Thiết bị điện phòng nổ trong công trình công nghiệp và năng lượng quốc gia

Ngày 14/6, trường Đại học Phòng cháy chữa cháy phối hợp cùng Công ty TNHH TMDV Phát triển kỹ thuật DPKT tổ chức hội thảo khoa học “Thiết bị điện phòng nổ trong công trình công nghiệp và năng lượng quốc gia”.

Hội thảo khoa học “Thiết bị điện phòng nổ trong công trình công nghiệp và năng lượng quốc gia”.

Phát biểu tại hội thảo, Hiệu trưởng trường Đại học Phòng cháy chữa cháy Trung tướng, PGS, TS. Lê Quang Bốn cho biết, buổi hội thảo hướng tới mục tiêu chung đó là đảm bảo an toàn cho người và cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, hội thảo cũng có những đóng góp ý nghĩa trong việc cung cấp những thông tin cụ thể, giải pháp thực tế với nỗ lực giáo dục và đào tạo của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, cũng như sự phát triển hiện nay của ngành điện.

Hiện nay, có một số vấn đề đặt ra liên quan đến an toàn phòng nổ như: một số quy định của pháp luật chưa theo kịp sự phát tiển kinh tế - xã hội; hiệu quả của việc phòng chống cháy nổ phụ thuộc rất lớn vào việc phân vùng cháy nổ, song chưa có hướng dẫn cụ thể về phân vùng cháy nổ ở đa số các ngành công nghiệp;….

Trung tướng, PGS, TS. Lê Quang Bốn - Hiệu trưởng trường Đại học Phòng cháy chữa cháy.

Tham luận tại hội thảo đã nêu thực trạng thiết kế và lựa chọn thiết bị phòng nổ tại Việt Nam hiện nay đang gặp những khó khăn như: thiếu hụt hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn. Từ đó, cần phân hạng mức độ cháy nổ cho các công trình và nâng cao nhận thức về an toàn cháy nổ.

Ngoài ra còn có một số giải pháp như sử dụng và vận hành thiết bị điện trong vùng nguy hiểm nổ tại các cơ sở công nghiệp, công trình năng lượng quốc gia. Giải pháp mới về camera nhiệt trong các ngành công ngiệp và môi trường nguy hiểm cháy nổ.

Các đại biểu đưa ra tham luận về thiết bị điện phòng nổ để phân tích, đánh giá, tập trung thảo luận.

Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Nguyên – Tổng giám đốc, Công ty TNHH TMDV Phát triển kỹ thuật DPKT đã phân tích, đánh giá về môi trường nguy hiểm nổ, an toàn phòng nổ trong công nghiệp ở hai khía cạnh đó là cơ sở pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và Việt Nam.

Bà Nguyên nêu ra một số tồn tại và khó khăn khi lựa chọn thiết bị phòng nổ, có thể dẫn đến những hậu quả như: khó xác định mức đầu tư; khó tuân thủ pháp lý; khó lựa chọn kỹ thuật phù hợp. Từ đó đề xuất giải pháp như: đưa yêu cầu sử dụng thiết bị điện, phòng nổ vào Luật PCCC mới và bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn liên quan.

Tại buổi hội thảo các chuyên gia và các nhà đầu tư, đại diện các doanh nghiệp đã có sự trao đổi, để giải đáp, làm rõ những vẫn đề còn thắc mắc.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia và các nhà đầu tư, đại diện các doanh nghiệp đã có sự trao đổi, để giải đáp, làm rõ những thắc mắc về đặc điểm, chức năng sản phẩm, thiết bị điện phòng nổ; tầm quan trọng của việc lựa chọn kĩ càng thiết bị; nguyên nhân của các vụ cháy nổ cũng như tư vấn cho một số nhà đầu tư trong việc thiết kế, thi công công trình sử dụng thiết bị điện phòng nổ./.