Phòng chống TNGT đường thủy: Cần quản lý chặt từ chủ tàu thuyền, bến thủy

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT đường thủy là do người điều khiển phương tiện thuỷ không tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa như: Chở quá quá mớn nước an toàn; chưa tuân thủ hệ thống báo hiệu trên tuyến, luồng đường thủy...

Vừa sắp xếp lại hàng loạt chiếc áo phao khách vừa cởi ra, bà Nguyễn Thị Huyền, chủ bến phà Chu Minh (huyện Ba Vì, Hà Nội) lại lẩm nhẩm đếm cho đủ số áo phao rồi mới xếp lên giá.

Với bà Huyền, có thể không nhớ bao nhiêu khách đã đi trong ngày, nhưng nhất định phải nhớ đủ số áo phao, để mỗi khách lên phà đều có sẵn, nhất là với học sinh:

"Các cháu chỉ mất 1-2 buổi đầu tiên là bỡ ngỡ, còn khi các cháu đã vào guồng rồi, các cháu quen thì lên là các cháu sẽ tự động lấy áo phao để mặc, ngồi ổn định chỗ để phà di chuyển".

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Truyền, một phụ huynh có con thường xuyên qua phà Chu Minh để đi học cũng chưa hết lo, mỗi khi con đi học, nhất là vào mùa mưa bão:

"Ví dụ mùa tháng 3, tháng 4, hay mùa mưa bão thì chỉ sợ các con đi qua đò mùa giông bão thì nó nguy hiểm thôi."

Long An là địa phương có nhiều bến phà, bến khách ngang sông. Do vậy, công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện thuỷ luôn được các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân đặc biệt quan tâm, nhất là vào thời điểm mưa lũ như hiện nay.

Ở khu vực phía Nam, tại Bến phà Long Hựu Tây - Tân Trung, nối huyện Cần Đước, tỉnh Long An và TP Gò Công, tỉnh Tiền Giang, mỗi ngày phục vụ hơn 50 chuyến di chuyển ngang sông. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho hai đầu bến và tàu phà qua lại ngang sông, đặc biệt là vào ban đêm, luôn được các đơn vị chức năng, chủ bến theo dõi chặt chẽ.

Ông Phan Văn Dũng, thuyền trưởng phà Long Hựu Tây chia sẻ:

"Hành khách xuống đò, xuống phà thì mình nhắc nhở họ phải giữ an toàn, không cho hành khách chồm ra boong. Mình cũng nhắc hành khách cẩn thận, mặc áo phao vào."

Ông Nguyễn Hoài Phong, Uỷ viên Thường trực Ban ATGT tỉnh Long An cho biết, trên địa bàn tỉnh Long An đang quản lý 530 km đường thủy. Các lực lượng như:  Thanh tra giao thông, CSGT đường thủy; Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở GTVT và Cảng vụ III của Cục Đường thủy nội địa thường xuyên tuần tra, giám sát chặt chẽ. UBND tỉnh Long An cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên rà soát, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm, cũng như kết hợp công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho chủ bến và hành khách.

"Hàng năm, có kế hoạch kiểm tra liên ngành, gồm Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, Sở Giao thông và cảng vụ đường thủy nội địa, cảng vụ ba. Các đơn vị này tổ chức thành đoàn liên ngành để kiểm tra tất cả các bến khách ngang sông cũng như các phương tiện thủy và bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh", ông Phong cho biết.

Mặc dù có sự kiểm tra, giám sát và nhắc nhở thường xuyên, song theo thống kê của UBATGTQG, 11 tháng đầu năm, toàn quốc vẫn xảy ra 50 vụ TNGT đường thủy, làm chết 31 người, bị thương 6 người. So với cùng kỳ năm trước tăng hơn 2% về số vụ, tăng 3,33% số người chết, giảm 25% số người bị thương.

Theo thống kê của UBATGTQG, 11 tháng đầu năm, toàn quốc vẫn xảy ra 50 vụ TNGT đường thủy, làm chết 31 người, bị thương 6 người. So với cùng kỳ năm trước tăng hơn 2% về số vụ, tăng 3,33% số người chết, giảm 25% số người bị thương.

Ông Nguyễn Văn Loan, Trưởng Phòng quản lý kết cầu hạ tầng, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT đường thủy là do người điều khiển phương tiện thuỷ không tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa như: Chở quá quá mớn nước an toàn; chưa tuân thủ hệ thống báo hiệu trên tuyến, luồng đường thủy...

Bởi vậy, năm 2024, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã tổ chức 6 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trên cả nước; 3 đoàn kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tuyên truyền phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn 7 tỉnh, như: Lào Cai, Yên Bái, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Loan, năm 2024, Cục Đường thủy nội địa VN đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam thành lập đoàn liên ngành để thực hiện kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy tại một số địa phương khu vực ền Bắc, tới đây sẽ kiểm tra khu vực ền Trung. Qua kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 225 vụ vi phạm, phạt tiền hơn 1 tỷ đồng.

"Kiểm tra việc thi hành pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, công bố hoạt động khai thác bến thủy nội địa trên đường thủy nội địa phía Nam; Phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm trật tự tự an toàn giao thông đường thủy tại khu vực phía Nam. Tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trước, trong và sau tết", ông Nguyễn Văn Loan cho biết.

Đại diện lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN cũng cho hay, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về an toàn đường thủy, tập trung vào các đối tượng là chủ tàu thuyền, chủ bến thủy nội địa, nhất là việc trang bị áo phao, dụng cụ nổi, cũng như việc chở quá mớn nước, để góp phần giảm thiểu TNGT trên luồng đường thủy của cả nước./.