Sẽ nghiên cứu mức nợ thuế với từng đối tượng bị cấm xuất cảnh

Nợ thuế liên tục tăng cao ngay thời điểm cuối năm khiến ngành thuế phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay để thu hồi nợ, trong đó có tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác quản lý nợ thuế, nhiều ý kiến cũng bày tỏ những bất cập khi triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Do đó, mới đây, Tổng cục thuế cho biết, sẽ nghiên cứu mức nợ thuế với từng đối tượng bị cấm xuất cảnh. 

Thực tế, số người bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế quá hạn tại cơ quan thuế và hải quan đang ngày càng tăng, trong đó có nhiều doanh nhân nổi tiếng, lãnh đạo, đại diện các doanh nghiệp lớn. 

Tổng cục Thuế cho biết, tính đến tháng 9/2024, toàn ngành đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng, kết quả thông qua biện pháp tạm hoãn xuất cảnh ngành Thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã mang lại hiệu quả rất tích cực trong công tác quản lý nợ thuế. Về vấn đề này, TS.Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp cho biết:

"Việc cấm xuất cảnh đối với trường hợp nợ thuế thì thực tế là đã được nhiều quốc gia áp dụng nhằm đảm bảo thu hồi nợ thuế và tuân thủ pháp luật về thuế. về lợi ích thì chúng ta thấy là bảo vệ được lợi ích quốc gia. Tăng cường tuân thủ pháp luật bởi biện pháp này tạo áp lực cho các doanh nghiệp và các cá nhân nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ về thuế, giảm thiểu tình trạng trốn thuế hoặc chậm nộp thuế. Yếu tố thứ 3 là ngăn ngừa rủi ro về tài chính".

Lực lượng an ninh tại cửa khẩu Hữu Nghị đang chờ làm thủ tục xuất cảnh cho người dân, tháng 4/2020 (Ảnh: VnExpress)

Thực tế cho thấy, nhiều cá nhân khi biết được thông tin về các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế của cơ quan thuế, nhất là các quy định về tạm hoãn xuất cảnh qua các phương tiện truyền thông đại chúng đã tự giác đi nộp những khoản thuế nợ từ nhiều năm trước đó. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác quản lý nợ thuế, trong quá trình triển khai, ngành Thuế cũng đã tiếp nhận được những ý kiến của doanh nghiệp và người nộp thuế cho rằng đã có những bất cập khi triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh:

"Đương nhiên, đối với các trường hợp doanh nghiệp cố tình trốn thuế hoặc không thực hiện quyết định hành chính về quản lý thuế thì việc áp dụng cưỡng chế bằng những biện pháp chế tài hành chính, bao gồm tạm hoãn xuất cảnh, là cần thiết.

Quy định chung là thế nhưng điều này có thể dẫn đến tình trạng "lạm dụng" áp dụng biện pháp này, gây trở ngại hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, thậm chí gây thiệt hại cả về vật chất và uy tín cho doanh nghiệp và doanh nhân.

Mặt khác, việc lựa chọn đối tượng để áp dụng biện pháp này cũng cần cân nhắc cẩn trọng. Đối với các doanh nghiệp nợ thuế có quy mô nhỏ, chậm nộp do nhiều nguyên nhân khách quan, hoặc số tiền nợ thuế từ 1 đến dưới 100 triệu đồng, thì việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là khá máy móc, chưa cần thiết".

Liên quan đến ngưỡng thuế, bà Nguyễn Thu Trà, Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ (Tổng cục Thuế), cho biết chưa có quy định cụ thể về mức nợ thuế (ngưỡng) bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong quá trình thực hiện tạm hoãn xuất cảnh:

"Hiện nay, theo quy định của pháp luật, không quy định ngưỡng nợ thuế bao nhiêu thì mới tạm hoãn xuất cảnh. Và nội dung tạm hoãn xuất cảnh thường là người nộp thuế đang trong trường hợp cưỡng chế, phải thi hành quyết định hành chính về thuế. Như vậy, những người nộp thuế mà chây ì lâu, không nộp tiền thuế nợ thì có thể được xem xét để thông báo tạm hoãn xuất cảnh".

Ảnh nh họa: LSVN

Do đó, mới đây, Tổng cục Thuế cho biết, sẽ tiếp thu và tập trung nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Ủng hộ quan điểm này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật S&B Laws nêu ý kiến :

"Việc tạm hoãn xuất cảnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của những người xuất cảnh. Nên quan điểm của tôi là chúng ta đề ra mức nhất định để áp dụng biện pháp này. Thế còn số tiền nhỏ thì chúng ta áp dụng biện pháp khác để thu thuế. Như hiện nay tôi đang đồng tình việc có ngưỡng thuế nhất định để tạm hoãn xuất cảnh".

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) lại cho rằng, Luật Thuế đã quy định thì mọi người phải tuân thủ, dù nợ thuế một đồng cũng phải nộp, không thể viện lý do ít hay nhiều để đặc cách, ngoại lệ:

"Đây là biện pháp mạnh mẽ để tăng cường thu hồi nợ thuế. Thực ra với mức nợ thuế khoảng 1 triệu đồng, không có gì khó khăn để nộp cả. Việc các lãnh đạo doanh nghiệp không nộp dẫn đến bị cấm xuất cảnh chủ yếu do chủ quan, chây ì".

Theo ông Thịnh, người đại diện pháp luật phải tự tính toán, kê khai và chấp hành việc nộp thuế. Hơn nữa, việc tra cứu thông tin về thuế hiện nay rất đơn giản, dễ dàng, thuận tiện. Thậm chí, ông Thịnh nhấn mạnh, trước khi đề nghị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh thì cán bộ thuế đã thông báo, nhắc nhở, thậm chí mời làm việc, chứ không tự dưng đề nghị cấm xuất cảnh.

Trước vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh cũng đề xuất: "Đầu tiên chúng ta cần phải xác định mức ngưỡng nào là hợp lý. Bởi vì các ngưỡng mà thiết lập phải dựa trên tình hình kinh tế, quy mô doanh nghiệp, tình hình nợ thuế để tránh quá thấp hoặc quá cao. Thứ 2 là đảm bảo tính hợp pháp và quyền con người, tránh vi phạm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và cá nhân. Thứ 3 là công tác quản lý và giám sát được đạt hiệu quả".

Một số chuyên gia cũng cho rằng, để có ngưỡng phù hợp áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế, ngành thuế cần thực hiện các thống kê nhằm phân loại trung bình nợ, đặc thù nợ của doanh nghiệp. Ngưỡng này không nên quá nhỏ vì cần đủ tính răn đe, không khiến chi phí hành chính quản lý phát sinh lớn, và không tạo ra số lượng người nợ thuế bị hoãn xuất cảnh quá nhiều.