Dòng xe máy nối đuôi nhau đi ngược chiều với số lượng hàng chục, hàng trăm xe, như một thách thức đối với trật tự, an toàn giao thông. Họ bất chấp nguy hiểm, bất chấp quy định của pháp luật để đổi lấy vài phút tiết kiệm thời gian. Nhưng cái giá phải trả có thể là tính mạng, là sự an nguy của người tham gia giao thông.
17h. PV VOV Giao thông có mặt tại số 2 Tôn Thất Thuyết, đoạn gần ngã tư Nguyễn Hoàng - Tôn Thất Thuyết. Đường bắt đầu đông, trời mưa nhỏ. Lác đác vài xe máy đi ngược chiều. Đa phần là xe ôm công nghệ, người giao hàng.
Tuy nhiên chỉ vài phút sau, khoảng 17h15, khi dòng xe bắt đầu phải xếp hàng dài trên đường Tôn Thất Thuyết (hướng về ngã tư Phạm Hùng), số lượng người điều khiển xe máy đi ngược chiều cũng tăng nhanh. Theo quan sát, người đi ngược chiều đi thành từng tốp khoảng 15-20 xe, dàn thành hàng 2, chiếm gần nửa lòng đường. Các xe đi từ phía đường Nguyễn Hoàng sang đều phải dạt ra để tránh va chạm:
"Này là vi phạm rồi, tai nạn lại bảo do lái xe, đi đúng đường thì không sao chứ đi kiểu này thì chết rồi, số lượng xe quá đông, quá nhiều, không hết được."
"Nói chung là không thuận mắt cho lắm đâu, đi thẳng này nhìn không thuận mắt, nếu đường đông là thôi luôn đấy, nhìn cực kỳ khó chịu luôn."
Suốt gần tiếng đồng hồ, tình trạng xe máy đi ngược chiều không dừng lại mà càng phức tạp hơn, tỷ lệ thuận với mức độ ùn tắc trên đường Tôn Thất Thuyết hướng ra Phạm Hùng. Nhưng như một vòng luẩn quẩn, đường Tôn Thất Thuyết và ngã tư Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết ùn tắc cũng do xe máy ào ạt đi ngược chiều.
Phải đến lúc CSGT có mặt, xử phạt các trường hợp vi phạm thì tình hình mới được cải thiện. Mức độ cải thiện đạt khoảng 80%, vì vẫn có những người cố tình phóng nhanh, đi ngược chiều vụt qua mặt CSGT. Vì sự an toàn chung nên CSGT không thể chặn lại.
Khi được hỏi, những người vi phạm thản nhiên thừa nhận hành vi vi phạm, với lý do thật thiếu trách nhiệm với tính mạng, sự an toàn của chính họ và những người cùng tham gia giao thông:
"Tại vì đường rất tắc, đường tắc ấy ạ, em không còn gì để nói thêm đâu ạ."
"Đông thế này mà em đang vội đi ấy ạ, đôi khi có những việc vội phải thế thôi, không phải bất chấp nguy hiểm, em không có ý kiến gì thêm."
"Vâng em sai rồi ạ, tự nhiên thấy mưa với ngại đi quá, thôi sai thì chấp nhận xử phạt thôi ạ."
Thực trạng này không phải chuyện mới, thính giả thường xuyên phản ánh với VOVGT trong các chương trình giờ cao điểm. Chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng thì vi phạm lại tái diễn. Trao đổi với PV về vấn đề này, thiếu tá Lê Văn Đông, cán bộ đội CSGT đường bộ số 6, phòng CSGT Hà Nội cho biết: "Thực tế vi phạm ở đây diễn ra phức tạp và phổ biến, một bộ phận người dân tham gia giao thông là chưa tốt, tùy tiện và cẩu thả, khó khăn cũng chính vì việc ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao, diễn ra nhiều. Về giải pháp thì đơn vị sẽ tăng cường xử lý và tuyên truyền tới người dân, đề xuất Sở GTVT nghiên cứu tổ chức, phân luồng khoa học hơn, và tăng cường xử lý hơn nữa để có sức răn đe."
Những vi phạm của xe máy trên đường Tôn Thất Thuyết không chỉ là vi phạm luật giao thông đơn thuần, mà còn là biểu hiện rõ nét của sự xuống cấp về ý thức và văn hóa giao thông. Nó giống như một vết xước xấu xí trên bức tranh văn nh đô thị, một vết xước không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn tổn thương đến sự an toàn và trật tự của xã hội. Đến bao giờ chúng ta mới có thể xóa bỏ những "vết xước" này, để trả lại sự an toàn và nét đẹp văn nh cho giao thông Thủ đô?
Đây không chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng, mà còn là trách nhiệm của mỗi người tham gia giao thông. Hãy chấp hành nghiêm quy định, chung tay xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn nh, nơi pháp luật được thượng tôn, và ý thức được đề cao!