Nông nghiệp tuần hoàn - nông dân là chủ thể

Trong “Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050”, Bộ NN&PTNT đặc biệt chú trọng xây dựng các chuỗi kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nhằm tận dụng các nguồn phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi, chất thải chăn nuôi làm phân bón đem lại hiệu quả kinh tế...

Đến xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, hỏi thăm nông trại của Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong hầu như bà con nào cũng biết. Bởi nhờ ứng dụng mô hình nông nghiệp khép kín, nông trại này thu về lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm, một con số đáng ao ước với bất kỳ nông dân nào ở đây.

Dắt chúng tôi tham quan nông trại, bà Lữ Thị Nhật Hằng - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong, phấn khởi cho biết, danh mục sản xuất của nông trại đăng ký là phát triển điện áp mái phía trên và sản xuất nông nghiệp phía dưới; đồng thời, bà cũng tận dụng khoảng trống phía dưới nông trại để phát triển mô hình trồng nấm, nuôi trùn quế, trồng rau sạch và nuôi thủy sản:

'Tuần hoàn có nghĩa là chạy theo một vòng từ nguyên liệu đầu vào, đầu ra khi đã thành phẩm là những vật nuôi, rau sạch. Chị đi học trồng nấm rơm, nuôi trùn, nuôi gà, nuôi bò và tiến hành nuôi trồng. Nói chung là phải va chạm, làm hết. Mấy anh em trong nghề và các bác nông dân chỉ nhiệt tình lắm' bà Hằng cho biết.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn mang lại nguồn lợi to lớn cho người nông dân (ảnh nh hoạ: baocantho.com.vn)

Với mục tiêu tối ưu hóa nguồn vốn và công năng sử dụng trên diện tích đất hiện có, công ty đã mạnh dạn xây dựng và đưa vào vận hành 10 nhà nấm với tổng diện tích 350m2.

Sau khi thu hoạch nấm xong, chị sẽ dùng bả rơm thải ủ men vi sinh tạo thành phân bón hữu cơ để trồng cỏ voi, rau và nuôi trùn quế. Cỏ voi sau thời gian trồng và phát triển trở thành nguồn thức ăn cho bò. Chất thải từ bò lại được tái sử dụng trở thành thức ăn cho trùn quế sinh trưởng tốt. Trùn quế được tận dụng làm thức ăn cho gà, vịt, cá.

Bà Lữ Thị Nhật Hằng cho biết thêm: 'Diện tích đất rất hạn chế. Ở đây, khu vực của tôi khoảng 8.000m2 thôi. Nhưng có thể làm được nhiều mô hình chăn nuôi khép kín. Tôi nuôi cá, trên cá sẽ làm những sàn nuôi vịt sạch. Tôi dùng phân cho cá ăn. Tôi nuôi trùn cho cá, gà, vịt trong trại ăn. Rơm thì tôi làm nấm. Những mô rơm thải tôi sử dụng làm giá thể đẻ cho trùn, trồng cây, bón phân cho cây, rau sạch. Hiện tôi đã ra được nấm rơm, gà, trùn; phân trùn tôi cũng đã bó được cho bà con vòng vòng đây trồng cây'.

Thực tế, trước áp lực về chi phí vật tư nông nghiệp, người dân cũng đang dần thay đổi tư duy trong sản xuất, chủ động tìm kiếm những giải pháp tiết kiệm nhưng vẫn mang lại giá trị cao. Và nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ… được xem như cứu cánh cho nông dân.

Nhận định về lợi ích và khả năng nhân rộng của các mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở địa phương, ông Trần Văn Huyến – Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: 'Sản xuất manh mún như xưa giờ sẽ không phát triển được. Nông nghiệp bây giờ phải tuần hoàn, nông nghiệp giờ phải là nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị chứ không phải theo hướng tăng sản lượng nữa. Chất lượng, giá trị mới quan trọng. Làm sao huyện Phụng Hiệp có nhiều mô hình tuần hoàn như thế này, chứ không phải một mà là nhiều mô hình, 1-2 công đất thôi mà tuần hoàn cũng là giá trị hơn rồi'.

Không riêng gì Hậu Giang, thời gian qua, trước áp lực giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nhiều nông dân ĐBSCL đã quan tâm hơn đến các giải pháp tiết kiệm phân bón và thuốc trừ sâu; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân gia súc gia cầm đã được xử lý hoại mục thay thế phân bón hóa học.

