Trong Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất hai phương án tăng thuế thuốc lá. Phương án 1 là năm 2026 vẫn giữ nguyên mức thuế 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 đến 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.
Phương án 2 là năm 2026 khi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chính thức có hiệu lực, cùng với việc giữ nguyên tỷ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.
Từ những tác động tiêu cực của thuốc lá, đại biểu Dương Khắc Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông lựa chọn áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này theo phương án 2 vì hợp lý cho chính sách phát huy hiệu quả nhanh chóng trong thực tiễn, có khả năng giảm tiêu thụ nhanh hơn và ở mức độ lớn hơn:
"Tôi chọn phương án 2. Bởi thuốc lá gây nhiều tác hại cho sức khoẻ con người tác nhân chính gây ung thư như nhiều đại biểu đã nêu và bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn và ảnh hưởng chất lượng giống loài, bên cạnh đó thuốc lá gây ảnh hưởng sức khoẻ cho người khác, ảnh hưởng không khí môi trường, làm gia tăng các hoạt động buôn lậu gây ra nguy cơ cháy nổ và ảnh hưởng tới kinh tế, năng suất lao động và gánh nặng cho nền kinh tế"
Còn Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng cần căn cứ vào tình hình thực tế của ngành sản xuất, chuỗi cung ứng, nguyên liệu và nhu cầu tiêu dùng để tính thuế suất, lộ trình và mức tăng thuế.
Nếu việc tăng thuế quá cao và đột ngột có thể gây tác dụng ngược, như sản xuất sụt giảm, hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu gia tăng, không hạn chế được tiêu dùng, thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
"Đối với sản phẩm thuốc lá điếu đến năm 2030 mức thuế tuyệt đối cộng thêm áp dụng cả hai phương án do chính phủ trình đều là 10.000/bao, như vậy mức thuế TTĐB sẽ tăng thêm khoảng 42% ở PA1 và hơn 100% ở PA2. Việc tăng thuế đột ngột vào năm 2026 có thể làm gía bán sản phẩm tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng không thể giảm ngay với thời gian tăng thuế. Việc tăng thuế đột ngột như trên có nguy cơ dẫn đến tình trạng nhập lậu, trốn thuế gia tăng. Hệ luỵ của thuế tăng cao có thể ảnh hưởng tới việc sản xuất giảm, vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người lao động, người nông dân có hoạt động liên quan đến ngành sản xuất thuốc lá, ảnh hưởng tới an ninh biên giới, thu ngân sách giảm", ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh nói.
Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị cần xem xét thận trọng và căn cứ vào tình hình thực tiễn hiện nay của nước ta để cân nhắc, tính toán kỹ về mức tăng và lộ trình tăng, nhằm đảm bảo phù hợp, tính hiệu quả của chính sách và đạt được mục tiêu đề ra:
"Việc tăng thuế ở mức cao hay còn gọi là tăng sốc sẽ đạt được mục tiêu giảm cầu nếu chúng ta làm tốt công tác chống buôn lậu thuốc lá. Tuy nhiên nếu chưa thể làm tốt thì hậu quả rất tệ hại và mục tiêu giảm cầu không đạt được. Kinh nghiệm thế giới cho thấy nhiều nước sau tăng sốc thuế thì buôn lậu tăng hơn gấp 2-3 lần. Trước đây việc tăng thuế với mức độ hợp lý có thể không dẫn đến tăng quá cao buôn lậu thuốc lá. Tuy nhiên ở lần này việc tăng thuế sốc chưa có tiền lệ trong khi công tác chống lậu chưa đáp ứng yêu cầu sẽ là vấn đề hết sức cân nhắc để tránh những hệ luỵ tai hại gia tăng từ buôn lậu thuốc lá"
Trên lĩnh vực này, so với thế giới, Việt Nam nằm trong top các quốc gia có "giá thuốc lá rẻ nhất, thuế thấp nhất, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc nhiều nhất", dẫn đến thiệt hại về kinh tế, chi phí y tế mỗi năm 1,14% GDP.
Từ dẫn chứng này, Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề xuất phương án 3 với quan điểm bảo vệ các thế hệ hiện nay và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội, môi trường:
"Tôi trân trọng đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét thêm phương án 3 là phương án mốc năm 2026 là thuế suất 75% cộng thuế tuyệt đối 5000 đồng và tịnh tiến đến thuế suất 75% và thuế tuyệt đối 15.000 VNĐ/bao thuốc lá vào năm 2030. Đồng thời, cần có định hướng sau năm 2023 sẽ tăng mỗi năm lên tỷ lệ nhất định để tiến đến đạt các mục tiêu của công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Liên hợp quốc và mục tiêu phát triển bền vững của nước ta"
Phát biểu tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thuế tiêu thụ đặc biệt có một chức năng quan trọng là nhằm định hướng hành vi người tiêu dùng, để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Thực tế cho thấy việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, chi phí y tế của nước ta tốn nhiều vào việc điều trị các loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh tiểu đường và bệnh phổi.
Do vậy, đại biểu đề nghị: "Đối với thuốc lá tôi đề nghị chúng ta xác định mục tiêu 2045 – 100 năm thành lập nước thì Việt Nam trở thành quốc gia không hút thuốc lá. Và các quốc gia khác đang tiến tới một quốc gia không hút thuốc lá. Tôi đồng ý là cần cân nhắc lộ trình nhưng cũng phải quyết liệt trong việc này, không phải vì sợ buôn lậu mà chúng ta dễ dãi trong chuyện này".
Thuốc lá gây ra hậu quả nghiêm trọng, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do hút thuốc lá, và Việt Nam phải tốn khoảng 1 tỷ USD để chữa trị các bệnh liên quan. Trong khi đó, giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 6.000 - 20.000 đồng/bao. Do đó, nhiều đại biểu đồng tình với việc tăng thuế TTDB với thuốc lá nhưng cũng cần cân nhắc lộ trình phù hợp với thực tiễn của nước ta./.