Phục hồi chợ nổi cần những giải pháp thực chất

Trước xu hướng cạnh tranh với hệ thống giao thông đường bộ, “linh hồn” của chợ nổi là cánh thương hồ cũng dần giã từ cuộc sống “gạo chợ nước sông”. Để “di sản” của cộng đồng dân cư tiếp tục duy trì, nhiều địa phương đã lập các đề án phục hồi, bảo tồn và phát triển chợ nổi.

- Quen rồi, từ nhỏ đến lớn bán trái cây cho khách du lịch, giờ không bán được buồn, rất là buồn.

- Ngày nào cũng đi xuống dưới sông nhìn. Đi tới đi lui không buôn bán được, buồn, cứ nhìn ngó hoài vậy đó.

- Trời ơi buồn, sáng ngày nào cũng xuống đầu cầu nhìn, cảnh tượng vắng buồn quá. Chưa có dịch thì 5-6 giờ sáng đã có khách vào ì ì bến sông rồi. Giờ vắng không có ai vô, bởi vậy 5-6 giờ sáng cứ xuống sông nhìn hoài.

Đó là những lời bộc bạch của bà con thương hồ trên chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) vào thời điểm 2 năm trước, lúc dịch COVID-19 bùng phát. Những lời ruột gan của đời thương hồ gạo chợ nước sông. Chứng tỏ, thương hồ vẫn còn thiết tha gắn bó với chợ nổi dù tổ hợp chợ này đã qua rồi cái thời hoàng kim.

Cùng trang tuổi với chợ nổi Ngã Năm ( Sóc Trăng) và chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), đến nay, chợ nổi Cái Răng là tổ hợp chợ duy nhất còn duy trì với quy mô lớn nhất ĐBSCL. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa, chợ nổi phải đối mặt với nhiều thách thức để tiếp tục tồn tại như: Cạnh tranh với các loại hình giao thông tiện lợi khác, giữ chân thương hồ và các vấn đề về vệ sinh môi trường…

Để vực dậy sức sống mạnh mẽ, giúp chợ nổi Cái Răng phát triển bền vững, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt và thực hiện Đề án Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng, tổng kinh phí 63 tỉ đồng với 13 hạng mục chính. Qua 6 năm, đề án đã thực hiện tốt phần gìn giữ bảo tồn, chú trọng nhiều vào công tác an sinh, cho 500 hộ gia đình vay ưu đãi để phát triển du lịch, tham gia mua bán tại khu vực Chợ nổi, hỗ trợ di dời nhiều bè nổi đến nơi neo đậu an toàn…

Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng văn hóa thể thao quận Cái Răng cho biết: Chợ nổi Cái Răng đã có một sự đổi thay cơ bản về hình ảnh, thông tin, cách ứng xử của thương hồ và đặc biệt là tạo kế sinh nhai cho người dân sống tại chợ nổi.

"Ngôi sao Phụng Hiệp" nơi đã từng tồn tại chợ nổi Ngã Bảy nay đìu hiu vì chợ tan rã. Công tác phục hồi 8 năm rồi nhưng chưa báo cáo kết quả

Hiện trên chợ có gần 300 tàu ghe neo để mua bán sỉ và lẻ hàng nông sản với lượng đầu ra đạt 2.000 tấn/tháng. Mỗi buổi sáng có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách tham quan. Giai đoạn 2 đang được triển khai đó là: trạm dừng chân, cầu tàu chợ nổi, du thuyền, nhà hàng nổi ven sông.  Lượng khách đến chợ nổi Cái Răng đã tăng bình quân từ 12-15% mỗi năm.

Du khách Trần Kim Hòa đến từ Đà Nẵng cho biết: Mình đến đây đã là lần thứ 3, ấn tượng nhất là người buôn bán cực kỳ mến khách

Còn tại Hậu Giang, vào năm 2015 thành phố Ngã Bảy đã khởi công dự án Bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước ệt vườn. Mục tiêu của dự án là tái hiện không gian trên bến, dưới thuyền. Tổng kinh phí đầu tư 35 tỉ đồng. Nhưng đến nay đã 8 năm mà vẫn chưa báo cáo kết quả hoàn thành. Dọc con sông Cái Côn là dãi bờ kè thô cứng, tàu ghe chỉ lác đác vài thương hồ bám chợ đìu hiu. Riêng những tổ hợp chợ nổi trứ danh một thời như: Ngã Năm, Trà Ôn, Long Xuyên, Châu Đốc, Cà Mau… đều đã tan rã hoặc được duy trì với quy mô rất nhỏ phục vụ giao thương đơn thuần.

Theo các chuyên gia, đối với chợ nổi, việc bảo tồn phải hài hòa lợi ích của thương hồ - nhà nông - du khách - nhà nước. Đặc thù của chợ nổi hình thành là để để mua bán, không có nhiệm vụ phục vụ du lịch nên bảo tồn hoạt động giao thương phải đi đầu, sau đó mới đến làm mới hoạt động giải trí.

Ông Lê Thanh Phong, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch ĐBSCL cho rằng: Người bán phải đủ nguyên liệu cung cấp, vật phẩm phải đủ chủng loại, chất lượng tốt và giá cả phải mềm, đảm bảo mua về bán lại là có lãi. Chúng ta phải giữ chợ nổi như cô gái 18, không thành bà già được. Ngành công thương có trách nhiệm giữ cho chợ sống, trên cơ sở đó mới xây dựng thành sản phẩm du lịch dựa trên tài nguyên có sẵn.

Thương hồ là "linh hồn" của chợ nổi. Còn thương hồ là còn chợ nổi. Ảnh chụp tại chợ nổi Cái Răng.

