Chiều cuối tuần, một góc nhỏ trên con đường Nguyễn Phi Khanh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi ghé lại cửa hàng sửa khoá của chú Nguyễn Văn Tuấn. Gọi là cửa hàng thế thôi, chứ cái tiệm nho nhỏ chừng 6 mét vuông, cùng xe đồ nghề bên cạnh chiếc mát cắt cùng, chiếc máy Ê-Tô, là cơ man các loại ổ khoá, chìa khoá, dũa, kìm, được đặt gọn gàng trước cửa. Người đàn ông với mái tóc pha sương, làn da ngăm rám nắng, cùng khuôn mặt đôn hậu luôn thường trực nụ cười đậm chất Nam Bộ.
Đôi tay của người thợ khoá đã trạc cái tuổi 50, vẫn đang tỉ mẩn, mài dũa chiếc chìa khoá nóng hổi vừa được đưa ra từ chiếc máy cắt. Đặt chiếc chìa khoá trong tay gọn gàng vào một góc nhỏ trên xe đồ nghề, chúng tôi ngồi lại trong gian nhà nhỏ phía sau để nghe câu chuyện về cơ duyên đã đưa ông đến với cái nghề làm chìa khoá này.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn lại đông con, từ thuở niên thiếu, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tuấn đã rời quê hương để lên thành phố theo chân những người anh lớn trong gia đình lập nghiệp. Nhìn thấy những người anh làm nghề sửa khoá, ban đầu chỉ bởi thấy nó “hay hay”, mới bắt đầu tìm tòi, học hỏi rồi dần dà trở nên yêu cái nghề này.
3 thập kỷ gắn bó cùng những những chiếc chìa khoá, cũng chứng kiến đủ những thăng, trầm của nghề thợ khoá, ngắm nhìn tủ đồ nghề trong ánh mắt tràn ngập yêu thương lại pha lẫn chú trầm tư, ông tâm sự: “Hầu như là truyền thống, đời anh nối tiếp, nối tiếp vậy đó, còn chắc đến đời chú là hết rồi. Đức tính của mình là phải thật thà, làm phải siêng năng, làm phải đừng có tính tham lam, tham lam là làm nghề này không được.”
Với sự phát triển như vũ bão của các loại công nghệ khoá mới, những ổ khoá hiện đại với đủ loại công năng đem lại sự an toàn với tiện lợi cho những người sử dụng cũng nhan nhản khắp mọi nơi đã dần đẩy nghề sửa khoá truyền thống vào quên lãng. Những góc phố, con đường ở Sài Gòn hình ảnh người thợ khoá cần mẫn, trau chuốt mài dũa, cắt gọt những chiếc chìa khoá. Hay, hình ảnh dòng người xếp hàng dài chợ đến lượt đánh chìa, sửa khoá cũng dần chỉ còn là quá khứ.
Gắn bó và yêu cái nghề thợ khoá đã quá nửa cuộc đời, nhìn cái nghề truyền thống của gia đình được truyền qua tay các anh lớn rồi đến mình cũng dần dần mai một, chút bùi ngùi ẩn hiện trên đôi mắt cũng đã đầy vết chân chim của người đàn ông đã ngoài 50. Thoáng chút hoài niệm pha lẫn chút trầm tư: “Theo cái tuổi của mình thì mình thấy cũng buồn theo năm tháng. Thời thịnh hành của nghề thợ khoá này khoảng năm 90 đổ lên, hầu như sau này nghề khoá nó chững lại rồi, không phát triển được nữa rồi.”
Quá nửa đời người làm nghề thợ khoá, cái nghề mà đầy rẫy những cạm bẫy, cám giỗ. Bởi chỉ cần nhìn sai người, chọn sai chiếc ổ khoá để mở là có thể sa ngay vào con đường lao lý. Với chú Tuấn, chữ “ Tâm” của người thợ khoá luôn phải đặt lên hàng đầu. Cũng đã bao lần đến nhà khách để mở hộ chiếc két sắt, chiếc tủ thế nhưng với tình yêu và sự tôn thờ với cái nghề đã gắn bó với mình suốt ngần ấy tháng năm, chú luôn thờ ơ trước những cám dỗ ấy.
