Đến nay mưa đã ngớt, nhiều điểm sạt lở đã được khắc phục, giao thông đã cơ bản thông suốt, tuy nhiên theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến hết tháng 9 là mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ vì vậy nguy cơ sạt lở ở vùng núi vẫn ở mức cao. Hiện nay các địa phương, đơn vị đang tiếp tục khắc phục sạt lở, theo dõi sát khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở trên các tuyến giao thông huyết mạch.
Sơn La là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão số 2, mưa lớn kéo dài nhiều ngày từ ngày 23-25/7 đã làm sạt lở đất đá, gây tê liệt hoàn toàn hệ thống giao thông trong thành phố. Trong đó, tuyến tránh TP Sơn La sạt lở 15 vị trí.
Đặc biệt sáng ngày 27/7 tại Km304+630 (thuộc tuyến tránh TP Sơn La) toàn bộ phần taluy dương đã sạt lở xuống lòng đường, với khối lượng ước tính trên 5.000 m3 đất đá khiến giao thông tê liệt hoàn toàn.
Ngay sau khi sạt lở, Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với tỉnh Sơn La và đơn vị liên quan điều động máy móc thiết bị để khắc phục, hót sụt đảm bảo giao thông; tổ chức cắm biển báo phân luồng tại Km289+900 và Km308+800, bố trí nhân lực hướng dẫn người và phương tiện lưu thông về QL6 cũ.
Ông Lê Đức Lộc, Phó Giám đốc Ban QLDA3 cho biết, sau 2 ngày liên tục hót dọn, đến chiều ngày 29/7 nhà thầu đã hót sụt xong đảm bảo giao thông bước 1. Tuy nhiên hiện tại vị trí sạt trượt Km304+630 đã xuất hiện vết nứt lớn phía trên, cách đỉnh gia cố mái taluy khoảng 25m và mở rộng về hướng cuối tuyến khoảng 30m có khả năng lớn xảy ra sụt trượt, sạt lở xuống đường khi thời tiết có mưa lớn.
Vì vậy, Ban QLDA3 đã chỉ đạo nhà thầu tiếp tục bố trí máy móc, nhân lực thường trực 24/24 và tiếp tục rà soát trên toàn tuyến, phát hiện các điểm nguy cơ có thể xảy ra sụt trượt để kịp thời xử lý.
"Trước tình hình nguy hiểm tại vị trí này chúng tôi đã có văn bản gửi Cục Đường bộ VN báo cáo Bộ GTVT về tình trạng khẩn cấp, đồng thời yêu cầu tư vấn thiết kế thiết kế bước 1 là xử lý đảm bảo an toàn và bước 2 báo cáo bộ để xử lý triệt để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hiện tại quả đồi đã nứt nhưng chưa sụt trượt, nếu bây giờ đưa máy thiết bị lên để làm thì nguy cơ tai nạn rất cao, chúng tôi sẽ chờ khi có hiện tượng sụt và đơn vị tư vấn thiết kế có thiết kế cụ thể thì chúng tôi sẽ thực hiện đảm bảo ATGT và tính mạng người tham gia giao thông", ông Lộc cho biết.
Ngoài Sơn La, mưa lớn những ngày qua cũng đã khiến nhiều tuyến Quốc lộ như: QL12, QL6, QL15, QL279 trên địa bàn các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình bị sạt lở, tuy nhiên đến nay các vị trí sạt lở đã được hót dọn khỏi phạm vi nền mặt đường, đảm bảo thông xe; tại các vị trí sạt lở nghiêm trọng sẽ thực hiện phương án xử lý bước 2 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Phạm Văn Toản, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ I.1, Khu Quản lý đường bộ I chia sẻ, hiện tại các vị trí có nguy cơ sạt lở chủ yếu ở những đoạn tuyến đèo dốc và đoạn tuyến trên mái taluy có mạch nước ngầm. Để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra, đơn vị đã bố trí nhân vật lực theo phương châm 4 tại chỗ.
"Để tiếp tục khắc phục hậu quả cơn bão số 2 và ứng phó với các đợt mưa lũ trong tháng 8, chúng tôi đã chỉ đạo các nhà thầu sẵn sàng máy móc, phương tiện, vật tư dự phòng và nhân lực…đã chuẩn bị sẵn trên tuyến cũng như các điểm xung yếu, thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ. Từ đó ứng cứu các sự cố, hót dọn đảm bảo giao thông và bố trí ứng trực, ứng cứu khi sự cố nghiêm trọng xảy ra", ông Toản cho biết.
Theo ông Đặng Đình Quang, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ I.4, Khu Quản lý đường bộ I, vừa qua cơn bão số 2 gây mưa lớn, cộng hưởng với đợt mưa dài hồi tháng 6 đã gây ra nhiều điểm sạt lở taluy dương, taluy âm trên các tuyến QL2, QL3 và đường mòn Hồ Chí Minh qua khu vực phía Bắc, gây ách tắc và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, đơn vị đã bố trí lực lượng trực 24/24h, bố trí ngay máy móc, phương tiện tập trung hót dọn, cắt tỉa cây cối, căng dây cắm cọc để điều tiết giao thông và đảm bảo giao thông.
"Một số điểm sạt lở lớn, đặc biệt vừa rồi sạt lở tại đèo Gió trên QL3 chúng tôi đã tập trung hót dọn nửa ngày mới thông tuyến, còn một số vị trí sạt lở taluy âm như tại Km120 và 1 số điểm nữa trên QL3, những vị trí này sạt lở lớn nên việc khắc phục phải để sang bước 2. Tức là sau khi có thiết kế của đơn vị tư vấn thiết kế thì mới bố trí để nhà thầu triển khai sớm nhất để đảm bảo giao thông", ông Quang cho biết.
Ông Đặng Đình Quang cho biết thêm, vừa qua trên tuyến BOT Thái Nguyên – Chợ Mới cũng xảy ra hiện tượng nứt và lún sụt mặt đường tại Km103+200, với chiều dài khoảng 30m và sâu khoảng 30cm. Trước mắt để đảm bảo nền đường ổn định đơn vị đã tiến hành phủ tạm mặt đường bằng lớp base gia cố xi măng, đồng thời rót vữa xi măng vào các vết nứt nhằm hạn chế nước ngấm xuống nền đường gây ra các hư hỏng lớn.
Dự báo trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2024 khi trạng thái thời tiết La Nina xuất hiện và tác động đến nước ta đúng thời kỳ mùa mưa bão, nên khả năng mữa bão sẽ diễn biến phức tạp, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở các vùng núi cao sẽ tăng. Bởi vậy ngành giao thông đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí trọng yếu thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở để có biện pháp ứng phó kịp thời./.