Nỗ lực bình ổn giá heo hơi trước đà tăng cao

Hơn 1 tháng qua, heo hơi được các thương lái thu mua tăng cao trên quanh mức 60.000 – 70.000 đồng/kg, giá mỗi ký thịt heo bán lẻ ở các chợ truyền thống và các cửa hàng, siêu thị tại nhiều khu vực trên cả nước cũng tăng thêm đáng kể từ 10.000-20.000 đồng.

Sau chuỗi ngày dài các tháng đầu năm giá heo hơi được thu mua ở mức thấp, có thời điểm chỉ 35.000 đồng/kg, thì đến tháng 6-2022, giá heo hơi tại hầu hết các địa phương trên cả nước tăng nhẹ, trung bình 54.000 - 61.000 đồng/kg.

Không dừng lại, từ đầu tháng 7, giá heo hơi đã tăng một mạch 10.000 - 15.000 đồng/kg và hiện dao động 65.000 - 72.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 75.000 đồng/kg.

Ghi nhận tại Tiền Giang, giá heo giống cũng tăng đến 1,4 triệu đồng/con, tăng 100 -200 ngàn đồng/con so với tháng trước. Giá heo thịt, heo hơi và cả heo giống tăng ở mức cao, người nuôi heo rất phấn khởi vì có lãi khá.

Theo các ngành chức năng địa phương, giá heo tăng lên do một thời gian dài giá thức ăn ở mức cao nên người dân Tiền Giang chậm tái đàn dẫn đến “cầu vượt cung”.

Hiện nay, đầu ra thuận lợi nên bà con đang đầu tư chuồng trại, chọn mua con giống tốt để tái đàn heo. Bà Nguyễn Thị Nở - Chủ trại heo 90 con tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: 'Nếu giá thức ăn đừng có tăng vọt thì giá heo này được. Heo giống thì hiện nay khoảng 1,4 triệu đồng người ta mới bán. Thịt ngoài chợ thì cũng tăng nữa, nếu heo lên, thịt ngoài chợ lúc nào cũng sốt, cũng đắt'.

Giá thức ăn tăng khiến người nuôi heo gặp khó khăn (ảnh nh hoạ: vov.vn)

Thịt heo được bày bán ở các sạp, kệ hàng tại siêu thị là có mức tăng mạnh nhất. Nhiều người kỳ vọng giá xăng hạ nhiệt sẽ tác động đến giá cả các mặt hàng thịt ở chợ, tuy nhiên, giá thịt heo vẫn đứng yên, thậm chí còn tăng hơn.

Theo khảo sát tại các chợ truyền thống tại Mỹ Tho, Cần Thơ, thịt 3 rọi thường (luôn sườn) có giá 125.000 đồng/kg, thịt đùi từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, sườn heo khoảng 180.000 đồng/kg, tăng hơn tháng trước từ 10.000 - 20.000 đồng/kg.

Nhiều tiểu thương cho biết, vài tháng trước, mỗi ngày có thể bán được 3 – 4 con heo, thì giờ đây, bán hết 1 con là mừng. Không khí bán buôn ở chợ thịt cũng vì thế mà trở nên ảm đạm: Thịt tăng lên nhiều, mọi lần mình bán thịt này tầm 70 ngàn đồng, bây giờ là hơn 90 ngàn...

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, dù giá heo hơi tăng nhưng người chăn nuôi không được hưởng lợi nhiều vì lượng heo trong trang trại chăn nuôi của người dân còn không nhiều: Nếu người mua thu gom heo từ hộ chăn nuôi thì không có bao nhiêu, vì từ đầu năm đến nay giá cám (thức ăn gia súc) tăng giá 6 lần nên người chăn nuôi không mặn mà với việc chăn nuôi. Trước đây nguồn cung heo hơi từ người chăn nuôi trong dân chiếm 70-80% thì bây giờ ngược lại nguồn cung 70-80% là từ các công ty lớn).

Theo các chuyên gia, thịt tăng giá, chủ yếu do giá heo hơi đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua, dưới tác động của chi phí đầu vào tăng phi mã. Bên cạnh dịch tả heo Châu Phi bùng phát, thì nguyên nhân chính là do một số thương lái đang gom heo xuất sang Trung Quốc. Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho biết: Mức tăng này của chúng ta vẫn còn đang thấp hơn so với các nước. giá của Philippines, Thái Lan đã ở mức 75 ngàn cách nay 3,4 tháng rồi, giá ở Trung Quốc cũng 90 – 100  ngàn vài ba tháng cả rồi.

Trước diễn biến giá thịt heo và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan và các địa phương thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt heo, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá.

Tại cuộc họp vừa diễn ra vào đầu tháng 8 của Bộ Nông Nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng khẳng định, Bộ và các ngành liên quan sẽ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để ổn định sản xuất, đảm bảo đủ nguồn cung thịt heo từ nay đến cuối năm.

Cùng với các giải pháp kiểm soát giá, Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển heo trái phép qua biên giới: Biên giới được siết chặt, heo không vận chuyển lậu qua biên giới như trước, nhưng việc mổ, hay vận chuyển heo mảnh sang Trung Quốc vẫn xảy ra. Do vậy cùng với thúc đẩy phát triển chăn nuôi nói chung, trong đó có chăn nuôi heo, tăng cường rà soát kiểm tra ở các tỉnh biên giới. Vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo được nguồn cung trong nước ổn định.

ảnh nh hoạ (ttxvn)

Nhiều đối sách chiến lược cũng đã được chuyên gia đưa ra, trong đó nhấn mạnh đến việc đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng. Đáng lưu ý là kiểm soát tốt giá thịt heo trên thị trường bán lẻ. Việc sản xuất thịt heo với quá nhiều khâu trung gian như hiện nay là khó khăn lớn nhất để kiểm soát giá.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam chia sẻ: Chúng ta cũng phải bình tĩnh trong điều hành, để làm sao bình ổn thực sự, mình không đứng về một phía mà vô tự hạ giáống, mà phải xem xét hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất trong nước. Chúng ta xây dựng nên một giá trên thị trường tiêu thụ thông qua các kênh hiện đại. Lúc này chúng ta không chỉ kiểm soát về giá mà con kiểm soát được nguồn cung và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một thống kê của Bộ Nông nghiệp cho thấy, hiện thịt heo chiếm 70% cơ cấu dinh dưỡng trong bữa ăn của người Việt, tức 70% thức ăn trên mâm cơm của các gia đình là thịt heo. Do đó, vấn đề kiểm soát giá bán lẻ là một bài toán cấp bách cần được các ngành chức năng giải quyết, trong bối cảnh, nhiều mặt hàng khác cũng cũng tăng giá như hiện nay, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Và những giải pháp được đưa ra, cũng cần chú ý đến lợi ích của người chăn nuôi, bởi vài năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi đã phải gồng mình để sản xuất, trong khi giá cả thức ăn, các chi phí đầu vào vẫn là gánh nặng rất lớn.