“Tại vì nhiều trường hợp chú mở ra, khách người ta bỏ đi ra đằng trước hay ra đằng sau gì đó mà mở ra mình thấy tiền, vòng vàng bạc gì đó là mình phải kêu chủ lên liền. Chứ mình không tự động mở coi cái đó được", chú Tuấn tâm sự.
Đang dở dang cuộc trò chuyện, thì có một vị khách hàng tìm chú để đánh chiếc chìa khoá dự phòng cho chiếc chìa khoá nhà trọ. Vội đứng lên đi ra chiếc tủ đồ làm khoá của mình, đôi tay nhăn nheo cũng đã đầy vết chai sần ấy lại thoăn thoắn đặt chiếc chìa khoá kẹp vào máy ê tô rồi tỉ mẩn cắt chiếc chìa. Thoắt cái, chiếc phôi chìa khoá đã thành hình, cầm chiếc chìa khoá mới còn nóng hổi trên tay, chú lại tiếp tục vừa mài, dũa vừa để hoàn thiện.
Đứng ngắm nhìn người thợ khoá với hơn 30 năm tuổi nghề ấy, mới thấy rằng những công đoạn tưởng chừng đơn giản lại đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và nhẫn nại biết bao. Buột ệng hỏi chú rằng, nếu một mai đôi tay ấy mỏi mệt rồi, chẳng còn tiếp tục với nghề làm khoá nữa thì chú có nhớ nghề lắm không? Chẳng chút chần chừ, chú đáp lại: “Nhớ, rất là nhớ chứ. Nhớ lại thời mình còn trẻ từng dầm mưa, dãi nắng ở ngoài đường ngoài sá làm cái nghề này mấy chục năm. Cũng có kỷ niệm vui, buồn theo năm tháng của mình.”
Gác lại cuộc trò chuyện vẫn còn nhiều dang dở để chú tập trung hoàn thiện nốt những công đoạn cuối cùng để giao lại chiếc khoá cho người khách đầu tiên trong ngày. Chiếc tủ đồ nghề cũ mèm, cùng người thợ khoá lão làng vẫn đang tỉ mẩn mài dũa cũng đã dần lùi về phía xa. Dẫu biết sự phát triển của công nghệ mang lại nhiều tiện nghi, và nâng tầm cuộc sống thế nhưng với những người sống hoài niệm, hình ảnh những chiếc xe sửa khoá, với máy ê tô, máy cắt cùng đủ loại ổ, chìa khoá treo lủng lẳng cũng dần vắng bóng trên những con đường, thoáng đâu đó vẫn có chút bùi ngùi và tiếc nuối.
SỐNG Ở SÀI GÒN: Ấm lòng mùa bão
Siêu bão Yagi đi qua để lại hậu quả thảm khốc và tang thương. Trong hoàn cảnh éo le và khó khăn nhất, tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của tất cả mọi người trên mảnh đất hình chữ S Việt Nam lại được tỏa sáng và lan rộng. Người dân tại TPHCM cũng thế, tất bật trắng đêm để gửi hàng hóa cứu trợ đến vùng lũ với mong muốn san sẻ những mất mát với đồng bào ền bắc thân yêu. .
Những ngày này nhìn thấy mưa lại thêm não lòng. Cơn thịnh nộ thiên nhiên để lại thiệt hại và nỗi đau quá lớn, làm tiếng khóc lấn át tiếng mưa, tiếng gió và cả tiếng lũ. Thiên tai trong phút chốc khiến một gia đình vốn đủ đầy, hạnh phúc giờ phải sinh ly tử biệt, cuốn đi bao giấc mơ vừa chớm nở và tàn phá mọi thứ đến hoang tàn. Con người trong hoàn cảnh ấy đau đến tột cùng.
