đoạn sạt lở trên sông Cái Cao, để người dân an tâm sinh sống.