Vì sao trạm BOT QL 91 vẫn “án binh bất động” với thu phí không dừng?

Trong khi các dự án BOT trên cả nước đang khẩn trương tiến hành lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng thì trạm T2 dự án BOT QL91 Cần Thơ - An Giang vẫn "án binh bất động".

Dự án BOT QL 91 do Liên danh Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp - Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO là nhà đầu tư.

Doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Đầu tư QL 91. Dự án tiến hành cải tạo, nâng cấp QL 91 theo hai phân đoạn với tổng mức đầu tư hơn 1.720 tỷ đồng.

Trong đó, phân đoạn một là cải tạo, nâng cấp QL 91 từ Km 14 đến Km 50+889; phân đoạn hai là mở rộng và tăng cường nền mặt đường QL 91B đoạn từ Km 0+000 đến Km 15+793. Dự án bắt đầu thu phí, hoàn vốn tại trạm T1 trên QL 91 ngày 2/4/2016 và trạm T2 ngày 31/12/2016.

Trạm thu phí BOT T2 trên quốc lộ 91. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

Tuy nhiên, do gặp phản ứng của tài xế, trạm T2 đã phải xả trạm, dừng thu phí từ tháng 5/2019 đến nay. Doanh nghiệp dự án đã nhiều lần phản ánh khó khăn, nguy cơ vỡ phương án tài chính do chỉ còn được thu phí tại trạm T1.

Nói về vấn đề thu phí của trạm thu phí này, anh Nguyễn Thanh Liêm, một tài xế cho biết: “Không tự động 100% nhưng hiện vẫn có 1 làn tự động và 1 làn thu phí bình thường, đương nhiên là mất thời gian. Nếu tự động càng nhiều, 100% càng tốt, không thì mất thời gian lắm. Tại vì QL 91 đường không có rộng, chỉ có 2 làn thu phí thôi 1 làn thu phí tự động, 1 làn thu phí thường mà anh thấy đa số người ta đi thu phí thường không hà, thường nó xảy ra chậm chỗ đó nhiều lắm, nếu áp dụng 100% thì quá tốt”.

Đồng quan điểm này, tài xế Phan Văn Sơn, chia sẻ: “Đối với xe mình có dán thu phí tự động rồi, đia qua ba re tự mở, phải nên khuyến khích người dân nên dán. Nếu bắt buộc vào 2 làn thì bắt buộc phải dán, nếu không dán sẽ không qua được, dừng lại sẽ ùn ứ dữ lắm luôn. Tại vì có rất nhiều phương tiện chưa dán thu phí tự động này. Mình cũng kiến nghị nên hỗ trợ làn thu phí tự động, thứ nhất là dễ kiểm soát cái niên hạn sử dụng của trạm thu phí đó, thứu 2 là dễ kiểm soát được lưu lượng hàng ngày qua trạm thu phí của BOT Ô Môn”.

Trả lời với báo chí, đại diện BOT QL 91 Cần Thơ - An Giang cho rằng, từ năm 2019 trạm BOT T2 đã ngưng thu phí nên chưa lắp thu phí tự động không dừng. Riêng trạm thu phí T1 tại TP Cần Thơ hiện chỉ đạt 35 - 40% doanh thu.

Do vậy, chủ đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn vì các phương án tài chính bị phá vỡ.

Trong trường hợp trạm thu phí T2 được thu phí trở lại thì cũng không thể thu hồi vốn, do có nhiều tuyến đường tránh trạm thu phí. Đại diện đơn vị này mong muốn Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc để nhà đầu tư hoàn vốn hoặc Nhà nước mua lại trạm thu phí theo đề xuất của các Bộ, ngành liên quan.

Dự án BOT Quốc lộ 91 đoạn nối Cần Thơ - An Giang là một trong những dự án gặp nhiều khó khăn về thu phí.

Mới đây, Bộ GTVT cũng đã ban hành thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm tại cuộc họp về giải pháp xử lý bất cập tại các trạm thu phí của dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL 91 đoạn Km14+00 đến Km50+889 theo hình thức hợp đồng BOT.

Bộ GTVT yêu cầu Vụ Đối tác công - tư khẩn trương tiếp thu các ý kiến của thành viên dự họp, hoàn thiện dự thảo văn bản Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý các trạm thu phí trên Quốc lộ 91 theo đúng quy định hợp đồng dự án, pháp luật liên quan.

Trong đó, lưu ý làm rõ nguyên nhân bất cập tại trạm thu phí T1 và T2 trên QL 91 dẫn đến doanh thu không đảm bảo phương án tài chính của dự án, phân tích kỹ các nguyên nhân liên quan đến quy hoạch giao thông vận tải quốc gia và địa phương; tác động đến phương án thu phí do UBND thành phố Cần Thơ quyết định đầu tư tuyến đường tỉnh 922 và tuyến đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ.

Bộ GTVT yêu cầu Vụ Đối tác công tư rà soát các phương án xử lý để nhóm lại thành hai phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ, gồm phương án 1: Xóa trạm thu phí T2, tiếp tục thu phí tại trạm thu phí T1; Phương án 2: Bố trí vốn ngân sách Nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư xóa bỏ trạm thu phí T1 và T2 trên Quốc lộ 91 để giải quyết dứt điểm bất cập làm cơ sở đề xuất phương án xử lý theo đúng quy định hợp đồng dự án, pháp luật liên quan.