Ông Võ Thanh Nhàn, nhà vườn ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã có sáng kiến nuôi gà trên mặt ao, tận dụng phân gà cho cá ăn, sau đó lấy nước trong ao tưới cây và bùn ở đáy ao bón cho cây.

'Miếng vườn này trên 2.000 mét vuông nếu bà con bón phân mỗi năm mất vài chục triệu đồng nhưng tôi chỉ mất 2-3 triệu thôi, không sử dụng thuốc trừ sâu. Phân nếu bón thì chỉ bón phân trùn quế, vì con trùng làm tơi xốp đất. Mô hình này tiết kiệm phân bón, tiết kiệm nhân công đủ thứ luôn', ông Võ Thanh Nhàn cho biết.

Là một nước nông nghiệp, trung bình mỗi năm, nước ta tạo ra hơn 30 triệu tấn rơm rạ; hơn 10 triệu tấn cám và trấu; hàng triệu tấn cám cưa và thân, cành cây trồng; hơn 100 triệu tấn chất thải chăn nuôi... Theo các chuyên gia, nếu biết khai thác hiệu quả thì đây là nguồn tài nguyên có thể đem lại nguồn kinh tế lớn cho nông dân. Còn ngược lại, những phế phẩm trong nông nghiệp sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn đến chất lượng môi trường.

Cùng bàn về xu thế tất yếu của nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường- Trần Hồng Hà cho biết, việc xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, cùng với cả nước, ĐBSCL đã xây dựng nhiều chương trình, dự án để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

Chủ trương đã có, giải pháp cũng đã sẵn sàng, điều cần nhất lúc này có lẽ là sự gắn kết hiệu quả giữa “5 nhà”, trong đó nhà nông phải là chủ thể chính tạo ra sự thay đổi.

Với mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hơn ai hết, chính bà con phải là người dám nghĩ, dám làm, dám bước ra khỏi vùng an toàn để đón đầu cơ hội.

Nông nghiệp bền vững góp phần cải thiện môi trường sống (ảnh nh hoạ: kinhtemoitruong.vn)

Nông nghiệp tuần hoàn - nông dân là chủ thể, trung tâm

Trải qua những tổn thất nặng nề vì dịch bệnh, những thách thức của thiên tai, nông nghiệp đã khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Điều đáng mừng là những năm qua, nền nông nghiệp nước nhà luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư để không ngừng cải tiến.

Trong đó, nông dân ĐBSCL đã phát huy khả năng sáng tạo và thích ứng thông qua các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật.

Tuy nhiên, khi đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, chắc chắn sẽ luôn có những khó khăn song hành cùng thuận lợi.

Với nhiều nông dân ền Tây, “nông nghiệp tuần hoàn” dường như vẫn là khái niệm khá mới mẻ, và không phải ai cũng đủ niềm tin để chấp nhận thay đổi thói quen, kinh nghiệm đã hình thành từ nhiều năm.

Vậy nên việc cần làm trước tiên là giúp nông dân hiểu đúng, hiểu đủ về nông nghiệp tuần hoàn; giúp bà con nhận thấy những lợi ích mà hướng đi này tạo ra. Hiểu một cách đơn giản, đây là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín.

Chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này sẽ là đầu vào của quá trình khác thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.

Theo đó sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người.

Người nông dân có đất, có ruộng, có kinh nghiệm sản xuất và sẵn sàng chịu thương, chịu khó, tuy nhiên việc tiếp cận với xu hướng của thị trường và áp dụng tiến bộ khó học kỹ thuật với nhiều người đến nay vẫn là trở ngại lớn.

Chính vì vậy, bên cạnh việc được hỗ trợ về vốn, về kỹ thuật sản xuất thì thiết nghĩ nông dân cũng cần được quan tâm để chính họ biết chủ động cập nhật kiến thức, cập nhật những yêu cầu mới của xã hội.

Trong quá trình lan tỏa giá trị để nông dân tự tin áp dụng những cách làm sáng tạo, ngành nông nghiệp địa phương cũng cần quan tâm để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong nhận thức; thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ, tham quan với quy mô hợp tác xã, câu lạc bộ hay tổ sản xuất.. để giới thiệu đến bà con những mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã đạt hiệu quả.

Đó sẽ là nguồn cảm hứng lớn để bà con dám đổi mới và bắt kịp xu hướng tất yếu – nông nghiệp xanh và bền vững.