Nhân viên y tế trường học không thể thiếu, thực tế vẫn rất thiếu

Nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động nên đã cắt giảm nhân viên YTHĐ, chuyển công tác YTHĐ về trạm y tế các xã, phường phụ trách. Điều này đã tạo nên khoảng trống rất lớn trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

Đo thân nhiệt, kiểm tra huyết áp, tận tình hướng dẫn, tư vấn cho học sinh để giữ gìn, nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng nhằm bảo vệ bản thân trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 là công việc thường ngày của nhân viên YTHĐ, Trường Tiểu học Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bặc Liêu.

Trường Tiểu học Vĩnh Hậu A là một trong số ít các trường may mắn vì có hẳn một nhân viên y tế chuyên trách, đủ chuyên môn nghiệp vụ chăm sóc sức khỏe học sinh. Để duy trì hoạt động theo dõi sức khỏe học sinh thường trực, nhân viên y tế của trường đã được vào biên chế và hưởng mức lương kèm phụ cấp theo quy định hiện hành.

Ông Ngô Minh Khánh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hậu A cho biết sự cần thiết khi nhân viên y tế có mặt 24/24 tại trường lúc học sinh lên lớp: Có nhân viên y tế đã giúp cho nhà trường nhiều vấn đề như: tuyên truyền cho các em cách phòng bệnh, rồi nếu lỡ có xảy ra tai nạn khi hoc sinh đang học trong trường thì mình cũng sơ cứu kịp thời.

ảnh nh hoạ (phunuonline.com.vn)

Cũng trên cùng một địa bàn huyện Hòa Bình, nhưng Trường Tiểu học Vĩnh Bình C đã từ rất lâu không có nhân viên y tế. Trường buộc phải ký hợp đồng với trạm y tế ở xã. Việc ký hợp đồng với trạm y tế xã chỉ đảm bảo khám sức khỏe định kỳ cho học sinh một năm 2 lần còn hằng ngày vẫn không có ai trực ở phòng y tế trường học.

Ông Danh Bít – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Bình C, huyện Hòa Bình tỉnh Bạc Liêu cho biết: Y tế học đường không có biên chế,  phải hợp đồng theo vụ việc. Hợp đồng biên chế chỉ huyện đưa xuống và chỉ 1-2 trường có mà thôi. Chỉ khi nào có chuyện gì thì mới có nhân viên y tế, này nó hơi bất tiện. Mỗi lần họp các trường đều ý kiến nhưng huyện không giao biên chế.

Theo thống kê mới nhất của Vụ Giáo dục thể chất, Cục Quản lý môi trường y tế, công tác y tế trường học đang gặp nhiều khó khăn, còn khoảng 10.000 trường học chưa có nhân viên phụ trách về y tế. Đội ngũ y tế trường học cũng chưa được đào tạo, bồi dưỡng hằng năm. Chỉ có 30% trường có nhân viên y tế tiểu học chuyên trách và đạt chuẩn về nhân lực.

Theo Khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch 13/2016 của Bộ GD&ĐT quy định rõ: Nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên. Nhưng thực tế, người có chuyên môn từ trung cấp y trở lên cũng không ai chọn trường học để làm vì thu nhập lại khá thấp.

Điều này có thể thấy rõ nhất ở trường Trung học phổ thông Lê Thị Riêng, Thị trấn Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu. 18 năm trước, trường có hẳn nhân viên y tế trình độ y sĩ đa khoa nhưng với đồng lương ít ỏi, nhân viên đã xin rời vị trí này để công tác nơi khác.

Để giải quyết tình thế, Trường tự linh hoạt kí hợp đồng thời vụ với nhân viên bên ngoài. Nhân viên này xuất thân từ Ban Chăm sóc sức khỏe của huyện Hòa Bình, vui vẻ, nhiệt tình nhưng lại không đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ theo quy định.

Ông Huỳnh Thanh Bình – Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Thị Riêng cho biết thêm: Tuổi chị ấy cũng hơi cao, nhưng mà trong tình thế này buộc nhà trường phải lựa chọn để giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe cho các em chớ chị ấy chưa đáp ứng được chuyên môn. Nhưng để xin một biên chế chính thức cho nhân viên y tế thì lại khó, vì người có trình độ y sĩ mà vào làm nhận lương biên chế hơi thấp thì làm sao đảm bảo cuộc sống, họ không chịu làm.

