Tháng 10, kinh tế tiếp tục cải thiện, tạo đà bứt phá cuối năm

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của nước ta trong tháng 10 và 10 tháng của năm 2024. Trong đó, nhiều lĩnh vực tăng trưởng khá, tạo tiền đề quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7% trong cả năm 2024.

 

Ảnh nh họa: VnEconomy

Thông tin đáng chú ý là chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 10/2024 ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm nay, chỉ số này ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 10, cả nước có gần 14,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 26,5% so với tháng trước và có 8,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. 

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Đại học kinh tế quốc dân nhận định: "Nhìn tổng thể, tôi cho rằng bức tranh kinh tế của nước ta trong 10 tháng năm nay là một bức tranh đẹp, tạo đà cho sự bứt phá của nền kinh tế nước ta trong thời gian tới. Tôi tin rằng 2 tháng cuối năm, kinh tế của nước ta sẽ phát triển mạnh mẽ để đạt được những mục tiêu trong thời điểm “nước rút” này".

Báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 10 tháng năm 2024 ước đạt hơn 5 triệu 246 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,6% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,3%). Đây vẫn là một mức tăng thấp, cần nhiều giải pháp để hỗ trợ thị trường hơn, theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách kinh tế (VEPR) - Trường Đại học kinh tế, ĐHQG Hà Nội:

"Để khắc phục những điểm bất ổn của cầu tiêu dùng thế giới cũng như những bất ổn của nền kinh tế thế giới thì chúng ta phải thật sự lưu tâm đến việc thúc đẩy về sự phát triển bền vững và tăng trưởng bền vững của thị trường trong nước.

Việc cải cách các chính sách thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân trong thời gian tới tôi cho rằng cũng là điểm nhấn, để làm sao phấn đấu Việt Nam chúng ta có một tầng lớp trung lưu và qua đó đóng góp động lực tăng trưởng cho việc dịch vụ và tiêu dùng trong nước trong thời gian tới tốt hơn, đảm bảo cho sự tăng trưởng. Trong các động lực tăng trưởng thì hai chân trên kinh tế đối ngoại và kinh tế nội địa chúng ta phải làm sao cân bằng hơn trong thời gian tới".

Ảnh nh họa

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/10/2024 đạt 27,26 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 ước đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần phải lưu tâm với việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhưng lại dùng vốn trong nước:

"Về mặt tín dụng mặc dù tăng trưởng nhưng với mục tiêu cả năm 15% thì tăng trưởng tương đối thấp. Tôi nghĩ mục tiêu 15% khả thi có thể đạt được nhưng phải tăng tốc tín dụng vào tháng 11 và 12. Còn về vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam có một điều là chúng ta hãy xét trong vốn đầu tư nước ngoài vì nhiều DN nước ngoài đăng ký đầu tư nhưng vào trong nước họ lại vay tiền ngân hàng trong nước thì không khác gì lấy mỡ nó rán nó, và vốn là vốn trong nước".

Số liệu đáng chú ý khác là tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 đạt hơn 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%.

Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp và xây dựng cho rằng: "Để tạo đà tăng trưởng trong tháng 11 và tháng 12, theo tôi thì chúng ta cần nhanh chóng tháo gỡ 2 điểm nghẽn lớn hiện nay là thể chế và tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn về vốn là rất cần thiết để tạo động lực cho doanh nghiệp đẩy lạnh sản xuất trong những tháng cuối năm".

Các chuyên gia cho rằng cần tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các ngành công công nghiệp. Đồng thời cần có chính sách tài khoá quyết liệt, hỗ trợ sản xuất hàng hoá, dịch vụ và khuyến khích tiêu dùng, tạo vòng tròn sản xuất - lưu thông, tạo ra nhu cầu thực trong nền kinh tế. Điều đó sẽ góp phần nâng tăng trưởng 2 tháng cuối năm và cả năm 2024./.