Tránh mua bán lòng vòng, tạo nhiều trung gian trong kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị trao đổi, thống nhất để hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, để đảm bảo công khai, nh bạch trong điều hành, tạo sự đồng thuận của xã hội, dự thảo Nghị định xác định rõ mục tiêu điều hành là góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Bộ Công thương quy định mới loại bỏ số liệu “ảo” về lượng xăng, dầu tiêu thụ - Ảnh nh họa

Nguyên tắc điều hành là theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giảm bớt khâu trung gian trong chuỗi cung ứng xăng dầu.

Một số điểm mới trong dự thảo Nghị định là đưa ra công thức giá bán xăng dầu để doanh nghiệp tự tính toán giá, quy định nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát.

Dự thảo Nghị định bỏ quy định thương nhân phân phối xăng dầu phải dự trữ lưu thông xăng dầu 5 ngày; bỏ điều kiện về kho chứa xăng dầu, phòng thử nghiệm chất lượng xăng dầu.

"Ngoài ra, để tránh việc mua bán lòng vòng, tạo nhiều tầng nấc trung gian, dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu của nhau, chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, là doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường", bà Hiền nhấn mạnh.

Theo bà Hiền, quá trình thanh, điều tra chỉ ra, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp) làm tăng thêm chi phí trong khâu này là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, không khuyến khích doanh nghiệp bán xăng dầu ra thị trường.

Việc mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều thương nhân phân phối xăng dầu, tạo nên con số tiêu thụ "ảo" trên thị trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường.

Bà Nguyễn Thuý Hiền phát biểu tại Hội nghị trao đổi, thống nhất để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về kinh doanh xăng dầu chiều 2/10

Trước ý kiến cho rằng, quy định như vậy là vi phạm luật kinh doanh, không đảm bảo sự công bằng theo nguyên tắc thị trường, bà Hiền lý giải: "Việc quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Đồng thời, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn (làm thương nhân đầu mối)"

Dự thảo cũng quy định việc bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024) do Luật Giá đã quy định rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, các trường hợp bình ổn và biện pháp thực hiện bình ổn giá.