Năm 2024, chỉ số VN-Index phần lớn đi ngang trong biên độ hẹp 1.200-1.300 điểm. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử 24 năm vận hành, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chứng kiến đợt bán ròng mạnh mẽ từ khối nhà đầu tư nước ngoài với giá trị lên tới hơn 3,1 tỷ USD (khoảng 90.000 tỷ đồng) sau 11 tháng giao dịch.
Ông Ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán (CK) Kiến thiết Việt Nam cho rằng chỉ còn ít ngày nữa khép lại năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ không có quá nhiều sự thay đổi:
"Diễn biến TT CK Việt Nam đã đi vào thời điểm cuối năm 2024. Từ nay tới cuối năm có lẽ không có nhiều sự thay đổi về xu hướng cũng như thanh khoản thị trường vì càng về cuối năm thì áp lực nhu cầu thanh khoản tiền mặt cao của các tổ chức, cá nhân thì rất khó để TT bứt phá ở thời điểm này. Do đó, tôi cho rằng kết năm 2024 có thể VN-Index quanh vùng điểm hiện tại là 1250 – 1260 điểm, kết lại 1 năm tương đối khó khăn".
Đánh giá bối cảnh vĩ mô có thể thấy câu chuyện tỷ giá đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024. Tuy nhiên, sang năm 2025 nhiều chuyên gia dự báo diễn biến tỷ giá sẽ có phần ổn định hơn nhờ vào xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ diễn ra trên toàn cầu. Thêm vào đó, chính sách Trump 2.0 vào năm 2025 cũng sẽ thay đổi phần nào cục diện kinh tế Mỹ.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược Thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn có nguồn cung ngoại tệ tốt nên trong năm 2025 khả năng VND/USD mất giá chỉ khoảng 1-2%. Áp lực tỷ giá có thể xảy ra trong quý đầu năm nhưng nửa năm sau đó sẽ không quá lo ngại. Điều đó cũng kỳ vọng giải toả được tâm lý của nhà đầu tư:
"Thêm nữa về mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế trong năm sau thì với diễn biến lạ phát tương đối ổn định và tỉ giá mất giá nhẹ thôi thì tôi cho rằng lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức nền thấp. Về cơ bản so với lịch sử thì mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp. Đây là hai điều kiện thuận lợi đặt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt, các DN niêm yết vẫn tăng trưởng tốt thì tt ck tiếp tục được kì vọng có năm khởi sắc với chỉ số VN-Index tăng khoảng 15 – 17% và cuối năm 2025 kết thúc ở tầm 1.450 điểm".
Năm 2025 sẽ là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đây là năm cuối để hoàn thành các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm 2021-2025 của Việt Nam và chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV vào đầu năm 2026. Với dự báo mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 7-8%, Việt Nam đã sẵn sàng cho sự chuyển mình để bước vào kỷ nguyên mới.
Bên cạnh sự chuyển mình của nền kinh tế đóng vai trò bệ đỡ, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là điểm nhấn quan trọng nhất. Với việc kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được FTSE Russel nâng hạng đưa vào danh sách thị trường mới nổi (Emerging Market) trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 sẽ là cú hích giúp thị trường chứng khoán tăng khả năng thu hút dòng vốn nước ngoài, đặc biệt là từ các quỹ chỉ đầu tư vào các thị trường phát triển.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng câu chuyện nâng hạng thị trường chính là một trong những chất xúc tác để chứng khoán Việt 2025 khởi sắc:
"Trong 2025 ngoài yếu tố vĩ mô là cái nền tảng vững chắc, ngoài câu chuyện định giá để tạo cơ hội cho thị trường nhưng chúng ta có xúc tác rõ ràng hơn là câu chuyện nâng hạng thị trường. Tôi vẫn kì vọng là tháng 3 và chậm nhất là tháng 9 chúng ta được nâng hạng. Nhưng nhìn chung chúng ta dần bước đến khả năng nâng hạng 2 của thị trường mới nổi thì đấy là điểm có nhiều xúc tác hơn trong năm 2025".
Đồng quan điểm, ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam nhìn nhận việc sửa đổi luật chứng khoán cũng giúp thị trường chuyển biến rõ nét hơn để đủ điều kiện nâng hạng thị trường:
"Với kỳ vọng đó thì tôi cho rằng rất có thể thị trường chứng khoán Việt Nam có thể có cải thiện từ quý 2. Tôi cho rằng quý 2 và quý 3 có thể là thời điểm tốt nhất của thị trườngtrong năm 2025. Mứckì vọng của tôi với chỉ số Vn-Index có thể đạt mức 1.500 điểm trong năm 2025 với sự kì vọng nâng hạng thị trường, với sự trở lại của dòng vốn ngoại trong giai đoạn cuối năm, với kì vọng về sự hồi phục chung của nền kinh tế và chính sách hỗ trợ nền kinh tế được làm quyết liệt".
Nếu nhìn lại năm 2024, chỉ số VN-Index tăng khoảng 12%, VN30 tăng khoảng 17% nhưng đa số các nhà đầu tư cá nhân lại chịu thua lỗ. Nguyên nhân là thị trường tăng tập trung phân hoá ở một số cổ phiếu đầu ngành ở lĩnh vực được hưởng lợi từ môi trường vĩ mô thuận lợi. Còn ngược số đông cổ phiếu được đánh giá là đầu cơ lại có xu hướng giảm điểm.
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược Thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nhà đầu tư cá nhân cần tập trung quản lý tốt danh mục trong năm 2025:
"Năm 2025 chúng ta tập trung vào những cổ phiếu cơ bản tăng trưởng tốt hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô, đặc biệt là những cổ phiếu vốn hoá lớn thì sẽ là lựa chọn tương đối an toàn để đầu tư cho năm sau. Nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản yếu hơn thì mang lại nhiều rủi ro nên chỉ phù hợp với nhà đầu tư nào thực sự có kỹ năng phân tích kỹ thuật, phân tích trading còn không dành cho phần đông nhà đầu tư".
Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2025 sẽ là năm mang tính bước ngoặt quan trọng với thị trường chứng khoán. Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể huy động 1,7 tỷ USD vốn thụ động, 6-7 tỷ USD vốn chủ động./.