Chế độ chính sách cho nhân viên y tế trường học cũng còn khó khăn, chỉ một số ít được hưởng phụ cấp 20% theo quy định. Kinh phí cấp cho y tế trường học quá hạn hẹp, chỉ duy nhất từ nguồn trích lại của bảo hiểm y tế, không có kinh phí tập huấn, giám sát, triển khai các hoạt động chuyên môn, truyền thông giáo dục sức khỏe... Chính những chính sách hạn hẹp này đã khiến các trường học khó giữ chân nhân viên y tế có trình độ.

Ông Huỳnh Thanh Bình – Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Thị Riêng cho rằng: Nếu chúng ta đáp ứng được mức lương tối thiểu giống như ngành y tế thì cơ may nhân viên có trình độ mới ở lại với trường. Có chế độ phụ cấp, lương chính… như vậy họ mới có khả năng làm được. Chứ còn hiện giờ thì chỉ có lương, họ sống không nỗi.

Cả nước hiện có gần 23 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên, chiếm tỷ lệ khoảng 1/4 dân số. Đây là nhóm đối tượng đang trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần, dần hình thành thói quen sinh hoạt cho cuộc sống sau này, vì vậy rất cần được chú ý trong giáo dục, rèn luyện, qua đó tạo thuận lợi, góp phần giúp các em phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.

Trong quá trình trưởng thành của các em, y tế học đường đóng vai trò quan trọng, vì lứa tuổi đi học là giai đoạn hoàn thiện thể chất, tinh thần, hành vi lối sống. Hơn nữa trong đời sống xã hội hiện đại hôm nay, môi trường trường học ẩn chứa không ít nguy cơ tiềm ẩn dễ phát sinh bệnh tật ở học sinh, sinh viên.

ảnh nh hoạ (vovtv)

Nhân viên y tế trường học không thể thiếu – thực tế vẫn rất thiếu

Bất kì một người mẹ nào khi gửi con vào trường học cũng đều có chung một mong muốn ngoài việc học chữ, con mình cũng được chăm sóc về thể chất và tinh thần, chí ít cũng ở mức bảo vệ an toàn sức khỏe. Rõ ràng y tế học đường mang ý nghĩa rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh nhưng thật khó hiểu khi công tác này lâu nay ít được các cấp quản lý quan tâm.

Việc thiếu nhân viên YTHĐ có trình độ chuyên môn đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và làm nảy sinh nhiều vấn đề đối với học sinh bậc học cao hơn. Bởi thời gian các em ở trường chiếm phần lớn trong ngày, nhất là khi công tác bán trú đang ngày càng mở rộng, nếu không được chăm sóc chu đáo, các em rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, các bệnh về răng ệng, tai nạn thương tích...

Nhiều ý kiến cho rằng, trường học không có nhân viên YTHĐ chuyên trách sẽ là “kẽ hở” để mầm bệnh phát triển, nhất là trong tình hình hiện nay, khi dịch bệnh truyền nhiễm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Thực tế cũng chỉ ra rằng, hoạt động YTHĐ không đơn giản chỉ là sơ, cấp cứu mà còn là tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe.

Triển khai các chương trình phòng, chống dịch bệnh cho học sinh. Xây dựng khung dinh dưỡng hợp lý, góp phần cải thiện sức khỏe, tinh thần cho các em.

Dù hằng năm, lãnh đạo ngành giáo dục có tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt. Về lâu dài, cần có sự đầu tư đồng bộ, bài bản cùng sự chung tay của các cấp, ngành. Trong đó, chính quyền các địa phương, ngành chức năng cần quan tâm bổ sung chỉ tiêu YTHĐ chuyên trách cho các trường.

Thiếu kinh phí cũng là nguyên dân dẫn đến việc duy trì tủ thuốc thiết yếu ở các trường. Không đủ chủng loại thuốc, thuốc quá đát cũng không có kinh phí để mua thay thế, thiếu tài liệu tuyên truyền phòng chống bệnh...

Bên cạnh đó, danh mục trang thiết bị, thuốc thiết yếu hiện nay cũng không còn phù hợp.  Bộ Y tế cần nghiên cứu để sớm ban hành danh mục mới về trang thiết bị, thuốc thiết yếu cho Phòng Y tế để học sinh được hưởng quyền lợi của mình. Qua đó, góp phần chăm sóc tốt nhất cả thể chất lẫn tinh thần cho thế hệ tương lai của đất nước

 

a