Nâng chất lượng thủy sản, thúc đẩy xuất khẩu bền vững

Những tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản khởi sắc rõ nét, tuy nhiên, để giữ vững mục tiêu xuất khẩu đã đề ra, đòi hỏi người nuôi, doanh nghiệp cần có sự chủ động và thực hiện các giải pháp đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, trong đó, cần hướng đến nâng cao chất lượng thuỷ sản.

Thống kê của Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, chiếm 52% sản lượng và 90% thương mại cá tra của thế giới; xuất khẩu tôm đứng thứ 2 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.

Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD và cá tra đạt 1,2 tỷ USD. Nhiều dự báo cho thấy, năm nay, ngành thủy sản sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá vật tư đầu vào cao, giá bán thủy sản nguyên liệu thấp, thậm chí có thời điểm giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, chi phí vận chuyển tăng cao.

 Để có nguồn nguyên liệu ổn định đảm bảo cung cấp cho các đơn hàng, chị Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, ngoài 3ha của đơn vị, HTX còn chủ động liên kết với các hộ nuôi trong vùng sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích 12ha. Nhờ đó, đơn vị có nguồn nguyên liệu đầu vào trung bình mỗi năm hơn 500 tấn cá thát lát: Khuyến cáo bà con mình ai cũng ý thức không nên sử dụng thuốc cấm để cho nguồn nước sạch, bảo đảm nuôi trồng hiệu quả và chất lượng để đáp ứng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

Còn tại thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX cá tra Thới An, cho hay, nhiều năm nay, người nuôi cá phải chật vật vì giá cả bấp bênh. Do đó, để theo được nghề, ông Hải cho rằng, bà con cần có tài chính và kinh nghiệm thì mới đạt được thành công: Người nuôi cá chuyên nghiệp thì hãy nuôi. Đó là ngành đặc thù, phải có chuyên môn, cá phải nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chứ đâu có phải dễ dãi, không an toàn, người ta đâu có lấy được. Tức là con cá mình giá trị xuất khẩu cao thì bây giờ nên đầu tư quy mô cho nó bài bản.

Theo Cục Thủy sản, để duy trì vị thế của Việt Nam cũng như hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước, công tác chuẩn bị tiếp các đoàn thanh tra nhằm chứng nh tính tương đương trong hệ thống quản lý của cơ quan thẩm quyền và năng lực thực thi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến cần được chú trọng.

Những tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản khởi sắc rõ nét (Nguồn: CafeF)

Bà Nguyễn Thị Băng Tâm, Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Hoa Kỳ và EU là những thị trường khó tính với những yêu cầu cao về kiểm soát dư lượng thuốc, hóa chất, nguồn gốc sản phẩm cũng như tính bền vững. Trong 6 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ và EU đạt 1,27 tỷ USD, đây là những thị trường giúp khẳng định uy tín, chất lượng của thủy sản Việt Nam.

Cũng theo bà Tâm, dự kiến đoàn thanh tra EU trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản sẽ thanh tra từ ngày 24/9 đến 17/10 để đánh giá hoạt động của chương trình kiểm soát dư lượng của Việt Nam đối với các sản phẩm được phép xuất khẩu sang EU. Đồng thời, thẩm tra độ tin cậy về việc đảm bảo thủy sản nuôi không chứa dư lượng theo quy định của EU. Nếu kết quả của đoàn thanh tra không đạt như mong muốn sẽ ảnh hưởng đến các thị trường khác.

Vì vậy, các địa phương cần nắm rõ các quy định về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản của Việt Nam và một số quốc gia nhập khẩu, quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại công đoạn nuôi và an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Băng Tâm cho biết thêm: Chúng ta phải làm tốt công việc, toàn bộ chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn tạm thời chia ra là có công đoạn nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ. Trong công đoạn nuôi kiểm soát con giống, nguồn nước, tác nhân gây ô nhiễm và thuốc kháng sinh.

Việc lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến tồn dư trong nuôi trồng thủy sản không chỉ gây hệ lụy rất lớn đến hệ sinh thái, nguồn nước, mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người sử dụng và mất uy tín của sản phẩm thủy sản trên thương trường.

Để hạn chế tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu: Phải cùng nhau dàn trận để cùng nhau kiểm soát các yếu tố chứ, thú y, cảnh báo, như thế mới giảm. Sử dụng kháng sinh phải được kiểm soát, thì phải nắm được và hướng dẫn. Phải tập huấn, hướng dẫn cho bà con, phải truyền thông thì mới làm được.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, để xuất khẩu thủy sản bền vững,  doanh nghiệp đa dạng sản phẩm xuất khẩu; thúc đẩy xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, điểm nghẽn ảnh hưởng đến xuất khẩu…