Tàu điện, xe buýt cần thay đổi thế nào để hút khách?

Có nhiều nguyên nhân khiến hành khách chưa thật mặn mà với phương tiện vận tải hành khách công cộng, như: Chất lượng dịch vụ chưa cao; Lộ trình không phù hợp; Thời gian chờ xe buýt ở nhiều tuyến còn kéo dài...

Trung bình 35.000 hành khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông mỗi ngày. Đường sắt Nhổn - Cầu Giấy vận chuyển gần 1,3 triệu lượt khách chỉ sau một tháng rưỡi vận hành. Hơn 2.000 xe buýt trợ giá đang hoạt động, Buýt điện, buýt CNG, xe đạp công cộng… xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Nhưng đến nay, vận tải hành khách công cộng vẫn mới chỉ đáp ứng 19,5% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô. Trong khi mục tiêu đến năm 2025, con số này phải đạt từ 30-35%.

Người dân có điều gì chưa hài lòng về giao thông công cộng? Những nút thắt nào cần tháo gỡ, để tăng sức hút cho tàu điện, xe buýt và vận tải hành khách công cộng nói chung?

Đón xem Tọa đàm phát thanh với chủ đề: Tàu điện, xe buýt cần thay đổi thế nào để hút khách?; Phát sóng vào lúc 16h-17h, Chủ Nhật (01/12) trên Kênh VOV Giao thông FM91Mhz và vovgiaothong.vn.

Cùng với sự tham gia của các vị khách mời: Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội và Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy.

 

Nhiều người lựa chọn đường sắt đô thị để đi làm... thay vì đi xe máy

TÀU ĐIỆN ĐẮT KHÁCH, MẠNG LƯỚI XE BUÝT NGÀY CÀNG DÀY HƠN

Sau khi hàng ngày phải vật vã hàng tiếng đồng hồ đi làm mỗi ngày, chị Bùi Thị Xuyến (ở Hà Đông, Hà Nội) khá hài lòng khi chuyển hẳn sang đi làm bằng đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Thay vì phải lái xe trong cảnh ùn tắc, chị Xuyến chỉ cần thư thả đi bộ gần 10 phút mỗi đầu:

"Tôi đi phương tiện đường sắt trên cao được hơn 2 năm rồi, trước đó tôi lái ô tô đi làm, quãng đường cũng không xa lắm, nhưng phải vượt qua rất nhiều điểm ùn tắc nên rất mệt mỏi. Chuyển sang đây mặc dù thời gian di chuyển tương đương thời gian lái ô tô, nhưng tôi cảm thấy rất thoải mái vì tôi không phải làm chủ phương tiện".

Cùng quan điểm, anh Nguyễn Văn Công (ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng chọn đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông để đi làm, thay vì đi xe máy. Không chỉ nhanh, không ùn tắc, mà với anh Công, việc đi lại bằng đường sắt đô thị còn sạch sẽ, tiện lợi hơn:

"Trước kia em đi bằng xe máy. Thật ra từ đây về nhà em ở khu Thanh Xuân thì thời gian bằng nhau, nhưng cái này nó sạch sẽ và tiện lợi hơn, không phải bon chen đi ngoài đường khói bụi".

Một số người tham gia giao thông cũng bày tỏ, việc đi lại bằng tàu điện Cát Linh – Hà Đông còn tiết kiệm chi phí:

"Rất tiện, thời gian chỉ khoảng 35 phút cả thời gian chờ tàu thôi, cộng thời gian di chuyển trên tàu khoảng 18 phút từ Hà Đông đến ga Cát Linh. Em thấy mỗi ngày đi làm không còn mệt mỏi, mình thích hơn, hăng hái hơn, dậy sớm không còn là vấn đề như ngày xưa".

"Đường sắt trên cao đi rất nhanh, không lo tắc đường, không lo ngập, thời gian mình chủ động được thời gian, không bị mưa nắng, không bị bụi và một ưu điểm nữa là nó rất kinh tế".

"Xuống xe mình đi bộ cũng rất gần thôi, chất lượng cũng tốt, đi êm, không cảm thấy bị xóc lắc gì cả".

Vẫn còn nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa "mặn mà" với phương tiện công cộng

Cùng với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, tuyến đường sắt Nhổn- Ga Hà Nội đưa vào khai thác đoạn trên cao Nhổn- Cầu Giấy cũng thu hút đông đảo hành khách sử dụng. Bên cạnh đó, mạng lưới xe buýt ngày càng được mở rộng, với hơn 150 tuyến đã phủ khắp 30 quận, huyện và thị xã…

Tuy vậy, dù TP. Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện, nâng cấp hạ tầng, phương tiện vận tải hành khách công cộng, song đến thời điểm này, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách mới chỉ đạt hơn 19%, kém xa mục tiêu đạt từ 30-35% vào năm 2025 như đã đặt ra.

