Việt Nam thiếu nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã

Ngày 29/7, Trung tâm Hành động vì Động vật Hoang dã Việt Nam - WildAct tổ chức Hội nghị khoa học sinh viên về Bảo tồn thiên nhiên (SCNC) năm 2023 tại Hà Nội. 6 đề tài được lựa chọn từ gần 40 nghiên cứu được lựa chọn diễn thuyết tại hội thảo.

Hội nghị  tạo cơ hội cho gần 100 sinh viên, nghiên cứu sinh, nhà bảo tồn trẻ kết nối và mở rộng cơ hội phát triển với các chuyên gia và các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn tại Việt Nam.

TS Hà Thăng Long, Chủ tịch sáng lập Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) cho biết, tình trạng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam diễn ra hết sức phức tạp, nhiều loại quần thể bị suy kiệt trong khi Việt Nam đang đối mặt với thách thức thiếu nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao được đào tạo bài bản trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã.

Hội nghị sẽ là cơ hội giúp các bạn trẻ nắm được đúng hiện trạng của buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã và tạo động lực cho các em tham gia nghiên cứu khoa học về bảo tồn động vật hoang dã  và nuôi dưỡng lòng yêu thiên nhiên.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng giúp các em có cơ hội chia sẻ với các bạn cùng lứa tuổi về những kết quả nghiên cứu, hình thành lên network những nhà làm bảo tồn thiên nhiên trẻ. Các bạn cũng có cơ hội học được những ý tưởng từ những người khác, từ những nhóm nghiên cứu khác và có cơ hội được tương tác với các tổ chức đang thực hiện, từ đó tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, tài trợ cho các nghiên cứu trong tương lai.

Hội nghị khoa học sinh viên về Bảo tồn thiên nhiên được tổ chức 2023 đã thu hút gần 40 nghiên cứu từ các tỉnh thành trên cả nước. Sau quá trình xét duyệt, Ban Giám khảo đã lựa chọn 14 đề tài với 5 chủ đề chính: ứng dụng khoa học xã hội, Ứng dụng khoa học công nghệ; Giám sát đa dạng sinh học; Phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép và Bệnh dịch truyền từ động vật sang người.

Đánh giá về SCNC năm 2023, chị Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm Hành động vì Động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) cho rằng, SCNC 2023 là một hội nghị đầy triển vọng với các đề tài với những góc nhìn đa dạng và sâu sắc về các vấn đề bảo tồn thiên nhiên đang diễn ra ở Việt Nam.

Hơn hết, hội nghị SCNC năm nay đã đón nhận được sự quan tâm không chỉ từ các bạn sinh viên, nhà bảo tồn trẻ trong nước mà còn đến từ các du học sinh và nhà bảo tồn trẻ đang làm việc và nghiên cứu ở quốc tế. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho tương lai của cộng đồng bảo tồn tại Việt Nam.

Hội nghị là 1 sự kiện tạo cảm hứng và động lực cho các bạn trẻ đối với hoạt động bảo tồn động vật hoang dã

Hội nghị Khoa học Sinh viên về Bảo tồn thiên nhiên 2023 là một sự kiện mang đến cảm hứng và động lực cho những thế hệ  trẻ tự tin và sáng tạo, cùng góp phần “Chung tay hành động vì động thực vật hoang dã tại Việt Nam.”

Hội nghị đã trao thưởng cho các nghiên cứu xuất sắc đóng góp vào công tác bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam.

Về Diễn thuyết:

Giải Nhất: Trần Thị Phương - Đề tài “Ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh SAR (Sentinel-1A) để xây dựng bản đồ biến động diện tích rừng giai đoạn 2020-2023 tại khu vực Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì”

Giải Nhì: Nguyễn Tiến Phong - Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng quần thể Chà vá chân nâu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Đà Nẵng”

Giải Ba: Lý Thành Nhân - Đề tài “Nuôi dưỡng, bảo quản và xử lý vật chứng là ĐVHD trong các vụ án hình sự theo pháp luật Việt Nam”

Poster:

• Giải Nhất: Trần Trọng Ngân - Đề tài “Nguồn gốc và sự di cư của cá Bông lau Pangasius krempfi trên sông Mekong”

• Giải Nhì: Lê Thị Hà - Đề tài “Khảo sát nhận thức của dân cư vùng đệm với công tác bảo tồn các loài mang tại VQG Chư Yang Sin”

• Giải Ba: Lại Toàn Thắng - Đề tài “Đậu mùa khỉ và các nguy cơ từ bệnh truyền lây giữa khỉ và người”

Giải bình chọn:

• Diễn thuyết: Lý Thành Nhân - Đề tài “Nuôi dưỡng, bảo quản và xử lý vật chứng là ĐVHD trong các vụ án hình sự theo pháp luật Việt Nam”

• Poster: Lại Toàn Thắng - Poster “Đậu mùa khỉ và các nguy cơ từ bệnh truyền lây giữa khỉ và người”