Nguồn cung khan hiếm, giá cá thát lát lại chạm đỉnh mới

Sau thời gian “ì ạch”, giá thấp, hiện nay giá cá thát lát ở khu vực ĐBSCL liên tục tăng cao khiến người nuôi phấn khởi. Nguyên nhân là sau thời gian chạm đáy, bí đầu ra, người dân nghỉ nuôi, treo ao đã khiến nguồn cung sụt giảm đáng kể.

Cá thát lát ở ĐBSCL không hiếm, nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng nhất là cá thát lát Hậu Giang. Nuôi và chế biến cá thát lát, được xem là nghề “ăn nên làm ra” của nhiều bà con nông dân. Nhờ thổ nhưỡng cộng với nguồn nước phù hợp mà cá thát lát Hậu Giang có chất lượng “nhỉnh” hơn so với các vùng khác. Thịt cá săn chắc, giòn, dai hơn.

Sau thời gian dài giá cá xuống thấp kỷ lục, nhiều hộ buộc phải treo ao thì hiện nay giá cá đang quay đầu tăng giá mạnh đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi, nhưng lượng cá trong dân không nhiều.

ảnh nh hoạ (internet)

Năm ngoái, diện tích nuôi thủy sản của toàn tỉnh Hậu Giang là 8.135ha, trong đó, diện tích nuôi cá thát lát là 88ha, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn, hơn nữa giá thức ăn tăng mạnh khiến nhiều hộ buộc phải treo ao, một số ít nuôi cầm chừng chờ giá lên nên hiện số lượng cá nguyên còn trong dân không còn nhiều.

Là hộ chuyên nuôi cá nguyên liệu để tự cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến, một phần cung cấp cho HTX Kỳ Như, ông Phạm Văn Khởi, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang phấn khởi cho biết, giá cá thát lát đang tăng mạnh, cao nhất 2-3 năm nay, hiện thương lái thu mua tại ao hơn 70.000 đồng/kg, nhưng hiện nguồn cá trong dân không còn nhiều, chủ yếu cá còn tồn từ trước.

“Tính ra lãi suất cũng không có gì, bị gì số bà con mình tới thời điểm này có bán 60 mấy đến 70 ngàn vốn hết rồi. Nói chung giá cũng khởi sắc, cuối cùng tính chi phí cũng không có lãi đâu, nhưng được cái cũng không có lỗ. Cá mới mình bây giờ đâu có đâu, thời điểm đó mình đâu có bán được, mà nếu bán giá thấp quá thì lỗ, hàng thời điểm dịch đâu có đi đâu được đâu”, ông Phạm Văn Khởi nói.

Hiện HTX Kỳ Như có 28 thành viên, với diện tích nuôi cá thát lát nguyên liệu phục vụ sản xuất khoảng 18ha. Trung bình mỗi tháng cung ứng từ 30-35 tấn cá thát lát nguyên liệu để phục vụ chế biến, cung cấp cho thị trường.

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, những khách hàng cũ đã quay trở lại đặt những đơn hàng và một số khách mới. Hiện giá nguyên liệu tăng nên lợi nhuận thấp. Hiện giá cá thát lát là 70.000 đồng/kg, riêng tuần trước đó là 75.000 đồng/kg. Giá thành phẩm hiện tăng khoảng 10%-15%, nhưng HTX tăng lên từ từ, không lên giá đột ngột để giữ khách hàng”.

Trong khi đó, hiện Công ty TNHH Tân Hậu Giang đang liên kết với nhiều hộ nuôi trong đó có 3 hộ nuôi chính trên 13ha, bắt tối đa khoảng 4 tấn/lần, tùy thuộc vào số lượng bán và hàng dự trữ. Hiện giá cá thát lát đang tăng cao, dao động từ 70.000-75.000 đồng/kg. Giá thành phẩm hiện tăng gần 20%, nhưng giá bán ra tăng chậm do đơn vị có nguồn hàng dự trữ, giá bán ra là giá bình quân.

Bà Lý Hồng Tiên, Giám đốc Công ty TNHH Tân Hậu Giang cho biết: “Hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ cá thát lát. Đây là tín hiệu vui vì khách hàng chấp nhận, thị trường chấp nhận, có nhu cầu thì mới có nhiều nhà sản xuất mới tham gia vào thị trường. Qua đó, giúp cho nhiều người biết đến hơn sản phẩm từ cá thát lát của Hậu Giang. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh của nhiều đối thủ, muốn đứng vững, phát triển buộc phải thay đổi tư duy, làm các sản phẩm nào phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, càng nhiều càng tốt thì xem như cũng là động lực để mình phát triển”.

Qua rà soát của tỉnh, hiện trong tổng số hơn 100 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên cấp tỉnh, tính riêng các sản phẩm từ cá thát lát có 18 sản phẩm 4 sao; 6 sản phẩm 3 sao của 6 chủ thể. Tập trung nhiều nhất ở huyện Phụng Hiệp, thành phố Vị Thanh và thị xã Long Mỹ.

Có thể thấy, do nguồn cung ít nên giá cá tăng cao, trong khi thị trường tiêu thụ nhiều. Tuy giá cá thát lát tăng nhưng nông dân cũng không dám thả nuôi nhiều vì sợ cung vượt cầu, thua lỗ.

Do đó, để ổn định đầu ra lâu dài rất cần sự quy hoạch vùng nuôi bài bản, gắn với liên kết với đầu ra để ổn định vùng nuôi vừa đảm bảo nông dân có lãi sau mỗi vụ.