Nặng gánh y tế cơ sở

Công việc dày đặc nhưng nguồn nhân lực lại thiếu và yếu đang khiến hệ thống y tế cơ sở của không ít tỉnh thành miền Tây dần trở nên quá tải.

Từng ghi nhận các trường hợp nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng lên đến 400-500 ca/ngày, đã có thời điểm, Tiền Giang vượt ngưỡng 1.000 ca nhiễm, chiễm chệ nằm ở tốp đầu các địa phương tại ĐBSCL. Bấy giờ, hệ thống y tế cơ sở địa phương chịu sức ép vô cùng lớn, đứng trước nguy cơ quá tải vì người ít, mà việc thì quá nhiều.

Trong cao điểm chống dịch, chị Trần Thị Kim Vân, cán bộ trạm y tế xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, trạm y tế chỉ có 6 nhân sự phụ trách 6 ấp với hơn 10.000 dân. Do đó các cán bộ, nhân viên của trạm phải nỗ lực gồng gánh công tác, san sẻ trách nhiệm cùng nhau. Nhiều lúc trước áp lực của công việc, họ đã phải tạm gác nghĩa vụ và những nỗi nhớ, niềm thương cho gia đình mình...

Theo ghi nhận, hầu hết các trạm y tế tuyến xã, phường, thị trấn ở Tiền Giang, hay Bến Tre đều rất mỏng về nhân lực.

Cụ thể, chỉ từ 6-7 biên chế nhưng phải xoay sở rất nhiều công tác từ việc xét nghiệm tầm soát, truy vết, lập hồ sơ xử lý, hỗ trợ các F0, F1 cho đến tham gia khử khuẩn địa bàn có dịch; tư vấn, tiêm vaccine hay tuyên truyền tận nhà cho bệnh nhân và người nhà… cũng như hàng loạt nhiệm vụ khác được giao…

Nỗ lực gấp 2-3 lần so với ngày thường, làm việc xuyên đêm đến độ bỏ ăn – mất ngủ, nhưng có nhân viên y tế cho biết công việc vẫn nhiều không xuể, rất vất vả và khiến họ kiệt sức...

___

Mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe Kênh Podcast chuyên biệt đầu tiên về đời sống của người dân vùng đất phương Nam: "Chuyện Mekong" trên nền tảng thiết bị di động; bằng cách truy cập vào các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); sau đó gõ từ khóa: Chuyện Mekong.