Hiện nay chất “sống” trên chợ nổi đã mất gần như hoàn toàn. Trong các đề án phục hồi, địa phương đều muốn tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, đờn ca tài tử trên ghe thương hồ. Thử nghiệm mô hình du lịch đường sông gắn với chợ nổi về đêm như một cách làm kinh tế đêm trên sông nước.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL cho biết: Cần phải kết nối chợ nổi với những con phố đêm vào bản đồ chung của ngành du lịch, có như thế người ta mới biết nhiều. Và gắn kết những chính sách chung về phát triển kinh tế ban đêm để tạo ra sức hút đầu tư.

Hiện nay, với quy mô thì chợ nổi Cái Răng được đánh giá là lớn nhất khu vực ĐBSCL. Để chợ nổi phát triển bền vững, Cần Thơ đang hoàn chỉnh đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chợ nổi Cái Răng đến năm 2030”.  Quan tâm sâu hơn đến văn hóa ứng xử của thương hồ; tổ chức loại hình nghệ thuật hoạt động cả ngày lẫn đêm… để tiếp tục nâng chất giúp chợ phát triển, làm cơ sở thu hút đầu tư.

Loại hình giao thương phản ánh sắc nét đời sống văn hóa, sinh hoạt của cư dân ệt sông nước Cửu Long như chợ nổi xứng đáng là di sản. Trăm năm qua với biến động của thời cuộc đã dần làm nhiều tổ hợp chợ nổi tan rã trong sự tiếc nuối. Mặc dù nỗ lực phục hồi nhưng kết quả có nơi lại không giống nhau.

Điều này đòi hỏi “Phục hồi chợ nổi phải đi vào những giải pháp thực chất” mới thực sự giúp chợ “sống” bền bỉ với thời gian:

Chợ nổi hình thành từ những năm đầu của thế kỷ 20, nhưng đang phát triển mạnh mẽ nhất cũng là lúc chính quyền địa phương ra những quyết định hành chính di dời với lý do cản trở giao thông đường thủy, ô nhiễm môi trường. Dần dần, nhiều chợ nổi lớn biến mất trên bản đồ sông nước mà Ngã Bảy là một điển hình.

Cái Răng cũng không ngoại lệ, nhưng vị trí di dời liền kề với nhà vựa và chợ trên bờ cho nên chợ nổi Cái Răng không “chết”. Chính vì còn quá ít những tổ hợp chợ nổi được duy trì trên sông để làm biểu tượng văn hóa sông nước cho vùng hạ lưu sông MêKông đã đòi hỏi địa phương và ban ngành hữu quan phải quan tâm đến công tác bảo tồn, tu bổ chợ.

Theo các chuyên gia về văn hóa, thương hồ chính là “linh hồn” của chợ nổi. Cho nên, phải duy trì và giữ gìn cho được nếp sống tự giác, tự quản, mua bán trôi chảy, không có xung đột tại chợ. Điều này thể hiện rất rõ ở chợ nổi Cái Răng khi thời gian qua, Chính quyền địa phương đã trợ giá hàng nông sản cho tiểu thương, cho tiểu thương vay vốn mở rộng kinh doanh, từ đó giữ chân thương hồ yên tâm mua bán. Còn thương hồ là còn chợ nổi.

Kế đến là phải bảo tồn không gian văn hóa "trên bến dưới thuyền". Tại hai chợ nổi Cái Răng và Ngã Bảy đều có hạng mục bờ kè ven sông vì mục đích ứng phó với sạt lở. Nhưng bờ kè đang cắt rời sự giao thương, giao lưu giữa thương hồ với trên bờ. Cần giải pháp xử lý bờ kè mang đặc trưng chợ nổi bằng cách hạ thấp độ cao lan can, làm nhiều cầu tàu lên xuống hàng hóa.

Theo cáo chuyên gia, cần chuẩn bị lộ trình chuyển đổi chợ nổi tự nhiên sang chợ nổi tự tạo. Khi giao thông hoàn chỉnh, chợ nổi rất có thể sẽ làm nhiệm vụ du lịch là chính.

Chúng ta cũng cần chuẩn bị sẵn lộ trình chuyển đổi từ chợ nổi tự nhiên sang chợ nổi tự tạo. Đến một lúc nào đó, giao thông đường bộ hoàn thiện thì chợ nổi chỉ còn lại để phục vụ du lịch. Vì vậy cần có lộ trình chuẩn bị, 5 năm hay 10 năm nữa, khi chợ nổi này "qua đời" thì vẫn còn chợ nổi nhưng chức năng lúc đó là để phục vụ du lịch.

Cần có chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế, vốn để thu hút các thương hồ hội tụ về chợ nổi mua bán, sinh sống, đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động bảo tồn và phát triển chợ nổi. Dẫu biết nhiều thương hồ đã bỏ chọn chợ nổi để men theo những con đường bê tông thẳng tắp với tốc độ di chuyển nhanh.

Nhưng chợ nổi vẫn là điểm đến đầu mối của phần lớn ghe hàng xuất phát từ các cù lao, bãi cồn và những địa phương ngăn sông lụy đò. Cho nên, tu bổ cho chợ và hỗ trợ thương hồ thì chợ nổi sẽ tồn tại tự nhiên.

Khi cuộc sống ngày càng phát triển theo xu hướng hiện đại thì những vẻ đẹp tự nhiên nhất lại càng khó bắt gặp, con người càng muốn được quay về với những gì đơn giản nhưng lại mang nét đẹp của sự mộc mạc. Việc bảo tồn và tu chợ nổi là điều hết sức cần thiết. Đó không chỉ đơn thuần là giữ gìn mà còn là những hoạt động nhằm phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ra cộng đồng các dân tộc trên thế giới.