Nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn nhất cả nước hoạt động giai đoạn 2

Sáng 30/8, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) đã được khánh thành, mang lợi ích cho khoảng 2 triệu người dân trên địa bàn 8 quận phía nam TP.HCM.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng là một hạng mục thuộc dự án cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (Giai đoạn 2), tổng mức đầu tư là 11.300 tỉ đồng, từ vốn vay ODA Nhật Bản và nguồn đối ứng trong nước.

Dự án có quy mô, khối lượng thi công và các công trình rất lớn, có lưu vực phục vụ với diện tích 2.530ha trên địa bàn 8 quận, huyện Phía nam TP.HCM (gồm quận 4, 5, 6,7, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh), dân số khoảng 1,8 triệu người.

Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng sau khi hoàn thành giai đoạn 2 đã nâng công suất lên 469.000m3/ngày đêm, tăng thêm 328.000m3/ngày đêm so với giai đoạn 1.

Chia sẻ thông tin về dự án, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư) cho biết, với việc đưa vào vận hành hệ thống thu gom, cống bao và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng hôm nay thì chúng ta có công suất 469.000 m3/ngày đêm, lớn nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.

“Khi hệ thống vận hành toàn bộ nước thải của trung tâm thành phố với tổng diện tích 3000 ha, với khoảng 3,4 triệu dân sẽ được thu gom về nhà máy này không xả trực tiếp ra kênh rạch. Như vậy ô nhiễm tuyến kênh Tàu Hủ Bến Nghé sẽ được xử lý. Riêng hạng mục nạo vét kênh Ngang số 1 và kênh Tàu Hủ thuộc sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2024”, ông Phúc chia sẻ.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư) cho biết, tới đây hàng loạt các công trình trọng điểm thành phố cũng sẽ về đích trong tháng 9 này như hầm HC2 Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, Cầu Nam Lý, cầu Bà Dạt, đường Tên Lửa..

Trong giai đoạn 3, TP.HCM sẽ nâng công suất xử lý nước thải của nhà máy lên 512.000m3/ngày đêm. Từ đó sẽ xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của người dân với diện tích lưu vực 4.000ha, tổng số dân cư khu vực khoảng 3 triệu người.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Xuân Cường – Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hai nhiệm vụ trọng tâm Thành phố phấn đấu triển khai thực hiện đến năm 2030 đó là, công tác thu gom và xử lý 100% lượng nước thải sinh hoạt tại 12 lưu vực thoát nước của Thành phố với tổng khối lượng khoảng 3 triệu m3/ngày và thu gom xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế 100% khối lượng rác thải trên địa bàn Thành phố.

“Đến nay, khi đưa nhà máy Bình Hưng vào vận hành sẽ nâng tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải của Thành phố từ 20,6% lên thành 40,8% và dự kiến đạt 71,3% vào năm 2025 sau khi đưa nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công suất 480.000m3/ngày vào hoạt động, dự kiến sẽ được khánh thành trong dịp 2/9/2025”, ông Bùi Xuân Cường cho biết.

Ông Bùi Xuân Cường phát biểu tại buổi lễ khánh thành nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (Giai đoạn 2).

Ông Sugano Yuichi, trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng việc hoàn thành hai dự án này không chỉ góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nước mà còn giảm đáng kể tình trạng ngập lụt ở khu vực phía Nam TP.HCM:

“Chúng tôi cũng mong muốn hợp tác sâu hơn với TP.HCM trong việc mở rộng mạng lưới thoát nước thải và tăng công suất xử lý nước thải, nhằm nâng cao phạm vi cung cấp dịch vụ và cải thiện điều kiện sống. Vì vậy, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với phía thành phố để chuẩn bị và triển khai dự án Cải thiện Môi trường nước thành phố giai đoạn 3 trong thời gian tới”.

Đại biểu trồng cây lưu niệm trong vườn cây hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản như một biểu tượng cụ thể của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa 2 đất nước.

 

Dự án được thực hiện với mục tiêu hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, giải quyết tình trạng ngập tại các điểm ngập trong lưu vực; nạo vét, cải tạo các tuyến kênh Tàu Hũ, Bến Nghé, kênh Ngang số 1, 2, 3 và một phần kênh Hàng Bàng.

 Sau gần 20 năm triển khai Dự án cải thiện Môi trường nước thành phố giai đoạn 1 và giai đoạn 2, đến nay từ một cù lao sình lầy, lau sậy đã trở thành một khu xử lý nước thải hiện đại, với công suất xử lý nước thải lớn nhất trong cả nước (tính đến thời điểm hiện nay sau công trình xử lý nước thải khác là Nhiêu Lộc - Thị Nghè, xây ở TP Thủ Đức, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á đang thi công).

Ngoài ra nơi đây không chỉ có chức năng xử lý nước thải đơn thuần mà đã được quy hoạch, xây dựng thành một "điểm đến xanh" với hàng chục ha cây xanh, phòng thí nghiệm, hệ thống quan trác để trở thành một điểm học tập, đào tạo, tham quan, giáo dục môi trường cho người dân thành phố, đặc biệt là những công dân trẻ.