Năm lần, bảy lượt hoãn xử vụ 'con dâu khai tử bố mẹ chồng'

Phiên tòa xét xử vụ “Con dâu khai tử bố mẹ chồng” lại tiếp tục hoãn trong sự mòn mỏi của 2 người già năm nay 90 tuổi chờ công lý…

Vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An

Sáng ngày 14/1, dưới tiết trời giá lạnh của Hà Nội, vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An đến TAND Hà Nội từ sớm đến dự phiên xét xử vụ án tranh chấp đòi nhà với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Nhưng hơn 30 phút trôi qua, nguyên đơn, bị đơn và các đơn vị được triệu tập đều vắng mặt.

Đáng chú ý, theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nguyên đơn vắng mặt với lý do là F1 do tiếp xúc với F0 nhưng khi thư ký tòa liên hệ để hỏi thì lại không trình bày được các giấy tờ có liên quan.

 

“Thông tin từ chị Linh cho rằng mình đang là F1, tuy nhiên chị Linh và người bảo vệ quyền lợi cho chị Linh cũng chưa xuất trình được cho tòa án xác nhận của chính quyền địa phương, cơ quan y tế chị Linh là F1. Bởi vậy chưa có cơ sở tòa án xác định lý do của chị Linh là chính đáng.

Như vậy tòa án hoãn phiên tòa để xác nh, trong trường hợp mà kết quả xác nh của tòa án cho thấy chị Linh không đúng sự thật thì tòa án sẽ xác định Linh vắng mặt không có lý do và nếu như lần sau mở phiên tòa chị Linh tiếp tục vắng mặt không có lý do thì tòa án không giải quyết yêu cầu của chị Linh và chỉ giải quyết yêu cầu của 2 cụ là yêu cầu hủy bỏ các văn bản hành chính và trả lại nhà cho 2 cụ” – TS.LS Đăng Văn Cường nói.

Ngôi nhà và mảnh đất xảy ra tranh chấp thường xuyên khóa cửa, bên ngoài dán giấy ghi do đang tranh chấp nên không mua bán, chuyển nhượng

Chia sẻ với phóng viên VOV Giao thông tại tòa, vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An cho biết, 4 – 5 năm rồi, lần nào cũng thế, người có nghĩa vụ trong vụ án thì không có mặt, nay lý do này, mai lý do khác, tôi đã 90 tuổi rồi, gần đất xa trời rồi nhưng cứ phải đi đi lại lại đề đòi quyền lợi, sự thật cho mình. 

Theo hồ sơ vụ án, năm 1998, cụ Hợp chia cho con trai cả tên T. mảnh đất rộng hơn 180m2 sau khi con lập gia đình. Năm 2005, ông T. qua đời khi đã xây xong nhà.

Một năm sau, bà Viễn (vợ ông T.) đến Phòng Công chứng số 3 Hà Nội làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế nhà và đất.

Thông báo về việc khai nhận di sản ngày 4/7/2006 do công chứng viên Nguyễn Thanh Tú ký duyệt nêu rõ: "Người để lại di sản: Ông T. đã chết ngày 8/1/2005. Cha, mẹ đẻ của ông T. đã chết".

Khi nhận được văn bản, UBND phường Nhật Tân đã niêm yết thông tin về việc kê khai di sản thừa kế tại trụ sở. Trong đó có nội dung ghi ông bà Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An đã chết.

Năm 2015, con gái cả của bà Viễn gặp cụ Hợp và thông báo mẹ mình đã làm thủ tục nhận di sản thừa kế, sau đó làm sổ đỏ nhà đất và bán toàn bộ tài sản cho người khác.

Cụ Hợp sau đó tới UBND phường tìm hiểu và biết được chính con dâu đã khai tử bố mẹ chồng. Khi ông hỏi chuyện thì bà Viễn đã bán nhà, đất và sang tên sổ đỏ cho vợ chồng chị T.H. (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)./.