Nghỉ lễ 2/9: Xu thế du lịch gần và tự túc

Dù không còn "nóng" như thời điểm nghỉ hè, song các tour du lịch dịp nghỉ lễ 2/9 vẫn được nhiều khách hàng quan tâm. Nhiều gia đình lựa chọn đi du lịch để khép lại một mùa hè và tạo hứng khởi cho trẻ con chuẩn bị vào năm học mới.

Tuy nhiên, thay vì đi du lịch hết toàn bộ thời gian nghỉ với những điểm đến xa, du lịch mạo hiểm, phám phá, nhiều du khách lựa chọn các điểm đến gần, ngắn ngày và tự túc. 

Sát kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, vé máy bay từ Hà Nội và TPHCM đến các điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước có chặng đã hết sạch, có chặng giá cao chót vót.

Đà Nẵng thu hút khách du lịch tới tham quan. Ảnh: Lao động

Ghi nhận của phóng viên,  từ 31/8 (bắt đầu kỳ nghỉ) đến 3/9 (kết thúc kỳ nghỉ), chặng Hà Nội - Đà Nẵng bay Vietjet Air đã hết vé các khung giờ đẹp; chiều đi ngày 31/8 chỉ còn các chuyến bay muộn, chiều về ngày 3/9 chỉ còn một chuyến bay sớm và vài chuyến muộn, giá vé ở mức rất cao 4,5 triệu đồng/vé khứ hồi. Mức giá đắt đỏ này cũng được ghi nhận trên hệ thống bán vé của Vietnam Airlines.

Một nhân viên Đai lý vé máy bay ABAY cho biết: "Tại vì năm nay máy bay một số hãng đã trả lại bớt rồi mà nhu cầu thì vẫn cao nên giá vé bị tăng lên nhiều so với các năm trước. Nếu đi trước đó hoặc đi những ngày khác xung quanh thì rẻ hơn. Đi Đà Nẵng thì là nhiều, em thấy đi Đà Nẵng toàn hết vé thôi".

Trước thực tế giá vé máy bay đến các điểm du lịch nổi tiếng trong nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… không có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nhiều người quyết định chuyển hướng sang du lịch gần.

Bạn Trần Trà My, sinh sống và học tập tại Hà Nội cho biết: "Du lịch mọi năm thì mình sẽ trích ra 1 khoản tiết kiệm để đi du lịch với nhóm bạn đại học. Đi các điểm du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang,.. du lịch thì đi máy bay hoặc đi tàu nếu gần. Còn năm nay, đợt này nghỉ 3 ngày nhưng quyết định ở lại Hà Nội vì giá vé máy bay cao, đi ít ngày thì phí. Giá vé bay nội địa còn đắt hơn bay quốc tế. Mà bay quốc tế đi Thái Lan thì cũng ngắn ngày quá, cũng chả bõ để đi. Mình quyết định ở lại Hà Nội, đi homestay với nhóm bạn ở Sóc Sơn Đồng Đò, 2 ngày 1 đêm. Đi gần, đi xe máy, giá rẻ, tiện với cả cũng không tốn kém".

Nắm bắt được xu thế này, các công ty du lịch lữ hành cũng chuyển đổi, mở rộng khái thác các địa điểm du lịch gần bên cạnh các điểm đến nổi tiếng. Theo ghi nhận, giá dịch vụ trong dịp này không nhiều biến động, nhưng khách đặt vào phút chót có thể chịu phụ phí hoặc giá cao hơn.

Đại diện Công ty Du lịch Viet Sun Travel nhận định: "Hà Nội, Hạ Long, Sapa, Ninh Bình là cái tuyến mà thường khách đi nhiều nhất tại vì nó dễ đi. Còn nếu mà ền Trung thì đi Đà Nẵng, Hội An, Huế. Thường các tour ền Bắc em sẽ làm là Sapa, Hạ Long và Ninh Bình 5 ngày 4 đêm. Thường cái tuyến này là cái tuyến ền Bắc khách đi đông nhất. Hôm nay dịp lễ rồi, giá nó cũng rất là cao".

Cũng qua theo dõi mức độ đặt tour, nhiều đơn vị lữ hành nhận định, dù là dịp nghỉ cuối cùng của mùa hè nhưng dịp nghỉ lễ 2/9 không quá sôi nổi như những kỳ nghỉ khác trong năm. Bởi lẽ, hầu hết các gia đình đã sử dụng quỹ du lịch trong thời gian 3 tháng hè.  

Bảo tàng gốm Bát Tràng (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn khó khăn, nhiều gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chuẩn bị mua sắm và đóng nhiều khoản phí cho năm học mới nên không “mặn mà” với các tour du lịch xa. Ngoài ra, thời điểm này, học sinh các cấp đã bắt đầu trở lại trường, nhiều gia đình không cho con đi nghỉ lễ được vì vướng lịch học ngoại khóa. Gia đình có trẻ nhỏ cũng lo sợ chuyến du lịch xa sẽ làm con trẻ mệt mỏi, ảnh hưởng đến năm học mới.

Chị Trần Thị An, một người dân sinh sống và làm việc tại Hà Nội chia sẻ: "Mấy ngày lễ đấy thì chắc chị cũng đưa các cháu đi chơi loanh quanh Hà Nội, lên bờ hồ với đi mấy cái di tích cho các cháu nó biết thế thôi. Vé viếc rồi ăn ở đi lại, đi xa cũng ngại. Chị nghĩ là quanh Hà nội đây cũng có nhiều cái hay".

Thực tế, việc giá vé máy bay tăng cao đã thay đổi xu hướng du lịch của nhiều người dân trong một vài năm trở lại đây như chia sẻ của chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân:

"Giá vé máy bay mà tăng lên thì nó sẽ làm giảm cầu đi lại, giảm thu nhập của người đi máy bay đó, khách du lịch chẳng hạn thì người ta không thể tăng cao hơn hoặc tăng tương xứng với giá vé máy bay nên sẽ làm giảm cái cầu.

Do đó người ta sẽ không đi lại bằng máy bay nữa. Du khách có thể đi du lịch tại chỗ, thuê những khách sạn hoặc những điểm vui chơi giải trí không cần phải đi lại nhiều, không cần sử dụng dịch vụ máy bay.

Một cái nữa là khách nước ngoài họ đến họ thấy thế là du lịch không thân thiện. Bởi vì thân thiện ở đây không phải thể hiện ở cái gì cao siêu cả ngoài chuyện nụ cười rồi tất cả cái dịch vụ, chất lượng cao rồi giá cả còn phải mềm nữa cơ. Do đó là có thể làm cho cái ngành du lịch về lâu dài sẽ giảm xuống".

Mặc dù được đánh giá là thị trường du lịch tiềm năng, tuy nhiên, những thay đổi trong hành vi du lịch của thị trường khách du lịch Việt Nam đòi hỏi điểm đến và doanh nghiệp cần có một cách tiếp cận đa chiều hơn trên nền tảng thấu hiểu du khách. Đặc biệt, các địa phương cũng cần có giải pháp thu hút khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày và thực hiện đồng bộ nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, tạo sự bền vững trong thu hút khách./.