Phát thanh năng động trong môi trường số

Chuyển đổi số trong báo chí không chỉ là chuyển đổi về công nghệ, về cách làm, mà phải chuyển đổi về mặt tư duy, nhận thức, từ cấp quản lý, lãnh đạo cho đến các khâu, các công đoạn của quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm báo chí.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 16 năm 2024 chủ đề “Phát thanh Việt Nam - đa dạng trong chuyển đổi số” đang diễn ra tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa với sự tham gia của 81 đơn vị phát thanh, truyền hình khắp toàn quốc.

Trong khuôn khổ chương trình, Hội thảo nghiệp vụ “Chuyển đổi số phát thanh thực tiễn quốc tế và Việt Nam” diễn ra trong ngày 12/7 đã mang tới bức tranh toàn cảnh về những bước chuyển đổi của phát thanh hiện nay không bỏ lỡ cuộc cách mạng AI.

Nhiều trang điện tử ở Việt Nam đã ứng dụng chuyển đổi số như sản xuất podcast tin tổng hợp, lọc bình luận của độc giả, kiểm tra từ khóa trong bài viết, dịch văn bản, tóm tắt tin, soát chính tả... Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Giám đốc Vietnamplus thông tin tại Hội thảo, trang Vietnamplus cũng tạo ảnh nh họa, trực quan hóa dữ liệu, sản xuất podcast trên nền tảng loa thông nh.

Ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam

Các khâu sản xuất tin tức, dùng AI để hiểu độc giả, sản xuất các sản phẩm đa phương tiện khác đang dần được đưa vào giai đoạn sản xuất tác phẩm báo chí, truyền thông. Báo Thanh niên đã ứng dụng AI hỗ trợ sắp bài tự động trên trang chủ, gợi ý tin liên quan đến hành vi của độc giả. Kênh VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đang nghiên cứu ứng dụng Chatbot được nâng cấp bằng trợ lý ảo ra lệnh bằng giọng nói, đọc các tin tức tổng hợp bằng AI.

“Tuy vậy, chuyển đổi tại nhiều cơ quan báo chí mới chỉ ở mức độ số hóa. Có nhiều công nghệ như ứng dụng AI, Big Data, Blockchain,… chưa phối hợp nhuần nhuyễn và chuyên sâu”- đây là nhận định của ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam.

Quá trình chuyển đổi số, ứng dụng AI ở một số cơ quan báo chí tại Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chị Nguyễn Thị Thùy, biên tập viên Đài phát thanh, truyền hình Hưng Yên thông tin, đơn vị đã thử ứng dụng AI trong sản xuất nhưng phải đầu tư kinh phí lớn và gặp nhiều vấn đề bản quyền khi đưa lên các nền tảng số.

Theo cuộc khảo sát INMA tháng 5 năm 2023, 50% lãnh đạo tòa soạn cho rằng sẽ tập trung đầu tư vào Data và AI. “Vẫn còn có nhiều rủi ro tiềm ẩn nhưng thực tế AI hỗ trợ các phóng viên, biên tập viên nhiều hơn họ nghĩ””, theo chuyên gia AI Francesco Marconi trưởng bộ phận R&D của WSJ.

Các đại biểu trải nghiệm sản phẩm AI gắn với chuyển đổi số

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Matthew O’’Sullivan, giám đốc Đài ABC News cho biết: Dù có ứng dụng AI hay không, vai trò của nhà báo luôn phải đảm bảo giá trị cốt lõi là đưa tới tin tức tin cậy, nhanh chóng. Công chúng có nhiều nguồn, nhiều nền tảng tiếp cận thông tin, làm thế nào để ứng dụng các nguồn lực tạo ra thông tin có giá trị hơn nữa phục vụ công chúng.

Điều quan trọng trong chuyển đổi số là yếu tố con người, ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN nhấn mạnh: “Muốn chuyển đổi số phải bắt đầu từ con người, tư duy, nhận thức, lực lượng sản xuất, sau đó mới đến phương thức sản xuất là ứng dụng công nghệ”

Chuyển đổi số trong báo chí nói chung và phát thanh nói riêng không chỉ là chuyển đổi về công nghệ, về cách làm, mà phải chuyển đổi về mặt tư duy, nhận thức, từ cấp quản lý, lãnh đạo cho đến các khâu, các công đoạn của quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm báo chí.

Để phát thanh có thể năng động hơn trong môi trường số, vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm là tập trung đào tạo nhân lực. Đây là giải pháp mang tính đột phá, có ý nghĩa quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của các cơ quan báo chí nói chung và phát thanh nói riêng trong thời kỳ mới.