Bão số 3 để lại nỗi đau thương bao trùm khắp mảnh đất hình chữ S, nỗi đau như mất đi tình thân “máu mủ ruột rà”. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” câu tục ngữ này có thể nói đúng trong hoàn cảnh hiện tại với mỗi người dân Việt Nam. Dù chẳng biết gì về nhau nhưng khi gặp hoạn nạn và khó khăn thì mối liên kết như thể tay chân được hình thành.
Chuỗi ngày qua là khoảng thời gian mà toàn dân tộc nhìn về phương bắc. Thông tin về bão lũ trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân nước ta. Cứ mỗi tin tức thiệt hại do bão gây ra là lòng dân lại trĩu nặng, rối bời.
Trong cùng cực của cái khó, tinh thần yêu nước, đoàn kết của dân tộc ta lại được thắp sáng. “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” - những lời kêu gọi chung tay, góp sức hướng về người dân vùng bão lũ được triển khai với quy mô ngày một lớn. Đó là hình ảnh lực lượng cán bộ, chiến sĩ kiên cường, bất khuất lao vào tâm bão ứng cứu cho dân; những chuyến xe, chuyến bay 0 đồng chở nhu yếu phẩm hỗ trợ đồng bào vùng lũ; số tiền mà toàn dân đóng góp gửi về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để cứu trợ và khắc phục sau bão ngày một tăng.
Tinh thần “tương thân tương ái” luôn được sản sinh trong dòng máu của dân tộc Việt Nam và truyền từ đời này sang đời khác. Tinh thần ấy được thể hiện qua hành động của bất cứ ai, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, mạnh yếu. Đó là hình ảnh người đàn ông khuyết tật, bán vé số ở Quảng Trị mang 200.000 đồng gửi vào thùng ủng hộ bà con vùng bão, hay là tấm lòng của Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thạch ở TP.HCM đem sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng từ tiền lương hưu trí, viết sách gửi đến nơi thiên tai và đặc biệt là các em học sinh dù còn nhỏ tuổi nhưng đã biết thấu hiểu, chia sẻ với ền bắc thân thương bằng khoảng tiền ăn sáng cùng những lời động viên ấm lòng…và còn có rất nhiều người luôn sẵn sàng hỗ trợ để cùng nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn.
Bão số 3 để lại sự tang thương và kiệt quệ trong tâm hồn. Nhưng ngày mai trời sẽ lại sáng, người còn phải kiên cường bước tiếp và những nỗi đau ấy theo thời gian sẽ dần được xoa dịu bằng sự yêu thương, sẻ chia của đồng bào cả nước. Rồi khi ấy “còn chồi thì sẽ nẩy cây”. Sau tất cả những đau thương mà cơn bão để lại còn là nghĩa tình ấm áp của dân tộc Việt Nam.
TIN YÊU
# Vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Vận động cứu trợ TP.HCM đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tại Lễ phát động đã có 91 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ với số tiền hơn 58 tỷ đồng, trong đó hàng hóa có trị giá 6,29 tỷ đồng.
# Mới đây, cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai hợp long 2 nhịp đầu tiên. Sau khi hợp long 2 nhịp đầu, các nhịp còn lại sẽ hợp long vào tháng 1/2025. Sau đó các đơn vị sẽ hoàn thiện mặt cầu, lắp lan can, chiếu sáng... để đưa vào khai thác dịp 30/4/2025. Cầu Nhơn Trạch dài 2,6km, là cây cầu lớn nhất đường vành đai 3 TP.HCM, thuộc dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.
# UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhằm hạn chế tình trạng chuyển giao trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân trên địa bàn TP.HCM.
# Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, nhất là trong thời gian học sinh đi học lại, các trường học ở TP.HCM đã nhanh chóng thống kê số học sinh chưa tiêm đủ mũi sởi, tăng cường phối hợp với ngành y tế tiêm chủng đủ mũi vaccine để phòng ngừa dịch bệnh, tránh lây lan diện rộng.