Có nhiều nguyên nhân khiến hành khách chưa thật mặn mà với phương tiện vận tải hành khách công cộng, như: Chất lượng dịch vụ chưa cao; Lộ trình không phù hợp; Thời gian chờ xe buýt ở nhiều tuyến còn kéo dài...

Theo ông Phạm Hoài Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT, thời gian chuyến đi kéo dài khiến hành khách chưa ưa chuộng phương tiện vận tải hành khách công cộng:

"Thời gian chuyến đi nó bị ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện về giao thông; thứ 2 tính kết nối, tần suất và tính đúng giờ của phương tiện chưa đáp ứng được yêu cầu…"

Ngoài ra, theo một số ý kiến, việc thi công một số công trình giao thông trọng điểm, dẫn đến việc phải điều chỉnh lộ trình một số tuyến buýt; thời gian di chuyển và chờ đợi của hành khách bị kéo dài, đặc biệt là khung giờ cao điểm, dẫn đến chưa thu hút hành khách sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng…

Hà Nội cần dành nhiều quỹ đất cho phương tiện vận tải công cộng hoạt động?

LÀM GÌ ĐỂ GIAO THÔNG CÔNG CỘNG THAY THẾ XE MÁY?

Thường xuyên đi lại bằng xe buýt, chị Nguyễn Thị Thắm (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rất mong muốn xe buýt cải thiện chất lượng phục vụ, bắt đầu từ việc thay thế phương tiện đã cũ, xuống cấp:

"Các xe buýt mà tôi trải nghiệm, trừ một số xe mới, còn xe màu vàng thì một số xe đã rất cũ, thành ra đi thì chất lượng xe không được tốt lắm".

Cũng mong muốn hệ thống xe buýt cải thiện chất lượng dịch vụ, ông Bùi Văn Tuấn (ở Tây Hồ, Hà Nội) chỉ rõ, cần bắt đầu từ thái độ của nhân viên bán vé:

"Có những nhân viên phục vụ rất nhiệt tình, họ thường xuyên nhắc nhở là: đến đây rồi, lên xuống chỗ nào, đi như thế nào… nhưng ngược lại có những nhân viên coi tất cả những người đi xe buýt là trốn vé, thành ra trông như sắp sửa hình sự đến nơi".

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, để dịch vụ vận tải hành khách công cộng thu hút hành khách sử dụng, phải đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị. Cùng với đó, Hà Nội cần dành nhiều quỹ đất cho phương tiện vận tải công cộng hoạt động:

"Phải khai thác bằng được lợi thế của vận tải hành khách công cộng, làm sao phải khai thác tốc độ của nó, nó phải đi nhanh hơn lên, mà muốn nó đi nhanh hơn thì phải dành đường cho nó".

Để phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, cần có những chính sách hiệu quả để thay thế xe máy

Theo ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội, để thu hút người dân sử dụng, nâng cao sản lượng vận tải hành khách công cộng, Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm thực hiện một số giải pháp, như triển khai đề án phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cũng đang được thực hiện:

"Một số giải pháp, đề án cũng đang được triển khai song song, đó là đề án rà soát, đánh giá tổng thể phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ, triển khai các hệ thống giao thông thông nh. Vừa rồi, Sở GTVT cũng báo cáo HĐND Thành phố đề án giao thông thông nh. Bên cạnh đó là ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai thí điểm vé điện tử liên thông, thẻ vé điện tử số phi vật lý, cùng một loạt các chính sách… là những chính sách cơ bản để có thể thu hút thêm nhân dân sử dụng dịch vụ vận tải công cộng".

Để phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã có những chính sách hiệu quả để thay thế xe máy. Kinh nghiệm ở Hồng Kông (Trung Quốc) cho thấy, Hồng Kông đã phát triển rất hiệu quả hệ thống giao thông công cộng.

Một blogger chia sẻ rằng: “Nếu ở Singapore, bạn chọn giao thông công cộng vì bạn buộc phải như vậy, thì ở Hồng Kông (Trung Quốc), bạn chọn giao thông công cộng vì bạn muốn thế”. Người dân Hồng Kông được hưởng lợi từ việc cạnh tranh của các doanh nghiệp xe buýt với nhau, và cả với tàu điện. Các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng cung cấp điểm thưởng cho hành khách để đổi lấy nhiều lợi ích khác, như các chuyến đi ễn phí.

Bên cạnh đó, người dân còn được hưởng lợi từ việc thanh toán chuyến đi bằng Octopus – một loại thẻ thanh toán điện tử linh hoạt, có thể sử dụng cho hầu hết các dịch vụ ở Hồng Kông. Nếu một người chi 400 đô-la Hồng Kông mỗi tháng cho phương tiện công cộng, họ sẽ lập tức nhận trợ cấp 25% cho những khoản thanh toán sau đó, lên tới tối đa 300 đô-la.