Thủ tướng Chính phủ: Tăng cường ATGT dịp Tết và phát triển cảng Cần Giờ

Ngày 16/01, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành văn bản về việc tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025; cùng đó chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Ảnh nh họa

Thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời tình hình giao thông

Theo đó, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025 dự báo lưu lượng giao thông sẽ tiếp tục gia tăng, tạo áp lực lớn cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao, ứng phó hiệu quả với các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông có tính phổ biến trong các dịp lễ, tết để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông và phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của Nhân dân; phòng ngừa, ngăn chặn ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư y tế để bảo đảm khả năng cao nhất trong việc khám, chữa bệnh, nhất là cấp cứu, cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người.

Chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông; hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, đặc biệt là trên đường cao tốc; các thông tin hỗ trợ hướng dẫn người dân đi lại trong dịp nghỉ Tết; kế hoạch phục vụ vận tải; các bài học kinh nghiệm rút ra từ các vụ tai nạn giao thông vào các dịp Lễ tết các năm trước.

Kiên trì tuyên truyền người dân thực hiện các quy tắc giao thông an toàn "Đã uống rượu, bia - không lái xe"; không sử dụng điện thoại khi lái xe; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô, tuân thủ quy định về tốc độ; tuyên truyền hỗ trợ quá trình thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

Biểu dương thông tin người tốt việc tốt và các hành vi văn hóa giao thông tốt; thường xuyên cập nhật kịp thời tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, các nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, đường ngang qua đường sắt, đường thuỷ nội địa, các tuyến giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các khu vực tổ chức các sự kiện, Lễ hội.

Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố cũng được yêu cầu phải bảo đảm kế hoạch cụ thể, có danh mục công việc chi tiết, có phân công cơ quan chịu trách nhiệm và bố trí nguồn lực để thực hiện. Trong quá trình thực hiện có giám sát, đôn đốc và tổng kết, đánh giá định lượng hiệu quả bằng các chỉ tiêu cụ thể.

Phân công đầu mối có thẩm quyền tổ chức trực theo chế độ 24/7, báo cáo tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, từ ngày 25/01/2025 đến ngày 02/02/2025 (tức 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày mùng 05 tháng Giêng năm Ất Tỵ) về Ủy ban ATGT Quốc gia.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước 15 giờ ngày 02/02/2025. 

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ của đơn vị tư vấn Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Ảnh: Đơn vị tư vấn cung cấp)

Điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Dự án), Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu xây dựng và phát triển dự án gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển và các dịch vụ khác. UBND TP.HCM phải xác định các sản phẩm và dịch vụ cụ thể để đảm bảo hiệu quả của cảng trung chuyển quốc tế.

Dự án được thực hiện tại Cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, TP.HCM với quy mô diện tích sử dụng đất khoảng 571 ha.

Vốn đầu tư được xác định trên cơ sở đề xuất thực hiện dự án và Đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và không thấp hơn 50.000 tỷ đồng. 

Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định cụ thể tổng vốn đầu tư của dự án theo đề xuất của nhà đầu tư để ghi nhận trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.  

Dự án được hưởng các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, cần lưu ý chỉ được thực hiện sau khi Dự án đã phù hợp với quy hoạch các cấp và được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích đất rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai và quy định khác có liên quan; hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thủ tục, điều kiện về công nghệ sử dụng tại dự án theo quy định của pháp luật về công nghệ và chuyển giao công nghệ. 

Nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong thời gian 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Việc thay đổi nhà đầu tư sau thời gian này thực hiện theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận bằng văn bản của UBND TP.HCM; phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan trong trường hợp phát sinh các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh trong quá trình thực hiện Dự án và trong trường hợp chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức thực hiện Dự án.

Trong quá trình khảo sát, thi công và quá trình hoạt động mà phát hiện các di vật, cổ vật phải báo ngay cho ngành văn hóa và chính quyền địa phương được biết để có phương án xử lý theo quy định.