Nông dân miền Tây vào mùa thu hoạch cá ruộng

Nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi dã trở thành sinh kế của bà con nhiều địa phương tại ĐBSCL. Sau khoảng 3 tháng thả nuôi, thời điểm này, bà con đang bắt tay vào thu hoạch cá để chuẩn bị cho vụ Đông Xuân với không khí vô cùng nhộn nhịp

Những ngày này, di dọc theo Quốc lộ 61C, đoạn thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nông dân nuôi đang tất bật thu hoạch cá ruộng. Ngay từ sáng sớm, mọi người đã chuẩn bị các dụng cụ để bắt đầu công việc. Từ chiếc xuồng, lưới đến thùng đựng cá,....

Theo bà con, khoảng đầu tháng 7 đến cuối tháng 8 là thời điểm mọi người bắt đầu thả cả giống. Các loại thường được thả nuôi là cá chép, rô phi, mè hoa, mè vinh và một số ít cá tạp tự vào sinh sống. Nuôi cá ruộng không cần tốn công chăm sóc, thức ăn cho cá thì có sẵn trong ruộng, người dân chỉ đầu tư con giống ban đầu, lưới bao xung quanh ruộng rồi để cá lớn bình thường.

Lưới cước dùng để bao cá có thể tận dụng tới 3 hay 4 vụ sau mới cần thay mới nên tính ra chi phí đầu tư mỗi vụ cũng không cao. Suốt quá trình nuôi, bà con chỉ cần đi kiểm tra bờ bao, lưới cước chung quanh để gia cố lại đề phòng cá thoát ra bên ngoài. Trung bình một công đất ruộng, bà con sẽ thả nuôi từ 2-3kg cá giống.

Sau khoảng 4 tháng, nông dân sẽ tiến hành thu hoạch và năng suất bình quân đạt từ 50-60kg cá thương phẩm/công ruộng. Để thu hoạch một mẻ cá ruộng, bà con thường bắt đầu vào lúc sáng sớm. Đồ nghề của những người thợ là tay lưới kéo dài chừng 100m. Nhà nào có lưới thì kéo nhân công nhà, còn hộ nào không có thì mướn nhân công kéo với giá 200.000 đồng/lần.

Ông Trần Văn Lương, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang nói về vụ cá ruộng năm nay: Năm nay, nước nhỏ cá không lớn, 8 kg, 3 công. Thả có 8 kg cá, lát nữa là ghe cân. 1 kg như 8 ngàn đi. 7 ngàn mấy cũng như 8 ngàn rồi. Đợt này chắc thất rồi. Đợt này chắc thất, cá không lớn.

Nông dân ền Tây tất bật thu hoạch cá ruộng. (Ảnh: Nhật Minh )

Theo bà con, trước hôm kéo cá sẽ cho thương lái biết, có khi cá vừa kéo lên vỏ lãi là được cân tại ruộng, chịu giá trả tiền tươi. Với số cá nhỏ hơn, có hộ để dành ăn, chia cho người thân hoặc đem bán ở chợ nông thôn trên địa bàn. Tuy nhiên, thời điểm này, đang hầu như ruộng nào cũng tranh thủ thu hoạch để kịp xuống giống lúa nên nguồn cung tăng, giá cá bắt đầu hạ nhiệt. Chính vì vậy, hộ nào có điều kiện sẽ đem cá về trữ lại trong mương vườn để tết bán được giá cao hơn.

Hiện tại, Giá cá mè hoa khoảng 7.000-8.000 đồng/kg; cá sặc với cá xô (cá mồi) 6.000-7.000 đồng; cá chép 20.000 đồng/kg; cá rô khoảng 80.000 đồng/kg; cá lóc, cá trê khoảng 120.000 đồng/kg, tùy lớn nhỏ… mức giá này đã giảm so với đầu vụ.

Vừa tất bật kéo cá, ông Quách Văn Tươi, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, một hộ nuôi cá ruộng nhiều năm nay mỗi khi nước nổi cho biết: Cá này lúc hổm đầu mùa thì nó có giá lúc này nó rộ, nó cũng hơi rẻ, còn cỡ 7 ngàn mấy, 8 ngàn. Hổm được mười mấy ngàn. Giá giờ 7 ngàn, 7 ngàn rưỡi. Cá mè hoa, còn cá sặc với cá với cá lô, mua cá mồi thì cũng 7 – 8 ngàn. Nước nổi lên thì tận dụng được có thời gian ở không, phụ hợ thêm, cũng đỡ.

Ngoài kiếm thêm thu nhập, nuôi cá ruộng còn giúp diệt được phần nào mầm mống sâu bệnh cho lúa ở những vụ sau. Trong quá trình nuôi, cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, giúp vụ lúa tiếp theo giảm chi phí về phân bón. Ruộng nuôi cá có rất nhiều bùn nên vụ lúa tiếp sau vụ cá thường trúng hơn. Chính vì vậy, mà hầu như nhà nào cũng nuôi cá ruộng chứ ít ai bỏ ruộng không.

Ông Trần Văn Nhanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, bộc bạch: Mùa nước nổi, bây giờ kéo lên. Nhà nào cũng kéo, từ đây người ta kéo dài dài tới. Nhóc luôn.

Không riêng tại Vị Thủy mà nhiều địa phương khác của Hậu Giang như vùng trũng của huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, thay vì sản xuất vụ Thu Đông kém hiệu quả bà con bắt đầu tận dụng diện tích ruộng ngập nước để nuôi cá và mang lại hiệu quả cao. Sau khi hết mùa cá, chỉ cần bơm nước ra là có thể gieo sạ lại vụ lúa Đông Xuân.

Được biết, ngành nông nghiệp Hậu Giang phấn đấu chuyển đổi 2.000ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả trên địa bàn thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng lúa, nâng tổng chỉ tiêu phát triển diện tích nuôi thủy sản trên ruộng lúa năm 2023 lên 7.500ha, sản lượng đạt 11.634 tấn; hỗ trợ xây dựng 1 mô hình nuôi cá trên ruộng lúa theo hướng nâng cao giá trị gắn với liên kết cộng đồng với quy mô 200ha.

Ngành nông nghiệp xây dựng mô hình nuôi thủy sản trên ruộng lúa mẫu có hiệu quả cao để người dân học tập thực tế, nhân rộng trong sản xuất. Các địa phương có chính sách hỗ trợ người dân tăng gia sản xuất, chuyển đổi diện tích trồng kém hiệu quả, diện tích không đáp ứng đủ điều kiện sản xuất vụ Thu Đông sang trồng cây rau màu, nuôi thủy sản trên ruộng lúa để phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn và đảm bảo kế hoạch sản xuất của địa phương.