Thường thấy rõ nét nhất có lẽ là hình ảnh những người gác chắn tàu, với bóng áo xanh ngày ngày làm công việc của mình trước và sau mỗi chuyến tàu qua, bền bỉ và lặng lẽ như những ngọn đèn không tắt.
Đường Lê Duẩn, Hà Nội là con đường dài với đường tàu đi qua, giao với rất nhiều những con phố lớn khác. Cứ mỗi nút giao được cắt ngang bởi đường tàu, không khó để bắt gặp là những trạm gác chắn luôn sáng đèn bất kể ngày đêm.
"Công việc của mình thì chủ yếu là chú trọng an toàn là chính, mệt thì không phải là mệt, người ta gọi là sai một li đi một dặm. Làm không cẩn thận cái là… Vất vả chứ, đêm nào cũng phải làm đêm, chủ yếu là vất vả về đêm thôi. Bão lũ hay mưa nắng cũng phải ra ngoài trời. Đêm thì nhiều tàu, còn ngày đỡ hơn. Đêm thì nhiều tàu lắm, thức cả đêm để đón tàu".
Ban đêm lúc nào cũng nhiều tàu hơn ban ngày, áp lực thời gian cũng cao hơn. Trong đêm tối, thậm chí dưới cơn mưa nặng hạt, những người gác chắn tàu vẫn phải căng mắt quan sát đường ngang xem xe cộ đi lại ra sao để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người khi chuyến tàu sắp di chuyển tới.
Mỗi ca trực của người gác chắn tàu kéo dài 12 tiếng, thậm chí có lúc thiếu người thay ca, họ phải trực liên tục. Buổi sáng thì vẫy cờ, ban đêm họ trở thành “ngọn đèn” soi sáng cho những chuyến tàu qua. Chưa kể, còn có những chuyến tàu chạy không cố định nên mỗi ca trực đều đòi hỏi người gác chắn tàu phải luôn giữ sự tập trung, kể cả là thức xuyên đêm.
Với nam giới công việc này vốn đã vất vả, vậy mà đa số những người gác chắn tàu bộ hành bắt gặp đều là nữ. Càng gần ngày lễ, ngày Tết thì công việc của người gác chắn tàu càng bận rộn. Có những nữ nhân viên gác chắn chỉ mới gắn bó với công việc được hơn 2 năm, nhưng đã có năm phải trực vào đêm 30 Tết. Dù công việc có vất vả, nhưng với họ, đến với công việc này cũng là một cơ duyên:
"Nghề chọn người, tự nhiên có duyên, bao nhiêu việc không làm tự nhiên lại vào đây làm. Chị thì chị cũng mới vào được 2 3 năm thôi. Công việc hàng ngày của chị là ra đón tàu, ban ngày thì chỉ có vài chuyến thôi không nhiều".
Với những người làm nghề này, đây không chỉ là công việc, đó còn là trách nhiệm đối với sự an toàn hàng ngàn người, và sự tin tưởng mà xã hội dành cho họ. Bởi hơn ai hết, họ hiểu khó khăn của công việc này phần nhiều đến từ chính ý thức của những người tham gia giao thông.
Nhiều người chỉ vì muốn vượt qua nhanh hơn vài phút chờ tàu mà bất chấp cả sự nguy hiểm cho chính bản thân mình và những người xung quanh, thì lúc ấy, mới thấy hết được sự cương quyết của những ngọn đèn nơi gác chắn này:
"Chẳng hạn đóng chắn mà họ vẫn cố tình đi qua xong quẹt vào chân mình hoặc quẹt vào đầu chắn mình. Họ sai nhưng mà nhiều khi họ vẫn xuống gây sự, nhiều khi còn định đánh nhau ấy. Mình đã chuông, thổi còi, cầm cờ rồi nhưng mà lúc đâm vào họ cậy ô tô họ xuống ép mình. Hoặc có 1 lần xe chở hàng lúc vào sáng sớm, chở rau củ, tàu về chị đã đóng chắn rồi cố vượt qua xong đổ hết ra. Sợ xanh cả mắt, lôi xe với lôi hàng hóa ra".
"Cũng có những người thấy chuông đèn là đã dừng lại rồi, còn đa phần là cố vượt. Đường ở đây đông, lúc nào cũng trong tình trạng hoảng luôn, nhất là 8h sáng và 7h tối giờ cao điểm, đường thì đông, chỉ cần 1 kẽ hở là họ vẫn cố vượt bằng được".
Đường phố Hà Nội giờ tan tầm vốn đông đúc, việc chặn lại 1 dòng người đang vội vã di chuyển không phải chuyện đơn giản. Chính vì vậy, công việc của người gác chắn tàu dường như gắn với những lời phàn nàn, sốt ruột của không ít người đi đường. Nhưng họ không lấy đó làm phiền lòng, vì hiểu được giá trị của sự an toàn trên mỗi chuyến tàu qua là điều quan trọng nhất.
Mùa đông Hà Nội đang đến, mang theo những cơn gió mùa lạnh giá. Công việc của những người gác chắn tàu không vì vậy mà bị gián đoạn, bởi những đoàn tàu sẽ vẫn đều đặn tiến về phía trước mỗi chuyến, mỗi ngày. Bộ hành dừng chân chờ một chuyến tàu qua cùng người gác chắn tàu, để được thấy ngọn đèn nơi gác chắn thật gần, thật sáng tỏ.