Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng tại TP.HCM đã tích cực phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng. Qua đó, góp phần ngăn ngừa, phòng chống ma túy, thuốc lá điện tử, cũng như các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường, nhằm tạo điều kiện để các em học sinh có một môi trường học tập an toàn, lành mạnh, vui tươi và hạnh phúc
"Ngoài hương liệu và hóa chất, các đối tượng còn sẵn sàng pha trộn thêm những chất kích thích, chất gây nghiện khác, trong đó có ma túy. Hiện nay, ma túy tồn tại dưới rất nhiều hình thức khác nhau".
Với các dụng cụ nh họa trực quan, sinh động về tác hại của thuốc lá điện tử cũng như các loại ma túy, chương trình đã giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về sự nguy hại của chúng, đồng thời tránh xa ma túy.
Tại các điểm tuyên truyền, các em học sinh đã được tìm hiểu về tác hại của ma túy và thuốc lá điện tử; kiến thức cơ bản để nhận biết các loại ma túy; biểu hiện của người nghiện ma túy; thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy; kỹ năng phòng tránh tệ nạn ma túy và cách xử lý các tình huống liên quan đến các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, hay còn gọi là “ngáo đá”.
Học sinh Trần Gia Hân, Trường THCS Phú Hữu, TP. Thủ Đức, chia sẻ: "Buổi giáo dục và tuyên truyền hôm nay đã trang bị cho con những kiến thức vô cùng quan trọng và quý báu về tác hại của các tệ nạn xã hội như thuốc lá, thuốc lá điện tử và ma túy. Qua phần diễn kịch và tuyên truyền của chú công an, con đã được trang bị kiến thức về cách nhận diện các dấu hiệu và phương pháp phòng tránh hiệu quả. Từ đó, con có thể nâng cao ý thức và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng một cách tốt hơn".
Trung tá Nguyễn Thế Hoàng, Công an TP. Thủ Đức, cho biết trong thời gian tới, Công an TP. Thủ Đức sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đồng thời, lực lượng sẽ triển khai kế hoạch cao điểm tấn công, đặc biệt tập trung vào các khu vực dân cư xung quanh các trường học
"Trong công tác tuyên truyền, mục tiêu là giúp học sinh nhận thức rõ hơn về tác hại của ma túy và thuốc lá điện tử. Chúng tôi nhấn mạnh cho các em hiểu tác hại nghiêm trọng của những tệ nạn này, cách phòng tránh và nhận biết, đồng thời khuyến cáo tuyệt đối không sử dụng ma túy dù chỉ một lần. Bởi lẽ, khi đã sử dụng, cơ chế gây nghiện sẽ lặp đi lặp lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập và sức khỏe của các em. Vì vậy, học sinh được yêu cầu cam kết cùng giáo viên và báo cáo viên tuyên truyền không sử dụng ma túy dù chỉ một lần".
Những năm qua, tội phạm và tệ nạn liên quan đến ma túy diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều loại ma túy mới với hình thức lưu hành tinh vi. Vì vậy, việc nâng cao ý thức phòng chống các tệ nạn xã hội và tội phạm liên quan đến ma túy ngay từ học đường là nhiệm vụ hết sức cấp bách.
Ông Lê Trung Việt, đại diện Ban Cha mẹ học sinh, Trường THCS Phú Hữu, TP. Thủ Đức, cho rằng: "Hiện nay, các tệ nạn xã hội, ma túy nói riêng và các tệ nạn khác như là thuốc lá điện tử hay là mại dâm, bạo lực học đường nói chung là một trong những vấn đề nhức nhối trong xã hội cũng như trong môi trường học đường hiện nay. Có thể các em bị lôi kéo bởi bạn bè bởi sự tò mò hay thông qua các nền tảng mạng xã hội mà các em bị dính vào những tệ nạn này. Khi mà dính vào thì các em bị ảnh hưởng rất lớn về sức khỏe về học tập đặc biệt là có thể dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật".
Cô Ly Thị Thúy, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A1, Trường THCS Phú Hữu, TP. Thủ Đức, chia sẻ: "Trong các tiết sinh hoạt chủ nhiệm và hoạt động trải nghiệm, giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh không tò mò, không thử ma túy và không sử dụng thuốc lá điện tử dù chỉ một lần. Giáo viên cũng cho các em xem những đoạn phim ngắn về tác hại của ma túy và thuốc lá điện tử đối với con người. Bên cạnh đó, liên đội còn tổ chức một số hoạt động chuyên đề và các hội thi vẽ tranh về phòng chống ma túy và thuốc lá điện tử".
Hiệu trưởng Trường THCS Phú Hữu, TP. Thủ Đức, cô Nguyễn Ngọc Thảo cho biết: "Về phía nhà trường, chúng tôi cũng đang ra sức ngăn ngừa, phòng chống ma túy, thuốc lá điện tử, cũng như các tệ nạn xã hội không xâm nhập vào học đường, nhằm bảo vệ cho các em một môi trường học tập an toàn, lành mạnh, và thật sự vui tươi, hạnh phúc. Chúng tôi đang rất lo lắng về vấn nạn ma túy, thuốc lá điện tử và các tệ nạn xã hội, khi chúng đang có nguy cơ xâm nhập vào học đường. Vì vậy, chúng tôi cần phải nỗ lực hết sức để bảo vệ các em, tạo ra một môi trường học tập an toàn và lành mạnh".
Hiện nay, TP.HCM đang nỗ lực kiến tạo môi trường học đường hạnh phúc. Đây là nơi học sinh không chỉ được học tập mà còn được yêu thương, trải nghiệm các hoạt động bổ ích để khơi gợi tư duy sáng tạo và tinh thần tự học, rèn luyện thể chất tốt. Đây cũng được xem là "lá chắn lợi hại" ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, tránh xâm nhập vào môi trường học đường./.